Bản tin dân tộc

Một số kết quả công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Cần Thơ từ năm 2018 đến nay

Trên địa bàn thành phố Cần Thơ, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tốt, việc bảo tồn và khôi phục những loại hình di sản đã và đang bị mai một như phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được quan tâm thực hiện.

Lễ Cầu an của người Khmer (tổ chức tại Phum, Sroc (xóm, ấp))

Tóm tắt một số kết quả đạt được như sau:

Đã tổ chức kiểm kê, ghi nhận 22 loại hình di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố, chủ yếu là dân tộc Hoa và Khmer, với các loại hình như: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian (ẩm thực, trang phục, y dược học cổ truyền, …).

Qua kiểm kê, rà soát, nhiều di sản văn hóa phi vật thể thuộc đồng bào các dân tộc vẫn đang được gìn giữ, sử dụng thường xuyên (tiếng nói, chữ viết; tập quán sinh hoạt tín ngưỡng) như Lễ Sen Đôn ta (cúng ông, bà), Lễ Cầu an của người Khmer; Lễ hội Chol Chnam Thmay, Lễ Ok Om Bok (cúng Trăng) của người Khmer; Lễ Vía Thiên Hậu thành mẫu, Lễ Vía Quan Thánh Đế Quân của người Hoa…một số di sản đang có nguy cơ bị mai một, thất truyền như nghệ thuật trình diễn Dù Kê (Rom Yu – Kê) của người Khmer, phong tục lễ cưới của người Khmer, kỹ thuật cắt may trang phục truyền thống của người Khmer…


Thành phố luôn tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer sinh hoạt văn hóa theo phong tục truyền thống (trong hình là lễ Dâng y của dân tộc Khmer)

Thực hiện các dự án khôi phục, bảo tồn các tập quán xã hội tốt đẹp, thành phố luôn tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc sinh hoạt văn hóa theo phong tục tập quán truyền thống, giữ gìn và phát huy các di sản của từng dân tộc như: các nghi thức trong lễ Dâng y của người Khmer; khôi phục và truyền dạy Nghệ thuật Dù kê của người Khmer; truyền dạy kỹ thuật cắt, may trang phục tu sĩ truyền thống, dân tộc Khmer; lễ Cầu an của người Khmer ở thành phố Cần Thơ… Giai đoạn 2018 - 2020, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện 02 dự án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể thuộc đồng bào các dân tộc như: Nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer ở thành phố Cần Thơ và Dự án bảo tồn và phát huy di sản “Lễ Cúng Bình an” của người Hoa ở quận Cái Răng. Thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung nghiên cứu bảo tồn, khôi phục những loại hình di sản có nguy cơ bị mai một như phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc như: đua ghe Ngo, hát dù kê, múa lâm thôl, nhạc ngũ âm… của dân tộc Khmer; hát tiều, múa lân, sư, rồng của người Hoa….



Tiết mục Múa Rồng của dân tộc Hoa tại buổi Họp mặt truyền thống cách mạng người Hoa Cần Thơ lần IX năm 2020

Đưa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc vào Chương trình “Sắc Xuân miệt vườn” được tổ chức hàng năm tại Bảo tàng thành phố nhân dịp Tết Nguyên đán, nhằm giới thiệu một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu các dân tộc như: bánh hồng đào, bánh củ cải của người Hoa; bánh gạo Numbon, bún suông; nghề làm mặt nạ, mũ, múa Rô Băm, hát dù kê của người Khmer; dệt thổ cẩm của người Chăm …. với sự tham gia của các nghệ sĩ, nghệ nhân và diễn viên các đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc trong và ngoài thành phố, hàng năm đã thu hút trên 27.000 lượt khách tham quan.


Du khách thích thú tìm hiểu nghề làm đầu Lân,mặt nạ ông Địa của nghệ nhân Cần Thơ, trong Chương trình “Sắc Xuân miệt vườn” (Ảnh: Duy Khôi – Báo Cần Thơ Online)

Bên cạnh đó, thành phố cũng biên soạn và xuất bản 1000 quyển sách “Di sản văn hóa dân tộc Việt - Khmer – Hoa”, trong đó có 12 nội dung giới thiệu về các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Hoa, Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Đối với việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết của đồng bào DTTS, nhất là các em học sinh trong độ tuổi tiểu học, thành phố cũng động viên các chùa trong ba tháng hè tổ chức dạy chữ Khmer cho các em học sinh, sinh viên, các sư trẻ học tiếng, chữ Khmer, đây là việc làm thiết thực nhằm hỗ trợ cho các em gìn giữ chữ viết, tiếng nói, còn là phương tiện ngôn ngữ để tiếp cận, phát huy các loại hình văn hóa văn nghệ, giữ gìn các giá trị văn hóa và bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng dân cư. Song song đó, thành phố đã đầu tư xây dựng trường Phổ thông Dân tộc nội trú để thực hiện việc dạy chương trình song ngữ Việt - Khmer; hỗ trợ xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại quận Ô Môn; tạo điều kiện cho Trường THCS Chu Văn An và Trường Dân lập Việt Hoa tổ chức dạy tiếng Hoa cho học sinh; Trường Bổ túc Hoa văn tổ chức lớp học ban đêm tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.


Bánh “Numbon” của dân tộc Khmer

 Ban Dân tộc đã triển khai thực hiện và đã hoàn thành Dự án khoa học và công nghệ cấp thành phố “Dạy nghề và chữ viết Khmer cho người dân tộc Khmer tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ” (02 Lớp dạy nghề đan lục bình, 02 Lớp dạy chữ viết Khmer, 02 Lớp dạy nghề trồng lúa năng suất cao cho tổng số 180 học viên (mỗi lớp 30 học viên).

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 25 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống với 9.787 hộ, 31.303 người, chiếm tỷ lệ 2,53%/tổng số dân toàn thành phố. Dân tộc Khmer và dân tộc Hoa là 2 dân tộc có dân số đông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa hai dân tộc này, bước đầu ghi nhận 02 lễ hội truyền thống thuộc đồng bào dân tộc Khmer: Lễ hội Ok Om Bok và Lễ hội Chol Chnam Thmay.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ có 01 nghệ nhân ưu tú là người dân tộc Khmer, được Nhà nước vinh danh: Nghệ nhân ưu tú Đào Xinh, thực hành Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Đây là một trong các nghệ nhân có tài năng, tâm huyết, có nhiều cống hiến xuất sắc, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật trình diễn dân gian của dân tộc trên địa bàn thành phố.

Thành phố luôn quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đến nay, toàn thành phố có 01Trung tâm văn hóa thành phố; 9/9 Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh quận, huyện; 83/83 Trung tâm VHTT xã, phường thị trấn và 630/630 ấp, khu vực có Nhà văn hóa. Hầu hết đều được đầu tư đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động cần thiết . Hệ thống thiết chế văn hóa các cấp là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao như hướng dẫn việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và  đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Môi trường văn hóa được cải thiện, các tệ nạn xã hội và hiện tượng mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi, thay bằng nếp sống văn minh hiện đại. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội luôn được các địa phương triển khai thực hiện tốt, đặc biệt là công tác tuyên truyền tổ chức cưới theo nếp sống văn minh được đồng bào dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng, đến nay không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết  thống xảy ra.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và sự phối hợp có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị thành phố, nhất là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS đạt được kết quả tốt, đã tạo thêm gắn bó, đồng thuận trong đồng bào dân tộc​​​, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào DTTS, cả mặt vật chất và tinh thần.

Trong thời gian tới, song song với việc tăng cường công tác hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS, thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 70/KH-UBND, ngày 06/4/2018, về triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Cần Thơ đến năm 2020”; Kế hoạch số 81/KH-UBND, ngày 13/5/2019, về bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2019-2030.

Tin tưởng rằng, đồng bào DTTS tiếp tục phát huy vai trò trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào DTTS, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Dạ Thảo


Các tin khác:
Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024  (17/04/2024)
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
12345678910