Bản tin dân tộc

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Dân tộc Khmer vốn có truyền thống văn hóa phong phú và lâu đời, đặc điểm riêng biệt và độc đáo là mọi sinh hoạt văn hóa đều gắn bó với chùa chiền, tất cả các lễ hội lớn nhỏ trong năm hầu hết đều được thực hiện tại ngôi chùa là chính. Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là dịp để cộng đồng Khmer cùng nhau họp mặt, đón mừng năm mới và tưởng nhớ đến tổ tiên đã khuất.

Nghi thức tắm tượng Phật tại chùa Pôthi Somrôn

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng Năm mới, “Chôl” nghĩa là “Vào” và “Chnăm Thmây” là “Năm mới”, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt, với hy vọng năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn. Ngoài ra, Tết Chôl Chnăm Thmây còn có ý nghĩa chấm dứt thời kỳ nắng hạn, bước sang thời kỳ có nước trời dồi dào để chuẩn bị cho vụ mùa tới.

Theo đó, năm 2024, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây được diễn ra trong 4 ngày từ 13, 14, 15, 16 tháng 4 dương lịch và thời gian đón Sangkran Thmây là 22 giờ 24 phút. Lễ rước đại lịch của người Khmer có ý nghĩa tương tự lễ đón giao thừa trong Tết Nguyên đán của người Việt và nhiều dân tộc khác, nhằm tiễn những điều xui xẻo của năm cũ, gửi gắm ước vọng vào những điều mới mẻ, may mắn, tốt lành trong năm mới.

Chôl Chnăm Thmây thường diễn ra trong ba ngày (năm nhuận 4 ngày)

 Ngày thứ nhất - Chôl Sangkran Thmây: lễ rước “Maha Sangkran mới” hay còn gọi là lễ “rước Đại lịch.”

- Ngày thứ hai - Vona-bot (năm nhuận tổ chức 2 ngày): lễ “dâng cơm đến Sư sãi” và “đắp núi cát.”

- Ngày thứ ba - Lơn Săk: “dâng cơm đến Sư sãi” và tắm tượng Phật.

Cùng với đó, đồng bào Khmer cũng có nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc sắc, những phong tục, lễ hội đa dạng như: Lễ Sen Đôn Ta “là ngày sum họp, trong gia đình có mâm cơm cúng đến ông bà tổ tiên”, lễ hội cúng trăng - Ok om bok “là tạ ơn thần Mặt Trăng đã ưu đãi được mùa màng bội thu, có cơm ăn áo mặc mà còn là dịp cho mọi người cùng nhau giao lưu, gặp gỡ sau quá trình vất vả mưa nắng nơi đồng ruộng”, đua ghe Ngo… và nhiều lễ hội khác;

Công tác bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc Khmer

Người Khmer hầu hết theo đạo Phật, thuộc hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer. Mọi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo đều gắn liền với ngôi chùa. Chùa là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo của đồng bào Khmer, có thể tìm thấy ở nghệ thuật âm nhạc như múa Rô băm, múa trống Sa dăm, Rom vong, Lăm leo,Saravan, múa truyền thống Khmer… ; hệ thống ngôn ngữ, chữ viết, các nghi lễ truyền thống, kho tàng văn học dân gian phong phú cùng bộ trang phục dân tộc độc đáo được bảo tồn và kế thừa qua nhiều thế hệ.


Lớp học chữ Khmer tại chùa Settođor huyện Cờ Đỏ

Trong quá trình phát triển, người Khmer đã hun đúc, sáng tạo nên các loại hình nghệ thuật vô cùng tinh túy, đặc sắc chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa không chỉ riêng trong cộng đồng người Khmer ở Cần Thơ mà còn đối với các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đồng bào Khmer từ các loại hình nghệ thuật đến văn hóa tín ngưỡng, văn hóa lễ hội…, luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện. Đặc biệt là đồng bào Khmer cũng luôn mang trong mình ý thức, trách nhiệm trong bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Những năm qua, nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đã góp thêm những nguồn lực quan trọng thúc đẩy quá trình gìn giữ bản sắc và phát huy văn hóa cộng đồng dân tộc Khmer.

  

Đội múa trống Sa dăm, chùa Sammaki Munimes Chanhnaram huyện Vĩnh Thạnh


Đội múa Rô-Băm, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (Ảnh: Internet)


Đội ngũ âm, chùa Sanvor pôthinhen quận Ô Môn

Sóc Kha


Các tin khác:
Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024  (17/04/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
Sắc xuân ở vùng cực Bắc Tây Nguyên  (02/02/2024)
12345678910