Bản tin dân tộc

Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ

Thành phố Cần Thơ có dân số hơn 1.2 triệu người, trong đó có 27 dân tộc thiểu số cùng sinh sống đan xen với cộng đồng người Việt (Kinh), đông nhất là dân tộc Khmer, kế đến là dân tộc Hoa, đây là nhóm dân tộc tiêu biểu có quá trình lịch sử định cư, sinh sống ổn định, gắn bó lâu đời trên vùng đất Cần Thơ qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, còn một số ít dân tộc khác như Chăm, Tày, Thái, Mường, Nùng, Dao…

Bảo tàng thành phố Cần Thơ tiếp nhận hiện vật hiến tặng năm 2023. Ảnh: Thúy Linh

Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở thành phố Cần Thơ nói chung, di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều dự án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy được thực hiện trong nhiều năm qua như: thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn thành phố, ghi nhận khoảng 100 loại hình di sản, trong đó đã thực hiện kiểm kê 26 loại hình các di sản văn hóa phi vật thể có các dân tộc thiểu số Khmer, Hoa. Thành phố đã xây dựng đề án Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể thành phố giai đoạn 2017 - 2020, trong đó đã thực hiện một số dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số (Hoa, Khmer) như: Nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer ở thành phố Cần Thơ; Dự án bảo tồn và phát huy di sản: Lễ cúng bình an của người Hoa ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Trong giai đoạn, 2021 - 2025, định hướng đến 2030, thành phố tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thiểu số Hoa và Khmer trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, theo thống kê hiện nay toàn thành phố có 38 di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng trong đó có 05 di tích lịch sử - văn hóa thuộc dân tộc thiểu số gồm: 04 di tích dân tộc Hoa (Quảng Triệu Hội Quán (Chùa Ông) - quận Ninh Kiều, Hiệp Thiên Cung - quận Cái Răng, Linh Sơn Cổ Miếu và Chùa Cảm Thiên Đại Đế - quận Ô Môn); 01 di tích dân tộc Khmer (Chùa Pôthi Somrôn - quận Ô Môn), ngoài ra nhiều công trình chùa, miếu… cũng được kiểm kê.

Riêng trong năm 2023, ngành văn hóa thành phố Cần Thơ đã xây dựng Kế hoạch số 798/KH-SVHTTDL ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ 2021 đến năm 2025, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; Bảo tàng thành phố Cần Thơ nghiên cứu, sưu tầm, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam. Mặc dù chưa có nguồn kinh phí nhưng cũng đã nghiên cứu lồng ghép các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ để tiếp tục nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: Thực hiện kiểm kê di sản văn hóa dân tộc thiểu số, tập trung vào dân tộc Khmer, Hoa với một số loại hình về lễ hội tiêu biểu, phong tục tập quán, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống…; Công tác sưu tầm di vật, cổ vật dân tộc thiểu số cũng được quan tâm, trong năm sưu tầm khoảng 40 hiện vật của dân tộc các dân tộc Khmer, Hoa, Mạ, Chu ru... gồm các loại hình như trang phục, trang sức, công cụ lao động sản xuất… từ nguồn kinh phí được cấp và vận động hiến tặng từ tổ chức và cá nhân trong và ngoài thành phố. 

Công tác trưng bày, tuyên truyền phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số được thực hiện với nhiều hình thức, nội dung phong phú như: trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề, lưu động... nhân các sự kiện lớn của đất nước và thành phố, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Mừng Đảng, mừng Xuân 2024, Bảo tàng thực hiện chuyên đề Phong tục đón Tết của các dân tộc ở đồng bằng sông Cửu Long trong đó có giới thiệu phong tục đón Tết của người Khmer,  Hoa,  Chăm tại Bảo tàng, phục vụ khách tham quan từ ngày 19 tháng 12 năm 2023 đến đầu tháng 4 năm 2024.

Hoạt động “Sắc Xuân Miệt Vườn” là hoạt động thường niên được tổ chức để chào đón năm mới tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ giới thiệu đến khách tham quan một số loại hình di sản phi vật thể của dân tộc thiểu số Khmer, Hoa...; Bên cạnh đó, Bảo tàng Thành phố cũng đưa nội dung tuyên truyền giới thiệu di sản văn hóa các dân tộc thiểu số vào Chương trình Giáo dục truyền thống và di sản văn hóa trong học đường cho học sinh, sinh viên với nội dung phong phú và đa dạng. Đồng thời, cũng ứng dụng công nghệ thông tin để đưa di sản văn hóa đến gần hơn với công chúng...

Đặc biệt, trong năm 2023, thành phố đã đóng mới 1 chiếc ghe Ngo cho chùa Settođor của huyện Cờ Đỏ để tham gia đua ghe Ngo cùng các tỉnh trong khu vực. Đồng thời Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước thành phố Cần Thơ cũng đã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp kinh phí để đóng mới 6 ghe Ngo mini trao tặng cho Học viện Phật giáo Nam tông Khmer và 5 ngôi chùa trên địa bàn các quận, huyện như Ô Môn, Thới Lai và Ninh Kiều, đây là việc làm có ý nghĩa, góp phần khôi phục hoạt động đua ghe Ngo, bảo tồn và phát huy lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer thành phố Cần Thơ.

Di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung, tại thành phố Cần Thơ nói riêng là tài sản vô giá của quốc gia, dân tộc. Việc nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố là việc làm rất cần thiết, tuy nhiên, hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu là nguồn nhân lực và kinh phí triển khai thực hiện. Hy vọng rằng, trong thời gian tới cùng với sự chung tay của cộng đồng, công tác bảo tồn và phát huy di sản dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ đạt được nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, để di sản trở thành tài sản, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 - 2030./.


(Cao Kiều Thúy Linh)


Các tin khác:
Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024  (17/04/2024)
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Sắc xuân ở vùng cực Bắc Tây Nguyên  (02/02/2024)
12345678910