Bản tin dân tộc

Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, công tác dân tộc ở thành phố đã trải qua nhiều thuận lợi nhưng cũng đi liền với thách thức, khó khăn. Tuy nhiên, những nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến 2025 với những dự án hiệu quả đã tạo nên bức tranh tổng thể có nhiều gam màu tươi sáng về kinh tế lẫn đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS. Đến với các địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống, câu chuyện phát triển kinh tế đã không chỉ dừng lại ở nỗ lực giảm nghèo mà còn là khát vọng làm giàu.

Phụ nữ dân tộc thiểu số gia công sản phẩm từ lục bình tại nhà.

Không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Về lại xã Thới Xuân, nơi tập trung đông đồng bào DTTS, chúng tôi cảm nhận được sức sống mới, sự chuyển mình của vùng quê từng được xem là xã nghèo của huyện Cờ Đỏ. Đi dọc các thôn, xóm đều rộn ràng những câu chuyện của vụ mùa bội thu, nhà cửa khang trang với đầy đủ điện, đường, trường, trạm... Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình sản xuất của địa phương, đồng chí Trần Văn Lắm, Chủ tịch UBND xã Thới Xuân không giấu được niềm vui cho biết: “Đến nay, xã Thới Xuân chỉ còn 1 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo DTTS theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều. Các chương trình, dự án đầu tư cho xã Thới Xuân đã phát huy hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong đời sống đồng bào Khmer tại địa phương. Trước đây, Thới Xuân có 2 ấp đặc biệt khó khăn nhưng đến năm 2019 đã xóa hoàn toàn. Người dân không chỉ lo làm ăn để thoát nghèo mà còn thi đua phấn đấu trở thành hộ khá, giàu”.

Như để minh chứng, đồng chí Trần Văn Lắm giới thiệu với chúng tôi về trường hợp của chị Thạch Thị Sà Lan, ngụ tại ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, một trong những hộ vừa thoát nghèo nhờ sự cần mẫn và “chiếc cần câu” được trao từ địa phương. Gia đình chị Sà Lan không có đất sản xuất nên vợ chồng chị chủ yếu làm thuê, công việc thiếu ổn định, thu nhập bấp bênh. Theo tinh thần của dự án 1: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nhờ sự hỗ trợ của địa phương, giờ cuộc sống của anh chị khấm khá hơn. “Cũng nhờ địa phương hỗ trợ kinh phí xây căn nhà tường để che mưa, tránh nắng rồi cấp bò giống, hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế nên gia đình tôi không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn của để, chăm lo cho con cái học hành”, chị Lan bộc bạch.

Trò chuyện với bà con, chúng tôi còn cảm nhận được nếp nghĩ, nếp sinh hoạt văn minh, tích cực của đồng bào. Nhiều hộ dân Khmer cho biết, giờ không chỉ chí thú làm ăn, thực hành tiết kiệm mà còn chủ động, mạnh dạn đổi mới để phát triển kinh tế. Nhiều trường hợp không chỉ vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn có thể hỗ trợ, giúp đỡ các hoàn cảnh khác khó khăn hơn. Chị Sơn Thị Lang, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Làng nghề Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ) là một điển hình như thế. Từ hộ khó khăn, sau khi tham dự lớp học nghề do Hội Phụ nữ tổ chức, chị Lang chăm chỉ làm ăn và kết nối được doanh nghiệp đặt hàng gia công sản phẩm và HTX Làng nghề Cờ Đỏ chuyên gia công hàng thủ công mỹ nghệ đan từ lục bình được thành lập. Chị Lang chia sẻ: “Trước đây, tôi và nhiều bà con địa phương không có việc làm. Khi Hội Phụ nữ thị trấn mở lớp dạy nghề, tôi đăng ký học, sau đó cùng các chị em thành lập tổ để gia công sản phẩm. Khi thạo nghề, tôi mở lớp dạy đan cho nhiều chị em khác. Đến năm 2023, HTX Làng nghề Cờ Đỏ ra đời. Hiện tại HTX có 38 thành viên tham gia mô hình đan lục bình, ngoài ra HTX đã liên kết được hơn 100 chị em phụ nữ khắp huyện Cờ Đỏ, cung ứng khoảng 3.000 sản phẩm/tháng cho doanh nghiệp”.

Phấn đấu năm 2030, không còn hộ dân tộc thiểu số nghèo

Là một trong những địa bàn có đông đồng bào DTTS sinh sống, nói về chính sách chăm lo, ông Võ Tự Trị, Phụ trách Phòng Dân tộc quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cho biết: “Trước năm 2004, có 13,47% hộ đồng bào DTTS nghèo, trong đó chủ yếu là hộ đồng bào dân tộc Khmer; hàng trăm hộ nhà ở tạm bợ, thiếu đất ở, đất sản xuất, thu nhập bấp bênh, không có phương tiện sản xuất. Ðến nay, quận Ô Môn chỉ còn 17 hộ nghèo trong đồng bào DTTS (chiếm 1,75%); thu nhập bình quân đầu người trong đồng bào DTTS tăng từ 9 triệu đồng năm 2004 lên 90 triệu đồng năm 2023. Với sự hỗ trợ nhiều mặt của cả hệ thống chính trị, 20 năm qua, đời sống đồng bào DTTS nói chung, dân tộc Khmer nói riêng trên địa bàn quận Ô Môn đã được nâng lên rõ rệt; hàng trăm hộ đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, nhiều hộ có cuộc sống dư giả; kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng hoàn thiện”.

Không chỉ Ô Môn, những gam màu tươi sáng đang hiện hữu trên nhiều vùng DTTS của thành phố Cần Thơ. Với 27 DTTS, chiếm tỷ lệ hơn 3%, từ khi tái lập năm 2004 đến nay, trong mỗi giai đoạn phát triển của thành phố, chính sách dân tộc luôn được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và sự phát triển. Theo Ban Dân tộc thành phố Cần Thơ , thời gian qua thành phố đã triển khai xây dựng hơn 3.000 căn nhà; hỗ trợ đất ở cho 253 hộ; chuyển đổi nghề cho gần 1.000 người; đào tạo nghề cho hơn 1.100 người... Nếu trước đây thành phố có 1.486 hộ DTTS nghèo (số liệu thống kê vào năm 2011), chiếm 17,14% thì đến nay con số ấy chỉ còn 113 hộ, chiếm 1,14% trên tổng số hộ DTTS.

Theo đồng chí Hồ Văn Phương, Phó trưởng ban Dân tộc thành phố Cần Thơ , thành phố đặt mục tiêu phấn đấu, giai đoạn 2023-2025 sẽ bố trí thêm đất ở cho khoảng 60 hộ DTTS thuộc diện nghèo, hỗ trợ đồng bào DTTS chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm ổn định; phấn đấu đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm còn dưới 1% trên tổng số hộ DTTS và phấn đấu cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Trung ương vào năm 2030. “Để hoàn thành các mục tiêu này, trong thời gian tới, thành phố Cần Thơ  tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021-2025; đồng thời, huy động nguồn lực xã hội hóa, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường của đồng bào các DTTS. Đặc biệt, phát huy vai trò dẫn dắt của tầng lớp ưu tú, xây dựng các mô hình khởi nghiệp mà đối tượng nhắm đến là tầng lớp thanh niên sáng tạo, dám mạo hiểm, dám nghĩ, dám làm...”, đồng chí Hồ Văn Phương nhấn mạnh.


Phụ nữ dân tộc thiểu số gia công sản phẩm lục bình tại Hợp tác xã Làng nghề Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ.

20 năm là chặng đường đủ để có cái nhìn khách quan về quá trình phát triển của công tác dân tộc của thành phố Cần Thơ . Khơi sức mạnh vươn lên của đồng bào DTTS kết hợp với vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách chăm lo của Trung ương và địa phương đã giúp Cần Thơ đạt được kết quả tích cực trong công tác dân tộc. Với bà con đồng bào DTTS, mắt phải thấy, tai phải nghe thì niềm tin mới được tạo dựng vững vàng. 20 năm qua, những cái tên cùng mô hình và những con số cụ thể chính là minh chứng sống động, động lực mạnh mẽ, giúp bà con DTTS thành phố Cần Thơ  có thêm niềm tin và ý chí quyết tâm, cùng nhau đoàn kết phát triển kinh tế, dựng xây cuộc sống ấm no. Sự đổi thay từng ngày trong đời sống của bà con DTTS càng tăng tính gắn kết, niềm tin tưởng của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng./.

(Nguồn: www.qdnd.vn)


Các tin khác:
Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024  (17/04/2024)
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc  (26/02/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
Sắc xuân ở vùng cực Bắc Tây Nguyên  (02/02/2024)
12345678910