Bản tin dân tộc

Nhìn lại chặng đường 20 năm công tác dân tộc

Trong 20 năm qua, dù điều kiện đôi lúc còn nhiều khó khăn, nhưng Trung ương, Thành phố quan tâm thực hiện khá đầy đủ và toàn diện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), phân bổ nhiều nguồn lực tập trung đầu tư hỗ trợ đồng bào DTTS, qua đó giúp nhiều hộ DTTS nghèo được thoát nghèo, từng bước nâng cao đời sống, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, đảm bảo được tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (01/01/2004 - 01/01/2024), xin điểm lại một số kết quả nổi bật công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn thành phố như sau:

Ông Lê Trung Kiên, Trưởng ban Ban Dân tộc thành phố dự lễ trao nhà ở và tặng quà cho hộ nghèo DTTS tại quận Thốt Nốt

Cần Thơ hiện 369.453 hộ, gồm 1.272.501 người, trong đó đồng bào DTTS10.177 hộ với 40.729 người, chiếm tỷ lệ 3,2% trên tổng dân số toàn thành phố. Thực hiện Chương trình 134, Chương trình 135, Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 09/6/2008 Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và mới đây nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thành phố đã hỗ trợ đất ở cho 253 hộ,  hỗ trợ trên 3.000 căn nhà, gần 600 hộ được hỗ trợ chuyển đổi nghề, 1.144 lao động DTTS được đào tạo nghề ngắn hạn, hỗ trợ mua nông cụ cho 502 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt cho 2.528 hộ, thực hiện Dự án hỗ trợ hộ dân tộc đặc biệt khó khăn và Dự án xây dựng trung tâm cụm xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn, đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo... với tổng vốn thực hiện 129,969 tỷ đồng. Tổng số dư nợ cho vay tín dụng trong đồng bào DTTS đến nay2.614 hộ với tổng nguồn vốn là 74.365 triệu đồng để phát triển sản xuất, sinh hoạt gia đình. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, những năm gần đây thành phố tăng cường vận động, tranh thủ hợp tác quốc tế để kêu gọi hỗ trợ đồng bào DTTS, trị giá chung được hỗ trợ trong công tác hợp tác quốc tế là 4.593 triệu đồng gồm hỗ trợ nhà ở, cơ sở hạ tầng giao thông vùng dân tộc. Từ việc triển khai hiệu quả các chính sách dân tộc đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh, bền vững trong đồng bào DTTS qua từng giai đoạn, đến cuối năm 2023 trên địa bàn thành phố chỉ còn 54 hộ nghèo DTTS, 436 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ lần lượt là 0,53% và 4,28% trên tổng số hộ DTTS.

Trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo: cơ sở vật chất trường học, đội ngũ giáo viên, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng lên. Các tỷ lệ về huy động học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi đến trường và các tỷ lệ khác trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên DTTS được triển khai thực hiện đã mang đến nhiều cơ hội học tập cho học sinh DTTS. Công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết DTTS được quan tâm thực hiện tốt, trên địa bàn thành phố ở cấp Tiểu học có 09 trường dạy tiếng Khmer, 01 trường dạy tiếng Hoa, cấp Trung học cơ sở và trung học phổ thông có Trường Phổ thông Dân tộc nội trú thành phố dạy tiếng Khmer và Trường Tiểu học, Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Việt Hoa dạy tiếng Hoa cho học sinh... đồng thời vào các dịp hè hàng năm các chùa Khmer có tổ chức dạy tiếng Khmer cho đồng bào dân tộc Khmer.


Lớp dạy tiếng Khmer tại điểm chùa Settođor huyện Cờ Đỏ

Trên lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, chất lượng khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc từng bước được nâng lên, các chỉ số, tỷ lệ về chăm sóc sức khỏe theo các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trong đồng bào dân tộc đều đạt và vượt kế hoạch. Thành phố hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế cho người DTTS nghèo, cận nghèo, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào dân tộc được kiểm kê, sưu tầm, bảo tồn, phát huy; giải quyết kịp thời các yêu cầu chính đáng về tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc. Từ đó đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc được cải thiện rõ rệt, nhiều nét văn hóa độc đáo của các dân tộc được bảo tồn, phát triển, được Nhà nước công nhận như: 02 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia (Quảng Triệu Hội Quán - Chùa Ông, quận Ninh Kiều và Hiệp Thiên Cung, quận Cái Răng) và 03 di tích cấp thành phố gồm: Chùa Cảm Thiên Đại đế; Chùa Ông (Linh Sơn cổ miếu); Chùa Pôthi Somrôn, quận Ô Môn. 22 di sản văn hóa phi vật thể gồm các loại như: Ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn dân gian...

Công tác tuyên tuyền được thực hiện thường xuyên, liên tục từ thành phố đến cơ sở bằng nhiều hình thức như: tổ chức các lớp tập huấn, Hội nghị phổ biến chính sách pháp luật với hơn 4.000 lượt người dự; tuyên truyền lên cổng thông tin điện tử tiếng Việt, Hoa, Khmer của Ban Dân tộc. Thực hiện Tiểu Đề án “Tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nông dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số” đã tổ chức 17 cuộc Hội nghị triển khai pháp luật đến đồng bào dân tộc, có hơn 1.623 lượt người dự. Biên soạn và phát hành hơn 50.000 Bán tin công tác Dân tộc, hơn 70.000 quyển tài liệu song ngữ (Việt - Hoa; Việt - Khmer)....Qua đó đã góp phần nâng cao kiến thức pháp luật, tuân thủ pháp luật trong đồng bào DTTS.

Chính sách đối với người có uy tín được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục. Thành phố tổ chức các lớp sinh hoạt chính sách pháp luật; cung cấp báo, tạp chí, tài liệu song ngữ Việt - Khmer, Việt - Hoa, Bản tin Công tác dân tộc và các tài liệu khác. Thành phố đã tổ chức 20 chuyến giao lưu, học tập kinh nghiệm cho hơn 900 lượt người có uy tín tại các tỉnh trong nước. Tổ chức thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết, hỗ trợ gia đình người có uy tín gặp khó khăn… qua đó tạo thêm động lực cho người có uy tín trong việc phát huy vai trò tham gia tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở.

Công tác cán bộ DTTS được cấp ủy, các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố được cơ cấu hợp lý, cơ bản phù hợp với nhu cầu và thực tế địa phương.

Ngoài các chính sách nêu trên, đồng bào DTTS còn được hưởng nhiều quyền và lợi ích từ chính sách ưu đãi chung trên các lĩnh vực đời sống xã hội như: chính sách đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách về khoa học công nghệ; chính sách bảo vệ môi trường...từ đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Dân tộc tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tập trung thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 nhằm phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống trong đồng bào DTTS, góp phần xây dựng, phát triển thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

Hoàng Phong


Các tin khác:
Đồng bào Khmer rộn ràng chuẩn bị đón Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2024  (17/04/2024)
Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây và việc bảo tồn giá trị văn hóa Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ  (22/03/2024)
Thành Phố Cần Thơ: diện mạo mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số  (20/03/2024)
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số ở thành phố Cần Thơ  (05/02/2024)
Sắc xuân ở vùng cực Bắc Tây Nguyên  (02/02/2024)
1