Nghiên cứu khoa học - thực tế
Nhận diện và đấu tranh luận điệu xuyên tạc ngày thống nhất đất nước 30-4-1975


Tóm tắt:  Chiến thắng 30-4-1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một trong những thắng lợi vĩ đại của lịch sử chiến tranh cách mạng Việt Nam. Từ sau chiến thắng này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuyên suốt thực hiện chính sách đại đoàn kết và hòa hơp dân tộc, được Nhân dân trong nước ủng hộ và thế giới ca ngợi. Thế nhưng,sau 50 năm, các thế lực thù địch vẫn xuyên tạc ý nghĩa lịch sử ngày đại thắng mùa xuân năm 1975. Do đó, nhận diện và phản báccác luận điệu này là trọng trách của mỗi người dân Việt Nam yêu nước.

Từ khóa: đại thắng mùa xuân 1975; nhận diện và đấu tranh; xuyên tạc ý nghĩa.

Mở đầu:

Sự kiện chiến thắng mùa xuân năm 1975 không những là thắng lợi  to lớn trong lịch sử đương đại, mà còn là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Năm mươi năm trong niềm vui thống nhất đất nước, xây dựng xã hội mới và thực hiện chính sách hòa hợp dân tộc của Nhân dân Việt Nam luôn đối mặt với những đối tượng có tư tưởng cực đoan, chủ nghĩa yêu nước hẹp hòi không ngừng có nhiều phát ngôn thù địch và hành động cực đoan nhằm chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, xuyên tạc sự thật lịch sử. Nhận diện và đấu tranh phản bác các lập luận, luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật lịch sử là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.

1. Nhận diện nội dung xuyên tạc, suy diễn sai sự thật lịch sửsự kiện giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30-4-1975

Nhiều phần tử nhân danh “yêu nước” và hòa hợp dân tộc để diễn giải về cuộc chiến tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam với thái độ hằn hộc. Trong khi đó, chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân Việt Nam đã chạm đến lương tri nhân loại; có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại sâu sắc.Các thế lực cực đoan cho rằng, lỗi do Đảng Cộng sản Việt Nam đã sử dụng phương pháp bạo lực cách mạng nên đã gây ra cuộc “nội chiến” hai miền Nam – Bắc.

Một trong những luận điệu được không ít đối tượng suy diễn lịch sử rằng, sự sụp đổ của chế độ ngụy quyền miền Nam Việt Nam là “mất nước”, xem ngày 30-4 -1975 là “ngày quốc hận”, “tháng tư đen”… Sự thật lịch sử là chính quyền đó không hợp pháp (so với Hiệp định Giơ-ne-vơ) và không đại diện cho nguyện vọng của nhân dân Việt Nam. Nhằm kích động phân biệt, kỳ thị vùng miền, bôi nhọ hình ảnh và sự cống hiến, hi sinh của các anh hùng, liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng đòi bỏ kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4-1975 và không nên dùng cụm từ “chiến thắng”, v.v… Với chúng ta, đây là ngày lễ trọng đại của dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn “không có gì quý hơn độc lập, tự do”.[1]

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng khó khăn, hạn chế của ta trong thời kỳ 1975-1986, cũng như những mặt còn yếu kém trong quá trình đổi mới hiện nay để phủ nhận, giảm giá trị của chiến thắng 30-4-1975. Hơn ai hết, người dân Việt Nam hiểu được giá trị của hòa bình, những gì đất nước đã đạt được trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Những lập luận trên tuy không mới, nhưng với tần suất xuất hiện trên mạng xã hội sẽ có tác động đến nhiều đối tượng, nhất là giới trẻ, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu sai lệch về ngày chiến thắng của dân tộc và chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Các nội dung trên có thể tìm thấy ở các kênh youtube N10TV (Mỹ); thoibao.de (Đức), tạp chí Hương Xa (Na Uy) v.v…

2. Tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và chính sách hòa hợp dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam

2.1.Tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh cách mạng chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là bất khả xuyên tạc

Các thế lực thù địch cố gắng lập luận để xuyên tạc ngày 30-4-1975, ngụy biện để thoái thác trách nhiệm và nghĩa vụ của bên gây ra cuộc chiến khốc liệt này, nhưng lại lờ đi những đau thương, mất mát của dân tộc Việt Nam. Chúng cũng cố tình quên rằng, bên cạnh hệ thống nhà tù như địa ngục trần gian, Mỹ đã đưa vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam khối lượng sắt thép khổng lồ, sử dụng nhiều loại vũ khí hiện đại với quyết tâm đè bẹp ý chí và sức mạnh chiến đấu của Nhân dân.Gần nửa thế kỷ trôi qua, các thế hệ người Việt Nam càng nhận thức được tầm vóc to lớn của thắng lợi này. Kỷ niệm ngày 30-4-1975 là dịp để tri ân, ghi công quân và dân ta đã hi sinh xương máu cho đất nước; nhắc nhở trách nhiệm của những người Việt Nam yêu nước hôm nay phải cố gắng ra sức xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Những người Việt Nam yêu nước luôn hiểu rằng thắng lợi cuối cùng trong ngày 30-4-1975 là thắng lợi của cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh, ngoan cường và bền bỉ, anh dũng và thông minh của Nhân dân và quân đội cả nước, đặc biệt là các đảng bộ miền Nam, các cán bộ và chiến sĩ công tác ở miền Nam và hàng chục triệu đồng bào yêu nước chiến đấu trên tuyến đầu Tổ quốc đã luôn nêu cao tấm gương kiên cường, bất khuất hơn 30 năm dưới ách quân xâm lược. Ðó còn là thắng lợi của xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, thắng lợi của đồng bào miền Bắc vừa tự xây dựng, vừa chiến đấu để bảo vệ hậu phương lớn của cả nước, đồng thời động viên ngày càng nhiều sức người, sức của để đánh Mỹ, cứu nước ở tiền tuyến lớn miền Nam, một lòng một dạ vì miền Nam ruột thịt. Quan trọng hơn tất cả là thắng lợi của Chủ nghĩa Mác-Lênin được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta vận dụng thành công ở Việt Nam được toàn dân ủng hộ và tin tưởng tuyệt đối.

2.2. Hòa hợp dân tộc là chính sách chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần khẳng định chính sách hòa hợp dân tộc đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta sau ngày chiến thắng 30-4-1975.“Thống nhất” trong đường lối của Đảng, Nhà nước ta không chỉ về địa giới hành chính, thống nhất về Nhà nước sau ngày 30-4-1975, mà còn là thống nhất lòng dân, dù đó là người dân trong nước hay bất kỳ người Việt Nam nào mang trong mình dòng máu Lạc Hồng ở nước ngoài. 

Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nêu rõ lập trường của cách mạng Việt Nam: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ thì dù người đó trước đây chống chúng ta bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”. Đây là tư tưởng, truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân nghĩa, khoan dung và ý thức về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết xã hội trong quá trình phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước ta.Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc từ sau khi thống nhất đất nước đến nay đã quán triệt tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng loạt các chủ trương, quyết sách về người Việt Nam ở nước ngoài đã ban hành và thực thi với tinh thần “khép lại quá khứ, hướng đến tương lai” được Nhân dân trong nước ủng hộ, kiều bào hoan nghênh, đón nhận.

Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được ban hành tại các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và các văn bản như Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 26/03/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/05/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Gần đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/08/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới v.v… 

Những kiến nghị chính đáng, ý kiến đóng góp thiết thực của đồng bào ta ở nước ngoài luôn được lắng nghe, tiếp thu và là cơ sở để Đảng, Nhà nước ta tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác người Việt Nam ở nước ngoài thực sự đi vào cuộc sống.Kết quả thực hiện chủ trương hòa hợp xã hội, đại đoàn kết dân tộc đã phản ánh trong thực tế tính đúng đắn, sát hợp trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam. Những quan điểm và chủ trương đó sẽ ngày càng được bổ sung, hoàn thiện nhằm không ngừng thực thi hiệu quả nhất.

Kết luận

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh từ năm 1930 là chủ thuyết cách mạng và phát triển  nhất quán của Việt Nam, dứt khoát không thay đổi và không ai có thể thay đổi. Chủ thuyết này đã đưa cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đi từ thắng lợi lịch sử này đến thắng lợi lịch sử khác. Trong vô vàn sự kiện lịch sử hào hùng đó, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975 là mốc son vĩ đại của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và chủ nghĩa xã hội. Những âm mưu nhằm xóa nhòa ý nghĩa lịch sử và đánh tráo khái niệm tính chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của các thế lực thù địch chắc chắn sẽ thất bại.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Quốc phòng, Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh: Tổng kết Đảng lãnh đạo quân sự và quốc phòng trong cách mạng Việt Nam (1945-2000), Nxb. QĐND, 2021.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.

3Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015.

 

Thạc sĩ Nguyễn Văn Thuận - GVC Khoa Xây dựng Đảng

 



[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 131.


Các tin khác:
Một số kết quả nổi bật trong công tác chăm lo đời sống của Nhân dân theo di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố Cần Thơ   (22/04/2025)
Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ   (11/04/2025)
Khoa Xây dựng Đảng đi nghiên cứu thực tế tại Quận đoàn Ninh Kiều   (04/04/2025)
Thực trạng và giải pháp xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu ở huyện Cờ Đỏ   (02/04/2025)
Vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Cần Thơ - Thực trạng và giải pháp   (01/04/2025)
<<  <  1  2  3  4  5  ...    >>