Nghiên cứu khoa học - thực tế
Vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Cần Thơ - Thực trạng và giải pháp


Tóm tắt:

Ở Việt Nam, chuyển đổi số được đẩy mạnh thực hiện. Thành phố Cần Thơ đã và đang tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực. Trong quá trình này, thanh niên đóng vai trò rất quan trọng. Bài viết này sẽ làm rõ thực trạng vai trò của thanh niên Cần Thơ trong chuyển đổi số, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao vai trò của thanh niên Cần Thơ trong chuyển đổi số của thành phố.

Từ khóa: Thanh niên, chuyển đổi số, thực trạng, giải pháp, thành phố Cần Thơ

Mở đầu

Chuyển đổi số (CĐS) là một xu hướng toàn cầu, Thành phố Cần Thơ đang tích cực triển khai các hoạt động CĐS trong mọi lĩnh vực. Trong đó, thanh niên đóng vai trò hết sức quan trọng. Họ không chỉ là lực lượng lao động chính, mà còn là những người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ, phát triển các sáng kiến và đưa CĐS vào cuộc sống hàng ngày. Bài viết này tập trung tìm hiểu thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy vai trò của thanh niên trong CĐS thành phố Cần Thơ.

1. Chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số hiện nay

CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số, là quá trình áp dụng công nghệ số vào tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, giáo dục[1]. CĐS không chỉ là thay đổi công nghệ, mà còn là thay đổi phương thức làm việc, tạo ra cơ hội mới và cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong bối cảnh hiện nay, CĐS là một yếu tố quan trọng giúp các thành phố phát triển bền vững.

Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”[2]. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Đảng cũng nhấn mạnh: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Đảng ta đã nhận thức đầy đủ được tầm quan trọng của CĐS và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản có tính bước ngoặt đối với nước ta. Ngày 03 tháng 6 năm 2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 31 tháng 3 năm 2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 25 tháng 01 năm 2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Quyết định số 505/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là một ngày ý nghĩa với công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam.

Xác định thanh niên có vai trò to lớn trong công cuộc CĐS, trong Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1331/QĐ-TTg ngày 24 tháng 7 năm 2021 đã thể hiện quan điểm Chiến lược phát triển thanh niên là một bộ phận cấu thành của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, Chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong các hiến lược bồi dưỡng, phát huy nguồn lực con người.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã xác định nhiều đề án trọng điểm như Đề án “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030”; Đề án “Thành lập Qũy Hỗ trợ sáng kiến vì cộng đồng”. Đặc biệt, tại Đại hội đã xác định mục tiêu là “phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, trách nhiệm của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong hội nhập quốc tế, chuyển đổi số quốc gia, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn 2045”. Đại hội xác định một trong ba nhiệm vụ đột phá là: Triển khai sâu rộng chương trình “Thanh niên khởi nghiệp”, nhất là khởi nghiệp sáng tạo. Trọng tâm là phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước, tham gia kiến tạo môi trường hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp phát triển đất nước trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số[3].

Tại thành phố Cần Thơ, các cấp chính quyền đã khẩn trương triển khai thực hiện về CĐS và đã cụ thể hóa bằng nhiều văn bản. Ngày 04 tháng 8 năm 2021 Thành ủy ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với quan điểm: Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”[4]. Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2021 của UBND thành phố ban hành về CĐS thành phố Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 3978/QÐ-UBND ngày 20 tháng12 năm 2021 về ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố Cần Thơ; Kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2022 về CĐS năm 2022 trên địa bàn thành phố Cần Thơ.  

2. Thực trạng về vai trò của thanh niên trong chuyển đổi số tại thành phố Cần Thơ

2.1. Một số kết quả đạt được

Những năm qua, công tác CĐS và phong trào khởi nghiệp ở thành phố Cần Thơ đạt được nhiều kết quả khởi sắc. Trong đó, người trẻ thể hiện vai tiên phong, xung kích trên mọi lĩnh vực[5]. Đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, sáng tạo khởi nghiệp và phát triển các giải pháp số. Họ có khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ mới một cách nhanh chóng, nhạy bén. Với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ số. Các nhóm thanh niên đã tích cực tham gia vào việc phát triển các ứng dụng công nghệ trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, nông nghiệp thông minh và các dịch vụ công trực tuyến. “Năm 2024, thông qua group Zalo và fanpage tuổi trẻ Tây Đô đã huy động hơn 30.000 lượt tình nguyện viên tham gia các hoạt động cấp thành phố trong các đợt cao điểm Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, các Ngày cao điểm. 22/22 đơn vị cấp huyện có ứng dụng các công nghệ số, mạng xã hội để huy động lực lượng tình nguyện viên của đơn vị, với hơn 50.000 lượt thanh niên tham gia”[6].

Thanh niên Cần Thơ cũng đóng góp vào việc nâng cao nhận thức về CĐS trong cộng đồng. Qua các chiến dịch tuyên truyền, sự kiện khởi nghiệp và các chương trình giao lưu học hỏi, thanh niên đã giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các lợi ích mà công nghệ số mang lại, từ việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đến việc cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ các dịch vụ trực tuyến. “Các cấp bộ đoàn trên toàn thành phố sôi nổi triển khai 125 hoạt động chuyển đổi số, có 50.996 người dân tiếp cận, thụ hưởng, tiêu biểu như: 83/83 đội thanh niên tình nguyện chuyển đổi số cộng đồng tiếp tục hỗ trợ người dân trong chương trình chuyển đổi số quốc gia, ra mắt website và khánh thành Công trình thanh niên “Giới thiệu di tích lịch sử - văn hóa thành phố Cần Thơ trên nền tảng số”, ra quân Tổ chuyển đổi số cộng đồng tuyên truyền thực hiện Chợ giao dịch không dùng tiền mặt”[7].

Thanh niên Cần Thơ đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện gắn với nhu cầu của xã hội; tiên phong ứng dụng chuyển đổi số phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Tuổi trẻ Cần Thơ trong Tháng Thanh niên 2023 cần tập trung tổ chức các chương trình như: Đội hình Trí thức trẻ thành phố Cần Thơ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; Đội hình thanh niên tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến; Đội hình thanh niên tình nguyện Thu gom rác xây dựng Nông thôn mới; Tổ Tuyên truyền Chợ 4.0[8].

2.2. Một số hạn chế

Mặc dù thanh niên Cần Thơ đã tích cực tham gia vào các hoạt động CĐS của thành phố, nhưng vẫn còn hạn chế nhất định. Nhiều thanh niên vẫn thiếu kỹ năng và kiến thức chuyên môn vững chắc trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến. Còn nhiều thanh niên chưa thực sự hiểu hết tầm quan trọng và các cơ hội mà CĐS mang lại. Chỉ một số ít thanh niên thực sự tham gia vào các dự án công nghệ hay khởi nghiệp số. “Nhiều thanh niên khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn, đặc biệt là vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm; thanh niên khởi nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệp quản lý doanh nghiệp và kiến thức về thị trường; Hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Cần Thơ đã phát triển nhưng vẫn còn thiếu các cơ hội kết nối với các nhà đầu tư, chuyên gia, các doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế”[9]. Như vậy, mặc dù nhiều thanh niên Cần Thơ đã khởi nghiệp công nghệ, nhưng việc tìm kiếm nguồn vốn và hỗ trợ tài chính cho các ý tưởng sáng tạo vẫn gặp nhiều khó khăn.

3. Một số giải pháp nâng cao vai trò của thanh niên Cần Thơ trong chuyển đổi số

Thứ nhất, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về CĐS cho thanh niên. Chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội cần tổ chức các chiến dịch tuyên truyền để nâng cao nhận thức của thanh niên về CĐS, các lợi ích mà công nghệ mang lại và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này. Các chương trình đào tạo kỹ năng số, hội thảo về công nghệ mới, hoặc các cuộc thi sáng tạo công nghệ sẽ giúp thanh niên hiểu rõ hơn về chuyển đổi số và thúc đẩy họ tham gia vào các hoạt động sáng tạo và ứng dụng công nghệ.

Thứ hai, tăng cường đào tạo kiến thức và kỹ năng số cho thanh niên. Chính quyền cần phối hợp với các trường đại học, tổ chức đào tạo nghề để cung cấp cho thanh niên các khóa học về công nghệ thông tin, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, lập trình, thiết kế website, ứng dụng di động… nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng này.

Thứ ba, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên sáng tạo và khởi nghiệp. Chính quyền địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các startup công nghệ; cần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo mạnh mẽ, nơi thanh niên có thể kết nối với các chuyên gia, nhà đầu tư và các tổ chức hỗ trợ khác; cần xây dựng các chương trình hỗ trợ startup cho thanh niên; cần xây dựng các chương trình hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là những ý tưởng sáng tạo có tiềm năng ứng dụng cao trong thực tiễn; cần tạo ra một môi trường thuận lợi để các ý tưởng sáng tạo từ thanh niên có thể được thử nghiệm và triển khai thành các sản phẩm thực tế, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số.

Thứ tư, xây dựng các mô hình CĐS hiệu quả tại cộng đồng. Các mô hình CĐS không chỉ cần triển khai ở các cơ quan hành chính mà còn cần được áp dụng tại các khu dân cư, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tổ chức xã hội. Thanh niên có thể đóng vai trò hướng dẫn, đào tạo và hỗ trợ người dân trong việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử.

Thứ năm, khuyến khích và tạo môi trường cho thanh niên tham gia vào các dự án CĐS. Để thanh niên có thể đóng góp vào CĐS của thành phố, cần có sự tham gia của họ vào các dự án, chương trình chuyển đổi số do chính quyền và các doanh nghiệp triển khai. Các dự án về thành phố thông minh, các dịch vụ công trực tuyến, nông nghiệp thông minh, hay các ứng dụng công nghệ trong quản lý đô thị có thể trở thành những sân chơi lý tưởng cho thanh niên Cần Thơ. Cung cấp cơ hội cho thanh niên tham gia vào các dự án thực tế sẽ giúp họ phát huy khả năng sáng tạo, áp dụng kiến thức công nghệ vào các bài toán thực tiễn và đóng góp vào sự phát triển của Cần Thơ.

Thứ sáu, khuyến khích hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và chính quyền. Các trường đại học cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ để tổ chức các khóa học thực tế, thực tập nghề nghiệp và phát triển các dự án nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực CĐS. Điều này không chỉ giúp thanh niên nâng cao kỹ năng số mà còn tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ cho thành phố Cần Thơ.

3. Kết luận

CĐS là một xu hướng tất yếu và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội và kinh tế. Thanh niên Cần Thơ, với sự năng động, sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ và sự ham học hỏi, họ có thể là lực lượng quan trọng trong việc thúc đẩy các sáng kiến CĐS, phát triển các dịch vụ, sản phẩm số và đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số cho thành phố. Để phát huy vai trò này, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền và các tổ chức xã hội trong việc đào tạo, cung cấp nguồn lực và tạo điều kiện cho thanh niên tham gia vào các dự án công nghệ, qua đó góp phần xây dựng một Cần Thơ phát triển mạnh mẽ và bền vững trong kỷ nguyên số.

 

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Thành Đoàn Cần Thơ (2022), Văn kiện Đại hội Đại biểu Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Cần Thơ lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

2. Ban Chấp hành Thành Đoàn Cần Thơ (2024), Báo cáo kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024.

3. Báo Thanh niên (2023), Thanh niên giúp phong trào chuyển đổi số ngày càng lan tỏa rộng khắp, từ https://thanhnien.vn/thanh-nien-giup-phong-trao-chuyen-doi-so-ngay-cang-lan-toa-rong-khap-185230405155408753.htm.

4. Bộ Tư pháp chuyên trang Chuyển đổi số (2023), Chuyển đổi số là gì?, từ < https://dx.moj.gov.vn/cam-nang-chuyen-doi-so.htm?.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 1.

6. Trung Kiên (2023), Cần Thơ phát huy vai trò của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số, từ < https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/can-tho-phat-huy-vai-tro-cua-thanh-nien-trong-cong-cuoc-chuyen-doi-so/13373.html>.

7. Bé Như (2023), Tuổi trẻ Cần Thơ tiên phong chuyển đổi số, từ < https://doanthanhnien.vn/tin-tuc/thang-thanh-nien/tuoi-tre-can-tho-tien-phong-chuyen-doi-so>.

8. Thành ủy Cần Thơ (2021), Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

 

ThS Trần Thị Kim Hoàng - Giảng viên kiêm nhiệm Phòng QLĐT&NCKH, Trường Chính trị thành phố Cần Thơ



[1] Bộ Tư pháp chuyên trang Chuyển đổi số (2023), Chuyển đổi số là gì?, từ < https://dx.moj.gov.vn/cam-nang-chuyen-doi-so.htm?

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, tập 1.

[3] Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (2022), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027, Nxb. Thanh Niên

[4] Thành ủy Cần Thơ (2021), Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số thành phố Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

[5] Báo Thanh niên (2023), Thanh niên giúp phong trào chuyển đổi số ngày càng lan tỏa rộng khắp, từ <https://thanhnien.vn/thanh-nien-giup-phong-trao-chuyen-doi-so-ngay-cang-lan-toa-rong-khap-185230405155408753.htm>

[6] Ban Chấp hành Thành Đoàn Cần Thơ (2024), Báo cáo kết quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2024

[7] Bé Như (2023), Tuổi trẻ Cần Thơ tiên phong chuyển đổi số, từ < https://doanthanhnien.vn/tin-tuc/thang-thanh-nien/tuoi-tre-can-tho-tien-phong-chuyen-doi-so>

[8] Trung Kiên (2023), Cần Thơ phát huy vai trò của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số, từ < https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/can-tho-phat-huy-vai-tro-cua-thanh-nien-trong-cong-cuoc-chuyen-doi-so/13373.html>

[9] Báo Pháp luật (2024), Đoàn khảo sát của Quốc hội làm việc tại TP Cần Thơ, từ <https://plo.vn/doan-khao-sat-cua-quoc-hoi-lam-viec-tai-tp-can-tho-post809900.html>


Các tin khác: