Giới thiệu Văn hóa, di tích, danh thắng

Soạn giả Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền (1876 – 1953)

Mộc Quán (1876-1953) tên thật là Nguyễn Trọng Quyền là một soạn giả lớn khai sinh dòng sân khấu cải lương tuồng Tàu, được suy tôn là Hậu tổ cải lương.

Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, là người có công hình thành và phát triển sân khấu cải lương Nam bộ. Ông sinh năm Bính Tý (1876), tại làng Thạnh Hoà Trung Nhứt, tổng Định Mỹ, Thốt Nốt, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt TP. Cần Thơ).

Thời niên thiếu ông học hết lớp nhất, sau đó học Hán văn và Pháp văn với thầy Tư Trực. Ông có thời gian làm thư ký cho hảng rượu nếp Phước Hiệp ở Thốt Nốt, vì chủ hãng là người Hoa nên ông được học thêm tiếng Triều Châu.

Năm 1903 trong thời gian chăm sóc 200 công ruộng cho Điền chủ người Pháp ở xã Thuận Hưng ông sáng tác thơ tuồng răn dạy con cháu xử thế ở đời là tập thơ mang tên “Thoại Bạch viên” và 2 tập thơ tuồng “Trùng ma phụ giám” và “Sử hạnh ca”.

Năm 1916 con chủ hãng rượu Phước Hiệp lập gánh “Tập Ích Ban” mời ông làm soạn giả kiêm thầy tuồng. Trong 7 năm  ông đã viết 27 tuồng ở 2 loại xã hội và dã sử.

Năm 1923 ông Lê Hữu Phước George Trương Phụng Hảo (Phùng Há) ở Mỹ Tho lập gánh “Huỳnh Kỳ” ông được mời làm thầy tuồng và viết 12 tuồng cho gánh nầy. Năm 1929 ông viết 5 tuồng cho gánh “Hữu Thành”;  năm 1935 viết 7 tuồng cho gánh “Phụng Hảo 2”; năm 1937 ông soạn 17 tuồng cho 2 gánh “Kỳ Quan” và “Hữu Thành”.

Những tác phẩm của ông đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả hâm mộ, riêng  trích đoạn “Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà” , “Điêu thuyền bái nguyệt” được chọn làm tài liệu có tính kinh điển trong giảng dạy và học tập ở Trường Sân khấu Điện ảnh TP. HCM.

Ông còn thể hiện tài năng của mình trong lĩnh vực thơ, thơ tuồng, gia huấn ca như: “Phước chí tâm linh”; “Bánh tét nhân vàng”; “Ông giáo Thiệu”; “Bà Tổng đốc Chợ Lớn”; “Mẹ hiền con thuận”. Loại thơ mang nội dung luân lý, giáo khoa để răn dạy con cháu siêng năng học hành, thông thuộc kinh sử, cách xử sự... như “Cổ kim thời sự”; “Ngũ ngôn ấu học”; “Khuyên học”; “Trị gia” và nhiều bài thơ lẻ khác.


Tuồng "Trại Bạch Viên Diễn Ca"
Viết trên tập giấy dó năm 1009


Trong 50 năm sáng tác ông đã để lại cho hậu thế  sân khấu cải lương một kho tàng tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau: 

-       Tuồng cải lương:  85 tuồng, viết từ năm 1916 đến 1952.

-       Thơ tuồng:  07 tập.

-       Sách dạy con cháu xử sự ở đời: 12 tập.

-       Trên 100 bài thơ các loại...

Và một số đầu sách đã xuất bản :

-       Trùng ma phụ giám : 1915.

-       Phu thê ngôn luận.

-       Hát đối đáp : 113 câu...

Năm 1953 do tuổi cao sức yếu ông mất ngày 21/9/1953 (năm  Quí Tỵ) tại xã Trung Kiên, huyện Thốt Nốt TP. Cần Thơ.

Ông là tấm gương hết lòng vì nghệ thuật sân khấu cải lương, là người có công thành lập một trong những gánh hát cải lương sớm nhất ở Cần Thơ nói riêng và Nam bộ nói chung. Ông là một nhà nho thanh bạch, giản dị, hiếu học, hiểu biết nhiều và là một nhà thơ yêu nước.

Nguồn: Địa chí Cần Thơ 2002,
Danh nhân di tích lịch sử văn hoá tỉnh Cần Thơ 2003.

 



Các tin khác:
ĐÌNH THỚI THUẬN  (05/01/2019)
ĐÌNH THUẬN HƯNG  (05/01/2019)
ĐÌNH THẠNH HÒA THỐT NỐT  (30/10/2018)
DI TÍCH BIA CĂM THÙ(Giai đoạn Thốt Nốt còn trực thuộc Long Xuyên)  (30/10/2018)