Giới thiệu Văn hóa, di tích, danh thắng

DI TÍCH BIA CĂM THÙ(Giai đoạn Thốt Nốt còn trực thuộc Long Xuyên)

Năm 2001 để ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã hi sinh đảng bộ và nhân dân Thốt Nốt đã lập “Bia căm thù” nhằm ghi nhớ tội ác của thực dân Pháp.

Ngày 09/01/1946, Long Xuyên bị thực dân Pháp tái chiếm. Chúng tiến hành lập bộ máy cai trị, nhanh chóng thiết lập hệ thống hội tề ở các làng.


Thực dân Pháp còn đặc biệt quan tâm đến bọn cầm đầu lực lượng giáo phái có vũ trang như: Lâm Thành Nguyên, Nguyễn Giác Ngộ, Trần Văn Soái, Lê Quang Vinh… vì đây là lực lượng có thể lợi dụng được. Chúng trang bị vũ khí cho các lực lượng này để cùng quân Pháp càn quét, giết hại cán bộ cách mạng và đồng bào ta.


Ngoài ra, thực dân Pháp còn kích động lực lượng tay sai ở làng, ấp nổi  dậy trả thù, trả oán, bắt giết cán bộ đảng viên, gia đình cách mạng và cả những người ủng hộ Việt Minh … bằng nhiều hình thức dã man, tàn bạo.


Trước tình hình thù trong, giặc ngoài đã và đang tìm mọi cách bóp chết chính quyền cách mạng còn non trẻ, Đảng ta tuyên bố: “Tự giải tán”. Thực chất, Đảng ta rút vào hoạt động bí mật, thông qua tổ chức “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác”, để tập hợp rộng rãi lực lượng “Kháng chiến kiến quốc” tiếp tục lãnh đạo nhân dân cả nước kháng chiến.


Thực hiện chủ trương và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Long Xuyên, Quận ủy Thốt Nốt chuyển sang hoạt động bí mật. Thông qua “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác” ta tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng trong quần chúng và lãnh đạo nhân dân tiếp tục đấu tranh. Cuộc kháng chiến toàn quốc ngày càng lan rộng, chiến thắng liên tục của quân và dân ta làm cho Pháp bị động trên khắp chiến trường cả nước.


Năm 1947, Pháp đưa quân tăng cường cho chiến trường Trung bộ và Bắc bộ. Chúng bổ sung quân bằng cách bắt lính và xây dựng lực lượng biệt kích người địa phương, tuyển mộ lính người Khơ-me, phát triển quân giáo phái Cao Đài, Thiên Chúa, Hòa Hảo với 7.000 ngụy quân, 8.000 phụ lực quân. 


Miền Tây Nam bộ trở thành hai vùng tranh chấp quyết liệt: Vùng một là trọng điểm giành dân gồm các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc và một phần tỉnh Cần Thơ (nơi có đông tín đồ Hoà Hảo); Vùng hai ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá ( là vùng có đông người Khơ-me).


Bọn cầm đầu đảng Dân Xã ngày càng bộc lộ rõ bộ mặt tay sai phản động. Trước đây, một số thủ lĩnh lực lượng vũ trang giáo phái được Pháp, Nhật mua chuộc, vì thế sau Cách mạng Tháng 8 thành công, bọn chúng đã kích động tín đồ thực hiện ý đồ chiếm cứ miền Tây Nam Bộ làm “Khu tự trị”. Khi Pháp tái chiếm Long Xuyên, chúng đã lợi dụng các phần tử tay sai chống phá, bắt giết cán bộ cách mạng. 


Tại Thốt Nốt, ngày 02/01/1947 trong một trận đánh không cân sức với bọn lính Pháp tại làng Tân Lộc Đông, đội cảm tử quân của quận Thốt Nốt đã sa vào tay giặc. Chúng đã đưa ra bến cầu tàu sát hại dã mang trên 20 đồng chí cảm tử quân và vứt xác xuống sông không cho nhân dân ta lấy xác về an táng (nay là khu bờ kè - chợ Thốt Nốt), nơi đây cũng chính là nơi chúng hành quyết rất nhiều chiến sĩ yêu nước, làm đồng bào rất đỗi căm phẫn. Đến năm 2001 để ghi nhớ công ơn của các chiến sĩ đã hi sinh đảng bộ và nhân dân Thốt Nốt đã lập “Bia căm thù” nhằm ghi nhớ tội ác của thực dân Pháp.


Trích tư liệu lịch sử đảng bộ quận Thốt Nốt tập 1

          (Ban tuyên giáo Quận ủy biên soạn)




Các tin khác:
ĐÌNH THỚI THUẬN  (05/01/2019)
ĐÌNH THUẬN HƯNG  (05/01/2019)
ĐÌNH THẠNH HÒA THỐT NỐT  (30/10/2018)
ANH HÙNG LIỆT SĨ LÊ THỊ TẠO (Bí danh Võ Thị Hiền) (1915 – 1948)  (23/03/2018)
Vườn cò Bằng Lăng  (25/04/2012)