Kinh nghiệm trong quản lý, sử dụng cơ sở vật chất theo tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1
Tóm tắt: Trong các tiêu chí xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 1 và mức 2 thì tiêu chí về cơ sở vật chất là tiêu chí gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện vì nhiều lý do khác nhau. Bài viết đề cập đến hiện trạng quản lý, sử dụng cơ sở vật chất theo tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1 ở thành phố Cần Thơ và trên cơ sở đó chia sẻ một số kinh nghiệm, định hướng trong việc đảm bảo tiêu chí này từ thực tiễn của Cần Thơ thời gian qua. Đặt vấn đề Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên hồng về đức, chuyên về tài để có năng lực làm việc ngang tầm nhiệm vụ là yêu cầu có tính cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Để thực hiện yêu cầu này thì việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trong hệ thống các trường chính trị cả nước cũng cần được quan tâm, chú trọng. Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn đã tạo cơ sở để chuẩn hóa cả về tổ chức, hoạt động lẫn điều kiện cơ sở vật chất để phục vụ và đảm bảo chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên ở từng địa phương theo yêu cầu đề ra. Cho đến nay, việc đưa nội dung của Quy định số 11-QĐ/TW vào thực tiễn tổ chức và hoạt động của hệ thống trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, một số trường đã được công nhận chuẩn mức 1 và đang dần hoàn thiện chuẩn mức 2. Tuy nhiên, phần lớn các trường chính trị các tỉnh, thành còn có một số những khó khăn trong việc chuẩn hóa theo 06 nhóm tiêu chí, trong đó nhóm tiêu chí thứ VI về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính là nhóm tiêu chí cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của địa phương thì mới có thể thực hiện được. Do vậy, việc trao đổi, rút kinh nghiệm trong xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý, khai thác, sử dụng điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện trường chính trị chuẩn có ý nghĩa thiết thực to lớn. 1. Điều kiện cơ sở vật chất trong xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên thì ngoài điều kiện về chất lượng chương trình, kiểm tra đánh giá, chất lượng giảng viên thì chất lượng của hoạt động dạy - học cũng phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện cơ sở vật chất. Đây là những điều kiện không chỉ đảm bảo cho hoạt động dạy - học diễn ra thuận lợi, hiệu quả mà còn phục vụ các hoạt động gắn liền với quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên như hoạt động quản lý điều hành của ban giám hiệu, hoạt động nghiên cứu, làm việc của đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu học tập, ăn nghỉ, vui chơi của học viên các lớp… Trong xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1 thì tại Điều 11, Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương thì tiêu chí cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính bao gồm: Có đủ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật phục vụ việc dạy, học và nghiên cứu; đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; bảo đảm tăng quy mô đào tạo tập trung. Tổng diện tích sử dụng (gồm diện tích phòng học, phòng làm việc, phòng họp, phòng hội thảo, phòng truyền thống, phòng khách, hội trường lớn, thư viện, nhà đa năng, nhà ăn, ký túc xá, khuôn viên cây xanh hoặc vườn hoa, đường giao thông nội bộ) bảo đảm tối thiểu 20.000m2. Xuất phát từ yêu cầu, mục đích của công tác đào tạo, bồi dưỡng là nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, đảng viên đáp ứng và ngang tầm nhiệm vụ để hoàn thành tốt các nhiệm vụ ở vị trí công tác của mình thì việc đầu tư đồng bộ, đầy đủ, hiện đại các điều kiện cơ sở vật chất theo Quy định số 11-QĐ/TW sẽ góp phần quan trọng để đảm bảo yêu cầu, mục đích này. 2. Hiện trạng cơ sở vật chất và kinh nghiệm trong quản lý, sử dụng cơ sở vật chất tại Trường Chính trị thành phố Cần Thơ 2.1. Hiện trạng quản lý, sử dụng cơ sở vật chất tại Trường Chính trị thành phố Cần Thơ Thời gian qua, Trường Chính trị thành phố Cần Thơ cũng nhận được sự quan tâm sâu sát của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố trong việc đầu tư xây dựng, trang bị các điều kiện cơ sở vật chất tương đối đầy đủ, đồng bộ và đã từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị các cấp của thành phố. Trụ sở mới của Trường Chính trị thành phố Cần Thơ ở địa chỉ mới được đưa vào sử dụng, vận hành từ năm 2018 với tổng diện tích là 27.335 m2, khuôn viên trường hiện nay có: - Khối Giảng đường: 1.877m2 (gồm 18 phòng học có sức chứa từ 80 đến 150 chỗ ngồi) - Hội trường 400 chỗ: 995 m2 - Khối Hiệu bộ: 797 m2 (gồm 03 phòng làm việc của Ban giám hiệu; 07 phòng làm việc của các khoa phòng; 03 phòng dạy học trực tuyến; 03 phòng họp trong đó 01 phòng họp có thiết bị trực tuyến; 01 phòng truyền thống; 01 phòng hội thảo; 02 kho lưu trữ tài liệu; 02 phòng dịch vụ) - Khối ký túc xá: 716 m2 có 04 phòng nghỉ cho giảng viên và 20 phòng cho học viên với 100 chỗ nghỉ cho học viên (trường vừa được đầu tư xây dựng thêm khu nhà ký túc xá với 4 phòng nghỉ dành cho giảng viên và 17 phòng nghỉ dành cho học viên nhưng chưa được nghiệm thu, bàn giao) - Khối nhà ăn 350 chỗ: 878 m2 - Khối thư viện 195 người/ca: 655 m2 (gồm 02 kho sách; 01 phòng đọc; 04 phòng làm việc, 04 phòng máy vi tính với 90 máy) - Nhà để máy phát điện + máy bơm nước: 40 m2 - Nhà máy biến áp: 40 m2 - Nhà để xe: 980 m2 - Nhà bảo vệ: 16 m2 - Đài phun nước: 248 m2 Ngoài ra, mặc dù không có nhà đa năng, nhưng Trường cũng đã đầu tư được 03 sân bóng chuyền hơi nữ và bóng chuyền nam để làm nơi tổ chức các phòng trào thể dục, thể thao, rèn luyện sức khỏe cho viên chức người lao động và học viên. Như vậy, với điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư thì Trường Chính trị thành phố Cần Thơ cơ bản đạt và vượt tiêu chuẩn theo quy định. Riêng đối với, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu của giảng viên và học viên đã được quan tâm đầu tư bài bản đồng bộ nên đã đáp ứng khá tốt nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Khối giảng đường hiện nay có 18 phòng học được trang bị đầy đủ thiết bị âm thanh, ánh sáng, màn hình led, màn hình ti vi, máy lạnh, camera để tạo không gian thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động học tập, sinh hoạt của học viên các lớp. Ngoài ra, Trường đã có sự chuẩn bị thích ứng với những tình huống đột xuất có thể ảnh hưởng đến việc tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng bằng việc đầu tư 03 phòng dạy trực tuyến nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy, học tập. Bên cạnh đó, việc khai thác sử dụng 04 phòng máy vi tính để phục vụ việc dạy học theo hướng lấy học viên làm trung tâm, hướng đến việc rèn luyện kỹ năng công vụ cho học viên ở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cũng như phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập với hiệu quả ngày càng cao. Bên cạnh thuận lợi cơ bản là trụ sở của Trường mới được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2018, nhưng sau 06 năm sử dụng đã xuất hiện một số hạng mục cần được bảo dưỡng sửa chữa. Một số thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động dạy và học đã xuống cấp cần được sửa chữa, mua mới thay thế như màn hình tivi, máy chiếu, máy lạnh… Khu ký túc xá hiện hữu chưa đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của các học viên ở các quận, huyện xa trường trong khi khu ký túc xá đầu tư mở rộng chưa được đánh giá nghiệm thu, bàn giao nên cũng ảnh hưởng phần nào đến học viên. Việc bố trí diện tích để xây dựng nhà đa năng gặp khó khăn nếu không mở rộng khuôn viên của trường. Việc hiện đại hóa thư viện chưa được thực hiện do còn thiếu nguồn lực đầu tư nên công tác quản lý các đầu sách, giáo trình cũng như phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của giảng viên, học viên vẫn còn thực hiện theo phương thức thủ công. 2.2. Kinh nghiệm trong quản lý, sử dụng cơ sở vật chất tại Trường Chính trị thành phố Cần Thơ Để phát huy những ưu điểm, thuận lợi và khắc phục những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất theo tiêu chí trường chính trị chuẩn mức 1, Trường Chính trị thành phố Cần Thơ xin chia sẻ một số kinh nghiệm sau: Thứ nhất, thường xuyên rà soát, thống kê, đánh giá hiện trạng sử dụng cơ sở vật chất để kịp thời bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa theo quy định. Phát huy giá trị sử dụng của các trang thiết bị, máy móc để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập, đánh giá kiểm tra kết quả đào tạo, bồi dưỡng. Thứ hai, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư thêm cho cơ sở vật chất ban đầu như: Phát động phong trào trồng cây, trồng hoa, làm vệ sinh khuôn viên trường, xây dựng sân bóng chuyền… trong học viên các lớp trung cấp lý luận chính trị tập trung và viên chức, người lao động nhằm tạo môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, thoáng mát, tiện lợi; kịp thời xin chủ trương xã hội hóa để trang bị đầy đủ và hiện đại hóa các thiết bị dạy học. Thứ ba, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức đấu thầu dịch vụ giữ xe và căn tin theo quy định pháp luật hiện hành và Quy chế quản lý và sử dụng tài sản công để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của học viên. Đồng thời, để khai thác tốt điều kiện cơ sở vật chất Trường cũng đang xin ý kiến phê duyệt của Thường trực Thành ủy về Đề án sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh dịch vụ. Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi, thống kê, báo cáo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trường. Thứ năm, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan chức năng như Văn phòng Thành ủy, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố để thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng điều kiện cơ sở vật chất cũng như tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện quy định pháp luật về quản lý tài sản công. Trên cơ sở đó, Trường Chính trị thành phố Cần Thơ cũng có sự chủ động để định hướng thực hiện tiêu chí về điều kiện cơ sở vật chất trong xây dựng trường chính trị đạt chuẩn mức 2, cụ thể: Tiếp tục nâng chất điều kiện cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ hoạt động quản lý, điều hành chung, hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên của thành phố. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tham mưu, đề xuất với Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố về thực hiện các hạng mục còn thiếu (nhà đa năng) trong Đề án xây dựng Trường đạt chuẩn mức 1 vào năm 2024 để tiếp tục duy trì theo chuẩn mức 1 và mở rộng theo chuẩn mức 2 vào những năm tiếp theo để điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo tính hiện đại, đồng bộ, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Kết luận Với sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, sự phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan chức năng liên quan, Trường Chính trị thành phố Cần Thơ đã phát huy tốt giá trị sử dụng của điều kiện cơ sở vật chất đã được đầu tư ban đầu cũng như có sự chủ động để nâng chất các điều kiện này nhằm phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, để có thể duy trì và mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu từ thực tiễn phát triển của thành phố trong thời gian tới, điều kiện cơ sở vật chất của Trường Chính trị thành phố Cần Thơ cần tiếp tục được đầu tư, tôn tạo, nâng chất theo hướng hiện đại, đồng bộ để không chỉ duy trì việc đáp ứng xây dựng trường đạt chuẩn mức 1 mà còn có thể sớm đạt chuẩn mức 2 nhằm góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố trong tương lai.
Tài liệu tham khảo 1. Ban Bí thư, Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 về trường chính trị chuẩn. 2. Thành ủy Cần Thơ, Đề án số 12-ĐA/TU ngày 11/4/2023 xây dựng Trường Chính trị thành phố Cần Thơ đạt chuẩn. 3. Trường Chính trị thành phố Cần Thơ, Báo cáo số 22-BC/TCT ngày 17/11/2023 kết quả thực hiện công tác năm 2023 và kế hoạch công tác năm 2024; Báo cáo số 53-BC/TCT ngày 28/6/2024 kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2024
ThS Lê Văn Điện - Hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố Cần Thơ ThS Nguyễn Thị Nụ - Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật |
|