Tóm tắt: Sau khi được bầu làm
Tổng Bí thư (3-1938), trước diễn biến tình hình cách mạng và yêu cầu của công
tác xây dựng Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết tác phẩm “Tự chỉ trích”. Những
luận điểm sắc bén trong tác phẩm nổi tiếng này đến nay vẫn phát huy giá trị thời
sự, nhất làphương pháp tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng.
1. Đặt vấn đề
Cuộc đời hoạt động
cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Cừ vô cùng hào hùng, oanh liệt: 26 tuổi được
bầu làm Tổng Bí thư của Đảng (3-1938); 29 tuổi đời (1912-1941) đã có hơn 7 năm
bị thực dân Pháp giam cầm trong các nhà tù khét tiếng như Hỏa Lò, Côn Đảo. Đại
tướng Võ Nguyên Giáp đã viết về đồng chí Nguyễn Văn Cừ như sau: “Điều trước
tiên tôi muốn nói là thật tự hào cho Đảng ta đã có một đồng chí Tổng Bí thư rất
trẻ mà đã có tài năng lãnh đạo xuất sắc - đồng chí Nguyễn Văn Cừ” [2, tr. 34].
Trong tác phẩm “Tự chỉ
trích”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện phương pháp tự phê bình
và phê bình mẫu mực. Nghiên cứu phương pháp tự phê bình và phê bình trong tác
phẩm “Tự chỉ trích” giúp các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên học tập, vận dụng vào
công tác xây dựng Đảnghiện nay.
2. Bối cảnh lịch sử ra đời tác phẩm “Tự chỉ trích” và những
nội dung chủ yếu học tập phương pháp tự phê bình và phê bình của đồng chí Tổng
Bí thư Nguyễn Văn Cừ
2.1. Bối cảnh lịch sử ra đời của tác phẩm “Tự
chỉ trích”
Tác phẩm “Tự chỉ
trích” ra đời sau khi đồng chí Nguyễn Văn Cừ được công bố vào tháng 7-1939.Tình
hình cách mạng nước ta giai đoạn này chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp và công
tác xây dựng Đảng đang gặp không ít thách thức lớn. Trên thế giới, chủ nghĩa
phát xít đang ráo riết chuẩn bị gây ra chiến tranh, tác động sâu sắc đến cách mạng
ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong nước, cao trào đấu tranh
đòi quyền dân sinh, dân chủ diễn ra sôi nổi, dành được nhiều thắng lợi quan trọng.
Tuy nhiên, trong tổ chức đấu tranh còn xuất hiện những “khuynh hướng lệch lạc”[3,
tr.49]. Trong đó nổi bật nhất là vấn đề trong tập hợp lực lượng cách mạng; nhiều
đảng viên xem nhẹ hình thức hoạt động bí mật, bất hợp pháp… Các biểu hiện đó vừa
có tính chất “tả” khuynh, vừa hữu khuynh. Trong khi đó, thực tiễn cách mạng
đang đặt ra yêu cầu chuyển hướng chiến lược và xác định, đổi mới phương pháp,
điều chỉnh mục tiêuđấu tranh cách mạng phù hợp với diễn biến của thực tiễn.
Do vậy, công tác xây
dựng Đảng trong thời kỳ này là phải tập trung tăng cường tính thống nhất về tư
tưởng, lý luận trong Đảng, nhất là giải quyết mối quan hệ giữa bộ phận công
khai và bộ phận bí mật; tiến hành thảo luận, tự phê bình và phê bình nhằm khắc
phục những lệch lạc của một số đồng chí hoạt động công khai có khuynh hướng
tách rời sự lãnh đạo của cấp ủy bí mật; tìm ra nguyên nhân các hạn chế, khuyết
điểm và phương hướng chỉ đạo mới không chỉ trong công tác xây dựng Đảng, mà còn
ở chiến lược của cách mạng nước ta.
Với tư cách là Tổng
Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm “Tự chỉ trích” xuất bản tháng 7-1939
với bút danh Trí Cường. Thông qua văn kiện này, đồng chí Tổng Bí thư thể hiện
tinh thần đấu tranh kiên quyết, khoa học và cách mạng những vấn đề tư tưởng, nhận
thức đường lối cách mạng; tranh luận và giải đáp, giác ngộ lý luận chính trị
cho đảng viên, khắc phục tình trạng bất đồng ý kiến xuất hiện trong Đảng lúc bấy
giờ.Đây là tài liệu quan trọng trong xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận chính
trị, thực hành nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong tổ chức đảng và cán bộ,
đảng viên.
2.2. Một sốnội dung chủ yếu học tập phương
pháp tự phê bình và phê bình trong tác phẩm “Tự chỉ trích” của Tổng Bí thư Nguyễn
Văn Cừ
Một là, tự phê bình và phê bình nhằm xây dựng sự thống nhấttư
tưởng, lý luận theonguyên tắc Đảng.
Có thể nói đây là mục
tiêu lớn nhất trong tác phầm “Tự chỉ trích” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn
Cừ. Theo nội dung tác phẩm, chúng ta thấy tự phê bình và phê bình cần thực hiện
hiệu quả các vấn đề sau. Thứ nhất,tự phê bình và phê bình trước hết phải đặc biệt
chú trọng khâu chọn nội dung. Đó phải là vấn đề chưa tạo nên sự thống nhất
trong tổ chức Đảng, đảng viên;dư luận trong xã hội, quần chúng. Trong quá trình
tự phê bình và phê bình này cần đặc biệtlàm rõ giữa ý kiến cá nhân và chủ
trương của Đảng. Hình thức tiến hành tự phê bình và phê bình đối với nội dung
này là “mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, miễn là sự thảo
luận luôn luôn giữ theo tinh thần Bôn-sê-vích” [1, tr.9]. Thứ hai,đối với “bên trong” tổ chức Đảng cần có sự thảo luận, tự
phê bình và phê bình với mục tiêu trọng tâm làtìm ra nguyên nhân, giải pháp khắc
phục vấn đề đang đặt ra. Đối với “bên ngoài”, cần nhanh chóng định hướng dư luận
quần chúng nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội trong các giai tầng. Bởi sự
thống nhất trong tổ chức đảng đóng vai trò hạt nhân, là cơ sở để kiến tạo sự đồng
tình, đồng thuận trong xã hội.
Trong lý do xuất bản
tác phẩm “Tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ nêu rõ“không thể chờ lâu hơn nữa
được vì các độc giả, các đồng chí trong xứ đương xôn xao thảo luận, nhiều người
phân vân, lộn xộn” [1,tr.9]. Tức trong bối cảnh của cách mạng nước ta lúc bấy
giờ, hình thức và nội dung đấu tranh phong trào đấu tranh đòi dân chủ còn một số
hạn chế nhất định.Quan điểm tự phê bình và phê bình của đồng chí Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Cừ là “không thể giữ thái độ lãnh đạm hay mù mờ với những việc xảy
ra…, không bi quan hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn, để tìm ra nguyên
nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ” [1,tr.8]. Tuy
nhiên, dù hình thức, nội dung tự phê bình và phê bình như thế nào, cuối cùng
theo đồng chí Tổng Bí thư thì “thiểu số phải phục tùng đa số và chứng ấy chỉ có
một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, ngàn người sẽ như một để thực hành ý chí ấy”
[1, tr.10]. Điều đó cũng có nghĩa là sự thống nhất chỉ có được khi nó là kết quả
của sự giác ngộ chắc chắn, là sản phẩmdo sự phân tích đúng đắn các quan điểm, ý
kiến xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau mà có để làm rõ đúng sai, phải trái.
Sự thống nhất đạt được
sau thảo luận, sau tự phê bình và phê bình sẽ trở thành sự thống nhất tự giác,
cơ sở cho sự đồng thuận, đoàn kết của tập thể, sự thống nhất ý chí của Đảng, dẫn
đến thành công trong hành động cách mạng; ngược lại sẽ dẫn đến thủ tiêu đấu
tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng, làm cho Đảng không còn tính chiến đấu,
không còn vai trò tiền phong. Điều này sẽ bị địch lợi dụng chống phá, hệ quả là
Đảng sẽ không còn uy tín với quần chúng cách mạng. Do đó, đòi hỏi trong Đảng cần
có sự phê bình và tự phê bình ở tầm tư tưởng chiến lược.Tức tự phê bình và
phê bình chính là đấu tranh với cả khuynh hướng “tả” hoặc hữu khuynh
có nguy cơ gây ra chủ nghĩa biệt phái trong Đảng, tạo ra nhận thức và
hành động thống nhất trên cơ sở đường lối khoa học. Tự phê bình và
phê bình nhằm gột rửa các tư tưởng lạc hậu, sai lầm, chậm tiến để
đội ngũ đảng viên không ngừng nâng cao nhận thức tư tưởng - lý luận,
nhờ đó đủ năng lực lãnh đạo cách mạng và thống nhất ý chí khi
hành động.
Hai là, tự phê
bình và phê bình hướng đến mục tiêu giáo dục đảng viên giác ngộ rõ ràng và đầy
đủ trách nhiệm của mình, biết xoay phương hướng trong những hoàn cảnh khó khăn
của cách mạng.
Chúng ta biết rằng,xây
dựng Đảng là quá trình không ngừng giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong quá
trình vận động của cách mạng. Đó là mâu thuẫn giữa bộ phận tiền
phong với bộ phận chậm tiến, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống trong nội bộ Đảng; giữa tư tưởng cách mạng chân chính với những tư
tưởng lạc hậu, bảo thủ; giữa yêu cầu đảm bảo tính thống nhất, đoàn kết
của Đảng với khuynh hướng “tả” hoặc hữu khuynh có nguy cơ làm phân liệt
Đảng. Một trong những phương thức quan trọng để giải quyết những mâu thuẫn
đó là tự phê bình và phê bình, qua đó đấu tranh và bài trừ những tư tưởng,
quan điểm sai lầm, thoái hóa về chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận
cán bộ, đảng viên cản trở sự phát triển của Đảng.
Theo quan điểm của đồng
chí Nguyễn Văn Cừ, tự phê bình còn có ý nghĩa, tác dụng là để huấn luyện quần
chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng.
Qua đó, phong trào cách mạng phát triển, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, “chớ
không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng – dù cho đúng – đối
chọi với Đảng” [1,tr.13]. Muốn vậy phải tự phê bình và phê bình thực chất trên
tinh thần xây dựng, đóng góp cho Đảng. Những lúc cách mạng thắng lợi, tự
phê bình và phê bình để phòng ngừa tâm lý thỏa mãn với thành tích
đạt được ban đầu, say sưa với thắng lợi, không lường được những nguy
cơ mới xuất hiện. Những lúc cách mạng gặp khó khăn, tự phê bình
nhằm chỉnh đốn tư tưởng và tổ chức, truy tìm nguyên nhân chủ quan dẫn
đến sai lầm, gây thiệt hại cho cách mạng, rồi từ đó uốn nắn, sửa
chữa, giúp Đảng trưởng thành hơn và vượt qua được thử thách, tiếp
tục giữ vai trò tiền phong gương mẫu. Ngược lại, sẽ không phải là một đảng
tiền phong cách mạng.
Ba là, tự phê bình và phê bình trong quá trình tổ chức thực
hiện, trước hết là khâu tuyên truyền, vận dụng chủ trương, chính sách vào thực
tiễn; đồng thời không được mất cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực
thù địch.
Trong tác phẩm “Tự chỉ trích”, đồng chí Nguyễn
Văn Cừ cho rằng, việc thành lập Mặt trận dân chủ thống nhất của Đảnglà rất phù
hợp, nhưng sự thực hành còn nhiều lầm lỗi. Trong công tác tuyên truyền còn nặng
yếu tố trừu tượng, kêu gọi nhân dân chống phát xít, chống chiến tranh, nhưng ít
chú ý đến âm mưu của kẻ thù, hoặc không chú trọng điều tra xác thực để gần gủi
và hiểu rõ nguyện vọng của quần chúng. Đặc biệt, đối với cán bộ, đảng viên khi
thực hiện công tác tuyên truyền phải nắm rõ chủ trương, chính sách của Đảng. Đồng
chí yêu cầu “khi muốn tuyên truyền chính sách của Đảng trên các báo sách phải
có thảo luận với nhiều anh em” [1,tr.19]. Song song đó, để công tác tuyên truyền
và đưa chủ trương, chính sách của Đảng vào thực tiễn, cần kiên quyết đấu tranh
với các phần tử cơ hội chính trị, cần thâm nhập vào các tầng lớp dân chúng để vạch
trần âm mưu của địch. Muốn vậy, người cán bộ, đảng viên không phải chỉ am tường
chủ trương, chính sách, mà còn phải có hành động cách mạng thực tiễn. Bởi xét một
người cách mạng, cũng như một đảng chính trị, “người ta chỉ căn cứ vào chương
trình và hành động của họ, chớ ai có thể căn cứ vào những ý nghĩ không hề nói
ra của họ” [1,tr.29].
Tuy nhiên, dù đã là
như thế, trong tựphê bình và phê bình phải vì lợi ích của nhân dân mà tự phê những
khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển mạnh
mẽ và rộng rãi hơn nữa. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên để không sa vào chủ
nghĩa cá nhân và lợi ích cục bộ, phải đặt lợi ích cách mạng lên
cao nhất và duy nhất. Bản thân mỗi đảng viên phải tự soi lại chính
mình trên tinh thần cộng sản để tìm thấy những khuyết điểm phải sửa
chữa, những tác phong đạo đức không phù hợp phải chỉnh đốn, những
nhận thức lạc hậu phải được đổi mới. Thiếu tinh thần cộng sản chân
chính, rơi vào chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cục bộ thì phê bình
hoặc sẽ biến thành hình thức, qua loa đại khái hoặc bị lợi dụng nhằm
đả kích nhau, gây rối loạn tổ chức, làm phân tâm tư tưởng và tác động
tiêu cực đến phong trào cách mạng. Do đó, xây dựng ý thức, trách
nhiệm, thái độ và phương pháp đúng trong tự phê bình và phê bình là
những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
3. Kết
luận
Kỷ niệm và kế thừa di
sản lý luận 84 năm trong tác phẩm “Tự chỉ trích” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn
Văn Cừ, hiện nay toàn Đảng ta đang nỗ lực thực hiện tốt các Nghị quyết Trung ương
4 khóa XI, XII và Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng
lần thứ tư khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên
quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng,
chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với
thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp
tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy
mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đặc biệt, nhằm
xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị
của giai đoạn cách mạng, trên tinh thần tự phê bình và phê bình, cán bộ, đảng
viên hiện nay đang sinh hoạt chính trị tác phẩm "Kiên quyết, kiên trì đấu
tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta
ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tài liệu tham khảo:
1.
Nguyễn Văn Cừ (2012), Tự chỉ trích,
Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2.
Võ
Nguyên Giáp (2002),Nguyễn Văn Cừ, nhà
lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, Nxb.Chính trị quốc gia,
Hà Nội.
3. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (2006), Các Đại hội đại biểu toàn quốc và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Cộng sản Việt Nam (1930-2006), Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội.
ThS.
Nguyễn Văn Thuận - Phó trưởng khoa Xây dựng Đảng