Mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam
Tóm tắt: Nhật Bản là nhà nước
đơn nhất, có mô hình chính quyền địa phương hai cấp hiệu quả, với cơ chế phân
quyền rõ ràng và quyền tự chủ mạnh mẽ cho địa phương. Chính quyền cấp tỉnh
(Prefecture) và cấp thành phố/thị trấn/xã (Municipality) phối hợp chặt chẽ
trong quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công. Trong phạm vi bài viết phân
tích đặc điểm, cơ chế vận hành và những kinh nghiệm từ mô hình này, đồng thời đề
xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại
Việt Nam hiện nay. Từ khóa: chính quyền địa
phương, mô hình hai cấp, Nhật Bản, phân quyền, kinh nghiệm quốc tế. 1.
Đặt vấn đề Việc
tổ chức chính quyền địa phương là nội dung cốt lõi trong cải cách bộ máy nhà nước
nhằm nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả quản lý và phát huy dân chủ. Mô
hình chính quyền địa phương hai cấp đã được nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức
(Pháp, Đức, Mỹ, Nhật Bản…), trong đó Nhật Bản được đánh giá là đã xây dựng được
một hệ thống chính quyền địa phương gọn nhẹ, tự chủ, độc lập, hoạt động có hiệu
lực, hiệu quả, minh bạch, có sự tham gia sâu rộng của người dân và thành công trong
thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững[1]. Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh phân quyền,
phân cấp và hoàn thiện thể chế tổ chức chính quyền địa phương hai cấp theo tinh
thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức
bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì việc
nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc và là nguồn tư liệu
tham khảo hữu ích cho Việt Nam. 2.
Mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở Nhật Bản 2.1.
Khái quát về mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở Nhật Bản Một
là, về cấu trúc tổ chức Nhật Bản theo thể chế nhà nước đơn nhất nhưng
có sự phân quyền rất mạnh cho địa phương. Chính quyền địa phương được tổ chức
thành hai cấp: Cấp tỉnh (47 tỉnh: bao gồm 1 thủ đô - Tokyo, 1 đạo - Hokkaido, 2
phủ - Osaka và Kyoto, 43 huyện); Cấp thành phố/thị trấn/xã (khoảng 1.700 đơn vị,
bao gồm thành phố, thị trấn và làng xã)[2]. Hai
là, nguyên tắc vận hành Theo
quy định tại Điều 92 của Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 quy định: Nguyên
tắc tự quản của chính quyền địa phương: i) Tự quản mang tính tổ chức: chính quyền
địa phương thực hiện chế độ hai hội đồng, địa phương được quyền tổ chức bộ máy
chính quyền của mình, bao gồm: Cơ quan đại diện của dân cư địa phương (hội đồng
địa phương) được bầu trực tiếp, Người đứng đầu chính quyền địa phương (tỉnh trưởng,
thị trưởng,...) cũng do dân bầu. Cơ chế tổ chức mang tính độc lập, không phụ
thuộc vào chính quyền trung ương trong công tác điều hành nội bộ; ii) Tự quản
mang tính hành chính, Chính quyền địa phương được giao quyền quản lý và thực hiện
các công việc hành chính liên quan trực tiếp đến cư dân địa phương, bao gồm:
quy hoạch đô thị, giáo dục, phúc lợi, môi trường, y tế, phòng chống thiên tai,...
và địa phương có quyền ban hành quy định trong phạm vi pháp luật cho phép để
phù hợp với điều kiện thực tế. Ba
là, về thẩm quyền và chức năng Chính quyền cấp tỉnh: chịu trách nhiệm các vấn
đề quy mô lớn như y tế công cộng, giáo dục trung học, giao thông liên tỉnh,
phát triển kinh tế vùng. Chính quyền cấp thành phố/thị trấn/xã: phụ trách dịch
vụ công trực tiếp như giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, phúc lợi xã hội, vệ
sinh môi trường, quản lý đô thị. Bốn
là, về cơ chế tài chính Nguồn
thu: Địa phương được hưởng phần lớn nguồn thu thuế địa phương và nhận trợ cấp từ
ngân sách trung ương qua cơ chế điều tiết tài chính hợp lý. Nguyên tắc cân đối
ngân sách: Địa phương có trách nhiệm lập và quyết định ngân sách của mình, có
quyền vay nợ theo quy định. Năm
là, mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương Mặc
dù có nguyên tắc tự quản, chính quyền trung ương vẫn giữ vai trò định hướng và
giám sát thông qua hệ thống pháp luật, các chính sách quốc gia, và cơ chế tài
chính. Trung ương hạn chế can thiệp trực tiếp vào hoạt động của địa phương, trừ
trường hợp đặc biệt theo quy định của luật. 2.2.
Ưu điểm và thách thức của mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở Nhật Bản Về ưu điểm: i) Phát huy tính tự chủ của địa
phương: giúp các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong quản lý và phát triển
kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù vùng miền; ii) Nâng cao hiệu quả cung ứng
dịch vụ công: dịch vụ đến gần với người dân hơn, chất lượng phục vụ được cải
thiện nhờ cơ chế tự chủ; iii) Dân chủ hóa quản trị địa phương: thông qua bầu cử
trực tiếp, người dân có quyền kiểm soát và giám sát chính quyền địa phương. Về thách thức: i) Chênh lệch phát triển giữa
các địa phương: các địa phương giàu có thể phát triển nhanh hơn, trong khi những
vùng nghèo gặp khó khăn; ii) Gánh nặng tài chính cho địa phương: một số chính
quyền địa phương phụ thuộc nhiều vào hỗ trợ từ trung ương; iii) Điều phối giữa
trung ương và địa phương: đòi hỏi cơ chế phối hợp hiệu quả để tránh xung đột lợi
ích và bảo đảm lợi ích quốc gia. 2.3.
Kinh nghiệm cho Việt Nam Một
là, phân quyền rõ ràng giữa trung ương và địa phương Cần
rà soát và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phân cấp, phân quyền. Xác định rõ
chức năng, nhiệm vụ của từng cấp chính quyền để tránh chồng chéo, đùn đẩy trách
nhiệm. Cần phân biệt rõ ràng: công việc quốc gia - do chính phủ, Trung ương thực
hiện; công việc được ủy quyền - địa phương thực hiện thay Trung ương (có sự giám
sát theo quy định của pháp luật); công việc tự quản - địa phương tự quyết và tự
chịu trách nhiệm theo quy định. Tránh tình trạng chồng chéo, trùng lặp về nhiệm
vụ và quyền hạn giữa các cấp chính quyền. Thực trạng hiện nay, Trung ương vẫn
giữ vai trò quá lớn dẫn đến địa phương bị động, đôi khi chỉ là cấp thực thi chứ
không thực sự tự chủ. Vì vậy, khi tổ chức chính quyền đia phương hai cấp, chúng
ta cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ theo nguyên tắc phân quyền thực chất,
tránh dàn trải, tránh "cái gì cũng trung ương", cần xác lập các lĩnh
vực ưu tiên để địa phương được tự quyết, đồng thời có cơ chế giám sát rõ ràng từ
trung ương. Hai
là, tăng cường quyền tự chủ tài chính cho địa phương Cải cách cơ chế phân bổ ngân sách theo hướng
tăng tỷ lệ thu ngân sách địa phương được giữ lại. Khuyến khích các địa phương
chủ động phát triển nguồn thu. Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, các địa phương
ở có quyền thu thuế nhất định, được điều tiết ngân sách và nhận hỗ trợ từ trung
ương theo nguyên tắc công bằng, việc tự chủ tài chính giúp địa phương chủ động
trong việc đầu tư phát triển, phục vụ người dân. Hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ điều
tiết ngân sách giữa trung ương và địa phương còn bất cân đối, địa phương ít nguồn
lực nhưng lại nhiều nhiệm vụ, cơ chế xin - cho vẫn tồn tại, làm giảm động lực
và tính sáng tạo trong quản trị địa phương. Vì vậy thời gian tới, cần tăng cường
phân cấp ngân sách, mở rộng quyền tự chủ tài chính và cho phép địa phương khai
thác nguồn thu hợp pháp. Nghiên cứu mô hình “quỹ cân đối tài khóa” để hỗ trợ
các địa phương yếu hơn. Ba
là, thúc đẩy dân chủ và minh bạch trong quản trị địa phương Đẩy mạnh bầu cử trực tiếp và cơ chế giám sát
của người dân đối với chính quyền địa phương. Tăng cường minh bạch trong hoạch
định chính sách và quản lý tài chính địa phương. Hiện nay chúng ta vẫn thực hiện
cơ chế bầu chủ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp cơ sở do Hội đồng nhân
dân bầu nhưng có sự phân công, phê chuẩn từ cấp trên, làm giảm tính dân chủ trực
tiếp, cơ chế giám sát của nhân dân đối với chính quyền địa phương còn hình thức.
Vì vậy chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu mở rộng hình thức bầu cử trực tiếp một
số chức danh chủ chốt tại địa phương, tăng cường trách nhiệm giải trình, công
khai hoạt động chính quyền địa phương để người dân có thể tham gia và giám sát
hiệu quả hơn Bốn
là, xây dựng đội ngũ cán bộ địa phương chuyên nghiệp Chính
quyền trung ương chỉ quy định tiêu chuẩn mà cán bộ, công chức phải đáp ứng,
chính quyền địa phương được đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn hoặc có sự khác biệt
để chủ động cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng với yêu cầu
của địa phương mình. Chủ động đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ địa
phương. Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực và giữ chân nhân tài về làm
việc tại các địa phương, chính sách thu hút, khuyến khích nguồn nhân lực đến
các vùng khó khăn của địa phương. Đồng thời, chính quyền địa phương được quyền
lựa chọn nhân sự thuộc thẩm quyền của địa phương quản lý để bố trí, sắp xếp sử
dụng, cụ thể: chủ động toàn bộ các vấn đề tổ chức thi tuyển, bổ nhiệm, nâng ngạch,
nâng bậc, đãi ngộ,... đối với cán bộ, công chức trên cơ sở quy định chung của
chính quyền trung ương. Năm
là, thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa trung ương và địa phương Hoàn thiện cơ chế phối hợp, trao đổi thông
tin giữa các cấp chính quyền. i) Thiết lập các thiết chế phối hợp liên ngành,
liên cấp để xử lý các vấn đề liên vùng, liên tỉnh như quy hoạch vùng, phát triển
hạ tầng, bảo vệ môi trường; tổ chức họp giao ban định kỳ giữa trung ương và địa
phương, giữa các địa phương trong liên vùng, liên tỉnh trên các lĩnh vực như đầu
tư công, giáo dục, y tế, biến đổi khí hậu. ii) Ứng dụng công nghệ thông, chuyển
đổi số trong phối hợp điều hành, xây dựng hệ thống thông tin điều hành liên
thông từ trung ương tới cấp cơ sở, có thể chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực,
phục vụ ra quyết định trong lãnh đạo, quản lý; triển khai các nền tảng quản trị
số quốc gia thống nhất để giám sát, đánh giá hiệu quả phối hợp chính sách, ngân
sách, dự án giữa các cấp. iii) Thực hiện cơ chế “đối thoại chính sách” thường
xuyên, gắn cơ chế phối hợp với trách nhiệm giải trình và đánh giá hiệu quả. Tổ
chức các diễn đàn chính sách vùng hoặc quốc gia với sự tham gia của trung ương,
địa phương, khu vực tư nhân và chuyên gia độc lập; xây dựng chỉ số đánh giá hiệu
quả phối hợp (CPI - Coordination Performance Index) giữa các cấp chính quyền; gắn
kết quả phối hợp vào tiêu chí thi đua, đánh giá công vụ của các bộ, ngành và địa
phương; tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và
người dân trong đánh giá hiệu quả phối hợp thực hiện chính sách, pháp luật. 3.
Kết luận Mô
hình chính quyền địa phương hai cấp ở Nhật Bản là minh chứng cho sự thành công
của một mô hình phân quyền mạnh mẽ nhưng vẫn bảo đảm sự thống nhất quốc gia.
Kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy rằng việc trao quyền tự chủ hợp lý cho địa
phương, đi kèm với trách nhiệm giải trình, có thể giúp tăng cường hiệu năng, hiệu
lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Đối với
Việt Nam, trong tiến trình cải cách hành chính và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa, việc tiếp thu có chọn lọc các kinh nghiệm quốc tế, trong đó
có mô hình của Nhật Bản, sẽ là cơ sở quan trọng để xây dựng chính quyền địa
phương hai cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người
dân và doanh nghiệp. Tài liệu tham khảo 1.
Ban
Chấp hành Trung ương (2022), Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và
hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; 2.
Bộ
Nội vụ (2020), Báo cáo tổng kết cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020; 3.
CIEM
(2021), Báo cáo về phân cấp tài chính ở Việt Nam năm 2021; 4.
Local
Autonomy Law of Japan (Revised 2022), Ministry of Internal Affairs and
Communications (MIC); 5.
Nguyễn Minh Phương (2020). Hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền
địa phương ở Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Tạp
chí Quản lý nhà nước, số 297(11); 6.
Nguyễn Thị Thu Trang (2021). Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính
quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay. Luận án Tiến sĩ Luật học, Học
viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; 7.
OECD
(2019), Decentralisation and Local Public Finance in Asia. Hiến pháp Nhật
Bản 1946; 8.
Phạm Duy Nghĩa (2018). Quyền tự chủ của chính quyền địa
phương trong nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. NXB Chính trị Quốc gia
Sự thật; 9.
Quốc
hội (2015), (2019), (2025), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa
đổi, bổ sung năm 2019, năm 2025); 10.
Trần
Công Dũng (2016), Hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan chính quyền
địa phương ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sỹ luật học; 11.
Viện
Nghiên cứu Lập pháp - Quốc hội (2023), Tọa đàm về mô hình tự quản địa phương. ThS Lữ Minh Đăng - Phó trưởng Khoa Nhà nước và
pháp luật [1] Phan Thị Lan Hương (2014), Kinh nghiệm cải cách của Nhật Bản và việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương ở Việt Nam, Tạp chí Tổ chức Nhà nước và người lao động, https://tcnn.vn/news/detail/5419/Kinh_nghiem_cai_cach_cua_Nhat_Ban_ va_viec_xay_dung_mo_hinh_chinh_quyen_dia_phuong_o_Viet_Namall.html, [truy cập, ngày 17/6/2025]. [2] Quốc Đại (2025), Mô hình chính quyền ba cấp nhìn từ thế giới https://daibieunhandan.vn/mo-hinh-chinh-quyen-ba-cap-nhin-tu-the-gioi-10360986.html [truy cập,ngày 17/6/2025]. [3] Văn phòng Quốc hội (2009), Tuyển tập Hiến pháp một số nước trên thế giới, Bản dịch tiếng Việt, Nxb. Thống kê, Hà Nội, tr.136. |
|