Công tác phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Cần thơ: Thực trạng và giải pháp
1. Đặt vấn đề Thương mại điện tử (TMĐT) là hình thái hoạt động và trao đổi thông tin thương mại giữa các chủ thể có liên quan trong quá trình mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ thương mại, như giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với khách hàng, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau bằng các phương pháp điện tử, diễn ra trên môi trường mạng, mà cụ thể là Internet. Trong thời gian qua, giao dịch TMĐT ở Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng ngày càng được phát triển và đã trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được doanh nghiệp, người dân sử dụng, đặc biệt từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay. Bài viết tập trung nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố Cần Thơ, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển TMĐT đạt kết quả cao trong thời gian tới. 2. Thực trạng công tác phát triển thương mại điện tử tại thành phố Cần Thơ Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế trên địa bàn thành phố, UBND thành phố đã quan tâm, phát triển TMĐT và đạt được những kết quả quan trọng sau: Một là, quan tâm, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cụ thể, UBND thành phố đã ban hành các văn bản quản lý, điều hành sau: Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 28/9/2021 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn thành phố Cần Thơ; Chương trình số 05/CTr-UBND ngày 17/02/2022 về chương trình phát triển thương mại điện tử thành phố Cần Thơ năm 2022; Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 15/12/2022 về việc tăng cường triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Hai là, năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT ngày được nâng cao. Tổng số doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng hóa đơn là 9.953 đơn vị, đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%; hộ kinh doanh đăng ký theo phương pháp kê khai có sử dụng hóa đơn điện tử là 1.025 hộ, đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Ba là, thực hiện các hoạt động góp phần nâng cao kỹ năng TMĐT cho doanh nghiệp, như phối hợp Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Cục Xúc tiến Thương mại để hỗ trợ cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động TMĐT trên địa bàn thành phố. Theo dõi, thu hút, hướng dẫn và phê duyệt đăng ký của doanh nghiệp tham gia Sàn thương mại điện tử; tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng tận dụng các lợi thế từ Hiệp định EVFTA và chứng nhận xuất xứ ưu đãi thuế. Bốn là, phối với với các bộ, ngành Trung ương tổ chức các sự kiện về TMĐT. Cụ thể, phối hợp với Bộ Công Thương thông tin, vận động và hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ thể OCOP tham gia Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”. Đăng tải thông tin về các sản phẩm OCOP của thành phố trên trang canthotrade.com; tham gia các sàn Lazada, Tiki, Shopee, Voso, Postmart, Sendo; kết nối nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ kinh doanh đăng ký để tham gia Shopee và Shopee farm với các sản phẩm nông nghiệp như cây giống, rau củ quả tươi. Năm là, quan tâm, triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch TMĐT. Thúc đẩy triển khai thực hiện hải quan điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, có 301 doanh nghiệp tham gia làm thủ tục hải quan qua hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; đẩy mạnh công tác giải quyết thủ tục hành chính, 100% doanh nghiệp xuất nhập khẩu nộp thuế qua ngân hàng. Sáu là, xây dựng và thực thi các chính sách nhằm tăng tỷ trọng hàng nội địa trên môi trường điện tử. Tổ chức, hưởng ứng “Tuần lễ Thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam - Online Friday 2022” trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới của công nghiệp 4.0, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo vệ và phát triển tài sản trí tuệ và năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Bảy là, thực hiện các hoạt động góp phần nâng cao năng lực hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT. Cụ thể, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN. Đăng tải thông tin liên quan đến đăng ký doanh nghiệp trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Triển khai tổng hợp số liệu hiện trạng hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông di động và cố định từ các doanh nghiệp viễn thông. Tám là, việc ứng dụng TMĐT hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, tạo cơ hội cho hàng hóa nội địa chất lượng giới thiệu với đối tác nước ngoài và thúc đẩy phát triển TMĐT tại các địa phương ngày càng được đẩy mạnh. Phối hợp mời doanh nghiệp tham dự Hội nghị quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu, kết hợp tổ chức giao lưu trực tuyến trên nền tảng số; doanh nghiệp xuất khẩu ở Cần Thơ tham dự, qua đó doanh nghiệp có thêm các đầu mối khách hàng quốc tế để có thể tiếp tục liên hệ, trao đổi kết nối kinh doanh sau Hội nghị. Chín là, phát triển các ứng dụng công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Phối hợp với VNPT Cần Thơ xây dựng sàn TMĐT và đưa vào triển khai thực hiện, cũng như tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ nông dân nhằm đưa sản phẩm lên sàn TMĐT (Voso.vn; Postmart.vn). Đến cuối năm 2022, có 17.800 hộ sản xuất nông nghiệp giới thiệu trên 200 sản phẩm nông nghiệp lên sàn, gần 3.000 người tham gia đăng ký giới thiệu nông sản trên sàn Thương mại điện tử hoặc ứng dụng công nghệ số để truy xuất nguồn gốc nông sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng được ghi nhận nêu trên thì công tác phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố vẫn còn những tồn tại, khó khăn như sau: Thứ nhất, tỷ lệ người sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong tổng dân số Cần Thơ chưa cao. Các chương trình điện thoại giá rẻ của doanh nghiệp chưa được nhiều người dùng quan tâm. Thứ hai, mặc dù thành phố luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhận lực nói chung, nhưng vẫn còn thiếu nguồn lực công chức, viên chức chuyên sâu về lĩnh vực TMĐT và chuyển đổi số. Thứ ba, chưa có hệ thống quản lý, thống kê thông tin các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh TMĐT không có đăng ký kinh doanh chính thức nên công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao. Thứ tư, các cá nhân có thể dễ dàng tự thiết lập và sử dụng nhiều tài khoản đăng nhập vào các trang mạng Facebook, Zalo,... không khai báo hoặc không đăng ký thông tin địa điểm kinh doanh, mua bán nên gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước về thương mại và công tác thu thuế. Thứ năm, thời gian qua các sở, ngành, địa phương đã tham gia đóng góp ý kiến bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý hoạt động TMĐT; tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh của TMĐT và chuyển đổi số, các quy định về kinh doanh, giao dịch, thanh toán trực tuyến đã phần nào lạc hậu so với thực tiễn. 3. Một số giải pháp Nhằm tháo gỡ những tồn tại, khó khăn nêu trên và phát triển TMĐT đạt kết quả cao trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong thời gian tới, một số giải pháp cần được thực hiện đồng bộ như sau: Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về những lợi ích của TMĐT trên phương tiện truyền thông với đa dạng về hình thức, phù hợp về nội dung. Vận động, thúc đẩy các doanh nghiệp có nhiều giải pháp tài chính để hỗ trợ người dùng trong mua sắm điện thoại thông minh để đạt tỷ lệ người dân Cần Thơ dùng điện thoại thông minh truy cập Internet theo kế hoạch đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025. Hai là, tăng cường mối quan hệ hợp tác về TMĐT với các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và các thành phố trực thuộc Trung ương. Đẩy mạnh khuyến khích doanh nghiệp tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng TMĐT trong hoạt động kinh doanh; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về TMĐT cho doanh nghiệp; phối hợp tổ chức các sự kiện TMĐT kết nối cung - cầu hàng hóa cho các doanh nghiệp. Ba là, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi lợi dụng TMĐT để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phối hợp cung cấp danh sách phát sinh trong TMĐT định kỳ hàng quý, cung cấp thông tin các tổ chức, cá nhân có sử dụng mạng xã hội để bán hàng trực tuyến cho cơ quan thanh tra, kiểm tra để xác định doanh thu và quản lý thuế theo quy định. Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý nhà nước giữa các cơ quan về tình hình vi phạm, tội phạm, lợi dụng TMĐT để hoạt động; thanh tra, kiểm tra các tổ chức vận chuyển, giao nhận hàng hóa có hoạt động thu hộ cho các đơn vị kinh doanh trực tuyến; rà soát, quản lý thu thuế theo quy định, theo dõi hoạt động bán lẻ của các tài khoản ứng dụng Facebook, Zalo,... Năm là, phối hợp với các cơ quan báo đài đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về TMĐT nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân, lan tỏa sâu rộng để người dân tích cực, chủ động tố giác các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT. Tăng cường công tác tuyên truyền về nghĩa vụ nộp thuế đến các doanh nghiệp kinh doanh và các cơ sở bán hàng trực tuyến. Sáu là, triển khai các kênh thanh toán hướng tới mục tiêu đa dạng hóa dịch vụ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ, cung cấp các dịch vụ trên nền tảng di động, hoàn thiện thanh toán điện tử phục vụ nhu cầu giao dịch điện tử trong dân cư. Các sở, ngành, UBND quận, huyện cần tiếp tục phối hợp cùng các doanh nghiệp và Ban Quản lý các chợ để củng cố chất lượng dịch vụ và tăng thêm số lượng tiểu thương đăng ký sử dụng ví điện tử tại các chợ đã công bố; đồng thời triển khai thực hiện tại các chợ còn lại trên địa bàn. 4. Kết luận Thương mại điện tử đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở hầu hết các quốc gia và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chính vì vậy, thành phố Cần Thơ luôn quan tâm đến việc phát triển TMĐT. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển TMĐT, bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố Cần Thơ cũng gặp phải những tồn tại, khó khăn nhất định, cần thực hiện đồng bộ những giải pháp để đạt được kết quả cao trong thời gian tới như: tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về những lợi ích của TMĐT trên phương tiện truyền thông; tăng cường mối quan hệ hợp tác về TMĐT với các tỉnh, thành khác; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về TMĐT; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý nhà nước giữa các cơ quan về tình hình vi phạm, tội phạm, lợi dụng TMĐT; triển khai các kênh thanh toán hướng tới mục tiêu đa dạng hóa dịch vụ, đẩy mạnh phát triển hạ tầng thanh toán bán lẻ, cung cấp các dịch vụ trên nền tảng di động, hoàn thiện thanh toán điện tử.
Tài liệu tham khảo: 1. Lê Phú Khánh (2023), Thực trạng và giải pháp phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam, Tạp chí Công Thương, Số 14 tháng 5/2023. 2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025. 3. Vũ Thị Hương Trà và cộng sự (2023), Phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Kinh tế và Dự báo, Số 11 - tháng 4/2023. 4. UBND thành phố Cần Thơ, Quyết định số 1279/QĐ-UBND ngày 15 tháng 6 năm 2021 về việc ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2025. 5. UBND thành phố Cần Thơ, Báo cáo số 24/BC-UBND ngày 30 tháng 01 năm 2023 về kết quả triển khai Kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố Cần Thơ năm 2022, phương hướng hoạt động năm 2023. TS Lê Thanh Hòa - Phó Hiệu trưởng |
|