Hạt giống đỏ quê hương

Với gần 300 năm hình thành và phát triển, vùng đất Cần Thơ đã lưu giữ nhiều loại hình di sản văn hóa, đặc biệt là các di tích lịch sử - văn hóa. Nhằm bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản vô giá để tạo nền tảng và động lực cho sự phát triển của thành phố hôm nay và mai sau, nhiều năm qua với sự quan tâm của toàn xã hội, thành phố Cần Thơ đã đầu tư tôn tạo và xây dựng mới nhiều di tích lịch sử - văn hóa và công trình văn hóa trọng điểm. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ (10/11/1929 - 10/11/2019), Khu di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ được khánh thành và đưa vào hoạt động, là địa điểm tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống, sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân và du khách gần xa.
Lễ cắt băng khánh thành Khu di tích lịch sử Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ. Ảnh: Quang Phong

   Khu di tích tọa lạc trên diện tích rộng 40.000 m2 tại thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ. Công trình được xây dựng theo kiểu công viên mở, bao gồm nhiều hạng mục: Tượng đài – phù điêu, nhà bia, nhà trưng bày, quảng trường, hồ sen… Được đặt trang trọng ở vị trí trung tâm của Khu di tích, tượng đài khắc họa hình tượng ba đồng chí tham gia thành lập Chi bộ Cờ Đỏ: Đồng chí Hà Huy Giáp, đồng chí Nguyễn Văn Nhung và đồng chí Bảy Núi; bức phù điêu thể hiện 2 mảng đề tài: Mảng bên trái khắc họa hình ảnh nhân dân Cờ Đỏ dưới sự áp bức, bốc lột của thực dân và điền chủ Tây, mảng bên phải khắc họa hình ảnh dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông dân lao động trong khí thế đấu tranh chống cường quyền tại đồn điền Cờ Đỏ. Nhà trưng bày giới thiệu hơn 100 tư liệu, hình ảnh, hiện vật về Di tích và những thành tựu của thành phố Cần Thơ trên bước đường hội nhập và phát triển. Nổi bật giữa gian trưng bày là bức tranh sơn dầu tái hiện lại cảnh ba đồng chí: Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Nhung và Bảy Núi họp thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ vào đêm 10 tháng 11 năm 1929, do họa sĩ Tô Dự vẽ lại theo lời kể của đồng chí Hà Huy Giáp….

…. Đầu tháng 11/1929, Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang (gọi tắt là Đặc ủy) phân công đồng chí Hà Huy Giáp có kinh nghiệm trong công tác vận động nông dân cùng với đồng chí Nguyễn Văn Nhung và đồng chí Bảy Núi từ Cà Mau về hoạt động tại đồn điền Cờ Đỏ (nay là thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) để tuyên truyền vận động giác ngộ quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở Đảng. Bởi lẽ, đồn điền Cờ Đỏ là nơi tập trung mâu thuẫn sâu sắc, cao độ giữa nông dân tá điền với chủ điền Tây và là điều kiện thuận lợi để vận động giác ngộ tổ chức quần chúng theo cách mạng.

Đồn điền Cờ Đỏ của chủ điền Tây Paul Eméry, chiếm diện tích 8.000 ha, tập trung hơn 20.000 tá điền. Để làm hiệu phân biệt ranh đất, thực dân Pháp cho cắm cờ đỏ, cờ trắng, cờ vàng… do đó dân địa phương căn cứ vào màu cờ và gọi nơi đây là đồn điền Cờ Đỏ. Trong đồn điền Cờ Đỏ, thực dân Pháp cử cặp rằng (caporal) và tay sai đi sục sạo và kiểm tra chặt chẽ không cho tá điền đem lúa bán ra ngoài hay gửi nơi khác, hoặc trả nợ với nhau. Nông dân bị thất mùa lại tiếp tục vay nặng lãi, lâm vào cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, sưu cao, thuế nặng, nợ nần ngày càng chồng chất, suốt đời bị cột chặt vào đồn điền với kiếp tá điền, không một tấc đất cắm dùi, thậm chí khi cha mẹ chết không nơi chôn cất, phải lén lút lấp ở lung bàu….

Trong thời gian này, chủ điền Tây Paul Eméry cho cất một lẫm lúa lớn có 21 gian, cao 14 m để chứa lúa. Chúng mướn hàng ngàn lao động làm thuê. Đây là điều kiện thuận lợi cho các đồng chí cán bộ của Đảng hòa nhập vào những người cu li làm thuê và tá điền nghèo khổ để vận động tuyên truyền giác ngộ cách mạng, xây dựng cơ sở Đảng nơi đây. Khi đến đồn điền, các đồng chí cất gian chòi nhỏ gần lẫm lúa giống như người lao động và tá điền khác để cùng đồng cam cộng khổ, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức căm thù chủ điền Tây và cặp rằng, tay sai, dần dần tuyền bá tư tưởng cách mạng và hướng dẫn họ đấu tranh chống bóc lột, hành hạ, đánh đập cu li và tá điền.

Phong trào cách mạng ngày càng lên cao. Để lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, các đồng chí quyết định thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng tại đồn điền Cờ Đỏ. Vào đêm 10 tháng 11 năm 1929, tại căn chòi nhỏ gần lẫm lúa đồn điền Cờ Đỏ, Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ được thành lập, đồng chí Hà Huy Giáp là Bí thư.

Qua 4 tháng tích cực hoạt động, các đồng chí trong Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ đã tuyên truyền vận động nâng cao giác ngộ cách mạng cho đông đảo nông dân lao động, đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi như: Đòi trả công lao động đúng thời hạn, chống bọn cặp rằng đánh đập và đuổi công nhân lao động, chống bọn chủ đồn điền Tây và cặp rằng mua bán lúa rẻ và vơ vét hết lúa gạo của tá điền... Từ đó, các đồng chí đã chọn lọc những quần chúng tích cực đưa vào các tổ chức Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Công hội đỏ... Từ khi có tổ chức, phong trào đấu tranh của nông dân lao động ngày càng dâng cao, giành nhiều thắng lợi.

Sau Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930), Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở Cờ Đỏ chuyển thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam - Chi bộ Đảng đầu tiên của Cần Thơ.

Sự ra đời của Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ là thắng lợi của công tác tập hợp lực lượng, rèn luyện và tổ chức xây dựng cơ sở cách mạng trong quần chúng. Chi bộ Cờ Đỏ được Đặc ủy Hậu Giang giao nhiệm vụ giúp cho Đặc ủy nắm tình hình, nghiên cứu lực lượng nông dân trong đồn điền Tây, nghiên cứu những âm mưu thủ đoạn bóc lột nông dân và người lao động cùng kiệt của bọn chủ Tây; từ đó, hiểu rõ lòng căm thù địch sâu sắc trong nông dân và người lao động, đồng thời rút ra những phương pháp tuyên truyền vận động, giáo dục nâng cao ý thức giác ngộ cách mạng trong quần chúng, sẵn sàng đứng dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng, đấu tranh giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc. Chi bộ Cờ Đỏ là điểm sáng cho những hạt giống gieo mầm, là chiếc nôi cách mạng trong tỉnh; đồng thời là nơi thực tiễn giúp cho Đặc ủy Hậu Giang rút ra những bài học quý báu chỉ đạo cách mạng trong toàn miền Hậu Giang. Từ kinh nghiệm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và xây dựng Chi bộ Cờ Đỏ, các địa phương khác trong tỉnh đã vận dụng để thành lập chi bộ Đảng ở địa phương mình. Đến cuối năm 1929, một số chi bộ Đảng được thành lập như: Chi bộ Bù Hút (Phong Hòa), Chi bộ Vĩnh Xuân (Cầu Kè). Điều đó chứng minh Chi bộ Cờ Đỏ ra đời có tính chất lịch sử rất quan trọng, đã tác động mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển các tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh để lãnh đạo phong trào cách mạng trong những năm 1930 -1931 và những năm tiếp theo.

             Với những ý nghĩa lịch sử nêu trên, ngày 31/10/2013 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3824/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Địa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ là Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Nguyễn Mỹ
Các bài viết khác:
PHƯỜNG LONG HÒA ĐẠT CHUẨN VĂN MINH ĐÔ THỊ   (15/05/2020)
PHƯỜNG AN KHÁNH, QUẬN NINH KIỀU LONG TRỌNG TỔ CHỨC LỄ ĐÓN NHẬN DANH HIỆU PHƯỜNG VĂN MINH ĐÔ THỊ   (10/04/2020)
Sống với biến động thay đổi xã hội và gia đình Việt ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long   (10/04/2020)
60 năm cùng xây hạnh phúc   (10/04/2020)