60 năm cùng xây hạnh phúc

Ông và bà đã có 60 năm gắn bó, vun vén tình nghĩa vợ chồng, đắp xây hạnh phúc gia đình. Suốt hành trình rất dài ấy, ông bà có thơ ca làm bạn, gửi gắm thương yêu. Ở tuổi xế chiều, ông bà vẫn “tương kính như tân”, vẫn nói về tình yêu, về cháu con bằng tất cả tình yêu thương của một đời “gừng cay muối mặn”.
Ông bà Ninh - Loan vui vầy bên con cháu

Ông bà là cụ Lê An Ninh (85 tuổi) và cụ Trần Thị Kim Loan (78 tuổi), ngụ ở khu gia cư Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long (huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ). Hai ông bà đều nguyên là cán bộ của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long. Ông Ninh từng được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ.

Chúng tôi biết đến ông bà qua những vần thơ đẹp về cuộc sống, tình đời và tình yêu. Cả hai ông bà từ thuở thanh xuân đã thích văn chương, yêu thơ ca, nhưng ở tuổi xế chiều, ông bà mới có thời gian chọn thơ ca làm bạn, gởi lòng vào những vần thơ.

Bà Loan hiện là Phó Chủ nhiệm CLB Thơ Tây Đô (thuộc Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ). Bà viết thơ nhiều từ khoảng 15 năm nay. Ông Ninh vẫn nhớ câu thơ đầu tiên của vợ: “Mai vàng vương tóc trắng”. Từ đó đến nay, bà Loan đã có trên 500 bài thơ, đủ thể loại, nội dung và thông điệp. Bà Loan đã in thành 5 tập thơ lưu hành nội bộ và tập thơ “Tóc trắng” do NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành. Thơ của bà Loan còn được đăng nhiều trong các ấn phẩm, tạp chí chuyên ngành và địa phương. “Tôi thích viết thơ cho những người thân yêu, bạn bè tôi, viết về thiên nhiên, quê hương mình. Thơ bây giờ như thú vui tuổi già của tôi vậy”, bà Loan trầm ngâm chia sẻ.

Còn với ông Ninh, từ thời trai trẻ ông đã yêu thơ và thuộc nhiều thơ hay. Năm 2005, khi về hưu, ông bắt đầu sáng tác thơ nhiều hơn, làm Chủ nhiệm CLB Thơ thuộc Hội Người cao tuổi Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long. Ông chia sẻ rằng, làm thơ là phải “thật hơn sự thật” bởi những sự thật ngoài đời khi được gởi gắm vào thơ phải ngồn ngộn những cảm xúc để bạn thơ có thể đồng cảm.

Ông bà nói rằng, đã đi qua bao đèo dốc đời người, 60 năm đồng chồng đồng vợ, thơ ca luôn khiến tình cảm hôn nhân và gia đình của ông bà thêm nồng ấm. Đứa cháu vào đại học, một chiếc áo mới bà tặng ông, bất chợt khi bà phát hiện tóc ông có thêm nhiều sợi bạc… tất cả giờ là những vần thơ. Để sớm sớm chiều chiều bên bờ Hồ Tròn của Viện Lúa, ông bà dìu dắt nhau đi ngắm cảnh quê hương, cùng đọc cho nhau nghe những vần thơ đong đầy tình nghĩa. Tình thơ giúp tuổi già của ông Ninh và bà Loan thêm ý vị.

Đã đi, gặp và nghe nhiều về những đôi vợ chồng quấn quít bên nhau tuổi xế chiều, nhưng chúng tôi thật sự ấn tượng trước mối tình đẹp và cách xử đãi “vợ chồng tương kính như tân” của ông Ninh và bà Loan. Ông bà ân cần và trìu mến với nhau trong từng lời nói, cử chỉ, hiểu ý nhau trong từng cách bắt chuyện. Phải thôi, 60 năm “gừng cay muối mặn” còn gì…

Kể về mối tình ngày ông bà quen nhau, ông bà cười thút thít thấy thương, nhớ như in từng chi tiết. Ông bà vốn cùng làng ở quê lúa Thái Bình. Thuở ấy ông phụ trách công tác thiếu nhi ở địa phương, bà Loan sau thời gian sinh sống với người thân ở Hải Phòng trở về làng khi mới 15 tuổi. “Tôi rửa chân ở cầu ao, vừa bước lên thấy cô bé nào mới về làng rất xinh xắn, đáng yêu. Đẹp nhất là đôi mắt, rất đẹp!”, ông Ninh nhớ lần đầu gặp bà Loan cách đây 63 năm. Thú vị hơn, đến tận bây giờ, ông bà vẫn minh mẫn nhớ chuyện hồi đó ông chép cho bà bài thơ gì, thuộc làu từng câu một, rồi chuyện ông bà phải làm sao để vượt qua sự ngăn cấm của gia đình… Kể đến đâu, mắt ông và bà đều sáng lấp lánh đến đó, rạng ngời những hạnh phúc như thuở thanh xuân.

Năm 1984, ông bà chuyển công tác từ Viện Lúa Thái Bình vào Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long. 4 người con của ông bà: Phụng - Văn - Lan - Vũ cũng theo cha mẹ vào Tây Đô lập nghiệp. “Gia nghiệp” chỉ có bấy nhiêu thôi nhưng sau 36 năm, ông bà đã có một mái ấm yên vui với rất đông cháu, chắt. Chú Văn đi làm nghĩa vụ người trai nơi chiến trường Campuchia đã hy sinh khi mới 19 tuổi. Điều đó làm ông bà tự hào nhưng bao nhiêu năm cũng không nguôi nỗi nhớ con. 3 cô chú còn lại giờ đã có cơ ngơi, công việc ổn định, thành đạt. Cô Lan là giáo viên của một trường trung học phổ thông ở quận Bình Thủy, cứ cuối tuần là lại về Viện Lúa thăm bố mẹ; chú Vũ buôn bán ở chợ Ô Môn cũng hay về thăm. Cô Phụng ở Vũng Tàu nhưng cũng thường xuyên gặp mặt bố mẹ qua màn hình máy tính. Các cháu của ông bà ai nấy cũng chăm ngoan, học giỏi và hiếu thảo. Ông bà kể như vậy và tự hào về điều đó.

          Ngày thường, trong căn nhà bên Hồ Tròn của Viện Lúa, chỉ có hai ông bà “nâng khăn sửa túi” cho nhau. Một mảnh kẹo nhỏ, một câu thơ hay, ông bà trìu mến sẻ chia. Một tiếng ho nhỏ, một cái uể vai, ông bà cũng lo lắng, săn sóc tận tình. 60 năm cùng xây hạnh phúc, với ông Ninh và bà Loan, cái tình đã đằm sâu mà cái nghĩa còn đậm đà hơn nữa…
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh
Các bài viết khác:
PHƯỜNG LONG HÒA ĐẠT CHUẨN VĂN MINH ĐÔ THỊ   (15/05/2020)
PHƯỜNG AN KHÁNH, QUẬN NINH KIỀU LONG TRỌNG TỔ CHỨC LỄ ĐÓN NHẬN DANH HIỆU PHƯỜNG VĂN MINH ĐÔ THỊ   (10/04/2020)
Sống với biến động thay đổi xã hội và gia đình Việt ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long   (10/04/2020)
TỔNG KẾT PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNGĐỜI SỐNG VĂN HÓA” THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2019; TRIỂN KHAI PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2020   (10/04/2020)
Ngày quốc tế hạnh phúc 20/3   (10/04/2020)
<<  <  1