BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA LỄ HỘI Ở CẦN THƠ

Cần Thơ - vùng đất giàu bản sắc văn hóa, được mệnh danh là Tây Đô từ trăm năm trước. Cần Thơ hôm nay đang phát triển và hội nhập không ngừng, nhưng điều đáng quý là giá trị văn hóa truyền thống luôn được bảo tồn và phát huy hiệu quả. Trong đó, lễ hội được xem là những viên ngọc quý, điểm tô cho sắc màu văn hóa Cần Thơ.
Lễ hội Tống phong ở Miếu Bà Xóm Chài (Cái Răng). Ảnh: Duy Khôi

* Một vùng đất giàu sắc bản

Sau Tết Nguyên đán, người dân Cần Thơ lại rộn ràng với Lễ giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa vào ngày 19-20 tháng Giêng (âm lịch). Năm nào cũng vậy, ngày tưởng nhớ cụ Thủ khoa rất tôn nghiêm phần lễ và rộn ràng phần hội, thu hút hàng ngàn người tham dự. Lễ giỗ mang lại không khí vui vẻ với các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy bao bố, tặng chữ thư pháp… Lễ giỗ không chỉ quy tụ người dân thành phố mà nhiều người khắp các địa phương về đây để thắp nén hương trầm tưởng nhớ công đức tiền nhân và trải nghiệm lễ hội. Ông Lê Văn Hoằng, Ban quý tế Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: “Lễ giỗ cụ Thủ khoa ngày càng tổ chức quy mô, nề nếp, đậm nét truyền thống. Bà con địa phương ai cũng phấn khởi”.

Lễ hội Kỳ Yên Đình Bình Thủy cũng được tổ chức ngày càng quy mô và thu hút hàng chục ngàn lượt người tham gia. Cứ đến 12-14 tháng 4 (âm lịch), bà con lại náo nức trẩy hội. Càng phấn khởi và đông vui hơn khi vừa qua, Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là lễ hội đầu tiên ở Cần Thơ được vinh dự này. Đến với lễ hội, du khách tìm về không khí thành kính, tôn nghiêm của lễ cung nghinh Sắc Thần du ngoạn, lễ Túc yết, lễ Chánh tế, lễ cúng Thần Nông… Buổi tối, bà con lại tụ họp về sân đình xem hát bội. Bao tích xưa, chuyện xưa được tái diễn giúp người dân, nhất là giới trẻ hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống.

Cũng vào dịp đầu năm mới (từ 12-14 tháng Giêng âm lịch hằng năm), tại Miếu Bà Xóm Chài (quận Cái Răng) lại vui lễ hội Tống phong. Lễ hội này còn có tên gọi khác là Cầu an hay Tống ôn - Tống gió. Một trong những nghi thức quan trọng của lễ Cầu an là thả bè thủy lục (mô hình ghe nhỏ bằng giấy, có để lễ vật) trôi ra sông lớn, trở thành ngày hội độc đáo trên sông nước. Gần 100 ghe tàu đã xuôi dòng sông Hậu cùng tống bè thủy lục ra khơi xa, biểu thị cho việc xua đuổi bệnh tật, điều không may trôi theo dòng nước và cầu mong mọi điều tốt lành trong năm mới. Bà con vui lễ hội rất trật tự, văn minh và tuân thủ theo sự hướng dẫn của Ban tổ chức.

Theo thống kê sơ bộ, địa bàn thành phố Cần Thơ hiện có khoảng 70 lễ hội truyền thống, trong đó có khoảng 20 lễ hội truyền thống được diễn ra thường niên như: Lễ Kỳ yên đình làng, lễ giỗ danh nhân. Bên cạnh đó là lễ hội của các dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất Cần Thơ như: Vía Quan Thánh Đế Quân, Vía Bà Thiên Hậu (bà con dân tộc Hoa), Lễ hội Ok-om-bok, Sen Đôn-ta… (bà con dân tộc Khmer)… Một số địa phương có lễ hội truyền thống nhiều như: Ô Môn (18 lễ hội), Ninh Kiều, Cờ Đỏ (11 lễ hội), Phong Điền (8 lễ hội)…

* Để lễ hội đi vào nề nếp

Những năm qua, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở Cần Thơ được các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng quan tâm, dần đi vào nề nếp. Cụ thể là Chỉ thị số 23-CT/TU của Thành ủy Cần Thơ về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di tích tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố; Kế hoạch 117/KH-UBND của UBND TP Cần Thơ về bảo tồn và phát huy các di tích tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch thành phố đến năm 2020…

Trong đó, việc chủ động kiểm tra, thanh tra, quản lý lễ hội của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đã tạo nhiều chuyển biến tích cực. Theo đánh giá, các lễ hội trên địa bàn thành phố diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa. Việc tổ chức lễ hội luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể… Việc quản lý, sử dụng nguồn tiền công đức cũng như các khoản tiền từ thiện, tài trợ… thu được trong kỳ lễ hội được sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch.

Thông tin từ Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, năm 2018 vừa qua, đơn vị đã tiến hành kiểm tra 16 lượt tại các di tích có tổ chức lễ hội và không phát hiện trường hợp vi phạm nào. Các nội dung kiểm tra như công tác tuyên truyền cổ động trực quan gắn với lễ hội; tình hình thực hiện nội quy, quy chế của di tích, nơi diễn ra hoạt động lễ hội; công tác phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại di tích; kiểm tra các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra trong thời gian tổ chức lễ hội; việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ tiền công đức, tài trợ và nguồn thu khác...

Bên cạnh đó, việc quản lý và tổ chức lễ hội cũng được quận, huyện quan tâm. Lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy cho biết: Ngoài việc tuyên truyền cho người dân biết và tham gia lễ hội thì Ban trị sự và người có trách nhiệm phải ý thức giữ gìn các nghi thức và các loại hình nghệ thuật truyền thống, trò chơi dân gian, lồng vào các hoạt động mới hấp dẫn để thu hút khách. Ông Bùi Hữu Sang, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Cái Răng, chia sẻ kinh nghiệm: Ngay từ đầu năm, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các sự kiện, lễ hội và có sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan, ban, ngành, Ban quản trị, ban trung đình… nên rất chủ động, kịp thời giải quyết những khó khăn phát sinh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ninh Kiều, cho biết: Địa phương sẽ phối hợp ngành giáo dục, Quận đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, di sản văn hóa trong học đường; tổ chức cho tuổi trẻ tham quan, học tập tại di tích, tham gia hoạt động lễ hội truyền thống như Lễ hội Kỳ yên đình Thới Bình, đình Tân An… Để từ những trải nghiệm đó, những câu chuyện về di sản văn hóa sẽ được các em tiếp tục lan truyền trong trường học, bè bạn. Các em sẽ thật sự là “cánh tay nối dài” trong quảng bá và giới thiệu di sản, lễ hội trong cộng đồng.

*

*   *

           Lễ hội là hoạt động văn hoá truyền thống của dân tộc. Đến với lễ hội, mọi người đều cầu mong có được những điều tốt đẹp. Vì vậy, lễ hội cần phải được duy trì và phát triển theo định hướng tích cực. Và, Cần Thơ đã làm tốt điều đó, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và tâm linh của người dân, vừa đảm bảo văn minh, an toàn, tiết kiệm./.
Lan Phương
Các bài viết khác:
PHƯỜNG LONG HÒA ĐẠT CHUẨN VĂN MINH ĐÔ THỊ   (15/05/2020)
PHƯỜNG AN KHÁNH, QUẬN NINH KIỀU LONG TRỌNG TỔ CHỨC LỄ ĐÓN NHẬN DANH HIỆU PHƯỜNG VĂN MINH ĐÔ THỊ   (10/04/2020)
Sống với biến động thay đổi xã hội và gia đình Việt ở nông thôn đồng bằng sông Cửu Long   (10/04/2020)
60 năm cùng xây hạnh phúc   (10/04/2020)
TỔNG KẾT PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNGĐỜI SỐNG VĂN HÓA” THÀNH PHỐ CẦN THƠ NĂM 2019; TRIỂN KHAI PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2020   (10/04/2020)