XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN DU LỊCH THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN, GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

Sự phát triển của ngành Du lịch trong những năm vừa qua đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Sự phát triển của ngành Du lịch trong những năm vừa qua đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Để thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển, tạo sự bứt phá hơn nữa trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu rộng hiện nay, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào tháng 01 năm 2017. Nghị quyết nêu rõ: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, nhưng không nhất thiết địa phương nào cũng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”.

          Những chủ trương, chính sách, chương trình trên chính là hành lang pháp lý, thực sự mở ra cơ hội lớn cho ngành du lịch địa phương tạo bước đột phá, phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức rất lớn cho ngành. Bởi để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì ngành phải có đóng góp quan trọng trong cơ cấu khu vực dịch vụ và tăng trưởng của thành phố (10%/năm trở lên) phải là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định được thương hiệu vừa đậm bản sắc văn hóa dân tộc vừa đáp ứng yêu cầu hội nhập; có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững; dịch vụ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng…

Từ khi có Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 01/8/2016 của Thành ủy Cần Thơ, ngành du lịch thành phố đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, từng bước khẳng định là một trong hai trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL (cùng với Phú Quốc - Kiên Giang). Đặc biệt, tăng cường thu hút đầu tư cho lĩnh vực này. Cụ thể, hệ thống các khách sạn cao cấp cặp sông Hậu như: Khách sạn Vinpearl, Victoria, Ninh Kiều Riverside, Vạn Phát Riverside, Linh Phương Cồn Khương, Nesta, Resort Azerai… đã góp phần nâng cao dịch vụ lưu trú cũng như thay đổi diện mạo ngành du lịch thành phố.

Thành phố cũng quan tâm đầu tư nhiều công trình di tích văn hoá lịch sử, cải tạo kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế trong đó có du lịch như: cầu đi bộ Ninh Kiều, bờ kè Công viên sông Hậu,... TP Cần Thơ trở thành địa phương duy nhất Việt Nam đạt giải thưởng “Cảnh quan châu Á” 2016, điểm nhấn là Cầu đi bộ. Cần Thơ còn có di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia như Đờn ca tài tử, Văn hóa chợ nổi Cái Răng. Làng cổ Long Tuyền lọt vào "Tốp 5 ngôi làng cổ có niên đại hàng trăm năm nổi tiếng của Việt Nam".

Giai đoạn 2016 - 2019, toàn thành phố có 16 điểm du lịch đi vào hoạt động phục vụ khách du lịch giúp nâng tổng số điểm vườn du lịch trên địa bàn đến cuối năm 2019 lên 33 điểm vườn du lịch và 01 địa điểm du lịch cộng đồng tại Cồn Sơn, công nhận 03 khu, điểm du lịch thành phố Cần Thơ ( Khu du lịch Mỹ Khánh, Điểm du lịch Lung Cột Cầu, điểm du lịch sinh thái Ông Đề ). Hiện Cần Thơ có 07 điểm du lịch tiêu biểu cấp Đồng bằng sông Cửu Long và 15 điểm du lịch tiêu biểu cấp thành phố Cần Thơ.

Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ trở thành thương hiệu của ngành du lịch không chỉ của Cần Thơ mà còn của ĐBSCL. Bánh dân gian trở nên quen thuộc đối với thực khách trong giờ giải lao các buổi họp, ở các tiệc sáng tại các khách sạn, và các khu du lịch. Chương trình “Sắc Xuân Miệt Vườn” và Phố Ông Đồ, đường đèn, đường hoa nghệ thuật... là bản sắc văn hóa riêng có của Cần Thơ và ĐBSCL vào dịp Tết, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân và thu hút khách du lịch đến Cần Thơ.

Từ khi có Nghị Quyết 03/TU (2016 - 2020), ngành du lịch thành phố Cần Thơ đã có bước phát triển đáng ghi nhận. Nếu như năm 2016, Cần Thơ có 244 khách sạn (6.517 phòng), lượng khách lưu trú đạt hơn 1,7 triệu lượt, thì đến năm 2019, Cần Thơ có 280 khách sạn (7.405 phòng), lượng khách lưu trú đạt hơn 3 triệu lượt khách, tăng gấp 1,7 lần. Doanh thu theo đó tăng nhanh, từ 1.826 tỷ đồng (năm 2016) lên 4.400 tỷ đồng (năm 2019), gấp 2,4 lần.

          Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế. Nguyên nhân đầu tiên là nhận thức của một số ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành, xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Các cơ chế, chính sách phát triển du lịch chất lượng, hiệu quả chưa cao, thiếu tính kịp thời và đột phá để du lịch phát triển theo đúng bản chất của một ngành kinh tế tổng hợp. Hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch còn bất cập. Du lịch chưa được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí cần có tương xứng là ngành kinh tế mũi nhọn của nó. Sự phối hợp liên vùng, liên ngành hiệu quả còn chưa tương xứng so với yêu cầu thúc đẩy phát triển du lịch. Sản phẩm du lịch thiếu phong phú và đa dạng cũng là một trong những nguyên nhân khiến du lịch Cần Thơ chưa thực sự phát triển. Ngành du lịch hiện chủ yếu khai thác những cái sẵn có trong thiên nhiên và cộng đồng, thiếu sản phẩm nổi trội khác biệt và chất lượng. Công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cũng như công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế, bất cập cần khắc phục.

          Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch và lao động trong ngành du lịch gặp khó khăn. Việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trong ngành du lịch bị ảnh hưởng dịch Covid-19 chưa kịp thời. Du lịch là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nhất, khả năng ứng phó và phục hồi tương đối chậm so với các ngành khác, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ tiêu tăng trưởng của ngành du lịch và ảnh hưởng gián tiếp đến chỉ tiêu tăng trưởng chung.

          Để phấn đấu phát triển ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ngành du lịch cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới:

          1/ Điều đầu tiên là sự thay đổi, nâng cao hơn nữa về tư duy, nhận thức đối với ngành du lịch. Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, mang tính xã hội hóa cao chứ không chỉ đơn thuần là ngành vui chơi, giải trí.

          2/ Nhân lực là yếu tố sống còn, quyết định. Một đội ngũ nhân lực đủ chuẩn, chuyên nghiệp, nhiệt tình, văn minh, lịch sự, đam mê với nghề mới mong đáp ứng được yêu cầu mới. Nhân lực không chỉ cần nâng cao từ các doanh nghiệp mà cả cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.  

          3/ Tăng cường công tác quản lý Nhà nước; chú trọng việc quy hoạch, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở dịch vụ du lịch. Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở dịch vụ phát triển du lịch qua việc xây dựng các cơ chế chính sách thu hút các nhà đầu tư. Đầu tư thêm các mô hình du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, khai thác các cù lao trên sông Hậu; du lịch văn hóa - lịch sử kết hợp tham quan các làng nghề truyền thống; phát triển loại hình du lịch nông nghiệp sạch…

          4/ Tuyên truyền, quảng bá; hợp tác phát triển du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin: Mở cửa và hội nhập quốc tế là quy luật, nguyên tắc sống còn để phát triển. Một vấn đề quan trọng nhằm phát triển du lịch bền vững là liên kết, hợp tác nhiều phía để “cùng tiến”. Cần Thơ sẽ chủ động hơn trong việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh ĐBSCL, các thành phố có thế mạnh về du lịch trong cả nước. Lợi thế là từ khi sân bay Cần Thơ hoạt động, đã tạo điều kiện thuận lợi trong giao thương và du lịch giữa Cần Thơ với miền Trung, miền Bắc; đồng thời kết nối với nước ngoài.

          Tăng cường mở rộng hợp tác nội vùng, liên vùng, quốc tế; linh hoạt đổi mới tiếp thị quảng bá hình ảnh đất nước con người Cần Thơ.

          Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng, bá xúc tiến du lịch, đặc biệt là mô hình du lịch thông minh, "thế giới phẳng" đáp ứng nhu cầu của du khách trong môi trường của cuộc cách mạng công nghệ 4.0: du lịch trực tuyến qua trang Web, Internet, smartphone….

          5/ Có bước đột phá, phát triển đa dạng, độc đáo các loại hình và sản phẩm du lịch

          Với thế mạnh, tiềm năng sẵn có ta cần nhanh chóng nắm bắt, đa dạng hoá các sản phẩm và loại hình du lịch theo hướng mới lạ, độc đáo, đặc sắc, riêng có

          5.1 Du lịch sông nước: Khai thác cho thật tốt, triệt để thế mạnh sông nước của mình. Cần nghiên cứu, mở rộng thêm các tuyến “buýt đường thủy”. Đồng thời, nghiên cứu khai thác đúng tầm, phát huy chợ nổi Cái Răng, là điểm nhấn quan trọng giới thiệu văn hóa sông nước, văn hóa Cần Thơ và đồng bằng tuyệt vời, mang tính cạnh tranh rất cao. Khai thông thế mạnh cuối dòng Mekong bằng cách kết nối tuyến du lịch thủy giữa Cần Thơ với Phnompenh và các địa danh nổi tiếng trên sông Mê Kông bằng tàu, du thuyền cao cấp; hình thành các bến, cảng cho tàu du lịch quy mô, đúng chuẩn quốc gia, quốc tế vừa chứng minh vị thế trung tâm vùng vừa tạo điều kiện cho các ngành nghề khác cũng như cho chính ngành du lịch phát triển sôi động, có lực hút hơn. Tạo mới các khu du lịch tiêu chuẩn cao bên dòng sông với những đặc trưng rất riêng của vùng sông nước này...

          5.2 Du lịch xanh, du lịch sinh thái: Chú trọng hơn trong việc phát triển du lịch sinh thái sông nước, du lịch miệt vườn. Các loại hình du lịch đặc trưng như du lịch nông nghiệp, sinh thái, du lịch cộng đồng, lưu trú tại nhà dân (Homestay)...

          5.3 Du lịch MICE: Cần Thơ tận dụng khai thác khách du lịch từ các hội nghị, hội thảo, triển lãm, sự kiện… bằng cách tạo thêm cơ sở hạ tầng quy mô, đúng chuẩn thu hút du lịch MICE kết hợp tham quan các điểm du lịch cự ly ngắn trên địa bàn thành phố.

          5.4 Du lịch văn hóa: Phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa, các di sản, bảo vật quốc gia gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố. Văn hóa là nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng để du lịch khai thác. Đồng thời, thực tế cho thấy sản phẩm du lịch muốn hấp dẫn, cạnh tranh, tránh trùng lắp phải mang tính văn hoá bản địa sâu sắc. Chính yếu tố này tạo ra sự khác biệt, độc đáo, riêng có của Cần Thơ. Khai thác cho đúng, cho đủ, cho được cái vị thế và giá trị văn hóa đặc trưng “Đô thị miền sông nước” của Cần Thơ sẽ tạo cho du lịch nơi đây thế đứng mới, diện mạo mới. 

          Để ngành du lịch Cần Thơ bứt phá, là “Điểm đến du lịch lý tưởng – an toàn – thân thiện", nơi hội tụ của “Văn minh sông nước MeKong” trong thời gian tới rõ ràng cần phải phấn đấu rất nhiều. Trước tiên phải được cả hệ thống chính trị, ban ngành các cấp và mọi người dân hết lòng quan tâm, hỗ trợ, hưởng ứng. Tất cả chúng ta cùng đồng lòng, đồng thuận nhất định hình ảnh Cần Thơ sẽ bay xa hơn nữa; bạn bè gần xa sẽ đến với Cần Thơ nhiều hơn nữa. 

Trung Tín - P. QLDL
Các bài viết khác:
Cần Thơ tham gia Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đồng Tháp năm 2021   (29/01/2021)
Khai mạc Ngày hội Bánh – Trái Mỹ Khánh   (05/01/2021)
Cần Thơ chào đón năm mới 2021   (05/01/2021)
Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều, Cần Thơ lần thứ IV năm 2020   (19/11/2020)
Hội thảo “Đi tìm diện mạo du lịch an toàn”   (10/11/2020)
<<    ...  6  7  8  9  10    >>