Cần Thơ - Nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mê Kông”

Thời gian qua, Du lịch Cần Thơ đã có những chuyển biến tích cực, từng bước trở thành “Điểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện - chất lượng”, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mê Kông”.

Các yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho du lịch phát triển

Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Cần Thơ đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp không khói, trong đó việc hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng thành phố và thu hút đầu tư ngày càng được chú trọng. Các dự án, đề án, chương trình hành động cũng đã tác động không nhỏ đến sự phát triển của Du lịch Cần Thơ.

Bên cạnh đó, Cần Thơ không ngừng đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Thành phố đã chủ động liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong vùng ĐBSCL; đặc biệt quan tâm hợp tác du lịch với các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương trọng điểm về du lịch trong nước có tiềm năng liên kết, hợp tác phát triển du lịch... Song song đó, Cần Thơ còn kết nghĩa với nhiều thành phố ở nhiều quốc gia khác nhau như Riverside (Mỹ), Nice (Pháp), Sán Đầu (Trung Quốc), Phnom Penh (Campuchia). Đây là nền tảng, động lực để phát triển các đường bay quốc tế, các tour kết nối nhằm thu hút du khách quốc tế.

Cần Thơ tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thúc đẩy kết nối hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư phát triển. Không chỉ đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, Cần Thơ còn mở rộng các tuyến giao thông liên vùng, kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ. Bên cạnh các cơ sở hạ tầng hiện hữu như sân bay, giao thông đường thủy, một số dự án trọng điểm đã được phê duyệt như: Dự án đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, nâng cấp quốc lộ Nam Sông Hậu nối Cần Thơ với Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, mở rộng tỉnh lộ 922... nhằm góp phần phát triển hạ tầng phục vụ phát triển du lịch thành phố Cần Thơ.

Cần Thơ cũng tạo điều kiện hỗ trợ người dân làm du lịch; tập trung đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đổi mới công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá; tăng cường chuyển đổi số trong du lịch nhằm thích ứng trong tình hình mới… Đây là những yếu tố thuận lợi tạo điều kiện cho ngành Du lịch thành phố phát triển.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch, chương trình hành động thiết thực. Một trong những thay đổi đáng ghi nhận của Du lịch Cần Thơ chính là ưu tiên phát triển những sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao và tăng cường trải nghiệm của khách du lịch; đồng thời, xác định trọng tâm phát triển mạnh các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo có lợi thế về tự nhiên và văn hóa như: du lịch văn hóa (sản phẩm du lịch gắn với đẩy mạnh phát triển và trải nghiệm các loại hình văn hóa, trình diễn nghệ thuật, tinh hoa ẩm thực), du lịch sinh thái (phát triển du lịch nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan sông nước), du lịch đô thị (đẩy mạnh các hoạt động vui chơi giải trí, giải trí về đêm, du lịch mua sắm, du lịch MICE). Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng phát triển các sản phẩm du lịch mới có tiềm năng như: sản phẩm du lịch chuyên đề (du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch thể thao, giải trí); hình thành các trung tâm mua sắm hiện đại, cửa hàng lưu niệm, cửa hàng giới thiệu đặc sản vùng miền và sản phẩm thủ công truyền thống; xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, phong tục và tri thức bản địa, khám phá ẩm thực địa phương, có sự tham gia tích cực, chia sẻ lợi ích với cộng đồng, gắn với bảo vệ tài nguyên tự nhiên và văn hóa...

Triển khai Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, Cần Thơ đã lựa chọn phát triển 1 làng văn hóa du lịch và 5 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm của địa phương nhằm hỗ trợ tiêu chuẩn hóa các sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đến nay, toàn thành phố đã có 19 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 - 4 sao. Ngoài ra, các vùng sản xuất lúa, rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái tập trung cũng được hình thành. Có nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản theo các tiêu chuẩn an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp với nhiều hoạt động trải nghiệm dành cho du khách như: tham quan vườn cây ăn trái, trải nghiệm làm vườn, làm ruộng, trồng rau, giăng lưới, tát mương bắt cá, thưởng thức bánh dân gian, đạp xe khám phá làng quê, tìm hiểu cuộc sống người dân sông nước miệt vườn…

Cùng với đó, nhiều loại hình thương mại dịch vụ du lịch mới, nghỉ dưỡng cao cấp được đưa vào khai thác; các hoạt động lễ hội được nâng cấp, tạo nét đặc trưng riêng…

Cần Thơ đã và đang đầu tư cho những sản phẩm chuyên biệt và tận dụng tiềm năng, lợi thế về nguồn tài nguyên du lịch phong phú, phát huy ưu thế về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất - kỹ thuật để phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng cao, trong đó tập trung phát triển loại hình du lịch đường sông và du lịch MICE. Cần Thơ tập trung đầu tư phát triển đô thị, từng bước đưa thành phố trở thành địa điểm có hạ tầng dịch vụ phong phú và hiện đại, thích hợp cho các hoạt động vui chơi giải trí, học tập và làm việc; hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng, uy tín, có chất lượng cao. Bên cạnh đó, rất nhiều hội nghị, hội thảo cấp vùng, quốc gia và quốc tế đã được tổ chức thành công ở Cần Thơ cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển triển du lịch MICE tại Cần Thơ trong thời gian tới.

Gần đây, Cần Thơ đã và đang đầu tư cho sản phẩm du lịch đường sông với những địa danh đã làm nên tên tuổi như bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phong Điền... Suốt dọc chiều dài con sông có rất nhiều vườn sinh thái như Làng du lịch Mỹ Khánh, cồn Sơn, rạch Chuối... mà du khách có thể ghé thăm, thưởng thức những loại trái cây phong phú và trải nghiệm dịch vụ câu cá, bơi xuồng, du lịch thể thao giải trí, nghỉ dưỡng, đời sống văn hóa địa phương... Với tuyến du thuyền trên sông Hậu và sông Cần Thơ, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư khai thác dịch vụ nhà hàng du thuyền với các chương trình ẩm thực kết hợp ngắm cảnh sông nước, nghe đờn ca tài tử Nam Bộ. Đáng lưu ý, loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp bằng du thuyền trên sông Mê Kông, trải nghiệm văn hóa sông nước, tìm hiểu cuộc sống của người dân ven sông cũng được nhiều doanh nghiệp khai thác, tạo sức hấp dẫn đối với du khách quốc tế.

Đại dịch COVID-19 đã gây tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó, ngành du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất. Lượng khách du lịch, doanh thu du lịch sụt giảm mạnh; nhiều doanh nghiệp đã tạm ngưng hoạt động, đóng cửa, trong đó, có một số doanh nghiệp đã phá sản, hoạt động cầm chừng, chuyển đổi ngành nghề kinh doanh; người lao động mất việc, nghỉ, giảm việc… Chung tay cùng du lịch cả nước, ngành du lịch thành phố Cần Thơ đã chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi, kích cầu du lịch, chuẩn bị tốt các phương án, sẵn sàng chào đón khách du lịch quay trở lại thành phố Cần Thơ, đảm bảo an toàn, thích ứng, linh hoạt, từng bước phục hồi hoạt động, phát triển du lịch thành phố Cần Thơ trong điều kiện “bình thường mới”./.

Trung Tín - PQLDL
Các bài viết khác:
Phát động du lịch nội địa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ   (13/01/2022)
Lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước và hướng dẫn báo cáo thống kê trong lĩnh vực du lịch năm 2021   (17/12/2021)
Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, kích cầu hoạt động du lịch thành phố Cần Thơ   (25/11/2021)
Kỳ vọng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ phục hồi vào năm 2022   (12/10/2021)
Kỷ niệm Ngày Du lịch Thế giới 27/9   (23/09/2021)
<<  <  1  2  3  4  5  ...    >>