BÁNH HỎI ÚT DZÁCH (PHONG ĐIỀN)

Phong Điền được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho mảnh đất phù sa màu mỡ, đặc biệt là những vườn cây ăn trái ngọt lành như: Dâu Hạ Châu, Vú Sữa, Măng Cụt, Sầu Riêng…Có dịp đến Phong Điền mới thấy được vẻ đẹp của vùng đất trù phú này và càng yêu hơn mảnh đất Phong Điền với những nét sinh hoạt thật gần gũi, mộc mạc nhưng cũng thật đáng mến của người dân nơi đây. Bên cạnh vẻ đẹp của những vườn cây ăn trái, không thể không nhắc đến đó chính là ẩm thực của Phong Điền, nổi tiếng với rất nhiều loại bánh dân gian thơm ngon nhưng có lẽ loại bánh được nhiều người biết đến và ưa thích đó là bánh hỏi Mặt võng.

Bánh hỏi mặt võng, cũng như tên gọi của nó, từ những đường nét thanh mảnh bên ngoài bánh đến những đường bắt chéo vào nhau như những mắt võng rất đẹp. Làm nên được loại bánh này không hề dễ, nhưng qua bàn khéo léo và lành nghề của các nghệ nhân, chúng ta mới thấy hết sự công phu khi làm ra sản phẩm như thế nào. Để làm và thưởng thức loại bánh này theo đúng nguyên bản của nó thì du khách không thể bỏ qua cơ sở bánh Hỏi Út Dzách, vì đây là một trong những nơi làm bánh Hỏi mặt võng nổi tiếng thơm ngon nhất ở vùng này. 

Theo chú Út Dzách, chủ cơ sở sản xuất bánh hỏi mặt võng thì để làm nên được loại bánh này thì nguyên liệu chính không thể thiếu đó chính là bột gạo mà phải là bột gạo của Sa Đéc thì bánh mới có độ dẻo và thơm ngon, sau đó pha bột với nước, bắt lên bếp, nêm chút muối đường theo công thức của gia chủ rồi khuấy đều tay cho đến khi bột vừa chín khoảng 50% thì nhắc xuống để nguội.

Khi bột đã nguội, sẽ được người thợ làm bánh đem xả qua máy ép bột tự chế nhiều lần đến khi nào bột trắng mịn và phải dai theo yêu cầu thì mới đạt chuẩn. Công đoạn tiếp theo là ép bánh. Bột được vo lại từng đoạn cho vừa khuôn để ép dễ dàng hơn, công đoạn này đòi hỏi người thợ phải thật khéo tay để bắt từng sợi bánh cho thật đều tay để tạo ra những đường nét thật đẹp như mặt võng trên miếng lá chuối. Loại lá được dùng để bắt bánh là loại lá phải được lựa chọn thật kỹ từ lá của cây Chuối Xiêm non.

Sau khi bánh đã được bắt xong trên miếng lá chuối này thì công đoạn tiếp theo là đem bánh đi hấp cách thủy. Thời gian hấp bánh theo gia chủ là khoảng 5 phút. Khi bánh chín sẽ được gỡ ra từng miếng rồi chồng 4 miếng bánh lên nhau sau đo thật khích và đều.

Sau những công đoạn thật khéo léo và công phu như thế, gia chủ đã hoàn thành tác phẩm Bánh hỏi mặt võng hết sức đẹp mắt và công đoạn cuối cùng đó là việc trình bày món ăn này sao cho thật hấp dẫn để bày lên bàn tiệc. Chỉ cần bày bánh ra dĩa rưới lên ít mỡ hành đã được phi thơm, ăn kèm với thịt heo quay hoặc nem nướng, kim tiền, tùy theo khẩu vị của từng người, dọn cùng một ít rau sống, dưa leo và nước mắm chua ngọt thì không gì có thể tả nổi hương vị thơm ngon của loại bánh này.

Để thưởng thức loại Bánh hỏi mặt võng này và tận hưởng hết hương vị đậm đà của nó thì không gì khác hơn là du khách hãy cùng hòa mình vào vườn du lịch sinh thái, cơ sở sản xuất bánh hỏi Út Dzách ở ấp Nhơn Bình A, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ. Ngày 04/12/2013 vừa qua, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của UBND huyện Phong Điền và Trung tâm Xúc tiến Thương mại – Du lịch huyện đã tiến hành khai trương và đưa vào hoạt động phục vụ du khách.

Đến vùng quê thanh bình này, hưởng chút gió mát của con rạch nhỏ cùng sự mến khách người dân nơi đây cùng gia chủ, chúng ta mới thấy hết vẻ đẹp của Phong Điền cũng như vị thơm ngon của Bánh hỏi Mặt võng mang thương hiệu Út Dzách. Đó cũng là một sự trãi nghiệm vô cùng thú vị và đặc sắc cho những ai thích khám phá vẻ đẹp của vùng đất Phong Điền.

Bài viết: Bích Trâm - Trung tâm xúc tiến Thương mại - Du lịch Phong Điền
Các bài viết khác:
Mắm cá tra - đặc sản cù lao Tân Lộc   (18/10/2018)
ĐỘC ĐÁO VĂN HÓA ẨM THỰC CHỢ NỔI CÁI RĂNG   (24/08/2018)
Hội thi bánh dân gian trong khuôn khổ Lễ hội bánh dân gian Nam bộ lần thứ VI - 2017   (10/04/2017)
Giới thiệu ẩm thực Cần Thơ   (09/09/2014)
<<  <  1  >  >>