Hướng dẫn công tác tổ chức giải thể thao quần chúng trên địa bàn TP. Cần Thơ

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Hướng dẫn số 1301/HD-SVHTTDL, ngày 29 tháng 4 năm 2014, về hướng dẫn công tác tổ chức giải thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nội dung cụ thể như sau:

HƯỚNG DẪN

Công tác tổ chức giải thể thao quần chúng trên địa bàn TP. Cần Thơ

    

Căn cứ  Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL, ngày 19 tháng 11 năm 2012, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quy định về tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng;

Căn cứ Quyết định số 80/2008/QĐ-UBND, ngày 08 tháng 9 năm 2008, của Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ, về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn  công tác tổ chức giải thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố Cần Thơ như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Các giải thể thao quần chúng trên địa bàn thành phố Cần Thơ bao gồm: 

- Giải thể thao công chức viên chức lao động, giải thể thao thanh niên, nông dân, phụ nữ, người cao tuổi.

- Giải thể thao do các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố Cần Thơ đứng ra tổ chức (gọi chung là đơn vị tổ chức giải).

- Giải thể thao trong các ngày hội văn hóa thể thao du lịch.

- Giải thể thao trong các ngày lễ hội tại các địa phương. 

2. Nguyên tắc tổ chức các giải thi đấu thể thao quần chúng:

- Giải thi đấu thể thao quần chúng nhằm thu hút và động viên mọi người tham gia tập luyện, thi đấu lành mạnh vì sức khỏe, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.

- Tổ chức giải thi đấu thể thao phải phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và truyền thống của địa phương; đề cao tinh thần thể thao đoàn kết trung thực cao thượng; chống mọi biểu hiện tiêu cực, cá độ trái pháp luật.

- Nghi thức tổ  chức giải phải được tiến hành trang trọng, phù hợp với quy mô giải; đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị, dụng cụ cần thiết và yêu cầu chuyên môn.

- Đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trong thời gian tổ chức giải.

- Đảm bảo công bằng, chính xác; chỉ đạo, điều hành tổ chức thi đấu đạt hiệu quả cao và tiết kiệm. 

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ 

1. Xây dựng Điều lệ giải, thành lập Ban Tổ chức, Trọng tài, Kế hoạch tổ chức giải, dự trù kinh phí.

1.1. Xây dựng Điều lệ giải:

- Căn cứ luật thi đấu từng môn thể thao hiện hành (do Tổng cục Thể dục thể thao  ban  hành); ý nghĩa, mục đích của việc tổ chức giải (phục vụ lễ hội, nhiệm vụ chính trị của địa phương).

- Căn cứ điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí, trình độ tổ chức và chuyên môn từ đó xây dựng Điều lệ giải (theo mẫu TCG 1).

1.2. Thành lập Ban Tổ chức, Trọng tài:

- Cơ quan, tổ chức (đơn vị đứng ra tổ chức giải): xây dựng và ban hành quyết định thành lập Ban Tổ chức, Trọng tài gồm: đại diện của các tổ chức, cá nhân am hiểu về thể thao.

- Ban Tổ chức, Trọng tài: tùy theo quy mô, tính chất giải, bố trí số lượng phù hợp, mỗi thành viên có nhiệm vụ cụ thể và phối hợp thực hiện tốt, đảm bảo công tác tổ chức theo yêu cầu kế hoạch đề ra.

1.3. Xây dựng kế hoạch tổ chức giải và dự trù kinh phí:

- Về kế hoạch: nêu mục đích, yêu cầu công tác tổ chức giải; thời gian, địa điểm, quy mô (số VĐV, đơn vị tham dự); các nhiệm vụ về công tác tuyên truyền, công tác chuyên môn, công tác an ninh, trật tự, y tế; tổ chức  thực hiện: đơn vị tổ chức đầu mối, đơn vị phối hợp, cá nhân thực hiện…. (theo mẫu TCG 2)

- Về dự trù kinh phí: căn cứ chính sách, quy định chế độ hiện hành, quy mô, kế hoạch tổ chức lập dự trù kinh phí; xác định nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, kinh phí của đơn vị tổ chức giải, kinh phí xã hội hóa; tổ chức thực hiện thanh quyết toán đúng quy định của nhà nước (đối với kinh phí ngân sách nhà nước); thực hiện thu chi đúng quy định của đơn vị và hợp đồng tài trợ, đảm bảo công khai minh bạch (đối với kinh phí của đơn vị và kinh phí xã hội hóa).

2. Lễ khai mạc và bế mạc:

2.1. Công tác tuyên truyền:  được tổ chức trang trọng tại địa điểm tổ chức giải; treo khẩu hiệu và logo giải, hoặc logo nhà tài trợ  (theo quy định chung)  tại nơi tổ chức giải và bên ngoài các điểm thi đấu bằng hình thức băng rôn, pano, banơ; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2.2. Trang trí khai mạc giải: 

-  Tên giải được trình bày trên phông chính, quốc kỳ treo trên phông chính, trên cột cờ hoặc do đội nghi thức cầm để làm lễ chào cờ.

- Vị trí ngồi của đại biểu, khách mời, Ban Tổ chức: bố trí vị trí ngồi của đại biểu và khách mời (theo số lượng mời).

- Bục phát thưởng: có thể bố trí trên sân khấu hoặc ở phía trước đối diện với các đoàn vận động viên; không đặt bục phát biểu  che khuất tiêu đề trên phông lễ, ảnh và chân dung lãnh tụ (nếu có).

2.3. Chương trình khai mạc:

- Các đoàn vận động viên diễu hành hoặc tập trung tại chỗ trước khán đài (tùy theo quy mô và tính chất của giải)

-  Phần hội hoạt động chào mừng gồm: biểu diễn,  đồng diễn thể thao, chương trình nghệ thuật, văn nghệ phục vụ có thể thực hiện trước hoặc sau phần nghi thức lễ (tùy theo quy mô và tính chất của giải) (nếu có).

- Phần nghi lễ: do Ban Tổ chức điều hành, gồm: chào cờ, hát quốc ca, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, diễn văn khai mạc, tuyên thệ của vận động viên, trọng tài, trao cờ lưu niệm, tặng hoa cho các đoàn, công bố lịch thi đấu.

2.4. Bế mạc giải: 

Ban Tổ chức mời đại biểu và vận động viên, đơn vị đạt thành tích tham dự; có báo cáo tổng kết giải, khen thưởng cho các đoàn và vận động viên đạt giải, đảm bảo sự tôn vinh, thiết thực, hiệu quả, khích lệ phong trào phù hợp với quy mô tính chất giải.

3. Tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng quy mô cấp thành phố và quận, huyện cơ sở.

3.1. Giải cấp thành phố: 

- Do đơn vị cấp thành phố tổ chức cho các vận động viên đến từ các quận, huyện và các đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

- Giải cấp thành phố mở rộng  là giải cấp thành phố có mời một số địa phương đơn vị ngoài thành phố tham gia.

- Giải thi đấu cụm quận, huyện, cụm các cơ quan  đơn vị trên địa bàn thành phố do các quận, huyện hoặc các đơn vị sở ngành đoàn thể cấp thành phố liên kết tổ chức cho các vận động viên ở cụm quận, huyện hoặc cụm các sở ngành đoàn thể đóng trên địa bàn thành phố Cần Thơ. 

- Trách nhiệm của đơn vị đứng ra tổ chức giải cấp thành phố:

+ Báo cáo bằng văn bản về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ. Thời gian gửi báo cáo ít nhất 15 ngày (ngày làm việc) trước ngày khai mạc giải.

+ Nội dung báo cáo nêu rõ: mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung thi đấu, chương trình thi đấu, nguồn tài chính, điều kiện an ninh, y tế, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu tổ chức giải thi đấu.

+ Kết thúc giải: sau khi kết thúc giải không quá 10 ngày gửi văn bản báo cáo kết quả giải về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3.2. Giải cấp quận, huyện:

Giải thi đấu thể thao quần chúng cấp quận, huyện bao gồm:  

 Giải được tổ chức cho các vận động viên đến từ các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn quận, huyện.

- Giải được tổ chức cho cụm xã, phường, thị trấn do các địa phương liên kết tổ chức cho các vận động viên đến từ các địa phương, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.

- Trách nhiệm của đơn vị đứng ra tổ chức giải cấp quận, huyện: 

+ Báo cáo bằng văn bản về phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện, thời gian gửi báo cáo ít nhất 15 ngày (ngày làm việc) trước ngày khai mạc giải.

+ Nội dung báo cáo tổ chức giải nêu rõ: mục đích tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung chương trình thi đấu, nguồn tài chính, an ninh, an toàn, trật tự, y tế.

+ Sau khi kết thúc giải không quá 7 ngày, đơn vị tổ chức giải gửi văn bản báo cáo kết quả giải về phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện nơi tổ chức giải. 

3.3. Giải cấp xã, phường, thị trấn:

Giải thi đấu thể thao quần chúng cấp xã, phường, thị trấn bao gồm:

- Giải được tổ chức cho các vận động viên đến từ ấp, khu vực, cơ quan đơn vị đóng trên địa bàn.

- Trách nhiệm của đơn vị đứng ra tổ chức giải:

+ Báo cáo bằng văn bản  (thông qua công chức văn hóa thông tin hoặc cộng tác viên thể dục thể thao để báo cáo về phòng Văn hóa và Thông tin và Ủy ban nhân dân nơi tổ chức giải; thời gian gửi báo cáo ít nhất 15 ngày trước ngày khai mạc giải.

+ Nội dung báo cáo tổ chức giải nêu rõ: mục đích, tên giải, thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình thi đấu, nguồn tài chính tổ chức giải.

+ Sau khi kết thúc giải không quá 7 ngày, đơn vị tổ chức giải gửi văn bản báo cáo kết quả giải thông qua công chức văn hóa thông tin hoặc cộng tác viên thể dục thể thao để báo cáo về phòng Văn hóa và Thông tin quận, huyện và Ủy ban nhân dân nơi tổ chức giải. 

3.4. Giải thi đấu thể thao quần chúng trong nội bộ cơ quan, đơn vị, tổ chức: Không phải báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao nhưng khi tổ chức giải phải đảm bảo các nguyên tắc tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng (ở khoản 2, phần I nêu trên).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

- Phòng Nghiệp vụ Thể dục thể thao: tổ chức triển khai hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các nội dung hướng dẫn này, có báo cáo đánh giá công tác tổ chức giải thể thao quần chúng trong năm.

- Trung tâm Thể dục Thể thao  thành phố: hướng dẫn công tác chuyên môn cho các đơn vị đứng ra tổ chức giải cấp thành phố.

- Phòng Văn hóa – Thể thao, Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận, huyện: hướng dẫn tổ chức thực hiện trên địa bàn quận, huyện và xã, phường, thị trấn.  

- Giải thể thao thành tích cao, Đại hội thể dục thể thao, giải đăng cai cấp khu vực, toàn quốc, quốc tế trên địa bàn thành phố Cần Thơ thực hiện theo quy định hiện hành.

- Giải thể thao do Trung tâm Thể dục Thể thao thành phố, Trung tâm Văn hóa – Thể thao quận, huyện tổ chức theo kế hoạch hàng năm ở cấp mình theo quy định hiện hành.

Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét, giải quyết.

(Đính kèm mẫu tổ chức giải: TCG 1, TCG 2, TCG 3, TCG 4)./.

Tải tập tin đính kèm

P. NV TDTT
Các bài viết khác:
VÀI ĐIỂM MỚI NỔI BẬT CỦA LUẬT TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO