Vật nuôi cây trồng khác
Mô hình ông Lê Văn Nam nuôi ba ba hiệu quả

Ông Lê Văn Năm ở ấp Long Thạnh (còn gọi là Cồn Cò), xã Long Hòa, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre với mô hình nuôi ba ba thương phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao, hàng năm ông thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Ông Năm thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ nuôi ba ba thương phẩm.

Năm 2001, ông Năm đem con ba ba về Cồn Cò nuôi trong cái nhìn lạ lẫm của người dân quanh vùng. Ngay lần đầu tiên nuôi ba ba, do chưa có kinh nghiệm, ông đã gặp thất bại. Hàng ngàn con ba ba ông nuôi sau thời gian gần 2 năm trong 3 ao diện tích mặt nước 900 m2, thu hoạch chỉ còn chừng 200 kg ba ba thịt, bán được trên 20 triệu đồng, tính ra ông lỗ mấy chục triệu đồng. Trong suy nghĩ, ông Năm cho rằng nguyên nhân là do nuôi ba ba con giống nhỏ nên tỉ lệ sống thấp. Năm 2003, ông tiếp tục đầu tư mua 4.000 con ba ba lứa cỡ 300 – 500 gram/con với giá 70.000 đồng/kg thả nuôi. Ông lại gặp thất bại, sau 12 tháng nuôi, khi thu hoạch chỉ còn khoảng 300 kg ba ba thịt, bán được chừng 40 triệu đồng.

Không bỏ cuộc và quyết tâm tìm ra nguyên nhân vì sao ba ba nuôi bị hao hụt nhiều. Ngày đêm theo dõi quá trình sinh sống của con ba ba, ở vụ nuôi năm 2004, trong một lần cho ba ba ăn, ông Năm thấy nhiều ba ba lứa cứ đeo dính chùm với nhau. Mấy con ba ba đực đeo lấy một ba ba cái, khiến ba ba cái trầy trụa sau đó kiệt sức chết. Trong đầu ông lại nghĩ chắc ba ba hao hụt số lượng nhiều là do chuyện này! Vậy là ông tát ao, lựa ba ba đực, cái tách ra nuôi riêng. Gần một năm sau ông Năm thu hoạch ba ba, cách nuôi này ông đã đạt về kết quả cao khi thu hoạch được 500 con ba ba trong số 1.000 con ba ba con thả nuôi. Với 600 kg ba ba thịt, giá bán bình quân 170.000 đồng/kg, trừ chi phí ông còn lãi 50 triệu đồng. Từ năm 2005, ông Năm áp dụng cách nuôi này ông đều đạt thành công, tỷ lệ hao hụt giảm còn khoảng 30%. Năm 2007, ông Năm tiếp tục đầu tư đào thêm 4 ao nuôi ba ba thương phẩm, mỗi ao diện tích 400 m2, mỗi ao ông thả nuôi 1.000 con ba ba lứa, thời gian từ nuôi đến thu họach là một năm. Với 7 ao nuôi ba ba, hàng năm ông Năm thu họach khoảng 4 tấn ba ba thương phẩm bán cho lái ở Thành phố HCM, giá bán ba ba thịt loại 1 dao động 300 – 400 ngàn đồng/kg; loại 2 từ 200 – 300 ngàn đồng/kg, loại từ 130 – 230 ngàn đồng/kg, mỗi năm ông thu lãi từ 350 – 400 triệu đồng.
Ông Năm cho biết: “Xung quanh ao nuôi ba ba phải được chắn bằng vật cứng như tole fibro hoặc đan xi măng để chúng không đi được. Thức ăn cho ba ba chủ yếu là cá biển, tùy theo trọng lượng mà điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp và nên cho ba ba ăn lúc khoảng 3 giờ chiều. Khi thấy nước dưới ao có dấu hiệu dơ thì thay nước để nguồn nước không bị ô nhiễm làm ba ba bệnh. Ao nuôi ba ba có độ sâu phù hợp là gần 1 mét nước, dưới đáy ao nên có lớp bùn khoảng 2 tấc. Trên mặt ao cần làm các dĩ để ba ba tắm nắng”.
Không dừng lại với ba ba giống thông thường, qua các phương tiện truyền thông, ông Năm biết ở Hà Nội có giống ba ba gai nuôi hiệu quả kinh tế rất cao. Năm 2007, ông Năm ra tận Hà Nội mua 35 con ba ba gai giống, mỗi con bằng miệng ly uống trà, trị giá 250.000 đồng/con đem về nuôi thử nghiệm. Qua 2 năm nuôi ba ba đạt trọng lượng 3 – 5 kg mỗi con. Từ kết quả ban đầu đạt được, năm 2009 và năm 2011, ông Năm tiếp tục đi Hà Nội nhiều đợt mua thêm 1.250 ba ba gai giống, giá từ 450 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng mỗi con đem về nuôi.
Ông Năm cho biết: “Ưu điểm của giống ba ba gai là trọng lượng lớn, sau thời gian nuôi 2 năm ba ba đạt trọng lượng từ 3 đến 5 kg. Đặc biệt, ba ba cái nuôi 3 đến 4 năm đạt trọng lượng 3 – 4 kg mới sinh sản, trong khi ba ba thường nuôi hơn 1 năm khi trọng lượng chỉ khỏang 0,5 kg là sinh sản nên giá trị thấp. Riêng về ba ba thương phẩm, giá bán 900.000 đồng/kg. Kế họach của tôi là năm 2012 này sẽ chuyển dần sang nuôi ba ba gai thương phẩm”.
Từ mô hình nuôi ba ba thương phẩm thành công của ông Năm, một số hộ dân lân cận đã đến học hỏi kỹ thuật nuôi của ông và áp nuôi đạt hiệu quả./.
 
CAO DƯƠNG



CÁC TIN KHÁC: