Trồng Trọt
Giới thiệu một số giống lúa phẩm chất tốt phù hợp cho sản xuất vụ Đông - Xuân





1. Giống lúa OM4488

Giống lúa OM4488 thuộc loại giống lúa thuần, được tạo chọn bởi nhóm tác giả: Gs.Ts. Nguyễn Thị Lang, ThS. Pham Thị Bé Tư và Gs.Ts. Bùi Chí Bửu. Giống lúa OM4488 được tạo chọn trên cơ sở kết hợp của phương pháp chọn giống truyền thống với phương pháp hiện đại (sử dụng marker) từ tổ hợp lai của Hoa Lài/Basmati.

Giống OM4488 có thời gian sinh trưởng ngắn, trung bình từ 85 - 95 ngày, đẻ nhánh khá, rạ cứng, chiều cao cây trung bình (100 - 105cm), số bông/bụi khá cao từ 8 - 12 bông, bông chùm, số hạt chắc trên bông cao dao động từ 87 - 194 hạt, hạt to nặng hạt, trọng lượng trung bình 1.000 hạt dao động từ 27 - 28g, hạt gạo đẹp, thon dài (7-7,32 mm), không bị bạc bụng (cấp 0), hàm lượng amylose thấp khoảng từ 17,55 – 18 %, hàm lượng protein khoảng 8,7%, cơm thơm (cấp 1), dẻo và ngon, rất phù hợp cho loại hình gạo xuất khẩu chất lượng cao. Đặc biệt, giống lúa OM4488 tỏa ra thích nghi rộng, có thể trồng được ở nhiều vùng đất khác nhau, đồng thời chúng có khả năng trổ đồng loạt và vào hạt rất nhanh. Ngoài ra, giống lúa OM4488 còn sở hữu một số đặc tính tốt; có khả năng chịu hạn (30 ngày), chịu mặn (EC=6dS/m), kháng tương đối tốt với rầy nâu (cấp 3), đạo ôn (cấp 3), chống chịu tốt với bệnh cháy bìa lá (cấp 1),... và cho năng suất khá cao (5-7 tấn/ha/vụ). OM4488 là giống lúa tốt cần đưa ra sản xuất diện rộng, và bổ sung vào cơ cấu nhóm giống lúa ngắn ngày nhưng có phẩm chất cao cho các tỉnh thành như: Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang…

2. Giống lúa OM7347 (Cần Thơ 1)

Giống lúa Cần Thơ 1 hay OM 7347 được chọn lọc từ tổ hợp lai của Khaodaw Mali/BL/BL (marker) do nhóm tác giả GS.TS. Nguyễn Thị Lang và GS.TS. Bùi Chí Bửu tạo chọn.

Cần Thơ 1 có thời gian sinh trưởng trung bình (95-105 ngày), chiều cao cây trung bình (100-110 cm), số bông/m2 khá cao (350-380 bông), tỉ lệ hạt lép/bông thấp (9,9%), nặng hạt (trọng lượng 1.000 hạt 26 -27g), hạt gạo đẹp, thon dài (6,92 mm), hàm lượng amylose thấp (16,8%), cơm dẽo, thơm ngon, hàm lượng protein rất cao (8,9%), phù hợp gạo xuất khẩu. Đặc biệt, giống lúa Cần Thơ 1 ngoài việc sở hữu các đặc tính tốt về phẩm chất, giống còn sở hữu luôn đặc tính năng suất cao (6-8 tấn/ha/vụ) và có khả năng chống chịu sâu bệnh tương đối tốt như rầy nâu (cấp 3), đạo ôn (cấp 3-5), và bạc lá (cấp 3), chống chịu tốt với bệnh vàng lùn và khô hạn. Đây là giống lúa rất tốt để đưa ra diện rộng và bổ sung vào cơ cấu giống chủ lực cho các tỉnh thành như: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh…

3. Giống lúa OM 4218

Giống lúa OM 4218 thuộc loại giống lúa thuần, được chọn lọc từ tổ hợp lai OM2031/MTL250 bởi nhóm tác giả: Nguyễn Thị Hoa, Trần Đình Giỏi và Phạm Thị Mùi. OM4218 đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Nông nghiệp công nhận là giống lúa chính thức (Quốc gia) vào ngày 12/8/2010.

Giống lúa OM4218 có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn (90-95 ngày), đẻ nhánh khá, rạ cứng, chiều cao cây trung bình (90-95 cm), dạng hình gọn. số bông/m2 khá cao (352-416 bông), bông hạt đóng chùm, số hạt trắc trên bông cao (trung bình 90 hạt), nặng hạt (trọng lượng 1.000 hạt 25 -26g), hạt gạo đẹp, thon dài (7,32 mm), cơm dẻo và ngon, phù hợp gạo xuất khẩu. OM4218 kháng trung bình với rầy nâu, hơi kháng đạo ôn, năng suất khá cao (6-8 tấn/ha/vụ). Giống lúa OM 4218 trồng được cả trong vụ Đông-Xuân và vụ Hè – Thu. Đây là giống lúa khá tốt đã đưa ra sản xuất diện rộng và bổ sung vào cơ cấu nhóm giống phẩm chất cho các tỉnh thành như: Cần Thơ, An Giang, Kiêng Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, …

4. Giống lúa OM 5451

Giống lúa OM 5451 thuộc loại giống lúa thuần, được chọn từ tổ hợp lai Jasmine 85/OM2490 bởi nhóm tác giả Trần Thị Cúc Hòa, Phạm Trung Nghĩa và Huỳnh Thị Phương Loan.

Giống lúa OM 5451 có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn (90-95 ngày), đẻ nhánh khá, rạ tương đối cứng, chiều cao cây trung bình (95-100 cm), dạng hình đẹp, bông hạt đóng chùm, tỷ lệ hạt lép thấp, khá nặng hạt (trọng lượng 1.000 hạt 25 -26g), hạt gạo đẹp, thon dài, ít bạc bụng, cơm mềm dẻo và ngon, phù hợp gạo xuất khẩu. OM 5451có khả năng chống chịu khá với rầy nâu bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, cũng như bệnh đạo ôn, năng suất khá cao (5-8 tấn/ha/vụ). Giống lúa OM 5451 trồng được cả trong vụ Đông-Xuân và vụ Hè – Thu.

6. Giống lúa OM 6377 hay AG1

Giống lúa OM 6377 thuộc loại giống lúa thuần, được tạo chọn bởi nhóm tác giả: GS.TS. Nguyễn Thị Lang, KS. Thái Thị Hạnh và GS.TS. Bùi Chí Bửu. OM 6377 đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Nông nghiệp công nhận là giống lúa chính thức (Quốc gia) vào ngày 23/6/2011.

Giống lúa OM 6377 có thời gian sinh trưởng ngắn (95-100 ngày), đẻ nhánh khỏe, rạ cứng, chiều cao cây trung bình (95-105 cm), số bông/m2 khá cao (300-340 bông), bông hạt đóng chùm, số hạt chắc trên bông cao (80-90 hạt), nặng hạt (trọng lượng 1.000 hạt 25 -26g), hạt gạo đẹp, thon dài (7,32 mm), hàm lượng amylose thấp (19-20%), cơm dẻo, ngon và thơm, phù hợp gạo xuất khẩu. Đặc biệt, giống lúa OM6377 thích nghi được ở nhiều vùng đất khác nhau, kể cả đất phèn. OM 6377còn có khả năng kháng tương đối tốt với rầy nâu (cấp 3), đạo ôn (cấp 3-5), chống chịu với bệnh vàng lùn, kháng tốt với bệnh cháy bìa lá (bạc lá) và cho năng suất khá cao (5-7 tấn/ha/vụ). Giống lúa OM 6377 trồng được cả trong vụ Đông-Xuân và vụ Hè – Thu.

5. Giống lúa OM 6162

OM6162 là giống lúa thuần được tạo chọn bởi nhóm tác giả là PGS.TS Nguyễn Thị Lang, ThS. Nguyễn Thạch Cân  và GS.TS Bùi Chí Bửu. OM6162 được chọn lọc từ quần thể con lai của cặp lai C50 (làm mẹ) và giống bố là Jasmine 85 bằng phương pháp lai cổ truyền kết hợp với marker phân tử để chọn lọc tính trạng mục tiêu.

OM6162 có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn (95-100 ngày); chiều cao cây 115cm; khả năng đẻ nhánh khá; cứng cây; có số hạt chắc/bông cao (168 hạt); trọng lượng 1000 hạt là 29,8gr; đạt năng suất cao và ổn định trong cả hai vụ Đông Xuân (6-7 tấn/ha) và Hè Thu (4-5 tấn/ha); chất lượng gạo tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (hạt gạo thon dài, tỉ lệ bạc bụng rất thấp; tỉ lệ xay chà và gạo nguyên cao; hàm lượng amylose từ 19 - 20% (tương đương với giống Jasmine 85), cơm dẻo và có mùi thơm nhẹ; phản ứng đối với rầy nâu (cấp 4,3-5), đối với bệnh đạo ôn (cấp 3 - 5), có khả năng chống chịu được bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Đặc biệt, OM6162 có khả năng thích ứng tốt trong điều kiện khô hạn.

7. Giống lúa OM 4900

Giống lúa OM 4900 được chọn lọc từ tổ hợp lai của C53/Jas85Marker (marker) do GS.TS. Nguyễn Thị Lang và GS.TS. Bùi Chí Bửu tạo chọn. OM 4900 đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ Bộ Nông nghiệp đặt cách công nhận là giống chính thức (Quốc gia) vào ngày 18/06/2009.

Giống OM 4900 có thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày, cao 114 cm, thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khá, số bông trên bụi biến thiên từ 8 – 12 bông, số hạt chắc trên bông là 156. Trọng lượng 1.000 hạt cao (29,8 gram);chiều dài hạt gạo từ 7 - 7,3 mm; độ bạc bụng cấp 0 (đánh cấp từ 0 - 9); hàm lượng amylose từ 16 - 16,8%; tỷ lệ protein trong hạt cao (8,4%); cơm dẻo; thơm và ngon. OM4900 chống chịu khá tốt với rầy nâu và đạo ôn (cấp 3); kháng khá tốt bệnh vàng lùn; lùn xoắn lá. Đặc biệt, OM 4900 có khả năng thích ứng được trong điều kiện đất nhiễm mặn (EC = 10d/m, tương đương độ mặn 4,5%0). Năng suất rất cao, biến thiên từ 7- 8 tấn/ha/vụ, tùy vùng và điều kiện chăm sóc.

Giống lúa OM 4900 trồng được cả trong vụ Đông - Xuân và vụ Hè - Thu. Đây là giống lúa tốt đã đưa ra sản xuất diện rộng, bổ sung vào cơ cấu nhóm giống phẩm chất cho các tỉnh thành như: long An, Cần Thơ, An Giang, Kiêng Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu … Giống phát huy tốt ở các vùng đất phù sa ngọt sản xuất giống lúa chất lượng cao cho xuất khẩu.

8. Giống lúa Jasmin 85

Giống lúa Jasmin 85 được chọn lọc từ tổ hợp lai Pata/ TN 1// Khao dawk Mali của Viện nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), thế hệ con lai kế tiếp được các nhà khoa học Mỹ tiếp nhận chọn lọc. Trong quần thể con lai họ đã chọn được dòng lai IR 841-85 đạt yêu cầu, về sau được công nhận giống mới với tên thương mại là Jasmine 85. Jasmine 85 nhập nội vào Việt Nam năm 1992 và được sản xuất rộng tại các tỉnh ĐBSCL.

Jasmine 85 có thời gian sinh trưởng từ 100 - 105 ngày, cao cây (95-100 cm), thân rạ cứng, khả năng đẻ nhánh khá đến trung bình, lá đòng đứng, số bông trên bụi biến thiên từ 8 – 12 bông, số hạt chắc trên bông cao. Trọng lượng 1.000 hạt cao (26 - 27 g);chiều dài hạt gạo từ 7,2 - 7,6 mm; độ bạc bụng thấp (nhỏ hơn 10%); hàm lượng amylose thấp (từ 20 - 21; cơm dẻo; thơm và ngon. Năng suất cao ở vụ Đông – Xuân (6-8 tấn/ha/vụ), Vụ Hè Thu (4-5 tấn/ha/vụ).

Giống Jamine 85 thích hợp nhất là vụ Đông Xuân; phù hợp sản xuất gạo đặc sản cho tiêu dùng trong nước hoặc xuất khẩu.

* Lưu ý trong sản xuất: Giống Jasmine 85 hiện nay có khá nhiều dòng, đa số bị nhiễm cả rầy nâu, bệnh đạo ôn và cháy bìa lá, vì vậy không nên bố trí cơ cấu giống này quá lớn trong sản xuất; cần áp dụng biện pháp canh tác quản lý tổng hợp, bón phân cân đối, kết hợp sử dụng giống xác nhận để đảm bảo năng suất và chất lượng lúa hàng hoá.

Phạm Văn Út



CÁC TIN KHÁC: