Trồng Trọt
Một số lưu ý khi canh tác lúa vụ đông xuân 2024-2025


Hiện nay trà lúa Đông Xuân năm 2024-2025 ngoài đồng đang vào giai đoạn làm đòng đến trỗ tùy theo lịch xuống giống của từng địa phương, đây là giai đoạn hết sức quan trọng quyết định năng suất của cây lúa. Thời tiết hiện nay đang bất lợi cho sự phát triển của cây lúa: Biên độ nhiệt chênh lệch cao, độ ẩm không khí trên 80%, có sương mù và mưa phùn hoặc mưa rào về chiều tối, gió nhẹ. Đây là điều kiện phù hợp phát triển sâu bệnh đặc biệt là bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông và lem lép hạt, muỗi hành, rầy phấn trắng gây hại trên lúa. Để đảm bảo năng suất cho vụ lúa Đông Xuân năm 2024-2025 đạt hiệu quả cao bà con cần chú ý thăm đồng thường xuyên kịp thời phát hiện sớm tình trạng sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ tốt cho mùa vụ bội thu. Bà con cần chú ý một số sâu bệnh hại chính như sau:
I. Bệnh đạo ôn, bệnh đạo ôn cổ bông và bệnh lem lép hạt
1.1. Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh:
Do nấm Pyricularia oryzae gây ra, trên lá (đạo ôn), trên cổ bông (đạo ôn cổ bông), trên hạt do nấm hoặc vi khuẩn gây ra (lem lép hạt). 
Lá lúa: Ban đầu, vết bệnh xuất hiện dưới dạng những chấm nhỏ màu xanh ngả dần sang xám nhạt. Khi càng phát triển, vết bệnh cũng càng lớn hơn, có phần giữa mở rộng và hai phần đầu nhọn, ở tâm vết bệnh càng chuyển sang màu nâu sẫm đến xám tro, màu nhạt dần đến viền bệnh tiếp xúc với mô lành. 
Đốt thân: Các vết bệnh đạo ôn xuất hiện khiến phần đốt thân dần khô héo, nếu vị trí càng gần với phần gốc rễ sẽ dễ làm cây lúa bị đổ.
Cổ bông (gié): Vết bệnh ở cổ bông cũng có màu xanh dần chuyển sang nâu sẫm tương tự, nhưng nếu độ pH cao trên bề mặt sẽ có thêm một lớp nấm mốc màu xanh. Cây lúa sẽ không thể vận chuyển chất dinh dưỡng để nuôi bông, hạt, từ đó làm tăng tỷ lệ hạt lép. Thậm chí nếu bệnh xuất hiện sớm có thể khiến lúa bị lép hoàn toàn.
Hạt lúa: Nếu tình trạng bệnh lan rộng, hạt lúa sẽ xuất hiện những vết bệnh không rõ hình dạng nhưng vẫn có màu nâu xám đặc trưng. Các vết này có thể lan sâu vào trong vỏ trấu và hạt lúa. Đây chính là nguyên nhân đạo ôn sẽ trở thành mầm bệnh cho các vụ lúa sau.
1.2. Một số điều kiện phát sinh, phát triển của bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt phát triển:
Nhiệt độ từ 20 – 30 độ C, biên độ nhiệt chênh lệch cao;
Độ ẩm không khí trên 80%;
Trời âm u, có sương và mưa phùn hoặc mưa rào về chiều tối, gió nhẹ;
Tình trạng ngập úng kéo dài;
Lúa bón phân không cân đối thừa Đạm thiếu Lân Kali và một số nguyên tố trung vi lượng ….;
Đặc biệt là lúa sạ dầy (từ 180kg/ha trở lên). Mật độ gieo sạ quá dày làm ruộng khó thông thoáng, khiến bệnh phát triển mạnh;
Sử dụng giống lúa chống chịu bệnh kém, giống không được sàng lọc kỹ, mầm bệnh có thể tồn tại ở trong lúa giống và dễ lây lan trở thành dịch đạo ôn. Khi gặp những điều kiện thuận lợi từ thời tiết, dinh dưỡng,… Ngoài ra, những giống lúa ngắn ngày đã được các nhà khoa học lai tạo, biến đổi gen để tăng sức kháng với bệnh đạo ôn. Nhưng nó chỉ có thể tồn tại trong một thời gian nhất định, vì bị giảm dần tính chất ưu thế lai qua các thế hệ sau.
1.3. Biện pháp phòng trừ:
Bệnh đạo ôn, đạo ôn cổ bông và lem lép hạt là một trong những loại bệnh gây hại nghiêm trọng, dễ phát triển gây hại nhanh trên diện rộng. Vì vậy để phòng trừ hiệu quả phải điều tra, phát hiện theo dõi phân tích các điều kiện liên quan tới sự phát sinh của bệnh như thời tiết, giống… Áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp để phòng trừ bệnh đạo ôn mới mang lại hiệu quả cao, trong đó đặc biệt lưu ý:
- Sử dụng giống xác nhận, giống có tính kháng bệnh từ trung bình trở lên;
- Tuyệt đối không được sạ dầy: Cần điều tiết mực nước trên đồng ruộng hợp lý để hạn chế cây lúa đẻ nhánh, làm sạch cỏ dại trên đồng ruộng; Bón phân cân đối, đặc biệt không bón thừa đạm nên bón thêm Kali để tăng khả năng chống chịu bệnh cho cây lúa trong giai đoạn phát triển của cây lúa;
- Tăng cường thăm đồng để kịp thời phát hiện ruộng lúa bị bệnh và khoanh vùng dập dịch bệnh;
- Trên những chân ruộng bị bệnh đạo ôn phải ngừng bón tất cả các loại phân, kể cả phân bón qua lá, tăng cao mức nước trong ruộng không để ruộng khô hạn, khẩn trương phun thuốc phòng trừ  bệnh bằng các loại thuốc có hoạt chất Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil + Isoprothiolane, Fenoxanil + Tricyclazole,... theo liều lượng khuyến cáo, cần chú ý phải phun ướt đẩm toàn bộ lá, thân, bông lúa thì mới có hiệu quả, lượng nước thuốc phải theo khuyến cáo, vùng bị nặng phải phun tiếp lần hai sau 5 - 7 ngày. 
- Những ruộng đã nhiễm bệnh đạo ôn, sau khi phun thuốc cần kiểm tra, khi bệnh ngừng phát triển (lá mới ra không bị nhiễm bệnh) mới được bón phân. Cần chú ý hạn chế lượng đạm và tăng cường bón phân Kali giúp cho cây có sức đề kháng với bệnh;
II. Phòng trừ muỗi hành, rầy phấn trắng
2.1. Muỗi hành:
Sâu non muỗi hành di chuyển lên phần giữa của bẹ và thân, rồi xâm nhập vào đỉnh sinh trưởng, tại đây sâu cắn phá, gây hại và thải ra chất độc có trong nước miếng làm gốc bẹ lúa phồng to, bên trong rỗng, sau đó đọt lúa phát triển bất thường thành ống như lá hành có màu trắng nhạt, rộng khoảng 1cm, dài 10 – 30cm;
Muỗi tấn công cây lúa từ giai đoạn mạ đến cuối đẻ nhánh. Ấu trùng mới nở có một thời gian ngắn khoảng 1-2 ngày sống trong nước (nếu không có nước trong vòng 24 giờ ấu trùng sẽ chết), sau đó chui qua bẹ lá đục vào đỉnh sinh trưởng của lúa để chích hút. Lúc này, ấu trùng đồng thời tiết ra một chất khiến bẹ của chiết lá non nhất mọc dài ra thành ống tròn màu xanh lá hơi nhạt, phần phiến lá cuộn thành mảnh nhỏ ở đầu ống, ấu trùng sống trong đó.
Khoảng 1 tuần sau khi muỗi xâm nhập, ống lúa sẽ mọc dài ra và tròn giống như cọng hành (hoặc cọng năn). Lúc này, ấu trùng sắp hóa nhộng, chúng bò lên ngọn lá hành đục một lỗ nhỏ nằm chờ hóa muỗi chui ra ngoài để tiếp tục vòng đời gây hại cho lúa. Khi đã chui ra, chúng sẽ để lại vỏ nhộng dính trên ống hành.
Những bẹ lá lúa đã bị muỗi hành chích hút và biến dạng thành ống tuy không chết đi nhưng cũng không thể trổ bông được. Để bù lại, cây lúa sẽ đâm thêm nhiều chồi mới, những chồi mới này hầu như không có khả năng trổ bông.
* Biện pháp phòng trị:
- Vệ sinh đồng ruộng, diệt sạch cỏ dại, cỏ bờ;
- Bẫy đèn: Theo dõi muỗi hành để phòng trừ đúng lúc (phun thuốc ngay khi muỗi ra rộ);
- Không sạ dầy. Bón đầy đủ, cân đối NPK, không bón thừa đạm giai đoạn đẻ nhánh;
- Bảo vệ thiên địch (ong ký sinh), không phun thuốc trừ sâu sớm;
- Thăm đồng thường xuyên, nếu có muỗi hành, có thể tháo nước phơi ruộng để hạn chế lây lan;
- Thuốc BVTV: Trường hợp ruộng thường xuyên bị muỗi hành gây hại, điều kiện thời tiết, canh tác thuận lợi cho muỗi phát sinh, gây hại, cần thường xuyên thăm đồng, có thể dùng bẫy đèn theo dõi, nếu muỗi nhiều, có thể phun ngay các loại thuốc có đặc tính chuyên phòng trừ muỗi hành có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Trường hợp ruộng bị hại nặng, việc phòng trị sẽ ít có hiệu quả, tuy nhiên để tránh thiệt hại đến năng suất và hạn chế lây lan qua vụ sau, có thể kết hợp phun thuốc có tính thấm sâu, xong hơi.
2.2. Rầy phấn trắng:
Rầy phấn trắng phát triển mạnh trong điều kiện thời tiết ít mưa, nhiệt độ cao, ẩm độ thấp từ mùa mưa chuyển sang mùa nắng;
Rầy phấn trắng là một loại dịch hại nguy hiểm vì chúng gây hại trên nhiều loại cây khác nhau từ lúa, rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng..., đồng thời tác hại của chúng không chỉ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây mà còn có thể lây truyền bệnh virus gây thiệt hại nặng cho mùa vụ;
Rầy trưởng thành dài 0,75 đến 2mm, sải cánh rộng 1,1 đến 2mm, toàn thân phủ một lớp phấn trắng. Đời sống rầy phấn trắng có 4 pha: trứng 5 – 6 ngày, ấu trùng từ tuổi 1 đến tuổi 3 kéo dài 7 – 10 ngày, nhộng 3 – 6 ngày, trưởng thành 5 – 10 ngày. Cả vòng đời kéo dài từ 25 – 32 ngày;
Thời gian gây hại của ấu trùng  tuổi (1 – 4) vào khoảng 7 - 10 ngày. Nhiệt độ thích hợp cho rầy phấn trắng phát triển là 30oC, sống và gây hại phổ biến trong mùa khô, trời nắng nóng. Cơ thể rầy (thành trùng) bao phủ một lớp phấn trắng, trứng rầy được bọc trong lớp sáp cứng, không thấm nước, trứng được đẻ và ấu trùng gây hại ở mặt dưới lá lúa nên rất khó tiếp xúc với thuốc BVTV khi phun thuốc;
Rầy trưởng thành và ấu trùng đều sống mặt dưới lá. Rầy phấn trắng trưởng thành đẻ trứng ngay trong ngày vũ hoá và tiếp tục đẻ trứng trong suốt vòng đời của chúng;
Rầy phấn trắng đẻ trứng ở mặt dưới lá, đẻ rải rác thành vòng tròn hình xoắn ốc, được che phủ bởi những lông sáp trắng mịn. Mỗi vòng xoắn có khoảng 15 - 20 trứng. Tỉ lệ nở trứng của rầy phấn trắng là 94%. Ấu trùng tuổi 1 (con rận)  di chuyển nhanh, tìm nơi phù hợp dưới lá để sống cố định. Ấu trùng tuổi 2, 3, 4 gần như không di chuyển, không hoạt động. Nếu không giao phối, rầy phấn trắng cái sẽ đẻ thế hệ con cháu toàn là con đực, nếu giao phối sẽ đẻ cả con đực và con gái. Rầy phấn trắng hoạt động mạnh vào vài giờ trong buổi sáng. Rầy phấn trắng thường giao phối trong khoảng thời gian buổi chiều.
Trên ruộng lúa có hai triệu chứng do rầy phấn trắng gây hại:
Một là, lá bị biến màu. Rầy phấn trắng gây hại bằng cách chích hút nhựa lá làm cho lá lúa bị úa vàng và héo dần đi. Nếu mật số cao, lá sẽ vàng, héo và cây sẽ chết nhanh.
Hai là, lá bị biến dạng. Rầy phấn trắng cũng làm lá lúa bị biến dạng. Lá bị xoắn (gần giống với bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá). Triệu chứng xoắn lá chỉ xuất hiện sau khi cây lúa bị rầy phấn trắng tấn công khoảng 2 tuần trở đi. Nếu bị nhẹ, lá chỉ dợn sóng, còn bị nặng lá sẽ xoắn tít lại không thể quang hợp được.
* Biện pháp phòng trừ:
Vệ sinh đồng ruộng thật sạch trước và sau khi trồng;
Chọn giống lúa ít mẫn cảm với rầy phấn trắng, chọn giống có bộ tán lá thẳng đứng; Cần phải gieo sạ tập trung, đồng loạt, áp dụng quy trình kỹ thuật 3 giảm 3 tăng hoặc 1 phải 5 giảm, quy trình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp … để giảm áp lực gây hại;
Tổ chức thăm đồng thường xuyên, khi thăm đồng nên khua động tán lá xem có rầy phấn bay lên không. Quan sát mạng nhện trên ruộng, xem có rầy phấn dính vào mạng nhện không, đồng thời quan sát mặt dưới lá lúa xem có trứng rầy đẻ dọc theo gân lá hay không;
Chú ý lúa giai đoạn đẻ nhánh đến đòng - trỗ, kiểm tra ruộng lúa có triệu chứng vàng lá để xác định là do bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá, vàng lá chín sớm, cháy bìa lá hay do rầy phấn. Ký chủ của rầy phấn trắng ngoài cây lúa còn có các loại cây khác như ổi, rau dưa, khoai mì, khóm;
- Áp dụng các biện pháp sinh học:
Trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút thiên địch để bảo vệ ruộng lúa và không phun thuốc trừ sâu trước 40 ngày sau khi sạ để bảo vệ thiên địch ngay từ đầu vụ giúp cân bằng hệ sinh thái. Một số loài thiên địch khống chế Rầy phấn trắng như: Ong ký sinh, Ruồi ăn thịt, Bọ cánh lưới, Bọ rùa trắng, Nấm ký sinh;
- Áp dụng các biện pháp hoá học:
Phun thuốc khi rầy phấn trắng có mật số cao, khoảng 15 - 20 con/nhánh hoặc 5 ấu trùng/lá. Nên phun thuốc vào lúc chiều mát vì rầy phấn trắng thường bay vào lúc xế chiều. Hạ thấp tầm phun xuống dưới tán lá lúa để đảm bảo thuốc tiếp xúc được với rầy phấn trắng và bám dính vào mặt dưới của lá nhằm tăng hiệu quả của thuốc đối với ấu trùng. Đồng thời cần lưu ý Rầy phấn trắng là dịch hại rất khó phòng trị do cơ thể rầy bao phủ một lớp phấn trắng, trứng rầy được bọc trong lớp sáp cứng, không thấm nước nên các thuốc có tính tiếp xúc cho hiệu quả không cao bằng thuốc có tác động lưu dẫn, thấm sâu và xông hơi; khi cần thiết nên pha với chất bám dính hay dầu khoáng. Ngoài ra, phun đúng kỹ thuật “4 đúng” cũng giúp tăng hiệu quả phòng trừ. Ngoài ra trứng và ấu trùng gây hai nằm ở dưới mặt lá nên rất khó phun xịt.
Để phòng trừ hiệu quả nên chọn một trong những nhóm thuốc có chứa các hoạt chất sau: Abamectin, Emamectin, Pymetrozine, Imidacloprid, Aceta; ngoài ra cần kiểm tra lại diện tích đã phun thuốc để kịp thời có biện pháp xử lý triệt để. Có thể phun lặp lại nếu mật số ấu trùng/lá không giảm hoặc cao hơn sau khi phun thuốc lần đầu 3 đến 5 ngày;
Đặc biệt đối với rầy phấn trắng khi phun thuốc hóa học cần phun tập trung, phun trên diện rộng để tránh rầy di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác và sau đó lây lang trên diện rộng.
- Áp dụng biện pháp canh tác:
Sau khi thu hoạch lúa, cần diệt sạch cỏ lồng vực và cỏ chỉ xung quanh ruộng để hạn chế nơi cư trú của rầy phấn trắng, tránh lây lan sang vụ sau.
Cần phải gieo sạ tập trung, đồng loạt, áp dụng gói kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” hoặc “1 phải, 5 giảm, quy trình sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp …” để giảm áp lực gây hại. Khi lúa bị nhiễm nặng, cần phải giữ mực nước trong ruộng lúa ổn định để giúp cây lúa nhanh hồi phục.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn sâu bệnh đến cuối vụ, bà con cần duy trì công tác diệt chuột bằng các biện pháp như sử dụng các loại bẫy, bả, thuốc diệt chuột sinh học... để diệt chuột liên tục;
Tăng cường thăm đồng kiểm tra các đối tượng sâu bệnh khác như rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân, cuốn lá lớn, khô vằn... để có biện pháp quản lý kịp thời. Hiện nay tình hình dịch bệnh trên lúa đã và đang diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy bà con nông dân không nên chủ quan, cần theo dõi đồng ruộng và theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp địa phương./.

Nguyễn Trọng Tuệ
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ



CÁC TIN KHÁC: