Trồng Trọt
Một số biện pháp quản lý vườn cây ăn trái trong mùa khô


Cây ăn trái là một trong những loại cây có giá trị kinh tế cao, TP Cần Thơ có cây ăn trái đặc sản với diện tích lớn của đồng bằng sông Cửu Long; có các giống cây ăn trái phẩm chất tốt như: Cam, Quýt, Bưởi, Sầu riêng, Măng cụt, Mít, …. Với mục tiêu nâng cao phẩm chất trái, phát triển vùng cây ăn trái đặc sản của thành phố Cần Thơ, phải xem xét và phân tích hiện trạng, và đề xuất một số giải pháp kỹ thuật cần áp dụng để quản lý vườn cây ăn trái, đặc biệt là trong tình hình thời tiết nắng nóng như hiện nay. 
Mùa khô là mùa của nhiều loại cây ra hoa đậu quả, cũng là mùa ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng do nắng nóng, nguồn nước tưới thường bị thiếu hụt, mặn có khả năng xâm lấn, mưa trái mùa… làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng trái. Để chủ động chăm sóc và quản lý dịch hại trên cây ăn trái trong mùa khô cần thực hiện một số biện pháp như sau:
1. Chăm sóc vườn cây:
* Cắt tỉa cành, tạo tán:
Sau các đợt thu hoạch tích cực cắt tỉa các cành sâu bệnh, cành khô, cành vô hiệu, cành mọc chồng chéo nhau, xén những gié hoa còn lại trên cây, cành dinh dưỡng, cành đan chéo ngoài tán, cành dưới tán, cành trong tán, ... đồng thời kết hợp với việc tạo tán cho cây. Có thể tỉa bỏ bớt hoa, trái non, … giúp giảm áp lực tiêu thụ nước trong điều kiện nắng nóng, khô hạn; tạo sự thông thoáng trong vườn cây, hạn chế nơi trú ẩn cho sinh vật gây hại và giúp cây tăng khả năng quang hợp cây.

Tủ gốc với lá cây khô
* Tủ gốc giữ ẩm cho cây:
Tủ gốc giữ ẩm là che phủ phần đất mặt trong vườn cây, giúp giảm sự bốc hơi nước giữ ẩm cho đất trong mùa khô; tránh nước chảy tràn trên mặt đất; cung cấp chất hữu cơ và các chất dinh dưỡng khác cho cây, đây cũng là một giải pháp giúp cây trồng vượt qua mùa khô hạn, bởi vì mùa nắng thường xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng trên một số vùng trồng cây ăn trái của thành phố.
Nguyên vật liệu tủ gốc giữ ẩm cho vườn cây có thể sử dụng lá dừa, lá mía, rơm rạ, lá khô, cỏ khô, lục bình, bồi bùn, kết hợp nạo vét mương trữ nước; tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp vụ trước, các thảm thực vật, ngoài việc giúp đất duy trì độ ẩm, hạn chế thoát hơi nước thì rễ cây cỏ còn giúp cải thiện cấu trúc đất hoặc sử dụng màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây. Phương pháp này có thể tiết kiệm được 50% lượng nước tưới và tuyệt đối không phun thuốc diệt cỏ trong thời điểm nắng nóng này.
* Chế độ phân bón.
Mùa khô là thời gian một số loại cây ăn trái tích lũy dinh dưỡng để ra hoa và đậu trái. Do đó cây cần một lượng dinh dưỡng đủ để cây sử dụng làm nền cho sự sinh trưởng và phát triển hoa trái về sau. Để cung cấp dinh dưỡng cho cây, nhà vườn nên tăng cường bón các loại như: Phân hữu cơ (hoai mục), phân hữu cơ khoáng hoặc phân vi sinh, bên cạnh sử dụng phân hóa học. Đặc biệt, khi sử dụng phân hữu cơ như phân chuồng (phân bò, phân gà, …) nên được ủ hoai với nấm Trichoderma; khi bón vào trong đất ngoài việc phân giải chất hữu cơ nấm Trichoderma còn đối kháng một số nấm gây hại như thối rễ, khống chế một số nguồn bệnh lây lan từ trong đất. Mặt khác khi bón phân hữu cơ không bón cùng lúc với phân hóa học. Khuyến cáo bón phân hữu cơ trước sau đó bón phân hóa học sau, vì phân hữu cơ có vai trò giữ nước, giữ các dưỡng chất từ phân hóa học để cung cấp cho cây trồng được lâu dài hơn và cũng có thể phun thêm các loại phân bón lá dạng amino, Kali, Canxi, Magiê, Silic… để bổ sung thêm dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho cây. 
Chú ý bón phân và cung cấp dinh dưỡng cho cây một cách cân đối N.P.K về liều lượng và công thức bón cho cây hàng năm theo khuyến cáo. Việc bón phân còn tùy thuộc điều kiện đất đai, tình trạng sinh trưởng của cây, tuổi cây, thời kỳ bón, năng suất thu hoạch vụ trước. Tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ làm tăng khả năng hữu dụng của phân hóa học cho cây trồng trước thực trạng giá cả phân hóa học tăng cao.

Tưới nước tiết kiệm
* Chế độ nước tưới
Mùa khô là thời điểm cây tích lũy dinh dưỡng để ra hoa, đậu trái, nên nhu cầu về lượng nước tưới ở giai đoạn cực trọng này rất cần thiết trên hầu hết nhóm cây ăn trái, cần chủ động nguồn nước tưới giúp cây vượt qua mùa nắng nóng, khô hạn với một vài cách như sau:
- Chủ động tích trữ nước ngọt trong mương vườn cuối mùa mưa: Nạo vét mương, sử dụng bạt hoặc túi ni-lon chứa nước ngọt trong mương vườn để tưới cho cây, đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công đến canh tác rải vụ hiện nay, nhất là trong vấn đề xử lý cây ra hoa, phòng chống hạn, mặn.
- Tưới được nhiều cây trồng cùng lúc, lượng nước tưới vừa đủ nhu cầu của cây.
- Có thể sử dụng giải pháp tưới nước tiết kiệm (phun sương, nhỏ giọt), áp dụng phương pháp tưới nước tiên tiến theo xu thế ứng dụng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp. 
2. Biện pháp xử lý vườn cây khi gặp mưa trái mùa:         
Trong thực tế tình hình thời tiết không còn phân chia theo quy luật hai mùa mưa nắng rõ rệt như trước đây, mùa nắng thường có là những cơn mưa trái mùa có thể làm thiệt hại rất lớn cho các vườn cây ăn quả, nhất là các vườn trong giai đoạn xử lý ra hoa, đậu quả non hoặc quả đang phát triển. Cần có tư thế chủ động xử lý khi mưa trái mùa xảy ra với một số biện pháp kỹ thuật sau:
- Kiểm tra tình trạng, đánh giá thiệt hại trên vườn cây ăn quả, có giải pháp khắc phục nhanh tác hại của các cơn mưa trái mùa.
- Cần chủ động các phương tiện cần thiết để bơm nước ra khỏi vườn nếu vườn đang trong tình trạng xiết nước để xử lý ra hoa.
- Đối với những vườn cây đang trong giai đoạn xử lý ra hoa bằng biện pháp tạo khô hạn thì nên sử dụng màng nilon hoặc các vật liệu không thấm nước che trên mặt líp, đồng thời chuẩn bị tốt khâu thoát nước trong vườn, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của các cơn mưa trái mùa đến hiệu quả xử lý ra hoa.
- Những vườn đang ra hoa mang trái non khi gặp những cơn mưa trái mùa (thường có axít) sẽ làm rụng hoa và trái non. Sau mỗi cơn mưa cần xử lý tưới xả lên toàn bộ cây để hạn chế tác hại của mưa axit làm cây không ra hoa hoặc rụng hoa.
- Đối với những vườn đang ra hoa mà bị ảnh hưởng từ nhẹ thì nên tăng cường chăm sóc, phun phân bón lá có chứa Bo hoặc các chất điều hòa sinh trưởng như NAA, GA3 sẽ có tác dụng giảm rụng quả và tăng tỷ lệ đậu quả. Nếu vườn bị ảnh hưởng nặng nên có kế hoạch chăm sóc, dưỡng cây cho đợt xử lý ra hoa kế tiếp.
- Ngoài ra, những đợt mưa trái mùa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh thối trái, thán thư…phát triển và gây hại. Do đó, có kế hoạch phòng trừ bệnh hại cho vườn cây ngay sau khi các cơn mưa trái mùa.
Ngoài ra bà con cũng cần thường xuyên theo dõi các thông tin về dự báo thời tiết để có kế hoạch xử lý cây ăn trái ra hoa vào các thời điểm thuận lợi cho ra hoa, đậu trái, tránh các thời điểm thường xuyên có mưa trái mùa trong năm.
3. Quản lý dịch hại.
Trong mùa khô hạn, nắng nóng nhóm côn trùng có khả năng gây hại nhiều nhất là nhóm chích hút và nhóm nhện. Nhóm chích hút sinh sản rất nhanh trong điều kiện khô hạn gồm có: Bọ xít muỗi, bọ trĩ, rệp sáp, sâu vẽ bùa, sâu đục trái, rầy phấn, … nhóm nhện và các bệnh do nấm xuất phát từ vết chích của côn trùng. Để quản lý và phòng trừ đạt hiệu quả các sâu bệnh gây hại cây ăn trái trong mùa nắng nóng, bà con nhà vườn cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
- Vệ sinh vườn sau các đợt thu hoạch, thu gom tàn dư thực vật trong vườn có khả năng lưu tồn mầm bệnh và lây lan, … mang đi tiêu hủy.
- Thường xuyên thăm vườn kiểm tra sâu bệnh thật kỹ, phát hiện kịp thời để có biện pháp xử lý đạt hiệu quả tối ưu nhất.
- Chủ động phun các chế phẩm sinh học để phòng sâu bệnh và các loại nấm, vi khuẩn gây hại.
- Bảo vệ và phát triển các loài thiên địch trong vườn như kiến vàng, ong, bọ rùa, bọ ngựa, …
- Sử dụng thuốc hóa học khi thật cần thiết, tuân thủ theo “nguyên tắc 4 đúng”; chọn các loại thuốc chuyên biệt, phổ hẹp, ít độc cho côn trùng có ích; luân phiên các loại thuốc để tránh hiện tượng kháng thuốc; bảo đảm thời gian cách ly an toàn cho người tiêu dùng.
- Sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép của Bộ Nông nghiệp và PTNT sử dụng tại Việt Nam.

Biên soạn và tổng hợp: Hà Thanh Liêm

Trung tâm dịch vụ nông nghiêp thành phố Cần Thơ



CÁC TIN KHÁC: