Chăn Nuôi
Kỹ thuật nuôi dúi

Dúi nuôi có tên khoa học là Rhyzomys pruinosus thuộc chi Rhyzomys, chúng còn được gọi là chuột Nứa, chuột Dúi, chuột Tre. Dúi có 4 loài khác nhau đó là Dúi nâu, Dúi mốc nhỏ, Dúi mốc lớn, Dúi má vàng. Thịt Dúi được xếp vào loại thức ăn đặc sản, ngon, mát, giàu đạm. Dúi là vật nuôi mới, dễ nuôi, cần ít công chăm sóc, chi phí đầu tư chuồng trại, con giống, thức ăn thấp, vòng quay vốn nhanh, ít rủi ro. Ngoài ra, nuôi Dúi ít vốn, tốn ít diện tích, thức ăn rẻ và dễ tìm. Miền Tây hiện nay rất ít người nuôi loài vật này.

Hình: Dúi má vàng (Large bamboo rat)

I. Một số đặc tính sinh học

Ngoài tự nhiên dúi sống theo từng đàn và có con đầu đàn. Mỗi đàn thường có từ 3 đến 5 con, chúng ở trong hang tự đào và hầu như không lên khỏi hang. Dúi nhút nhát, không thích nhiều ánh sáng nên chúng chỉ ra khỏi hang tìm thức ăn vào ban đêm.
Thức ăn của dúi thay đổi tuỳ theo điều kiện nơi sống, nhưng phần lớn là rễ, củ nằm ở tầng đất mặt của các loại cây họ tre, nứa, cỏ voi, mía, củ quả của các cây ngũ cốc, các loại rau (muống, rau cần…), và một số cây bụi khác.
Dúi chịu lạnh rất kém, những ngày gió rét dúi không hoạt động và bỏ ăn. Khi trời lạnh 10 - 120C dúi dễ bị chết.
Dúi đực và dúi cái thường sống riêng, chỉ gặp nhau trong thời kỳ động dục. Mùa sinh sản của dúi kéo dài khoảng từ cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 cho đến đầu tháng 8 dương lịch. Mỗi năm dúi đẻ 3 - 4 lứa, mỗi lứa dúi đẻ từ 2 - 5 con.
II. Nuôi dưỡng và chăm sóc
1. Xây dựng chuồng trại    
Dúi là loài gặm nhấm lại nhút nhát nên chuồng trại phải kiên cố, vật liệu làm chuồng phải cứng chắc (dùng gạch men dày ốp vách tường và lát nền chuồng), nơi xây chuồng phải yên tĩnh, mát mẻ, ít ánh sáng, cách ly được các loài vật khác, đặc biệt là mèo, chó, chuột…
Nuôi dúi thịt ta nên xây chuồng thành từng ô có nắp đậy, mỗi ô chiều ngang 1m, dài 2m, cao 0,7m và có thể nuôi được từ 15 - 20 con dúi thịt. Trong ô chuồng đặt ống cống phi 20, số lượng ống tương đương số dúi nuôi.
Chuồng cho 1 dúi sinh sản mỗi ô chiều ngang 50cm, dài 80 - 100cm, cao 70cm, có nắp đậy bằng lưới kẽm có thể mở ra, đóng lại, đồng thời lót gạch men nền và dán 4 vách xung quanh.
2. Nuôi dúi thịt
a) Chọn con giống
Chọn trại bán giống uy tín, có giấy chứng nhận kiểm lâm. Chọn con giống tương đồng về kích cỡ, lông mượt, khỏe mạnh, không dị tật bẩm sinh, ăn được nhiều loại thức ăn và ăn khỏe. Dúi bố mẹ khỏe mạnh, to con (2 - 3kg/ con), đàn dúi bố mẹ tại trại có trọng lượng tương đồng, nếu có chênh lệnh về trọng lượng thì không nhiều, ít hoặc không bệnh tật.
b) Nuôi dưỡng và chăm sóc
Nuôi dúi thịt thương phẩm ta chỉ cần nuôi chuồng nền, mỗi ô chuồng với diện tích 2 m2 nuôi được 15 - 20 con. Thức ăn cho Dúi ăn liên tục, thường xuyên kiểm tra khi hết phải bổ sung ngay. Thức ăn bao gồm tre, mía, thân cỏ voi, lúa, bắp khô, các loại khoai lang, khoai mỳ. Nếu có điều kiện thì nên bổ sung thêm thức ăn viên công nghiệp. Nhất là vào thời điểm trước khi xuất chuồng 1 tháng.
Nuôi Dúi thịt thương phẩm ta chọn loại thức ăn thế nào để chúng ăn mau lớn và giá thành hạ. Người nuôi không phải lo dúi mập mỡ, trái lại càng mập thì càng nặng cân, dúi bán được nhiều tiền.
Dúi được nuôi ổn định tại chỗ đến 4 – 5 tháng đạt trọng lượng khoảng 1 kg/con. Thực tế cho thấy nếu nuôi nhiều dúi cùng một ô chuồng tốc độ tăng trọng sẽ nhanh hơn nuôi đơn lẻ.
III. Những bệnh thông thường và cách phòng trị
1. Bệnh tiêu chảy
Do ăn phải thức ăn để lâu, ôi mốc hay do thay đổi thức ăn đột ngột làm rối loạn tiêu hóa gây tiêu chảy. Trị bệnh tiêu chảy trước tiên ta dọn bỏ thức ăn còn lại trong chuồng, pha thuốc Sulfatrim, Ganidan, …. vào nước cho uống hoặc bơm vào miệng, đồng thời cho thức ăn mới vào chuồng nuôi.
2. Bệnh về mắt
Trong quá trình sống và hoạt động mắt dúi có thể bị sây sát do tranh giành thức ăn, đánh nhau hay do rơi vào mắt gây viêm kết mạc, giác mạc. Dùng thuốc nhỏ mắt Chloramphenicol 1% nhỏ vào mắt 2 lần/ngày cho đến khi khỏi bệnh.
3. Bệnh ký sinh trùng ngoài da
Dúi có thể bị ve, bọ chét,…. đeo bám hút máu gây ghẻ lở hoặc lây truyền nhiều loại bệnh khác. Do vậy ta phải thường xuyên kiểm tra nếu phát hiện ve, bọ chét đeo bám hay phát hiện có ghẻ lở, rụng lông từng mãng phải dùng thuốc diệt ngay. Như Ivermectin loại chích hay cho uống, liều lượng sử dụng tương đương gia súc
ThS. Nguyễn Hiền Trung



CÁC TIN KHÁC: