Chăn Nuôi
Bệnh cúm gia cầm


Hình 1. Cúm gia cầm gây thiệt hại cho người chăn nuôi

Bệnh Cúm gia cầm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm đối với gia cầm, thủy cầm và các loài chim, tỷ lệ chết cao trong 24-48 giờ sau khi nhiễm gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn do phải tiêu hủy gia cầm trong vùng dịch. Bệnh lây trực tiếp sang người và gây tử vong.  Có ít nhất 3 type phụ của vi rút cúm A là: H5N1, H9N2, H7N7 gây ra dịch cúm trên người và ở cả gia cầm. Trong đó type cúm A/H5N1 là phân type chính gây ra dịch và hiện nay đang có nguy cơ bùng phát trở lại.

 1. Nguyên nhân và điều kiện lây lan

Bệnh Cúm gia cầm do vi rút cúm type A thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, gồm nhiều type phụ khác nhau: H5N1, H5N2, H7N2, H7N7,… Dựa vào khả năng gây bệnh của vi rút đã chia các chủng vi rút Cúm gia cầm type A thành 2 nhóm:

-  Nhóm chủng vi rút có độc lực cao (H5, H7 và H9) có thể gây nhiễm với tỷ lệ chết lên đến 100% số gia cầm bệnh: H5N1, H7N7, H7N3.

-  Nhóm chủng vi rút có độc lực thấp: thường gây bệnh nhẹ ở gia cầm.

Sức đề kháng của vi rút Cúm A/H5N1: vi rút gây dịch hiện nay có thể gây bệnh cho hầu hết các loài có lông vũ và tùy theo môi trường nhiệt độ, độ ẩm, pH,… mà vi rút có thời gian sống khác nhau :

+ Trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm thấp, vi rút có thể sống lâu hơn. Trong tủ lạnh và tủ đá, vi rút sống được hàng tháng. Vi rút dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 60-70oC trong 5 phút.

+ Vi rút có thể sống trong chuồng gia cầm đến 35 ngày, trong phân gia cầm bệnh đến 3 tháng.

+ Nhạy cảm với các chất khử trùng thông thường (cồn 70-90o, vôi bột hoặc nước vôi 10%, nước xà phòng đặc,….) và nhạy cảm với tia cực tím, ánh sáng mặt trời.

Đường lây truyền bệnh:

- Đường hô hấp: truyền trực tiếp từ con bệnh sang con khỏe, gia cầm hít phải không khí có mầm bệnh.

- Đường tiêu hóa: do thức ăn nước uống có chứa mầm bệnh.

Ngoài ra vi rút Cúm gia cầm dễ dàng truyền từ nơi này đến nơi khác do con người, phương tiện vận chuyển, dụng cụ chăn nuôi,…

Bệnh phát sinh chủ yếu từ thời tiết nóng ẩm sang thời tiết lạnh.

2. Triệu chứng và bệnh tích:

Triệu chứng và bệnh tích trên gà:

Hình 2. Xuất huyết kể cả ở da chân https://biopharmachemie.com/thong-tin-ky-thuat/cham-soc-phong-tri-benh-tren-gia-cam-thuy-cam/bien-phap-huu-hieu-de-phong-ngua-benh-cum-gia-cam-a-h5n6.html
Hình 2. Xuất huyết kể cả ở da chân https://biopharmachemie.com/thong-tin-ky-thuat/cham-soc-phong-tri-benh-tren-gia-cam-thuy-cam/cum-gia-cam-cach-phong-benh-hieu-qua-nhat.html

Thời gian ủ bênh rất ngắn: từ vài giờ đến 3 ngày.

- Gà sốt cao, ho, thở nhanh, khó thở, khi thở phải há miệng; chảy dịch mắt, dịch mũi, và chảy dãi liên tục; mào và tích sưng, tích nước, xuất huyết điểm đỏ từng đám, da tím bầm, xuất huyết dưới da đặc biệt là da chân; gà bị tiêu chảy nặng, phân loãng màu xám vàng hoặc xám xanh; có triệu chứng thần kinh, đi lại loạng choạng, xiêu vẹo, run rẩy, nghẹo đầu, đi xoay vòng.

- Bệnh tích: Mũi viêm xuất huyết và tịt lại, viêm hoại tử và xuất huyết tràn lan ở các phủ tạng (phổi, tim, gan, buồng trứng,…), đặc biệt tuyến tụy sưng to; viêm xuất huyết toàn bộ niêm mạc dạ dày cơ (mề), dạ dày tuyến, ruột non, manh tràng, hậu môn, túi Fabricius,…; da và cơ đều thấy xuất huyết đỏ sẫm từng mảng.

Hình 3. Xuất huyết thanh, khí quản ĐH Cornell và https://goovetvn.com/benh/nhan-biet-benh-cum-gia-cam-va-cach-phong-benh-hieu-qua-nhat.html
Hình 3. Xuất huyết thanh, khí quản ĐH Cornell và https://goovetvn.com/benh/nhan-biet-benh-cum-gia-cam-va-cach-phong-benh-hieu-qua-nhat.html

- Lưu ý: dạ dày tuyến xuất huyết gây ra nhầm lẫn với bệnh Newcastle ở gà, nhưng bệnh Newcastle gà không bị xuất huyết ở vùng da chân.

Triệu chứng và bệnh tích trên ngan và vịt:

- Vịt và ngan có tiệu chứng ủ rủ, ăn ít, tiêu chảy, các xoang có hiện tượng sưng tích nước.

- Bệnh tích: phổi phù nề, tụ huyết nặng, xuất huyết màn xương lồng ngực là đặc thù của bệnh cúm ở thủy cầm. Ngoài ra còn có hiện tượng xuất huyết ở tim, ở buồng trứng (trứng non bị dập vỡ), ở mỡ và màng treo ruột giống như gà.

3. Phòng và điều trị bệnh:

 Phòng bệnh:

-  Thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi gia cầm:

+ Chọn con giống rõ nguồn gốc, khỏe mạnh, có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền an toàn với Cúm gia cầm, thực hiện nguyên tắc “cùng vào cùng ra”, không tiêu thụ sản phẩm thịt, trứng gia cầm không qua kiểm dịch thú y.

+ Cách ly: không nuôi nhiều loại vật nuôi trong một trại, không nuôi thả vịt thả đồng, khi nhập đàn mới nên cách ly với đàn cũ ít nhất 2 tuần. Kiểm soát chặt chẽ vận chuyển động vật, con người ra vào nên có trang bị bảo hộ cá nhân (khẩu trang, bao tay, ủng,…), phương tiện vận chuyển thức ăn, dụng cụ nên sử dụng riêng tránh lây lan giữa các trại. Ở những khoảng trống trong trại nên che lưới để tránh động vật xâm nhập đặc biệt là chim hoang dã tránh lây nhiễm nguồn bệnh.

Hình 4. Che lưới ngăn chim hoang dã xâm nhập https://cualuoivietnhat.com.vn/chi-tiet/luoi-chong-muoi-cho-chuong-trai-nen-dung-loai-nao-tot-nhat-917.html

+ Vệ sinh phòng bệnh: vệ sinh khử trùng trước và sau khi ra vào trại (tắm rửa bằng xà phòng, rửa tay,…). Ở cổng ra vào trai có hố sát trùng, mỗi ô chuồng đặt một khay sát trùng. Dụng cụ chăn nuôi phải vệ sinh thường xuyên (đặc biệt với dụng cụ tiêm vắc-xin cần vệ sinh khử trùng kĩ trước và sau khi sử dụng), thức ăn nước uống sạch, không nhiễm mầm bệnh. Định kì phun sát trùng (Virkon, chloramin, Iodine,…) theo hướng dẫn của nhà sản xuất, rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại. Sau mỗi đợt nuôi phải thu gom chất độn chuồng, quét dọn và khử trùng chuồng trại với dụng cụ chăn nuôi bằng một trong các hóa chất: Chloramin, Benkocid và để trống chuồng ít nhất 10 ngày.

-  Tiêm phòng vắc-xin Cúm gia cầm theo quy trình.

Điều trị:

Giám sát chặt chẽ sức khỏe đàn gia cầm, thủy cầm hằng ngày, phát hiện nhanh những biểu hiện bất thường như giảm ăn, giảm đẻ, chết đột ngột đều phải được lấy mẫu để xét nghiệm.

Khi có dịch bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y để tiến hành xử lý theo quy định. Không bán chạy gia cầm bệnh, không vứt xác gia cầm chết ra ao, hồ, kênh, rạch, ruộng, vườn. Chuồng trại xuất hiện dịch bệnh phải vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng ít nhất 2 tháng mới nuôi trở lại./.

Biên soạn và tổng hợp: Nguyễn Lê Uyên Trang

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Cần Thơ



CÁC TIN KHÁC: