Chăn Nuôi
Nhân rộng các mô hình chăn nuôi hiệu quả

Để giải quyết lao động nông nhàn, tăng thêm thu nhập cho người dân, thời gian gần đây các địa phương đã triển khai nhiều mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình nuôi nhím tại gia đình. Ảnh: T.NGUYÊN

Mô hình nuôi nhím

   Từ nguồn kinh phí Dự án khoa học công nghệ nông nghiệp tỉnh, huyện Nông Sơn đã triển khai mô hình nuôi nhím sinh sản an toàn dịch bệnh nhằm từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân. Đây là mô hình đầy triển vọng ở vùng đất bán sơn địa này.
   Thăm cơ ngơi nuôi nhím của gia đình Phạm Quang Tư (xã Sơn Viên), nhiều người thán phục bởi hiệu quả của mô hình này. Anh Tư cho biết, anh bắt đầu nuôi nhím từ cuối năm 2009. Ban đầu anh chỉ thả nuôi 2 con (1 đực và 1 cái). Giống mua từ cơ sở nhím giống ở huyện Phú Ninh với giá hơn 10 triệu đồng/con. Đến nay, cặp nhím này đã sinh được 3 lứa cho 12 con nhím con, anh thu về hơn 30 triệu đồng tiền vốn, trong chuồng vẫn còn 9 con; trong đó có một nhím chuẩn bị sinh và 3 con nhím con anh để lại làm giống. Bước đầu nhím thích nghi, phát triển khá tốt ở đây.
   Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc nuôi nhím đem lại, đến nay huyện Nông Sơn đã triển khai mô hình nuôi nhím sinh sản an toàn dịch bệnh cho bà con nông dân. Ngoài con giống, các hộ chăn nuôi còn được hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y, phòng trừ dịch bệnh, kỹ thuật chăn nuôi, hướng dẫn chế độ thức ăn và chuồng nuôi. Trạm Khuyến nông – khuyến ngư huyện còn cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, tập huấn kỹ thuật cho bà con. Ông Nguyễn Đình Sử, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư huyện cho biết, dự án nuôi nhím nhằm từng bước đa dạng hóa con vật nuôi. Thông qua mô hình này người dân sẽ từng bước cải thiện cuộc sống, cải thiện môi trường sinh thái, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.
   Thoát nghèo nhờ nuôi heo
   Được cán bộ của Trung tâm Dạy nghề thanh niên (Tỉnh Đoàn) tập huấn, hỗ trợ xây dựng chuồng trại và kỹ thuật nên mô hình nuôi heo của Rơđêl Đài (SN 1980, thôn A Nônh, xã A Nông, huyện Tây Giang) đã mang lại hiệu quả, cho thu nhập khá.
   Rơđêl Đài nghỉ học khá sớm, ngày 2 buổi Đài lên rẫy phụ giúp bố mẹ. Nhờ có sức khỏe lại chăm chỉ nên lúc nào Đài cũng phát nương rẫy đạt diện tích nhiều hơn mọi người. Tuy nhiên, trồng bắp, trồng lúa trên nương rẫy phải dựa vào trời nên mùa màng lúc được lúc thua. Lúa, bắp làm ra nhiều lúc không đủ để ăn. Đến khi cưới vợ, Đài cũng chăm chỉ lao động để nuôi vợ con. Ngoài làm rẫy, Đài còn nuôi heo mong kiếm thu nhập. Nhưng do quen với tập quán chăn nuôi truyền thống là thả rông nên heo còi cọc, không phát triển nổi. Cuộc sống của gia đình anh luôn phải lo cái ăn qua ngày mà không nghĩ đến việc có của để dành.
   Năm 2011, hay tin Trung tâm Dạy nghề thanh niên của Tỉnh Đoàn đến xã A Nông mở lớp tập huấn về phát triển kinh tế bằng các mô hình nuôi heo, Đài đăng ký tham gia. Sau khóa tập huấn, Tỉnh Đoàn đã chọn gia đình anh làm mô hình điểm để đầu tư con giống, chuồng trại. Được cán bộ trung tâm dạy nghề hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại, hỗ trợ lưới thép B40, đầu tư 2 con heo giống nên Đài đã mạnh dạn mở rộng chuồng trại lên gần 150m2 và lợp thêm mái che.
   Vận dụng những kỹ thuật đã được học, Đài bắt tay vào nuôi 2 con heo giống theo đúng quy trình đã được tập huấn. Sau một thời gian, 2 con heo giống bắt đầu sinh sản. Nhiều heo con giống đã được bán cho bà con trong thôn, đồng thời có thêm con giống để Đài nhân rộng mô hình. Hiện tại, chuồng heo của Đài có 2 con heo giống, 4 con heo thịt sắp xuất chuồng và hàng chục heo con. Nắm vững kỹ thuật nên heo do Đài nuôi phát triển nhanh, chóng lớn; mỗi đợt xuất chuồng Đài thu về trên 10 triệu đồng. Có vốn, Đài mạnh dạn đầu tư thêm máy xay lúa, kết hợp với nấu rượu để có thêm cám và bã nấu rượu nuôi heo. Đài tâm sự: “Lúc trước chưa nắm vững kỹ thuật, nuôi heo theo phương pháp truyền thống là thả rông nên cho heo chậm lớn, còi cọc. Bây giờ được cán bộ hướng dẫn cách xây chuồng trại, kỹ thuật chăn nuôi nên heo chóng lớn lắm”.
   Nhiều người dân trong thôn thấy Đài nuôi heo hiệu quả đã đến nhờ anh hướng dẫn, bày cách. Mỗi lần như vậy, anh đều nhiệt tình truyền đạt cho bà con. Giờ đây, trong thôn người dân đã bắt đầu học tập mô hình của Đài để nuôi heo, gà. “Phát triển kinh tế gia đình bằng cách nuôi heo, gà và những con vật nuôi khác là rất phù hợp với bà con. Mình được học, biết được kỹ thuật nuôi heo nên đã nhiều lần hướng dẫn lại cho nhiều gia đình trong thôn nhằm giúp nhau phát triển kinh tế” - Đài nói.
   Ngoài nuôi heo, xay lúa, nấu rượu, vợ chồng Rơđêl Đài vừa nhận trồng gần 2ha cao su để chăm sóc. Tích cực trong làm ăn kinh tế, gia đình Rơđêl Đài không chỉ nâng cao cuộc sống, có điều kiện cho con đi học mà còn được bà con hết lời khen ngợi.

THẢO NGUYÊN - VINH ANH



CÁC TIN KHÁC: