Chăn Nuôi
Một số điểm cần lưu ý khi nuôi nhím

Nhím thuộc bộ gặm nhấm, là động vật hoang dã, sống trong rừng, thành từng đàn 3 - 4 con, tự đào hang để ở. Thường ngủ ngày, kiếm ăn vào ban đêm, trong đàn chỉ có một con đực trưởng thành

Nhím đực mỏ dài, đầu nhọn, thân hình thon dài, đuôi dài hơn con cái, dưới háng có hai dịch hoàn và nhô ra phía trước bụng, cách lỗ hậu môn khoảng 4 - 5cm. Nhím cái mỏ ngắn, đầu hơi tròn, thân hình ngắn hơn con đực, đuôi ngắn và mập hơn con đực, dưới bụng lộ rõ 6 vú ở hai bên, dưới háng có lỗ sinh dục cái, cách lỗ hậu môn khoảng 3cm. Nhím cái tính tình hiền lành hơn, chỉ hung dữ lúc đẻ.

1. Chuồng nuôi:
 Chuồng nuôi nhím không cần quá rộng, trung bình 1m2/con, mái chuồng nuôi nhím nên lộp nửa sáng nửa tối, không cần ánh sáng trực tiếp, tránh mưa tạt và nắng nóng, bảo đảm khô sạch, thoáng mát.
Nền và sân chuồng làm bằng bê tông dày 8 - 10cm, nghiêng khoảng 3 độ về phía rãnh để thoát nước và để nhím không đào hang chui ra... Xung quanh khu chuồng xây gạch cao khoảng 50cm, bên trên rào bằng lưới thép B40, cao trên 1,5m. Nhím thích ở trong hang, ta có thể làm hang giả cho nhím bằng tole uốn cong hoặc các ống nhựa để nổi trên nền chuồng, cũng có thể xây hang bằng gạch để dễ vệ sinh, sát trùng. Hang  phải đảm bảo sự thoáng mát. Trong chuồng nên đặt vài khúc gỗ, sắt, xương gia súc (trâu bò) đã nấu chín hoặc đá liếm để cho nhím mài răng và không cắn phá chuồng.
2. Con giống:
 Ta có thể nuôi thuần dưỡng nhím bắt từ rừng, nhưng loại này thường rất nhát, nghe có tiếng người nhím chạy vào hang ẩn nấp, khi đẻ 1-3 lứa đầu chúng hay cắn chết con, phải mất thời gian 1-1,5 năm mới thuần dưỡng được .
Mua nhím ở các trại, nhím lấy từ các trại dạn hơn, ít có trạng thái hốt hoảng. Chúng ta có thể mua nhím từ 3 tháng tuổi đến trưởng thành về nuôi, tùy theo điều kiện kinh tế gia đình. Mỗi ô chuồng có thể nuôi 2 đến 3 con.
3. Kỹ thuật nuôi:
Nhím rất dễ nuôi, ít dịch bệnh, hiệu quả kinh tế cao, yêu cầu về chăm sóc nuôi dưỡng rất đơn giản. Nhím nuôi đến trọng lượng 8 - 10 tháng tuổi (8-10kg/con) có thể cho giao phối được. Nhím thường hoạt động và ăn mạnh vào ban đêm, nên cho lượng thức ăn buổi tối nhiều hơn ban ngày.
 Nhím là loài ăn tạp, vì thế, thức ăn cho nhím rất đa dạng như: Côn trùng, giun, ốc, cá, rễ, lá, mầm cây, rau, củ, quả, gừng, nghệ, măng tre kể cả những loại chát (rễ cau…), đắng (lá ổi)... vào mùa đông (ở Miền Bắc, ở Miền Nam tháng 10 đến tháng 01 âm lịch) phải bổ sung canxi cho nhím bằng xương trâu, bò, heo từ 100-200g/con/ngày (các loại xương phải rửa sạch, luộc chín, số lượng nhiều đem phơi khô để cho nhím ăn dần) hoặc tảng liếm (mua ở cửa hàng thức ăn gia súc) ngoài Canxi cần bổ sung thêm muối (2g/con/ngày). Nếu thiếu canxi nhím sẽ cắn trụi lông lẫn nhau.
Các thức ăn cần thiết: rau, củ, quả các loại, cám viên hỗn hợp, lúa, bắp, đậu, các loại, khô dầu dừa, đậu phộng…. Khẩu phân thức ăn cơ bản hàng ngày cho mỗi con nhím theo từng giai đoạn:

       - Từ 1-3 tháng tuổi: Cho ăn mỗi con/ngày: 300g rau, củ, quả các loại, 10g cám viên hỗn hợp, 10g lúa, bắp, đậu các loại.

       - Từ 4-6 tháng tuổi: 600g rau quả củ, 20g cám viên hỗn hợp, 20g lúa bắp đậu, 10g khô dầu, dừa, lạc.
- Từ 7-9 tháng tuổi: 1,2kg rau quả củ, 40g cám viên hỗn hợp, 40g lúa bắp đậu, 20g khô dầu dừa lạc.
- Từ 10-12 tháng tuổi: 2kg rau quả củ, 80g cám viên hỗn hợp, 80g lúa bắp đậu, 40g khô dầu dừa lạc.
Khi nhím đẻ cần bổ sung thêm thức ăn tinh nhiều chất đạm, chất béo, chất bột, đường, lúa, đậu, giá đậu... để nhím con mau lớn, nhím mẹ đỡ mất sức, vì vừa phải tiết sữa nuôi con vừa mang thai.
Thức ăn cho nhím đực cần bổ sung thêm mầm, rễ cây các loại, giá đậu, đậu các loại, lúa, lúa nẩy mầm, nhím đực sẽ phối giống hăng hơn.
Nước uống: Nhím ăn rau, củ, quả nên ít uống nước, nhưng cũng phải có đủ nước sạch cho nhím uống tự do. Trung bình 1 lít/5con/ngày. Nhím thường uống nước vào buổi sáng và buổi trưa. Nhím không thích tắm ướt mình, nếu bị ướt nhím sẽ rùng mình và rụng lông liên tục không tốt
Chăm sóc: Nhím ở rất sạch, vì vậy hàng ngày cần quét dọn chuồng trại sạch sẽ, khi vào chuồng trại quét dọn, cần đi ủng để đề phòng nhím vẩy lông sẽ bay vào chân gây đau đớn. Cần giữ yên tĩnh cho nhím, nhất là khi nhím ngủ. Khi nhím sinh sản cần ngăn các đôi ra riêng cẩn thận vì nhím đực sẽ cắn chết con của con nhím khác. Thỉnh thoảng vuốt ve chúng cho chúng quen hơi khi ta vào vệ sinh chuồng, để nhím không hoảng sợ.
Nhím thường đi vệ sinh vào một góc chuồng nhất định, nếu con nào không đi đúng chỗ thì ta phải tập. Ta vun phân vào một góc nhất định, mũi nhím rất thính, nó sẽ tìm đến chỗ có mùi phân để đi vệ sinh.
Nhím là động vật hoang dã nên xổng chuồng nhím chạy đi mất (chạy rất nhanh), vì vậy trong quá trình nuôi ta nên để ý đến chuồng trại xem nếu bị hỏng phải sữa chữa kịp thời. Qua nhiều năm nuôi thử nghiệm chưa phát hiện nhím bị bệnh tật gì cả, chúng rất dễ nuôi.
4. Sinh sản:
Loài nhím thường nhát người, khó thấy biểu hiện động dục vì vậy,  người mới nuôi nhím chưa có kinh nghiệm, ta phải nuôi ghép đôi 1đực/1cái.
Khi đã có kinh nghiệm có thể nuôi ghép với tỉ lệ là 1 nhím đực /3-5 nhím cái, nhưng nhốt nhím đực riêng, chỉ khi phối giống mới thả chung. Thường thường khi động dục, nhím cái đi loanh quanh trong chuồng và hít ngửi liên tục, nếu đụng vào chúng sẽ đứng yên và cong đuôi lên thì thả nhím đực vào ở với nhím cái 5-7 ngày. Sau khi đẻ 1 tháng, nếu được chăm sóc tốt, nhím cái đã động dục trở lại, cho phối giống đợt tiếp theo (nên mang nhím con đi chổ khác để đề phòng nhím đực cắn con). Khi phối giống xong cho nhím con trở lại với nhím mẹ.
Nhím cái động đực 1-2 ngày và cho nhím đực phối giống suốt ngày lẫn đêm. Thời gian mang thai 95-105 ngày thì đẻ, nhím thường đẻ vào ban đêm (nữa đêm đến sáng sớm hôm sau), một năm đẻ hai lứa, mỗi lứa đẻ 1-3 con, thường là 2 con, trọng lượng sơ sinh bình quân 200 gr/con. Nhím con mới đẻ ra kêu lít chít như chuột, chúng đỏ hỏn, mũm mĩm, nhưng chỉ vài giờ sau, da chúng đã co lại, lộ rõ những lông trắng bám trên mình, trong vòng 1-2 tháng đầu, lông còn mềm và rất hiền, ta có thề bắt lên xem để phân biệt đực cái, đánh dấu theo dõi về sau. Từ tháng thứ 3 đến trưởng thành, những lông trắng này dần đạt đến độ dài 20-25cm, hóa sừng và trở thành bộ giáp đặc trưng của loài gặm nhấm này.
 Nhím mẹ không chỉ cho con mình đẻ ra bú mà còn cho cả những con không phải mình đẻ ra bú bình thường. Nhím mới sinh đến 3 ngày tuổi cần nhiệt độ ấm áp 25-300C, được 1 tuần tuổi nhím đã đầy đủ lông cứng, có thể chịu được nhiệt độ môi trường sống bên ngoài.
Nhím con lớn rất nhanh, bình quân 1 kg/con/tháng, sau 1 tháng thì nhím con biết ăn, sau 2-3 tháng thì cai sữa, nếu chăm sóc nuôi dưỡng tốt có thể đạt trọng lượng bình quân 2-3 kg/con (bán nhím giống được). Nếu trong đàn có nhím đực sắp trưởng thành (5-6 tháng tuổi) thì phải tách đàn nuôi riêng, nếu không nhím bố sẽ tấn công cho đến chết mới thôi (đó là quy luật tự nhiên để bảo tồn nòi giống).
Nhím con, nuôi sau 1 năm khối lượng đạt 10kg, sau hai năm đạt 15-15kg và sang năm thứ 3 con đực đạt 20kg, con cái 17-19kg.
* Chú ý: không cho nhím giao phối đồng huyết, nếu giao phối đồng huyết sức sinh sản của nhím rất thấp, thế hệ con yếu, chậm lớn.
5. Phòng bệnh
    Nhím có khả năng đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh, nhưng cũng mắc một số bệnh thông thường:
Thiếu can xi nhím cắn trụi lông lẫn nhau, phải bổ sung can xi thường xuyên cho nhím, nhất là khi vào mùa lạnh từ khoảng tháng 10 đến tháng 01 âm lịch.
Để phòng bệnh ký sinh trùng ngoài da, ta nên vệ sinh sát trùng chuồng và xung quanh chuồng mỗi tháng 1-2 lần.
Nên cho nhím ăn rễ cau 3-4 lần/năm để xổ giun cho nhím, khi ăn rễ cau vào nhím bị tiêu chảy nhưng sau đó hết hẳn.
Bệnh đường ruột: do khẩu phần thức ăn ta cung cấp không đầy đủ như ngoài thiên nhiên nên nhím có thể bị tiêu chảy, trong trường hợp đó, ta bổ sung thêm thức ăn đắng, chát như ổi xanh, cà rốt, rễ dừa, gừng, lá và trái sung, chuối xanh. Để  phòng bệnh tiêu chảy, ta nên cân đối khẩu phần thức ăn đầy đủ cho nhím, không nên cho nhím ăn các loại thức ăn ẩm mốc, hôi thối, bẩn thỉu... các loại rau, củ, quả, lúa, bắp, đậu… đều phải rửa sạch rồi mới cho nhím ăn.
 Ngọc Bích



CÁC TIN KHÁC: