Khởi nghiệp thành công với mô hình trồng Măng Tây Xanh
Đăng ngày: 13/12/2021 05:19:3AM


Chị Phan Thị Thùy Trang, ấp Đông Thạnh, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ trước đây sống bằng nghề làm nail tại thành phố Hồ Chí Minh, chồng chị là anh Nguyễn Ri Bo làm nghề lái xe tải giao nhận hàng hóa, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống. Tuy nhiên lo lắng của anh chị là cuộc sống xa quê hương, ở trọ, con em đi học gặp nhiều khó khăn, cha mẹ già yếu ở nhà không ai chăm sóc. Từ đó, chị Trang quyết định về quê khởi nghiệp từ chính mảnh ruộng của nhà mình.
Hình chị Phan Thị Thùy Trang, ấp Đông Thạnh, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ đang bó Măng tây vừa mới được thu hoạch.

.

Được sự ủng hộ của chồng, chị Trang bắt đầu tìm hiểu về cây Măng tây xanh, loại rau mà chồng chị đang vận chuyển giao nhận hàng ngày cho các điểm thu mua rất đắt hàng. Năm 2018, chị đầu tư chi phí cải tạo hơn 10.000 mét vuông đất lúa để lên bờ liếp trồng Măng Tây xanh. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 – 2025 theo Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch hỗ trợ hội viên, phụ nữ khởi nghiệp của Hội LHPN thành phố Cần Thơ và Hội LHPN huyện Cờ Đỏ, Hội LHPN phụ nữ xã Đông Hiệp đã giới thiệu chị Trang tham gia “Ngày hội phụ nữ sáng tạo - khởi nghiệp” và sản phẩm Măng tây xanh của chị cũng được ra mắt với người tiêu dùng. Hội LHPN xã đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội huyện Cờ Đỏ hỗ trợ nguồn vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm với số tiền 45 triệu đồng giúp chị đầu tư xây dựng hệ thống phun tưới tự động trên diện tích lớn giúp giảm chí phí bơm tưới và nhân công lao động. Bên cạnh, phối hợp cùng cán bộ kỹ thuật đến hướng dẫn hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật trồng, đảm bảo cung cấp nguồn rau xanh, chất lượng, bổ dưỡng. Nói về khởi nghiệp trồng măng tây xanh, chị Phan Thị Thùy Trang cho biết: Đầu tiên chị chọn giống cây trồng sao cho chất lượng, vì đây là giống của Thái nên phù hợp với thỗ những và khí hậu của mình nơi đây.

Măng tây xanh có đặc tính dễ trồng, không phun thuốc hóa học, khi có sâu bệnh dùng chế phẩm sinh học hỗ trợ và sử dụng phân bón hữu cơ cải tạo đất cung cấp dinh dưỡng cho cây nên rất an toàn, có tác dụng tốt cho sức khỏe, dinh dưỡng cao như cung cấp chất sơ, protein, vitamin A, C, B1 và nhiều chất khoáng như: canxi, kali, kẽm, magie,…Thực phẩm này phần lớn được tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm, các đơn vị tổ chức tiệc cưới, dịch vụ nấu ăn và dùng cho bửa cơm cho gia đìnhBình quân mỗi ngày gia đình chị Trang thu hoạch từ 50 – 70 ký măng thương phẩm, thời gian thu hoạch kéo dài 9-10 tháng/năm, giá bán từ 60.000 – 100.000 đồng/ký phân theo loại; doanh thu mang về cho gia đình trên 200 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho 5 – 7 chị em nơi đây.

Ngoài việc bán măng tây tươi, chị Trang còn nghiên cứu sản xuất “Trà măng tây” từ nguyên liệu tận dụng được ở phần gốc sau khi đã sử dụng hết ở phần ngọn để làm măng tươi. Phần gốc được phơi khô chế biến làm trà măng tây, mang lại giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người lớn tuổi, giúp dễ ngủ, ngăn ngừa ung thư, hỗ trợ đường ruột, tiết niệu với giá trà măng tây trên 700 ngàn đồng/kg. Chia sẽ cho định hướng tới đây, chị Trang nói: Dự kiến tới đây măng tây thu hoạch ngày càng nhiều hơn, tôi mong muốn ổn định về nơi tiêu thụ, không phải chạy đi giao hàng vất vả như hiện nay. Tôi cũng đã gửi hồ sơ để xây dựng thương hiệu đạt chất lượng, an toàn để có đầu ra ổn định và đang chờ kết qủa thẩm định của ngành chức năng.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, mô hình trồng măng tây hữu cơ của chị Trang đã mở ra hướng đi mới hiệu quả tại địa phương, lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, nhất là các chị em phụ nữ dám nghĩ, dám làm vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu trên mãnh đất quê hương mình. Với chất lượng, an toàn, đến nay sản phẩm Măng tây xanh đã tìm được các kênh phân phối bán hàng ổn định, sản phẩm đang được huyện Cờ Đỏ xây dựng thương hiệu OCOP để có đủ điều kiện gia nhập vào các thị trường khó tính. Chị Trần Thị Tường Vi, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Hiệp nhận xét: Đối với mô hình này chị đã bất đầu triển khai trồng và đến nay thu hoạch khoảng hơn một năm. Hiệu quả ban đầu cho thấy thì đây là mô hình kinh tế mang lại hiệu quả tương đối cao và cũng là mô hình mới tại địa bàn xã Đông Hiệp.

    Sau hơn hai năm trở về quê hương khởi nghiệp giờ đây kinh tế gia đình chị Phan Thị Thùy Trang phát triển hơn, chị có nhiều thời gian chăm sóc, nuôi dạy con cái tốt hơn và phụng dưỡng cha, mẹ lúc tuổi cao, sức yếu. Thành công đó là ý chí quyết tâm và sự lựa chọn con đường khởi nghiệp đúng đắn của gia đình chị, dám nghĩ dám làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, chung tay xây dựng Nông thôn mới nâng cao xã Đông Hiệp. Không tự mãn với kết quả hiện tại, tới đây chị tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, để đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng hơn, đồng thời hỗ trợ giúp đỡ chị em nhân rộng phát triển mô hình, đưa sản phẩm Măng tây Cần Thơ ngày càng vươn xa hơn./.

.

Bài, ảnh: Thanh Bình

Các tin khác:
Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 10/2021  (21/12/2021)
Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 09/202  (21/12/2021)
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 8/2021  (20/12/2021)
Đóng góp của người có uy tín trong đồng bào dân tộc  (29/11/2021)
Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu BHYT  (29/11/2021)
                                                                                                                                                                                                                                                       
Thông báo 
Liên kết