Thông tin Lý luận và thực tiễn
Một vài suy nghĩ về việc phát huy phẩm chất chính trị, năng lực của đội ngũ giảng viên trẻ ở Trường Chính trị TP. Cần Thơ hiện nay

“… Muốn thực hiện tốt những quyết sách, định hướng chiến lược quan trọng phát triển đất nước đã được Đại hội XI thông qua, hơn lúc nào hết, đất nước chúng ta phải có một đội ngũ cán bộ có trình độ, bản lĩnh chính trị sâu sắc, năng lực chuyên môn vững vàng, có khả năng thuyết phục, tập hợp, tổ chức cán bộ, đảng viên, nhân dân. Điều đó phụ thuộc một phần quan trọng và trực tiếp vào chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ… Để làm được điều đó … cần đặc biệt quan tâm việc xây dựng một đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy có trình độ cao về chuyên môn, khoa học lý luận chính trị - hành chính, có vốn sống thực tế, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực sáng tạo,… Phải hết sức coi trọng việc nâng đỡ, khuyến khích các tài năng trẻ, tạo môi trường, cơ hội và động lực cho họ phát triển...”(1).

Do đó, việc phát huy các phẩm chất chính trị và năng lực của đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận đặc biệt là đội ngũ giảng viên trẻ ngày càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.

Trước hết, đòi hỏi người giảng viên lý luận phải có phẩm chất chính trị tốt. Phẩm chất đó thể hiện ở sự trung thành tuyệt đối với mục tiêu và con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam mà Đảng ta, dân tộc ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình thế giới đang có những diễn biến rất phức tạp, hơn lúc nào hết người giảng viên lý luận phải có bản lĩnh chính trị vững vàng và kiên định. Kiên quyết đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phẩm chất chính trị đó còn thể hiện ở việc người giảng viên lý luận phải luôn có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực và trung thực. Đạo đức đó vừa là sự thể hiện ở bản lĩnh, vừa là ý thức tự giác trong việc tu dưỡng và rèn luyện, giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội; đề cao tính tổ chức, kỷ luật; thực hiện nghiêm các quy chế, quy định. Do đó, cần phải coi việc giáo dục nâng cao phẩm chất chính trị, ý thức đạo đức cho đội ngũ cán bộ giảng dạy là một công việc thường xuyên và thực hiện có hệ thống, tạo mọi điều kiện cần thiết cho họ phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện.

Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, ngoài việc nắm vững, trang bị và cập nhật những kiến thức cơ bản, kiến thức chuyên ngành theo chiều sâu, người giảng viên trẻ còn phải trang bị những kiến thức liên ngành để có tầm hiểu biết rộng, đủ sức luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra. Mặt khác, không ngừng nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp, phải thực sự tâm huyết trong việc nghiên cứu, giảng dạy, đồng thời tự vươn lên để khẳng định vị thế của mình, khắc phục mọi biểu hiện thoả mãn, tự kiêu, thiếu tích cực, thiếu nhạy bén... Đặc biệt, người truyền đạt kiến thức phải biết lựa chọn phần trọng tâm, phải chọn giảng những nội dung cơ bản nhất, phải biết nêu vấn đề để người học suy nghĩ và tìm cách luận giải. Như vậy, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức cho người học phải luôn biết khơi dậy và phát huy trí tuệ, khả năng tự nghiên cứu của người học. Stéc-béc, một nhà khoa học người Đức đưa ra nhận xét: giảng dạy bình thường là người thầy giáo đem chân lý đến cho học sinh, giảng dạy giỏi là người thầy giáo hướng dẫn cho học sinh tự tìm ra chân lý.

Trong thời gian qua, Trường Chính trị TP. Cần Thơ luôn chú trọng làm tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cả về chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, trong đó luôn quan tâm sâu sát đến đội ngũ giảng viên trẻ. Ngay từ đầu, các đồng chí đã trải qua khâu tuyển chọn về chuyên ngành đào tạo, khả năng sư phạm, xem xét quá trình học tập, tu dưỡng tại các trường đại học… Trong thời gian tập sự, các đồng chí được tạo điều kiện để rèn luyện cả về chuyên môn lẫn đạo đức, tác phong trong quá trình công tác. Để thực sự đảm đương được sự quan tâm đó, đội ngũ giảng viên trẻ đã không ngừng phấn đấu cả về trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, bám sát và hiểu biết thực tiễn với vai trò vừa là một cán bộ khoa học, vừa là một chiến sỹ cách mạng nhiệt huyết.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã có nhiều chủ trương, biện pháp tích cực trong việc nâng cao chất lượng và phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trẻ. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên, trong đó tập trung chủ yếu vào đội ngũ giảng viên trẻ và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Song song với việc đào tạo chuyên môn, nhà trường luôn chú ý bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học. Đến nay, 100% giảng viên trẻ đã được bồi dưỡng phương pháp giảng dạy tích cực và hầu hết các giảng viên trẻ đều sử dụng thành thạo máy chiếu. Việc áp dụng phương pháp giảng dạy hiện đại trong các tiết học về lý luận chính trị đã đem lại hiệu quả thiết thực, khơi dậy tính năng động, linh hoạt của người học, góp phần gắn lý luận với thực tiễn.

Tuy nhiên, các giảng viên trẻ do tuổi đời cũng như tuổi nghề còn ít nên kinh nghiệm chuyên môn cũng như kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế, chưa có nhiều điều kiện để thâm nhập, sâu sát với thực tế ở cơ sở, vì vậy các bài giảng thiếu tính sinh động, khả năng thuyết phục chưa cao… Mặt khác, ý thức tổ chức, kỷ luật, tính kế hoạch của một bộ phận giảng viên trẻ chưa đáp ứng yêu cầu của cơ quan, đơn vị.

 Do đó, để phát huy phẩm chất chính trị, năng lực chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh chính trị của đội ngũ giảng viên trẻ nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của nhà trường trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các giảng viên trẻ phải có sự nỗ lực hết mình trong học tập, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế để nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi những kinh nghiệm thực tiễn.

Bản thân các giảng viên trẻ phải có sự “tự ý thức”, tự đánh giá được vị trí, vai trò, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, cố gắng hết mình trong học tập cũng như công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế. Nếu như có các điều kiện khách quan thuận lợi như: các chính sách đãi ngộ của nhà trường cho việc học tập và nghiên cứu, các chính sách tạo điều kiện về cơ sở vật chất… mà bản thân các giảng viên trẻ không có sự tự nỗ lực, tự phấn đấu thì không mang lại kết quả, trình độ chuyên môn không được nâng cao dẫn tới việc không đảm bảo được chất lượng giảng dạy. Bên cạnh việc nâng cao về trình độ chuyên môn các giảng viên trẻ phải tích cực trau dồi các kiến thức về tin học, ngoại ngữ để có khả năng áp dụng những phương pháp giảng dạy hiện đại, nâng cao hiệu quả và chất lượng công việc.

Thứ hai, thường xuyên giúp các giảng viên trẻ nhận thức rõ vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới, cũng như trách nhiệm kế thừa, phát huy sự nghiệp vẻ vang của thế hệ đi trước. Mạnh dạn giao việc cho đội ngũ giảng viên trẻ để họ có môi trường thực tiễn học tập, rèn luyện, tiếp cận được các công việc của một cán bộ khoa học, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Giảng viên trẻ cần tiếp tục rèn luyện các mặt: tập viết, tập giảng, rèn luyện tác phong sư phạm, kỷ luật làm việc, kỷ luật phát ngôn, bản lĩnh chính trị, tinh thần cầu thị...

 Thứ ba, phải thường xuyên theo dõi, đánh giá đúng thực chất và năng lực chuyên môn của từng giảng viên để trên cơ sở đó có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, phương pháp giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Thông qua chất lượng bài giảng, chất lượng các công trình nghiên cứu để đánh giá một cách nghiêm túc về năng lực thực tế của giảng viên, các tiêu chí phải rõ ràng, cụ thể và cần được thực hiện thường xuyên, có nề nếp. Mặt khác, có cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển tài năng nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, cũng như làm gia tăng tính tích cực, sáng tạo tinh thần hăng hái, trách nhiệm của đội ngũ giảng viên, nhất là trong điều kiện hiện nay. Chính sách khuyến khích đó có thể thực hiện bằng hình thức vật chất hoặc tinh thần, hoặc bằng nêu gương, biểu dương kịp thời những giảng viên có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu, có tiến bộ nhanh trong việc nghiên cứu, giảng dạy.

Thứ tư, Nhà trường tiếp tục ban hành những quy chế, chính sách để giảng viên trẻ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế.

Để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn bắt buộc giảng viên trẻ phải tiếp tục học tập nghiên cứu. Bên cạnh việc học tập thì nghiên cứu khoa học cũng là một yêu cầu tất yếu đối với mỗi giảng viên trẻ. Vì thời gian nghiên cứu khoa học sẽ giúp giảng viên trẻ củng cố và hiểu sâu hơn được những kiến thức chuyên môn. Lý luận phải gắn liền với thực tế - do đó, nhà trường nên có nhiều chính sách tạo điều kiện cho giảng viên trẻ đi tham quan thực tế để nâng cao kiến thức thực tiễn.

Thứ năm, tích cực bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm, lương tâm trách nhiệm đối với các giảng viên trẻ.

Tổ chức các buổi thao giảng, dự giờ đối với các giảng viên trẻ sau đó tham gia đóng góp ý kiến; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo về kỹ năng nghiệp vụ của giảng viên, về phương pháp giảng dạy tích cực… Bên cạnh đó, cần làm cho giảng viên trẻ nhận thức đúng trách nhiệm của giảng viên khi đứng trên bục giảng. Mỗi giảng viên phải có trách nhiệm trong từng lời nói, từng cử chỉ và hành động của mình.

Tóm lại, nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên, trong đó có đội ngũ giảng viên trẻ - đội ngũ kế cận là nhiệm vụ mang tính chiến lược, có ý nghĩa vừa cấp bách vừa lâu dài đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trên, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực phấn đấu rất cao của mỗi giảng viên, đồng thời cũng đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư thích đáng của các cấp lãnh đạo. Qua đó tạo ra những chuyển biến mới, tích cực trong việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới./.

(1)Bài phát biểu của đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phụ trách Học viện tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm học 2011 - 2012, ngày 03 tháng 8 năm 2011.


MAI TRẦN HẢI ĐĂNG  - GV. Khoa Lý luận Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh


THÔNG TIN NGHIÊN CỨU GIẢNG DẠY TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TP. CẦN THƠ SỐ 14 NĂM 2011


Các tin khác:
Thông tin lý luận và thực tiễn Trường Chính trị thành phố Cần Thơ số 21 năm 2025   (05/05/2025)
Thông tin lý luận và thực tiễn Trường Chính trị thành phố Cần Thơ số 20 năm 2024   (30/10/2024)
Thông tin lý luận và thực tiễn Trường Chính trị thành phố Cần Thơ số 19 năm 2024   (29/10/2024)
Thông tin lý luận và thực tiễn Trường Chính trị thành phố Cần Thơ số 18 năm 2024   (28/10/2024)
Thông tin lý luận và thực tiễn Trường Chính trị thành phố Cần Thơ số 17 năm 2024   (05/08/2024)
<<  <  1  2  3  4  5  ...    >>