Lý Tự Trọng người thầy truyền lửa cho thế hệ thanh niên
“Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác.” Lời người thanh niên yêu nước Lý Tự Trọng.
Cuộc đời cho lý tưởng cách mạng: Lý Tự Trọng (1914 – 1931) tên thật là Lê Hữu Trọng, con trai cụ Lê Khoan quê ở huyện Thạch Hà - tỉnh Hà Tĩnh và cụ Nguyễn Thị Sờm, quê ở huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh. Do không chịu nổi ách áp bức bóc lột của bọn thực dân phong kiến, cụ Khoan đã cùng một số bà con rời quê sang Thái Lan sinh sống và tham gia hoạt động cách mạng. Ngay từ nhỏ, Lê Hữu Trọng đã tỏ ra là người sớm hiểu biết, được nuôi dưỡng trong môi trường cách mạng, Anh sớm hiểu được nỗi khổ cực của nhân dân ta dưới chế độ cai trị của thực dân phong kiến. Anh ra sức học tập và nung nấu quyết tâm làm cách mạng. Năm 12 tuổi, Lê Hữu Trọng được tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập và được Bác Hồ đưa vào nhóm “Thiếu niên Tiền phong Việt Nam” – một hình thức tổ chức thanh thiếu niên cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam. Lê Hữu Trọng được Bác Hồ đổi tên là Lý Tự Trọng (cùng họ với Lý Thụy - tên gọi bí mật của đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc bấy giờ)[1]. Sau đó Lý Tự Trọng được Bác Hồ giới thiệu vào học tại một trường Trung học của Chính phủ Tôn Trung Sơn. Qua một thời gian ngắn, Lý Tự Trọng đã thông thạo tiếng Trung và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu. Vốn thông minh hoạt bát, mưu trí, Lý Tự Trọng đã góp phần tích cực vào việc liên lạc giữa Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội với đảng bạn và cán bộ cách mạng Việt Nam hoạt động tại Trung Quốc, đồng thời tổ chức việc chuyển thư từ, tài liệu của Đảng về nước. Đến giữa năm 1929, tình hình cách mạng trong nước đã có chuyển biến mới. Các tổ chức cộng sản ở Việt Nam lần lượt ra đời. Lý Tự Trọng được cử về nước hoạt động tại Sài Gòn – Chợ Lớn đảm nhận nhiệm vụ liên lạc trong và ngoài nước cho Xứ uỷ Nam Kỳ; đồng thời Lý Tự Trọng được giao một nhiệm vụ đặc biệt, vận động tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản. Mặc dầu công việc hết sức nguy hiểm, bọn mật thám suốt ngày lùng sục, nhưng nhờ tài trí thông minh, Anh đã vượt qua tất cả và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Nói đến Lý Tự Trọng còn phải nhắc đến sự chịu khó và tinh thần ham học hỏi. Sài Gòn thời đó là thuộc địa của Pháp. Để có thể hiểu kẻ thù và hoạt động cách mạng tốt nhất, Anh tranh thủ học tiếng Pháp dù công việc ở sở than rất cực nhọc với mười tiếng phơi mình dưới cái nắng hầm hập. Ngày 8/2/1931, lợi dụng lúc bà con đi xem bóng đá ở sân vận động Sài Gòn tập trung rất đông, các chiến sỹ cách mạng đã tổ chức một cuộc mít-tinh chớp nhoáng. Cờ đỏ búa liềm giương cao. Một đồng chí đứng lên diễn thuyết kêu gọi quần chúng đánh đổ thực dân Pháp. Giữa lúc ấy, tên mật thám Pháp Legrand và bọn cảnh sát đi cùng đã ập tới. Không còn cách nào khác để cứu đồng chí mình, Lý Tự Trọng đã rút súng bắn chết tên mật thám cứu thoát đồng chí diễn thuyết. Một ngày sau, báo chí ở Sài Gòn đồng loạt đưa tin về vụ ám sát mật thám tên Legrand. Tên mật thám chết tại chỗ nhưng người cầm súng cũng bị bắt, đó chính là Lý Tự Trọng. Sự kiện chàng thanh niên 17 tuổi bắn chết thanh tra mật thám làm rúng động chính quyền Đông Dương và chính quốc Pháp. Lý Tự Trọng liên tục bị tra tấn rất dã man nhưng anh vẫn không khai bất cứ điều gì ngoài cái tên Nguyễn Huy đã có trong bảng lương ở sở than. Giặc Pháp dùng đủ mọi cực hình tra tấn chưa từng có nhưng Anh vẫn không khai, thậm chí tự cắn vào lưỡi của mình để không nói được. Giam cầm tra tấn ở khám lớn Sài Gòn một thời gian không thu được kết quả, bọn chúng đưa Anh ra xử án. Ngày 17/4/1931, một phiên đại hình được mở ra để xử một chiến sỹ cộng sản Việt Nam chưa đầy 18 tuổi. Lý Tự Trọng bị kết án tử hình. Đứng trước cái chết, Lý Tự Trọng không hề run sợ, Anh đã chủ động biến phiên toà của đế quốc thành một diễn đàn của người chiến sĩ cộng sản. Ngày 21/11/1931, Lý Tự Trọng bị đem đi xử tử. Trước tiếng súng nổ người ta chỉ nghe thấy tiếng Anh kêu “Việt Nam! Việt Nam!” và từ đó đã không còn gặp Anh nữa. Tinh thần cách mạng bất khuất của Lý Tự Trọng đã làm cho kẻ thù vô cùng khiếp sợ và đã động viên cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng trong cả nước lúc bấy giờ. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Lý Tự Trọng tuy ngắn ngủi nhưng đã nêu một tấm gương chói lọi cho các thế hệ thanh niên noi theo. Hình ảnh và chí khí người thanh niên Lý Tự Trọng đã trở thành biểu tượng hết sức thiêng liêng, cao đẹp trong lòng các thế hệ thanh niên. Câu nói của Anh “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng” đã trở thành lý tưởng sống và vũ khí chiến đấu của thanh niên Việt Nam từ đó cho đến hôm nay và mãi mãi sau này. Noi gương và tiếp bước Lý Tự Trọng, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng góp phần làm nên cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, lớp lớp thanh niên Việt Nam đã nối tiếp nhau lên đường với ý chí tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại, dành độc lập tự do cho Tổ quốc và thống nhất đất nước. Trong cuộc trường kỳ kháng chiến ấy đã xuất hiện nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường, dũng cảm tiêu biểu như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân,..
Tiếp bước lý tưởng cha anh – Thế hệ thanh niên Việt Nam thế kỷ XXI vững bước tiến lên Bước vào thế kỷ XXI, đất nước ta đang trên đà hội nhập với sự phát triển của thế giới, rất nhiều cơ hội và thử thách được mở ra. Thanh niên chúng ta – những người chủ tương lai của đất nước phải sống có lý tưởng, có hoài bão, ước mơ và không ngừng phấn đấu vươn lên. Lý tưởng sống của thanh niên ngày nay là gì? Lý tưởng sống là mục đích tốt đẹp mà mỗi con người muốn hướng tới, là lí do, mục đích mà ta mong mỏi đạt được. Sinh ra ở đời, ai trong chúng ta cũng khao khát được sống hạnh phúc. Hơn thế nữa, ta luôn ước ao có được một cuộc sống bình an, vui tươi, không lo âu buồn phiền, không đau khổ oán than, muốn an hưởng sự may lành hơn là bất hạnh, giàu sang hơn là nghèo khó. Để đạt được khát vọng đó, ta luôn tìm cho mình một lẽ sống cho cuộc đời, hay nói đúng hơn là một lý tưởng Còn bạn có bao giờ tự hỏi mình tồn tại trên cuộc đời vì lý do gì không? Một câu hỏi rất thực nhưng nó làm cho bạn phải bắt đầu ngồi lại suy nghĩ về bản thân mình. Có thể bạn và tôi cũng đã có được một mục đích sống cho riêng mình, nhưng ta vẫn nên xem lại mục đích đó có thật sự cao đẹp hay không. Người có lý tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ và hành động để hoàn thiện mình hơn, giúp ích cho mình, gia đình, xã hội và đất nước. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tuổi trẻ Việt Nam luôn luôn là lực lượng xung kích đi đầu trong học tập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay với những phong trào “Thanh niên lập nghiệp”; “Tuổi trẻ giữ nước”; “Phong trào Thanh niên tình nguyện”, “Năm xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”…đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể và cá nhân tiêu biểu đi đầu trong các lĩnh vực học tập, lao động sản xuất, sáng tạo khoa học công nghệ và chiến đấu giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Và hơn bao giờ hết câu nói “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng” lại càng thôi thúc chúng ta cố gắng học tập, không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ; đi đầu trong lao động; chống nguy cơ tụt hậu về kinh tế đưa đất nước vươn xa cùng bạn bè năm châu; đấu tranh không khoan nhượng những hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội; tin tưởng, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nêu cao cảnh giác, đánh bại chiến lược diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch bảo vệ thành quả cách mạng. Bản thân tôi và chúng ta hãy tự nhìn lại cách sống của mình để hướng đến tương lai tươi sáng. Cuối cùng xin kết thúc bằng lời của chiến sĩ cách mạng, một người cộng sản trẻ tuổi, một nhà văn, một anh hùng thời vệ quốc Xô Viết vĩ đại, Paven Copsagine trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” (tác giả Nikolai Ostrovsky): “Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, mà có thể nói rằng: Tất cả đời mình ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.NGUYỄN NHẬT TRƯỜNG
Khoa Nhà nước – Pháp luật |