Nghiên cứu khoa học - thực tế
Xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị tại thành phố Cần Thơ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững hiện nay


Tóm tắt: Đội ngũ giảng viên lý luận chính trị tại thành phố Cần Thơ hiện nay đang giảng dạy tại trường chính trị, trung tâm giáo dục chính trị cấp quận, huyện, các trường Cao đẳng, Đại học trên địa bàn đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức lý luận chính trị, bản lĩnh, ý chí cách mạng cho học viên. Trên cơ sở lý luận về xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị hiện nay. Bài viết tập trung phân tích những yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên lý luận chính trị hiện nay trong xu hướng phát triển bền vững thành phố Cần Thơ. Qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị tại địa phương hiện nay.

Từ khóa: xây dựng, giảng viên lý luận chính trị, phát triển bền vững

Đặt vấn đề

Phát triển bền vững có nội hàm rất rộng và phức tạp; không có những chuẩn mực hay các quy tắc cụ thể, rõ ràng nên người ta có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau. Phát triển bền vững gồm nhiều nhân tố, chứa đựng nhiều vấn đề phong phú, đa chiều cạnh không dễ dàng phân định được. Trong bối cảnh hướng đến phát triển bền vững hiện nay, Đảng ta chú trọng đến khâu đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới. Trong đó, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị với nhiệm vụ trọng tâm là trang bị một cách cơ bản, hệ thống những tri thức lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhằm xây dựng thế giới quan và phương pháp luận khoa học, kỹ năng, kinh nghiệm công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức. Nghị quyết số 59 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra yêu cầu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở đáp ứng yêu cầu mới là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách và có ý nghĩa quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Đảng. Để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững thì việc giảng dạy các môn lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng, hoạt động này trực tiếp cung cấp thông tin, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, xây dựng, củng cố lòng tin vững chắc cho người học vào quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, cần phải xây dựng đội ngũ làm công tác lý luận có năng lực chuyên môn cao và tâm huyết, đồng thời tạo nên sự liên kết giữa công tác lý luận và hoạt động thực tiễn, giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật để đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

1. Quan điểm của Đảng ta về xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững

Hiện nay, trong giai đoạn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước để nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, việc xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị nói riêng và đổi mới nâng cao chất lượng công tác đào tạo lý luận chính trị nói chung giữ vai trò rất quan trọng trong tình hình mới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “ Đổi mới nội dung, hình thức dạy và học lý luận chính trị gắn với ứng dụng thực tế, tăng cường kiểm tra và quản lý chặt chẽ chất lượng dạy và học” [1]. Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giai đoạn 2019 – 2030 nêu rõ: “ Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện và các trường chính trị cấp tỉnh, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp mẫu mực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, có năng lực sư phạm, phong cách làm việc khoa học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hội nhập quốc tế”[3]. Trước yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo lý luận chính trị, đội ngũ giảng viên lý luận tại trường chính trị và các cơ sở đào tạo cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong xây dựng bản lĩnh chính trị, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, như văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra: “Tập trung xây dựng, củng cố, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ giảng viên chính trị”[2, tr.236].

Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thành phố Cần Thơ luôn chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ càng được chú trọng để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay. Để đào tạo đội ngũ cán bộ địa phương “vừa hồng, vừa chuyên” nhất thiết cần phải có đội ngũ giảng viên đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất chính trị để góp phần tạo động lực trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững địa phương.

2. Yêu cầu đối với đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của thành phố Cần Thơ trong bối cảnh phát triển bền vững hiện nay

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn thành phố đặc biệt quan tâm thực hiện hiệu quả công tác công tác giáo dục lý luận chính trị, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, công tác giáo dục lý luận chính trị trong toàn Đảng bộ thành phố Cần Thơ đã đạt được những kết quả nhất định, cụ thể: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền, giáo dục lý luận chính trị được quan tâm, định hướng kịp thời với nội dung, hình thức phong phú hơn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ trực tiếp giảng dạy lý luận chính trị nói riêng được chú trọng hơn,… Hiện nay, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị chuyên trách: Trường chính trị thành phố là 24 giảng viên, các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện (từ 01 đến 02 giảng viên) [5], giảng viên giảng dạy về lý luận chính trị tại các trường như: Cao đẳng Cần Thơ, Cao đẳng nghề, Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật, Cao đẳng văn hóa nghệ thuật, Cao đẳng Y tế, Đại học kỹ thuật công nghệ,… Ngoài ra, còn có đội ngũ giảng viên kiêm chức tại các sở, ban ngành, đoàn thể của thành phố. Trong thời gian qua, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị của thành phố đã có sự phát triển trong nâng cao trình độ chuyên môn: đa số các giảng viên có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, trình độ lý luận chính trị: trung cấp và cao cấp, trình độ ngoại ngữ theo quy định. Qua đó, đã có những đóng góp quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, trong công tác tổng kết thực tiễn tại địa phương. Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay xây dựng đội ngũ giảng viên dạy lý luận chính trị còn gặp phải những khó khăn như: giảng viên đạt trình độ tiến sỹ còn khá khiêm tốn, bộ phận giảng viên hiện nay còn thiếu kiến thức kinh nghiệm thực tiễn, trình độ ngoại ngữ của một số giảng viên còn hạn chế,… Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay, mỗi giảng viên cần đảm bảo những yêu cầu sau:

Một là, giảng viên lý luận chính trị phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong bối cảnh hiện nay, giảng viên lý luận chính trị càng phải có bản lĩnh vững vàng; không lơ là, mất cảnh giác; nhạy bén, tỉnh táo nhận diện những cạm bẫy ngụy trang rất tinh vi, cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch thông qua chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam. Bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng là cái gốc cơ bản, là yếu tố cần để người giảng viên lý luận chính trị hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hai là, giảng viên lý luận chính trị phải có đạo đức cách mạng trong sáng. Đạo đức của người giảng viên lý luận chính trị là tấm gương mẫu mực để người học soi vào và tự rèn luyện. Đó là sự say mê với công việc giảng dạy, trung thực trong nghiên cứu khoa học, khiêm tốn, thật thà; là sự tôn trọng quý mến đối với học viên; là đức tính cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư như Bác Hồ đã dạy. Trong điều kiện hiện nay, phẩm chất đạo đức cách mạng của người giảng viên lý luận chính trị còn thể hiện qua đức tính luôn giữ vững phương hướng, không mơ hồ, mất cảnh giác.

Ba là, giảng viên lý luận chính trị phải có năng lực nghiên cứu khoa học. Điều này đòi hỏi giảng viên lý luận chính trị phải có bản lĩnh khoa học và năng lực hoạt động sáng tạo. Nắm vững, hiểu sâu lý luận chính trị là cơ sở để người giảng viên thực thi các nghiên cứu lý luận và nghiên cứu thực tiễn.

Bốn là, giảng viên lý luận chính trị phải có năng lực và kỹ năng sư phạm. Năng lực sư phạm thuộc về tố chất sẵn có của cá nhân mỗi người, còn kỹ năng sư phạm là yếu tố có thể có được qua học tập, rèn luyện, tích lũy bằng nỗ lực của mỗi cá nhân. Cùng với kỹ năng diễn giải, cần chú trọng kỹ năng giao tiếp, ứng xử sư phạm khi giảng viên đồng thời là tấm gương cho người học.

Năm là, giảng viên lý luận chính trị phải biết liên hệ với thực tiễn, gắn lý luận với thực tiễn. Thực tiễn là cái hồn, là hơi thở cuộc sống cần được đưa vào các bài giảng để kiểm chứng tính đúng đắn, khoa học của lý luận. Do đó, để bài giảng sinh động, giàu sức thuyết phục, giảng viên cần phải liên hệ với thực tiễn của thế giới, của đất nước, của địa phương.

Sáu là, giảng viên lý luận chính trị phải có năng lực sử dụng ngoại ngữ tốt trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị. Trong thời đại ngày nay, để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững nhất thiết phải nắm bắt kịp yêu cầu chung của xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Sử dụng được ngoại ngữ sẽ giúp ích rất nhiều cho giảng viên trong việc tiếp cận các trường phái khoa học, những kết quả nghiên cứu mới và giao lưu, hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trên thế giới.

3. Đề xuất một số giải pháp xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại thành phố Cần Thơ

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Thành ủy đối với công tác của xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị, xem đây là nhiệm vụ vừa có tính trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài để góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”

Hai là, đối với giảng viên. Thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy của giảng viên. Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cho đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Để hoàn thành tốt trọng trách của mình trong giai đoạn mới, giảng viên lý luận chính trị phải thật sự yêu nghề, tâm huyết với nghề. Giảng viên phải xác định dạy học là công việc chính, gắn bó cả cuộc đời công tác. Đây là cơ sở, là động lực thôi thúc trách nhiệm và nhiệt huyết của mỗi nhà giáo. Yêu nghề còn là cơ sở để thầy cô yên tâm công tác, say mê, toàn tâm, toàn ý với công việc, nỗ lực vươn lên, nâng cao năng lực, trách nhiệm nghề nghiệp.

Ba là, giảng viên cần nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Vì vậy, phải thường xuyên nghiên cứu tài liệu, cập nhật những thông tin mới, kiến thức mới, những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động, tích cực tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tự học tập, tự nghiên cứu,… Phấn đấu đạt chuẩn về trình độ tin học, ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm. Từ đó nâng cao chất lượng trong soạn thảo giáo án, giảng dạy lý luận chính trị.

Bốn là, đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo động lực khuyến khích đội ngũ giảng viên không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn (nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ), tu dưỡng đạo đức nghề nghiệp. Thực hiện chính sách tuyển dụng, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá đội ngũ giảng viên phải trên cơ sở tiêu chí cụ thể, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Quá trình thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các khoa, phòng thì phải đồng thời quy hoạch đội ngũ giảng viên lý luận chính trị và cơ cấu đội ngũ giảng viên lý luận chính trị từ giảng viên đến giảng viên chính theo cơ cấu, tiêu chuẩn, chuyên ngành đào tạo. Đẩy mạnh tinh thần tự phê bình và phê bình, vì ý thức nghề nghiệp, ý thức chính trị, ý thức đạo đức, hành vi đạo đức của mỗi người giảng viên.

 Kết vấn đề

Tóm lại, xây dựng đội ngũ giảng viên lý luận chính trị một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị tại thành phố Cần Thơ, làm động lực cho phát triển địa phương theo hướng bền vững. Trong giai đoạn hiện nay đòi hỏi mỗi giảng viên phải vững tâm, hết lòng, hết sức với nghề mình đã chọn, không ngừng nghiên cứu, tu dưỡng, học tập, rèn luyện, cống hiến để làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình. Phải thật sự yêu quý nghề của mình, không sợ khó, không sợ khổ; phải chiến thắng bản thân mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Tài liệu tham khảo

1.     Mai Đức Ngọc, Phạm Hương Trà (2020), Vai trò của sinh viên trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông, số tháng 8/2020, tr 19-24.

2.     Mai Đức Ngọc (2020), Đề tài cấp Bộ về “Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và báo chí truyền thông trực tuyến ở Việt Nam”, Bộ Giáo dục và Đào tạo

3.     Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1, Nxb CTQG-ST, Hà Nội.

4.     Phạm Hương Trà, Nguyễn Đức Luận (2020), Một số vấn đề về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền hiện nay, Tạp chí Lý luận chính trị  và Truyền thông, số 5/2020

5.     Tổng hợp báo cáo của tác giả

 

ThS. Lê Phạm Hoàng Oanh -  Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở