Nghiên cứu khoa học - thực tế
Vận dụng một số nội dung trong lý luận địa tô của C.Mác vào giảng dạy kinh tế chính trị về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở Trường Chính trị hiện nay


Tóm tắt: Bài viết khái quát về lý luận địa tô của C.Mác, trong đó đề cập địa tô chênh lệch (địa tô chênh lệnh I, địa tô chênh lệch II) và địa tô tuyệt đối. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận địa tô của C.Mác rút ra ý thực tiễn trong công tác đổi mới chính sách liên quan đến lĩnh vực đất đai hiện nay. Bài viết góp phần tư liệu nghiên cứu để phục vụ giảng dạy bài 13 thuộc học phần A.III trong chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị ở các trường chính trị cấp tỉnh.

Tóm tắt: Địa tô, chính sách đất đai, giảng dạy kinh tế chính trị

1. Đặt vấn đề

   Lý luận địa tô tư bản chủ nghĩa của C.Mác không chỉ vạch rõ bản chất quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp mà còn là cơ sở khoa học để xây dựng các chính sách kinh tế liên quan đến thuế, đến điều tiết các loại địa tô, đến giải quyết các quan hệ đất đai, v.v.. Tất cả nhằm kết hợp hài hòa các lợi ích, khuyến khích thâm canh, sử dụng đất đai tiết kiệm, phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa sinh thái bền vững.

   Trong quá trình giảng dạy nội dung địa tô tư bản chủ nghĩa ở Bài 13: Sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa, học phần A.III Chương trình Trung cấp lý luận chính trị, yêu cầu giảng viên phải cung cấp cho học viên hiểu rõ lý luận địa tô tư bản chủ nghĩa của C.Mác. Muốn hiểu rõ vấn đề lý luận về địa tô, đòi hỏi giảng viên phải cung cấp cho học viên một số vấn đề thực tiễn để giúp cho học viên hiểu rõ hơn lý luận và có thể vận dụng vào thực tiễn công tác.

2. Nội dung

2.1. Khái quát lý luận địa tô của C.Mác

Khi phân tích tư bản kinh doanh nông nghiệp, C.Mác đã đề cập đến lý luận địa tô. “Địa tô tư bản chủ nghĩa là lợi nhuận siêu ngạch dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân mà nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp phải trả cho địa chủ vì đã kinh doanh trên ruộng đất của địa chủ” [3, tr.255]. Địa tô tư bản chủ nghĩa có nhiều loại hình, trong đó chủ yếu là địa tô chênh lệch và địa tô tuyệt đối.

Địa tô chênh lệch là lợi nhuận siêu ngạch dôi ra ngoài lợi nhuận bình quân được hình thành trên những ruộng đất có điều kiện kinh doanh trung bình và thuận lợi. Địa tô chênh lệch được tính bằng chênh lệch giữa giá cả sản xuất chung của nông sản, được hình thành trong những điều kiện kinh doanh kém thuận lợi nhất, và giá cả sản xuất cá biệt trên những ruộng đất có điều kiện kinh doanh trung bình và thuận lợi. Địa tô chênh lệch có hai loại: địa tô chênh lệch I và địa tô chênh lệch II [3, tr.255]. (1) Địa tô chênh lệch I là địa tô thu được trên cơ sở đất đai có điều kiện tự nhiên thuận lợi. Chẳng hạn, ruộng đất màu mỡ tự nhiên cao hơn hoặc ruộng đất ở vị trí thuận lợi hơn (gần nơi tiêu thụ hay đường giao thông thuận tiện). Ruộng đất có vị trí thuận lợi cũng đem lại địa tô chênh lệch I vì tiết kiệm được chi phí lưu thông so với những ruộng đất xa thị trường. Khi bán nông phẩm theo cùng một giá, những người có chi phí vận tải thấp sẽ thu được lợi nhuận siêu ngạch cao hơn so với những người có chi phí vận tải cao hơn. (2) Địa tô chênh lệch II là địa tô thu được do thâm canh mà có. Muốn vậy, phải đầu tư thêm tư liệu sản xuất và lao động trên cùng một khoảnh đất, phải cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, năng suất ruộng đất. Đây là do sự cố gắng chủ quan của người kinh doanh biết thâm canh để có lợi nhuận siêu ngạch. Khi thời hạn thuê ruộng đất vẫn còn thì nhà tư bản bằng mọi cách cố gắng khai thác ruộng đất để thu lấy loại địa tô chênh lệch II này. Khi hợp đồng thuê ruộng đất hết hạn, nếu địa tô chênh lệch II này vẫn còn thì chủ đất sẽ tìm cách nâng mức địa tô để giành lấy lợi nhuận siêu ngạch ấy. Vì thế, chủ đất chỉ muốn cho thuê ngắn hạn còn nhà tư bản muốn thuê dài hạn. Các nhà tư bản không muốn bỏ ra số vốn lớn để thâm canh dài hạn mà bằng mọi cách tận dụng màu mỡ của đất đai trong thời gian thuê đất.

Địa tô tuyệt đối là địa tô mà tất cả nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp đều phải nộp cho địa chủ dù ruộng đất tốt hay xấu. Đây là địa tô thu trên tất cả ruộng đất. Trong nông nghiệp, chế độ độc quyền tư hữu rộng đất không cho phép tư bản tự do di chuyển vốn như trong công nghiệp, nó ngăn cản việc bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận giữa công nghiệp và nông nghiệp. Vì thế, nông sản được bán theo giá thị trường và phần giá trị thặng dư dôi ra ngoài mức lợi nhuận bình quân được giữ lại để nộp địa tô tuyệt đối cho địa chủ. Địa tô tuyệt đối gắn liền với độc quyền tư hữu ruộng đất cho nên nếu không có chế độ tư hữu ruộng đất, không còn giai cấp địa chủ thì địa tô này sẽ bị xóa bỏ, giá cả nông phẩm sẽ hạ xuống có lợi cho xã hội.

Trong chủ nghĩa tư bản, không phải chỉ đất đai sử dụng vào sản xuất nông nghiệp mới phải nộp địa tô, mà tất cả các loại đất - đất xây dựng, đất hầm mỏ - cũng phải đem lại địa tô cho người sở hữu chúng. Địa tô đất xây dựng về cơ bản được hình thành như địa tô đất nông nghiệp, nhưng trong việc hình thành loại địa tô này vị trí của đất đai là yếu tố quyết định nhất, đồng thời loại địa tô này có xu hướng tăng lên nhanh chóng do sự phát triển của dân số, do nhu cầu về nhà ở tăng lên và do những tư bản cố định sát nhập vào ruộng đất ngày càng tăng lên. Địa tô hầm mỏ cũng hình thành và được quyết định như địa tô đất nông nghiệp, nhưng trong quá trình hình thành loại địa tô này, giá trị của khoáng sản, hàm lượng, trữ lượng của khoáng sản, vị trí và điều kiện khai thác là những yếu tố quyết định. Địa tô độc quyền được hình thành trên những ruộng đất có thể trồng những loại cây cho sản phẩm quý hiếm, có giá trị cao, hoặc có những khoáng sản đặc biệt có giá trị [3, tr.256-257].

Giá cả ruộng đất: Đất đai trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa không chỉ là đối tượng cho thuê mà còn được bán. Giá cả của đất đai không phải là biểu hiện bằng tiền của giá trị đất đai. Vì đất đai xét một cách thuần túy tự nhiên thì không phải là sản phẩm của lao động, không có lao động kết tinh, không có giá trị. Vì vậy, giá cả của đất đai phản ánh quan hệ kinh tế phái sinh đặc biệt. Giá cả đất đai là địa tô tư bản hóa, được tính theo sự biến động của địa tô và tỷ suất lợi tức tiền gửi vào ngân hàng [3, tr.257].

2.2. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn cần cung cấp cho học viên khi giảng dạy phần lý luận địa tô của C.Mác

Để giúp học viên hiểu rõ hơn ý nghĩa khi nghiên cứu lý luận địa tô của C.Mác, giảng viên cần cung cấp cho học viên các thông tin sau:

Thứ nhất, vận dụng lý luận địa tô chênh lệnh I vào phân loại đất đai nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất. Nhà nước nhân vùng đất ở nông thôn, phân hạng đất nông nghiệp để định giá đất, đồng thời đất được chia thành 3 vùng: đồng bằng, trung du, miền núi. Phân hạng đất để định giá đất áp dụng để tính thuế sử dụng đất nông nghiệp. Ngoài ra còn phân loại vị trí để xác định giá đất trong mỗi xã trên nguyên tắc vị trí số 1 có mức sinh lợi cao nhất, có điều kiện kết cấu hạ tầng thuận lợi nhất, gần trục đường giao thông chính nhất, các vị trí tiếp sau đó theo thứ tự từ thứ 2 trở đi có mức sinh lợi và điều kiện kết cấu hạ tầng kém thuận lợi hơn; Phân loại đô thị, đường phố, vị trí đất trong đô thị của từng loại đất cụ thể để xác định giá đất, theo nguyên tắc, vị trí số 1 áp dụng đối với đất liền cạnh đường phố (mặt tiền) có mức sinh lợi cao nhất, có điều kiện kết cấu hạ tầng thuận lợi nhất, các vị trí tiếp sau đó theo thứ tự từ thứ 2 trở đi áp dụng đối với đất không ở liền cạnh đường phố có mức sinh lợi và điều kiện kết cấu hạ tầng kém thuật lợi hơn.

Thứ hai, vận dụng lý luận địa tô chênh lệnh II vào giao quyền sử dụng đất nhằm tạo sự ổn định và tăng lợi ích cho người sử dụng đất. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất được sử dụng đất ổn định lâu dài. Ví dụ: Thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp từ 20 - 50 năm; Thời hạn cho thuê đất nông nghiệp với hộ gia đình, cá nhân không quá 50 năm; Thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ, làm cơ sở sản xuất xuất phi nông nghiệp; tổ chức để thực hiện dự án đầu tư; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm….

Thứ ba, vận dụng lý luận địa tô để thực hiện chính sách giảm, miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên cơ sở xóa bỏ sử hữu tư nhân, xác lập sở hữu toàn dân về đất đai. Nhà nước xác định các đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như: Đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hằng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối; Đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp giao cho hộ nghèo… Đồng thời xác định các đối tượng được giảm thuế theo quy định pháp luật.

Thứ tư, vận dụng lý luận địa tô để xác định đúng giá đất để phát triển thị trường bất động sản. Việc xác định giá bất động sản sát với thị trường giúp cho các giao dịch như đánh thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế sử dụng đất, thế chấp được thực hiện một cách trôi trải. Điều này cũng rất quan trọng trong việc đánh giá giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa một cách chính xác, do trước đây giá trị đất đai của các doanh nghiệp nhà nước thường chưa được tính đến hoặc nếu có thường ở mức thấp khá xa giá trị thị trường. Nếu giá trị đất đai trong quá trình cổ phần hóa không được đánh giá lại thì ngân sách nhà nước sẽ bị thất thoát lớn. Ngoài ra, xác định chính xác giá đất sẽ tránh được các tranh chấp về giá, giá cả đền bù, thu hồi quyền sử dụng đất khi giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, các dự án công cộng, phúc lợi, xã hội. Giảm thiểu bớt các vụ khiếu nại của quần chúng nhân dân do giá cả đền bù chưa thỏa đáng, góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án trên thực tế.

Có thể thấy, lịch sử cách mạng Việt Nam và thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta có nhiều chủ trương đổi mới về đất đai và đạt được nhiều thành tựu. Đảng ta đã có chính sách giao đất cho nông dân sử dụng lâu dài và mở rộng các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp, thừa kế; đồng thời cũng đã từng có chủ trương khóan 100, khoán 10 đã giải phóng sức lao động của nông dân tạo bước chuyển biến cơ bản trong sản xuất nông nghiêp và xã hội nông thôn; chủ trương “người cày có ruộng” đã tập hợp được lực lượng, tạo thành khối liên minh công nông vững chắc. Tất cả chủ trương, chính sách này đã góp phần giải phóng sức lao động, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã xác định 05 quan điểm, trong đó khẳng định đất đai là nguồn nội lực và nguồn vốn to lớn của đất nước; quyền sử dụng đất là hàng hoá đặc biệt; phải được sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả, phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực đất đai. Đồng thời Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng khẳng định: Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng đế đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”. Nghị quyết đã xác định 05 quan điểm:

Thứ nhất, Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình. Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả và bền vững.

Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm.

Thứ hai, Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; kịp thời có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất.

Thứ ba, Thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.

Thứ tư, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai. Hiện đại hoá công tác quản lý, dịch vụ công về đất đai. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tập trung, đồng bộ, thống nhất. Nâng cao vai trò và năng lực các cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai. Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hoá, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hiệu quả, hợp lý với tầm nhìn dài hạn, hài hoà lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền, giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; phát triển giáo dục, văn hoá, thể thao; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới của thực tiễn.

Thứ năm, Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong xây dựng, thực hiện và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.

3. Kết vấn đề

Hiện nay, công tác quản lý sử dụng đất đai ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm. Việc quản lý và sử dụng đất đai đã có nhiều chuyển biến và thay đổi theo hướng tích cực, từng bước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bên cạnh đó chính sách quản lý và sử dụng đất vẫn còn một số tồn tại nhiều vấn đề bất cập cần được giải quyết. Mới chỉ nghe về đất thì chúng ta tưởng chừng như đây là vấn đề của nông nghiệp nhưng thực tế hoàn toàn khác đây là một trong những vấn đề quan trọng trong các dự án phát triển kinh tế sau này, thuê đất ở đâu để kinh doanh, tiền thuê đất như thế nào, hay khi kinh doanh nông nghiệp thì tiền thuê đất là bao nhiêu, nghĩa vụ như thế nào? Việc nghiên cứu lý luận địa tô của C.Mác có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng trong việc đổi mới các chính sách về đất đai ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (2022), Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”

2. C.Mác - Ph.Ăngghen (1994): Toàn tập, tập 25, phần II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Trung cấp lý luận chính trị - Nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

4. Viện Kinh tế Chính trị học - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2022),