Vài nét về tính văn minh trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
Tóm tắt: Bài viết làm rõ vấn đề văn minh từ lý tưởng, đường lối cách mạng của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Qua đó góp phần khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là một
Đảng cách mạng chân chính, luôn phấn đấu vì mục tiêu con người, hướng đến các
giá trị văn minh của nhân loại. Từ
khóa: Văn
minh, tính văn minh của Đảng. 1. Mở đầu Trong bài phát biểu nhân
kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/1960),
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ bản chất tốt đẹp của Đảng: “Đảng ta vĩ đại như biển rộng, như núi cao, Ba mươi năm phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu
tình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
so sánh Đảng Cộng sản Việt Nam như “biển rộng”, “núi cao”, là “một pho lịch sử
bằng vàng” đã làm nổi bậc sự vĩ đại của Đảng; còn “Đảng ta là đạo đức, là
văn minh” đã khái quát bản chất và mục tiêu phấn đấu lâu dài của Đảng. Người khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” để chỉ
rõ rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng tiến bộ và nhân văn của giai cấp
công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Để làm rõ hơn tính văn
minh trong lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay, qua đó giúp
chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về tính văn minh của Đảng, bài viết phân tích,
làm rõ một số nội dung về tính văn minh trong tổ chức và hoạt động của Đảng. 2. Quan niệm về văn minh Từ “văn minh”(civilization) xuất
hiện đầu tiên ở Pháp vào thế kỷ 18 nói lên niềm tin và khát vọng của con người
vào tiến bộ xã hội. Sau đó dùng để chỉ những loại hình xã hội khác nhau kể từ
khi con người ra khỏi thời tiền sử, đặc biệt để chỉ những nền văn minh cổ đại
(Hy Lạp, Lưỡng Hà, Trung Hoa...). Từ văn minh cũng được đế quốc, thực dân
dùng làm vũ khí chính trị che dấu mục đích xâm lược các thuộc địa dưới
chiêu bài đi “khai hoá văn minh” cho các nước thuộc địa. Văn minh là một khái
niệm động, nhiều nhà nghiên cứu đã ví văn minh như một cơ thể sống. Về đại thể,
các nhà nghiên cứu cho rằng loài người đã trải qua ba giai đoạn văn minh chủ yếu:
văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp. Gần đây
nhiều nhà khoa học cho rằng giai đoạn văn minh nào cũng bao hàm ba yếu tố: tự
nhiên, kỹ thuật, con người nhưng mỗi giai đoạn văn minh lấy một trong ba yếu tố
làm gốc, làm trục chính [5]. Văn minh là một khái niệm rất phức tạp và đa chiều,
nhưng có thể được định nghĩa chung là một tập hợp các giá trị, thái độ và hành
vi của một nhóm người hoặc xã hội trong quá trình phát triển và tiến hóa của họ.
Văn minh có thể bao gồm nhiều yếu tố như đạo đức, tôn trọng, sự công bằng, sáng
tạo, nghệ thuật, giáo dục, khoa học và công nghệ. Theo
Từ điển Chính trị do nhà xuất bản Tiến bộ và nhà xuất bản Sự thật đồng ấn hành
năm 1988 ghi: Văn minh có 3 cách hiểu như sau: Đồng nghĩa với văn hoá; Trình
độ, giai đoạn phát triển của nền văn hoá vật chất và tinh thần (văn minh cổ
đại, văn minh hiện đại); Giai đoạn phát triển xã hội sau thời đại dã man. Theo
Từ điển Từ và ngữ Hán Việt của giáo sư Nguyễn Lân do nhà xuất bản Văn học ấn
hành năm 2007 cũng ghi 3 cách hiểu: Trình độ phát triển khá cao của nền văn hoá
về tinh thần và vật chất trong xã hội loài người: “Văn hoá súc tích, tiên tiến tới một mức nào đó mới thành văn
minh” (Trường Chinh); Có trình độ
văn hoá cao: Chúng ta sẽ xây lên một cuộc đời
hoàn toàn mới, một xã hội phồn vinh, văn minh, hiện đại (Lê Duẩn); Văn minh là sự đối lập với dã man, muông muội,
lạc hậu: Trên đất nước ta đang diễn ra cuộc
chiến đấu quyết liệt giữa chính nghĩa và phi nghĩa, giữa văn minh và bạo
tàn (Hồ Chí Minh). Theo
định nghĩa của UNESCO: “Văn
minh là khái niệm dùng để chỉ trình độ phát triển về giá trị vật chất (là chủ yếu) của một cộng đồng
người trong một giai đoạn lịch sử nhất định đặc trưng cho một khu vực rộng lớn,
một thời đại hoặc cả nhân loại”. Tóm
lại, hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về văn minh, tuy nhiên có thể khái
quát văn minh là sự tiến bộ về vật chất và tinh thần của xã hội loài người, là
sự phát triển cao của nền văn hóa trong một giai đoạn lịch sử nhất định và ngày
càng phát triển cao hơn. 3. Tính văn minh trong
lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam Chủ
tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là văn minh” và Văn minh là một thành tố trong đặc trưng hàng đầu của
xã hội xã hội chủ nghĩa được nêu trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm
2011) của Đảng, đồng thời cũng là một trong những mục tiêu phát triển của đất
nước, phù hợp với giá trị tiến bộ phổ quát mà nhân loại đang hướng tới. Để làm
rõ nội dung “Đảng ta là văn minh” và tính văn minh trong lãnh đạo cách mạng thời
kỳ đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, bài viết khái quát vài nét về tính văn
minh và được thể hiện ở một số nội dung sau: Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng
của đất nước Đảng ta lấy chủ nghĩa
Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam
cho hành động, tuy nhiên không rập khuôn, máy móc,
giáo điều mà vận dụng sáng tạo, lấy cái tinh thần,
phương pháp luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin vào giải quyết các vấn đề
thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Đồng thời phát
huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại,
nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước để đề
ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng
của Nhân dân. Thứ hai, phát triển thể chế
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa “thể chế
kinh tế mới” chưa có tiền lệ trong lịch sử xã hội loài người Trên cơ sở các học
thuyết về kinh tế như: thuyết “bàn tay vô hình” của Adam Smith; thuyết bàn tay
hữu hình của J. M. Keynes, Quan điểm cơ bản của lý thuyết về nền kinh tế thị trường
xã hội của W.Euskeus, W.Ropke, Muller và Armark;… Đảng ta đã lấy cái tinh hoa của các
học thuyết trên vận dụng vào thực tiễn công cuộc xây dựng đất nước, xây dựng một thể chế kinh tế mới “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa”
chưa có tiền lệ trong lịch sử. Tại Đại hội XIII,
Đảng ta nhận định: “Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được
hoàn thiện phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội
nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển
đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới”[3, tr.59-60]. “Thể chế kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần được hoàn thiện theo hướng hiện
đại, đồng bộ và hội nhập” [4, tr.31]. Như vậy, có thể nhận thấy mô hình kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện, trở
thành đóng góp lý luận cơ bản và sâu sắc của Đảng Cộng sản Việt Nam vào nền văn
minh nhân loại. Thứ ba, mục tiêu, lý tưởng
của Đảng là lấy con người làm trung tâm, là chủ
thể Sau hơn 90
năm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và phát triển đất nước, từ Cưỡng lĩnh chính
trị đầu tiên năm 1930 đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội năm 1991 từ chỗ quan niệm về nhân tố con người còn chung
chung, khái quát, đến Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tư duy và nhận thức về
nhân tố nhân dân, con người trong mục tiêu lãnh đạo cách mạng
và phát triển đất nước của Đảng ngày càng trở nên cụ thể và hoàn
thiện. Trong mô hình phát triển của Việt Nam, con người vừa là mục tiêu, vừa là
động lực, là trung tâm, là động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước
theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vị trí của nhân tố con người trở thành trung
tâm của sự phát triển kinh tế nói riêng và quá trình phát triển toàn diện nói
chung. Cụ
thể hóa tinh thần đó, Chiến lược phát triển đất nước 10 năm 2021 - 2030 khẳng định
nội dung về phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp phát triển Việt Nam là:
Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, trình độ,
có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc. Đẩy mạnh
phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Như vậy, có thể khẳng định
quan điểm nhất quán xuyên suốt trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng
Cộng sản Việt Nam là vì mục tiêu giải phóng con người. Thứ tư, cách ứng xử văn minh i) Trong nội bộ Đảng, Đảng ta thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm
chỉnh tự phê
bình và phê bình nhằm củng cố và phát triển
sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Đó là nguyên tắc ứng xử quan trọng nhất
trong nội bộ Đảng, làm nên bộ mặt văn minh tinh thần của Đảng và là mấu chốt
của công tác xây dựng đảng; ii) Đối với xã hội, Đảng ta là Đảng cầm quyền, tuy nhiên cơ bản về
phương thức lãnh đạo của Đảng: Đảng lãnh đạo Nhà nước, Nhà nước thể chế hoá các
chủ trương đường lối của Đảng bằng hệ thống các quy phạm pháp luật do các
cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đây là thể hiện sự văn minh trong lãnh
đạo xây dựng nền dân chủ và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tức
là Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không bao biện làm thay Nhà nước, không đứng
trên Nhà nước mà Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; iii) Đối với quốc tế, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII của Đảng năm 2021, Đảng ta xác định ba trụ cột cấu thành cơ bản của
nền ngoại giao toàn diện Việt Nam: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện
đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại
nhân dân”[3, tr.138]. Có thể thấy đối với quốc tế, Đảng ta không chỉ xây dựng
quan hệ với các tổ chức Đảng trên thế giới vì mục tiêu chính trị, mà còn mở rộng
ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, ba thành tố cấu thành chính của nền
ngoại giao được đặt trong một chỉnh thể thống nhất của nền ngoại giao toàn diện,
vừa có tính độc lập tương đối, vừa hỗ trợ lẫn nhau, vì mục tiêu chung là lợi
ích quốc gia - dân tộc. 4. Kết luận Đảng là đạo đức, là văn minh theo tư tưởng,
tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn
Đảng tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong,
nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Xây dựng Đảng thật trong
sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, mỗi đảng viên phải rèn luyện bản
lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao,
có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó với nhân dân và tự phê bình và
phê bình, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử
lý nghiêm những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ,
đồng thời thực hiện nghiêm quy định về những điều đảng viên không được làm để Đảng
ta tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của mình, giữ vững niềm tin của nhân
dân đối với Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta mãi là đạo đức, mãi là văn minh./. Tài liệu tham khảo 1.
Ban
Chấp hành Trung ương (2021), Chiến lực
phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030; 2.
Đảng
Cộng sản Việt Nam (2011), Điều lệ Đảng Cộng
sản Việt Nam; 3.
Đảng
Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb.
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội; 4.
Đảng
Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb.
Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội; 5.
https://xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/dang-ta-la-van-minh-2247. Th.S Lữ Minh Đăng - Phó trưởng Khoa Nhà nước
và pháp luật |
|