Thực trạng và giải pháp phát triển du lịch ở huyện Phong Điền thành phố Cần Thơ
Tóm tắt: Phát triển du lịch là xu thế tất yếu hiện nay, sẽ tạo ra
những bứt phá và hướng đến sự phát triển bền vững. Trong thời gian
quan, du lịch sinh thái của huyện Phong Điền đã có nhiều chuyển biến tích cực
và đạt được nhiều thành tựu nhất định. Tuy nhiên, ngành du lịch nói chung và du
lịch sinh thái nói riêng của huyện Phong Điền vẫn còn nhiều bất cập làm ảnh
hưởng đến việc thu hút khách du lịch đến địa phương. Do vậy, cần phải đánh giá đúng thực
trạng và đề ra giải pháp thích hợp nhằm phát triển du lịch ở huyện Phong Điền
thành phố Cần Thơ trong thời gian sắp tới theo hướng ổn định và bền vững. Từ
khóa: du lịch; Phong Điền; Cần Thơ. 1. Mở đầu. Du lịch sinh thái trong thời gian qua được xem là mô
hình du lịch hấp dẫn dựa trên tiềm năng có sẵn của địa phương như hệ sinh thái
nông nghiệp, văn hóa phong tục tín ngưỡng của địa phương,…
Huyện Phong Điền, một huyện ngoại
thành của thành phố Cần Thơ với hệ sinh thái đa dạng, một điểm du lịch sinh
thái hấp dẫn. Trong thời gian qua, công tác phát triển du lịch ở huyện Phong Điền
có nhiều kết quả nổi bật như: lượng khách và doanh thu từ hoạt động du lịch tiếp
tục tăng; các sản phẩm du lịch của huyện
ngày càng đặc trưng; công tác bồi dưỡng, tập huấn phát triển
nguồn nhân lực và công
tác xúc tiến, quảng bá du lịch tiếp tục được quan
tâm đầu tư. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch của địa phương vẫn chưa
được khai thác hiệu quả như sự trùng lắp sản phẩm du lịch của Phong Điền với
các quận, huyện khác trong thành phố và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu
Long nên chưa tạo ra sự thu hút đối với du khách; sự liên kết hợp tác trong tổ
chức du lịch cộng đồng chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả. Vì vậy, cần có những
giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát triển du lịch ở huyện Phong Điền
trong thời gian tới. 2. Nội dung 2.1.
Chủ trương của Nhà nước về phát triển du lịch Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023
về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch
hiệu quả, bền vững để ngành du lịch phát triển trọng tâm, trọng điểm. Cuối năm
2021, Chính phủ có chủ trương mở cửa ngành du lịch, để tháo gỡ những khó khăn
và vướng mắc trong cơ chế phát triển du lịch ở các địa phương, trong đó chú
trọng đến vấn đề phát triển du lịch bền vững và bảo vệ môi trường. Nghị quyết
phân định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan ban ngành có liên quan đến
ngành du lịch từ trung ương đến địa phương. Nghị quyết yêu cầu Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành chính sách thu hút nguồn nhân
lực cho địa phương, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, tăng cường tuyên
truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng dân cư tại các địa điểm du lịch nâng cao
ý thức trách nhiệm, thái độ ứng xử văn minh, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến
thức cho cộng đồng tham gia du lịch [2]. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị
08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững
trong thời gian tới. Chỉ thị quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí,
vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của ngành du lịch để
phát huy tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm của các chủ thể liên quan
với cách tiếp cận toàn diện, toàn cầu, toàn dân. Chỉ thị quán triệt, nâng cao
hơn nữa, vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị, hiệu quả và tính lan tỏa của
ngành du lịch. Phát huy vai trò của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương, theo thẩm quyền và quyền hạn được giao, thực hiện các giải
pháp tháo gỡ khó khăn như: chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch thực
hiện nghiêm việc nêm yết giá công khai, thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo môi trường
kinh doanh thuận lợi. Đặc biệt là chú ý bảo tồn di sản văn hóa truyền thống bản
địa đặc sắc [3]. Ủy
ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 31/8/2023
về thực hiện nghị quyết số 82/NQ-CP ngày
18 tháng 5 năm 2023 của chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục
hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn thành phố giai
đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo. Kế hoạch đề ra mục đích: Tổ chức quán
triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm
vụ và giải pháp phát triển du lịch được nêu tại Nghị quyết; Thực hiện các nhiệm
vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình phát triển của du lịch tại Cần Thơ
để triển khai hiệu quả nội dung Nghị quyết [5]. 2.2. Thực trạng công tác phát triển du lịch ở huyện Phong Điền Công tác phát triển du lịch của ở huyện Phong Điền của
thành phố Cần Thơ trong thời gian qua đã đạt được một số thành tựu nổi bật như: Một là, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Huyện
ủy, Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền đã thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo ban hành
các văn bản về phát triển du lịch, cụ thể như: Chương trình số 22-Ctr/HU ngày 28/6/2022 của Huyện ủy Phong
Điền về việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới; Kế hoạch
số 3842/KH-UBND ngày 13/9/2022 của Ủy ban nhân
dân huyện Phong Điền thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021; Quyết định
số 410-QĐ/HU ngày 12/4/2021 của Huyện ủy Phong Điền về việc ban hành đề án phát triển du lịch sinh thái an toàn giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến năm 2030. Hai
là, về sản phẩm du lịch đặc
trưng của huyện Phong Điền. Các sản phẩm
du lịch trên địa bàn huyện đa dạng và phong phú như: du lịch sinh thái; sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội; sản phẩm du lịch cộng
đồng; sản phẩm du lịch lưu trú, nghỉ dưỡng
(homestay); sản phẩm du lịch thủ công truyền thống (đan lát lục bình, đan rổ,
nia, chằm nón…); du lịch trải nghiệm, tìm
hiểu văn hóa, phong tục và tri thức bản địa; sản
phẩm du lịch vui chơi, giải trí như team building, trò chơi dân gian. Từ những sản phẩm du lịch đặc trưng trên đã
hình thành những khu vực du lịch đặc trưng như: xã Mỹ Khánh (Du lịch sinh thái,
du lịch lịch sử, du lịch homestay, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh); thị trấn
Phong Điền (Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch thể thao). Ba là, xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, trong đó phát triển sản
phẩm du lịch đặc trưng của huyện, ưu tiên phát triển du lịch sinh thái như mô
hình tham quan vườn cây ăn trái. Bên cạnh
đó, xây dựng và phát triển mô hình kết hợp du lịch sông nước – sinh thái – tâm
linh, tham quan di tích lịch sử, làng nghề và homestay. Sản phẩm du lịch đường sông trải nghiệm, khám phá đời sống sông nước miệt vườn với các trải
nghiệm như: tham quan chợ nổi, đi bộ, chạy xe đạp trên đường quê, chèo ghe len
lõi vào những con kênh rạch nhỏ và các nhánh sông Phong Điền, Cầu
Nhiếm, Trường Long, kênh Xáng Xà No. Tìm hiểu làng nghề truyền
thống, ẩm thực, tìm hiểu văn hóa tâm linh: Thiền viện Trúc lâm Phương
Nam, di tích lịch sử Giàn Gừa, Mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị. Bốn
là, công
tác bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực và công
tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Huyện
thường xuyên quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng và cử lực lượng
tham gia các lớp tập huấn trong lĩnh vực du lịch để từng bước nâng về
trình độ, kỹ năng quản lý, kỹ năng giao tiếp, nghiệp vụ kinh doanh, trình độ
ngoại ngữ, phong cách phục vụ,... Hàng năm, Trung tâm xúc tiến thương mại – du lịch và quản lý di tích huyện thực hiện công tác phối hợp cùng Sở Văn
hoá, Thể thao và Du lịch, Trung tâm phát triển du lịch thành phố Cần Thơ
tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân viên, người lao động
tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện. Kết quả, trong năm 2023
đã tổ chức 6 lớp tập huấn, tổng số học viên tham gia 292
học viên
[4]. Năm là, số lượng khách du lịch
đến Phong Điền trong những năm gần đây. Bảng: Thống
kế số lượng du khách trong nước, quốc tế và doanh thu từ hoạt động du lịch của
huyện Phong Điền qua các năm.
Nguồn: Báo cáo số
70/BC-TTPTDL ngày 01/10/2024 về thực trạng du lịch trên địa bàn huyện Phong
Điền. Để đạt được những thành tựu như trên, ngoài yếu tố chất lượng trong công
tác phát triển du lịch còn có một số tác động như: Một là, được sự quan
tâm chỉ đạo của Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền; sự phối hợp của các
ban, ngành đoàn thể huyện và các xã, thị trấn. Hai là, các cơ sở kinh
doanh du lịch trên địa bàn huyện được đầu tư nâng cấp, chất lượng dịch
vụ ngày càng được chú trọng, đồng thời đầu tư thêm một số dịch vụ mới,
hấp dẫn nhằm thu hút khách. Mặc dù đã
đạt được một số kết quả nổi bật nhưng trong thời gian qua, ngành du lịch của
huyện Phong Điền vẫn còn một số hạn chế nhất định như sau: Một là, nguồn kinh phí để quảng bá, xúc tiến du lịch còn khá hạn hẹp nên việc xúc
tiến, quảng bá du lịch đến các tỉnh, thành về số lượng và chất lượng chưa
cao. Hai là, các sản phẩm du lịch như: hàng
hóa, quà tặng, quà lưu niệm,… mang nét đặc trưng riêng của Phong Điền chưa đa
dạng, phong phú. Ba là, lực lượng lao động phục vụ cho
du lịch nói chung và các điểm vườn du lịch nói riêng đã được quan tâm đào
tạo, bồi dưỡng nhưng vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp (chủ yếu là lao động
trong gia đình, phần lớn chưa qua đào tạo, tập huấn); lực lượng thuyết minh
viên, hướng dẫn viên còn hạn chế về số lượng và chất lượng (nhất là trình độ
ngoại ngữ để giao tiếp). Bốn là, cơ sở hạ tầng kỹ thuật
tại Phong Điền còn
một số khó khăn và hạn chế đối với việc phục vụ du lịch ở huyện như: hệ thống
ngân hàng hoặc trụ ATM phục vụ nhu cầu giao dịch của du khách còn ít, một số
tuyến đường giao thông dẫn đến điểm tham quan du lịch còn nhỏ và chưa bằng
phẳng, hệ thống phương tiện giao thông công cộng chưa được hoàn thiện. 2.3. Giải pháp phát
triển du lịch
ở huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ Một là, huy động nhiều nguồn
vốn đầu tư phục vụ phát triển du lịch. Công tác huy động vốn đầu tư cần tranh
thủ mọi nguồn lực, phát huy tối đa tính xã hội hóa trong huy động các nguồn vốn
của thành phần kinh tế tư nhân và sử dụng hiệu quả vốn ngân sách trong vai trò
“vốn mồi”. Thành phố cần tập trung mời gọi có chọn lọc các nhà đầu tư lớn trong
nước và quốc tế để đầu tư những dự án một cách bài bản, đồng bộ và hiệu quả. Huyện
ủy, Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền cần nghiên cứu, tham mưu cho thành phố ban
hành các cơ chế ưu đãi đối với các dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của
ngành du lịch của huyện theo tinh thần Quyết định số 1358/QĐ-UBND, ngày
12-5-2015, của Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ Phê duyệt “Điều chỉnh Quy
hoạch tổng thể phát triển du lịch thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng
đến 2030”. Hai
là, nâng
cao chất lượng kinh doanh dịch vụ lữ hành. Để nâng cao chất lượng kinh doanh
dịch vụ lữ hành, cần tập trung mời gọi các doanh nghiệp lớn, có uy tín và kinh
nghiệm trong lĩnh vực lữ hành đến kinh doanh trên địa bàn thành phố; đồng thời,
khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành hiện tại nâng cao hiệu quả hoạt động, chú
trọng nghiên cứu, phát triển thị trường, tăng cường liên kết trong xây dựng
tua, tuyến, mở rộng điểm đến trong vùng và các nước trong lưu vực sông Mê Công,
chú trọng cải thiện chất lượng, cung cách phục vụ thay vì cạnh tranh về giá. Để
hoạt động lữ hành quốc tế phát triển. Ba
là, xây
dựng sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển thương hiệu ngành du lịch của huyện
Phong Điền. Tuy có nhiều sản phẩm du lịch khác nhau nhưng một sản phẩm du lịch
đặc thù của Phong Điền đã được xác định là “Tìm hiểu, trải nghiệm cuộc
sống sông nước - tìm hiểu chợ nổi Phong Điền”. Thời gian tới, Phong Điền
cần tập trung phát triển loại hình sản phẩm du lịch này với các hoạt động như
mở các tuyến du thuyền (buýt) đường sông cao cấp 3 sao trở lên và đặc biệt là
các tua đường sông liên tỉnh và quốc tế. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần chú
trọng thực hiện các hoạt động tiếp thị địa phương nhằm quảng bá hình ảnh,
thương hiệu địa phương của Thành phố cũng như thương hiệu ngành du lịch của
huyện Phong Điền để nhiều người biết đến và có chỗ đứng vững chắc trong nước và
quốc tế. Bốn
là, chú
trọng thu hút, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Hoạt động thu
hút, đào tạo nguồn nhân lực là hoạt động mang tính lâu dài, cần được thực hiện
một cách bài bản, thường xuyên, liên tục. Thời gian tới, ngành du lịch huyện
Phong Điền cần có chính sách khuyến khích công tác xã hội hóa, thu hút nguồn
nhân lực du lịch; gắn công tác đào tạo với nhu cầu của xã hội, nhu cầu của đơn
vị sử dụng lao động du lịch. Ngành du lịch cần phối hợp chặt chẽ với các trường
đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố, thường xuyên giao lưu, học
hỏi kinh nghiệm của các cơ sở đào tạo ngoài địa phương; chú trọng đào tạo, tập
huấn kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân
lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, các nhân viên phục vụ,
bán hàng tại các khu, điểm du lịch. 3. Kết luận Phát triển du lịch ở huyện
Phong Điền đã tạo ra những giá trị mới cho ngành du
lịch và doanh nghiệp trong ngành, doanh nghiệp các ngành nghề liên quan, mang
đến lợi ích về mặt quản lý và tiếp cận thị trường mục tiêu hiệu quả. Ðồng thời,
tạo sự tối ưu hóa cho du khách khi muốn tìm hiểu, trải nghiệm về vùng đất, con
người Cần Thơ nói chung và Phong Điền nói riêng. Vì vậy, thành
phố Cần Thơ và huyện Phong Điền cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp
nhằm nâng cao hiệu quả trong phát triển du lịch, tạo ra động lực hướng đến phát
triển bền vững. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chính phủ (2017), Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 về Chương trình hành động của CP thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn. 2. Chính phủ (2023), Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về
nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc PTDL hiệu quả, bền
vững. 3. Thủ tướng Chính
phủ (2024), Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/2/2024 về phát triển du lịch toàn
diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới. 4. Trung tâm Xúc tiến thương mại – Du lịch và Quản lý di tích
huyện Phong Điền (2024), Báo cáo số 70/BC-TTPTDL
ngày 01/10/2024 về thực trạng du lịch trên địa bàn huyện Phong Điền. 5. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ
(2023), Kế hoạch số 185/KH-UBND ngày 31/8/2023 về thực hiện nghị quyết
số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của chính phủ về nhiệm
vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả,
bền vững trên địa bàn thành phố giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo. ThS Trần Văn Phụng - Giảng viên khoa Lý luận cơ sở |
|