Thực tiễn quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Cần Thơ
Tóm tắt: Cơ sở lưu trú chiếm một
vị thế quan trọngtrong sự phát triển ngành du lịch. Thành phố Cần Thơ đã và
đang thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với
các cơ sở lưu trú. Việc này nhằm đảm bảo an ninh trật tự, nâng cao chất lượng dịch
vụ và phát triển du lịch bền vững.Do vậy, bài viết tập trung phân tích thực tiễn
việc quản lý nhà nước đối với cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Cần Thơ
(TPCT), tìm ra những hạn chế và đề xuất giải pháp phù hợp để tăng cường công
tác quản lý nhà nước đối với cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố, không chỉ đảm
bảo an toàn cho du khách mà còn thu hút ngày càng nhiều du khách đến thành phố
Cần Thơ. Từ đó góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ
về phát triển du lịch trong tình hình mới. Từ khóa: du lịch, cơ sở lưu
trú, thành phố Cần Thơ Mở đầu Theo báo cáo của Sở Văn hóa – Thể thao và Du Lịch (VHTTDL)thành phố Cần Thơ, trong năm 2024, Cần Thơ đã đón 6,3 triệu
lượt khách tham quan (tăng 6% so với cùng kỳ 2023, đạt 104,4% kế hoạch năm);
khách du lịch lưu trú đạt hơn 3,1 triệu lượt (tăng 5% so với cùng kỳ 2023, đạt
101,4% kế hoạch năm)[1].
Đây là một dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ ngành du lịch thành phố đang khởi sắc.
Tuy nhiên, vấn đề quản lý nhà nước về CSLTcũng đang gặp những khó khăn nhất định,
cần có những giải pháp hiệu quả để vừa quản lý an toàn, an ninh trật tự những địa
phương có CSLT nhiều, đồng thời hỗ trợ các CSLT nhỏ đảm bảo tuân thủ đầy đủ các
tiêu chí về kinh doanh dịch vụ lưu trú theo quy định. Đây cũng là mục tiêu mà
bài viết mong muốn hướng tới. 1. Khái quát về tình
hình quản lý nhà nước đối với cơ sở lưu trú du lịch tại thành phố Cần Thơ Sở VHTTDL là cơ quan thực hiện chức
năng quản lý đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động du lịch. Các cơ sở kinh
doanh hoạt động du lịch được cấp tài khoản và định kỳ hàng tháng, hàng năm, thực
hiện báo cáo kết quả kinh doanh du lịch trực tiếp thống qua Hệ thống phần mềm
nhận gửi báo cáo thống kê của Tổng cục Du lịch (http://thongke.tourism.vn) Sở VHTTDL thường xuyên ban hành các
văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân kinh
doanh du lịch trên địa bàn thành phố trong công tác đảm bảo cơ sở vật chất, vệ
sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là việc tuân thủ nghiêm các quy định về niêm yết
giá và kinh doanh đúng giá niêm yết trong các dịp Lễ, tết, mùa cao điểm du lịch….
Từ năm 2018 đến năm
2023 lực lượng Thanh tra VHTTDL
phối hợp với các đơn vị sở, ban ngành chức năng kiểm tra 52 lượt cơ sở lưu trú
du lịch. Qua kiểm tra vi phạm hành chính 12 cơ sở, phạt tiền 85.000.000 đồng,
nhắc nhở chấn chỉnh 15 cơ sở[2]. Hành vi vi phạm chủ yếu gồm
không thông báo trước khi đi vào hoạt động theo quy định; không đảm bảo tiêu
chuẩn về trình độ chuyên môn của người quản lý và nhân viên phục vụ theo quy định… Thực hiện theo kế hoạch
số 30/KH-UBND ngày 17/02/2024 của Ủy ban nhân dân thành phố triển khai ứng dụng
dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia
năm 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Sở VHTTDL
đã có văn bản hướng dẫn các CSLT
du lịch tăng cường ứng dụng VneID thay thế cho căn cước công dân gắn chip khi
thực hiện đặt dịch vụ lưu trú du lịch, thông báo lưu trú qua ứng dụng theo hướng
dẫn của Bộ Công an về khai báo lưu trú. 2. Thực tiễn công tác
quản lý nhà nước đối với các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Cần Thơ * Thuận lợi: Công tác quảng bá,
xúc tiến du lịch được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm; liên kết, hợp tác phát
triển du lịch ngày càng sâu rộng đến các thị trường du lịch trọng điểm. Thị trường
du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch ngày càng được đa dạng hóa và
nâng cao chất lượng. Do vậy, du khách có nhu cầu lưu trú lại Cần Thơ ngày càng
tăng. Giai đoạn 2004-2023, thành phố Cần Thơ đón hơn 71 triệu lượt khách đến
tham quan, du lịch, tăng bình quân 14%/năm; khách lưu trú hơn 28 triệu lượt,
tăng bình quân 16,7%/năm; Đặc biệt từ năm 2021, tỷ lệ khách lưu trú có sự tăng
trưởng, đạt 42,5% trong năm 2021, tăng dần lên mốc 48,8% năm 2022 và đạt 50%
vào năm 2023[3]. Thêm vào đó, hạ tầng
du lịch được tập trung đầu tư với quy mô, chất lượng phát triển đồng bộ, nhất
là hệ thống các cơ sở phục vụ lưu trú du lịch phát triển khá nhanh. Năm 2023,
toàn thành phố có 636 CSLTđang
hoạt động, trong đó có 2 khách sạn đạt chuẩn 5 sao với công suất phục vụ 568
phòng, 9 khách sạn 4 sao với công suất 973 phòng và 131 khách sạn đạt chuẩn từ
1 đên 3 sao với 3.596 phòng; tổng số phòng lưu trú là 10.600 phòng, tăng 7,1 lần
so với năm 2004. Trong đó, loại hình doanh nghiệp, tổ chức chiếm tỷ trọng lớn
trong cơ cấu cơ CSLT du lịch
trên địa bàn (cuối năm 2023, tổng số doanh nghiệp CSLT du lịch là 250 doanh nghiệp trên tổng số 413
doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch, chiếm tỷ trọng 60%)[4]. Cục Thuế duy trì việc
phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố trong việc trao đổi thông
tin người nộp thuế như việc thực hiện cấp mã số doanh nghiệp với doanh nghiệp mới
thành lập, thay đổi thông tin đăng ký thuế, tạm ngưng kinh doanh, đóng cửa
doanh nghiệp, rà soát đóng mã số thuế các doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận
doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp; Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021
của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 01/2016/TT-BKHĐT-BTC ngày 23/02/2026 của Bộ
Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. * Hạn chế Bên cạnh những mặt đạt
được thì việc quản lý công tác lưu trú cũng gặp một số khó khăn nhất định, cụ
thể như sau: Thành phố có trên dưới
30 điểm, khu du lịch, trong đó đa số là các điểm, khu du lịch sinh thái, miệt
vườn, di tích lịch sử, làng nghề nhỏ,… chỉ có 4/30 điểm, khu du lịch đã được
công nhận. Đa số các điểm, khu du lịch có mô hình hoạt động, loại hình vui
chơi, giải trí và tham quan tương đồng nhau, tập trung vào nhóm du lịch sinh
thái, miệt vườn – là loại hình du lịch trong ngày, chưa đa dạng các hoạt động,
loại hình du lịch ban đêm để thu hút khách du lịch lưu trú qua đêm. Từ đó, chưa
thể khai thác hết tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển về số lượng, doanh thu từ
hoạt động lưu trú du lịch. Thêm vào đó, các CSLTdu lịch tập trung chủ yếu ở
quận trung tâm, gần các địa điểm du lịch (quận Ninh Kiều, Cái Răng), các quận,
huyện khác hầu như không phát sinh hoặc khá manh mún, nhỏ lẻ. Ngoài ra, mặc dù
tỷ lệ khách lưu trú trên tổng số lượt khách tham quan, du lịch có sự tăng trưởng
qua các năm nhưng trong cơ cấu khách du lịch thì tỷ lệ khách lưu trú vẫn còn thấp,
hầu hết các hoạt động tham quan, du lịch đều diễn ra trong ngày, chưa có loại
hình dịch vụ, hoạt động “giữ chân” khách du lịch qua đêm, dẫn đến doanh thu từ
hoạt động lưu trú du lịch chưa xứng tầm. Bên cạnh đó, kết quả
theo dõi, thống kê của Sở VHTTDL phụ thuộc vào việc cập nhật, báo cáo của các
cơ sở, doanh nghiệp qua Hệ thống phần mềm báo cáo. Vì vậy, kết quả tổng hợp báo
cáo thống kê hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố dễ bị sai sót, không phản
ánh chính xác thực trạng kinh doanh nếu như các cơ sở này không thực hiện chế độ
báo cáo thống kê theo quy định hoặc báo cáo thông tin không chính xác, trung thực. Qua số liệu tổng hợp,
nguồn thu thuế từ lĩnh vực kinh doanh lưu trú, việc thực hiện nghĩa vụ với ngân
sách của các tổ chức, hộ kinh doanh lĩnh vực lưu trú, du lịch chưa tương xứng với
nguồn lực, quy mô kinh doanh và tiềm năng của địa phương. Trong những năm qua,
việc quản lý đối với hoạt động lưu trú du lịch do các sở, ban, ngành quản lý độc
lập với nhau, số liệu thông tin quản lý được tổ chức, quản lý bằng các phần mềm,
ứng dụng chuyên ngành, đặc thù riêng của từng cơ quan, Qua khảo sát sơ bộ, chỉ
riêng thông tin giữa cơ quan quản lý thuế với quản lý dữ liệu thống kê của Sở
VHTTDL, Cục Thống kê thành phố đã có sự chênh lệch, chưa thống nhất về số lượng
cơ sở lưu trú du lịch, doanh thu cơ sở lưu trú du lịch… 3. Giải pháp tăng cường
công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Cần Thơ Một là, Sở VHTTDL tăng cường
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật văn bản ngành, văn bản mới sửa đổi, bổ
sung, thay thế như Luật Du lịch năm 2017; Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31
tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;
Nghị định 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch. Hai là, thẩm định, công nhận,
công bố danh sách CSLT du lịch hạng 01 sao, hạng 02 sao, hạng 03 sao và các cơ
sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt tiêu
chuẩn phục vụ khách du lịch; tổ chức kiểm tra, giám sát điều kiện tối thiểu về
cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ của cơ sở dữ liệu du lịch, chất lượng cơ sở
kinh doanh dịch vụ du lịch khác đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; thu hồi
quyết định công nhận trong trường hợp cơ sở dữ liệu du lịch, cơ sở kinh doanh dịch
vụ du lịch khác không duy trì chất lượng theo tiêu chuẩn đã được công nhận. Ba là, tiếp nhận thông báo
bằng văn bản của các CSLT du lịch trước khi đi vào hoạt động hoặc có sự thay đổi
về tên, loại hình, quy mô, địa chỉ thông tin về người đại diện theo pháp luật,
cam kết đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định của pháp
luật; Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với CSLT du lịch, thường xuyên rà
soát, cập nhật danh sách các cơ sở mới đi vào hoạt động trên địa bàn thành phố. Bốn là,phối hợp với Công an
thành phố phân tích tình hình du lịch dựa trên chia sẻ dữ liệu về quản lý lưu
trú và quản lý khách nước ngoài lưu trú do Công an thành phố quản lý; tuyên
truyền các CSLT sử dụng phần mềm thông báo lưu trú ASM được kết nối với Hệ thống
cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo tính bảo mật dữ liệu cá nhân, thông
tin khách lưu trú được đồng bộ và cập nhật liên tục trên hệ thống, góp phần
phòng ngừa, phát hiện dấu hiệu tội phạm, phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật
tự, phục vụ công tác quản lý du lịch và phát triển kinh tế - xã hội. Năm là, tổ chức các lớp đào
tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch trên địa bàn thành phố, hướng dẫn
các cơ sở thực hiện theo quy định pháp luật về kinh doanh lưu trú du lịch, ứng
xử văn minh du lịch và đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch; đồng thời,
tăng cường phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp
hành các quy định trong hoạt động kinh doanh lĩnh vực du lịch theo kế hoạch hằng
năm và thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu cần thiết. Sáu là, các cơ quan quản lý
nhà nước có liên quan về lưu trú như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Sở
Thông tin và Truyền thông, Cục Quản lý thị trường thành phố, Ủy ban nhân dân quận,
huyện, Công an thành phố, Cục thuế thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình
thành phố Cần Thơ, Báo Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Cần Thơ cần tận
dụng lợi thế của công nghệ số để phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa và thông
tin kịp thời để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý CSLT. Bảy là, đối với các CSLT trên
địa bàn thành phố Cần Thơ cần đảm bảo các điều kiện kinh doanh, hoạt động liên
quan theo quy định của pháp luật về đầu tư, du lịch, quản lý cư trú và pháp luật
về thuế. Cập nhật đầu đủ các thông tin của khách lưu trú vào Hệ thống quản lý
lưu trú đã được cấp trước khi cho khách vào phòng nghỉ. Thông báo với cơ quan
Công an nơi quảnlý địa bàn đối với khách lưu trú là người
Việt Nam và khai báo tạm trú đối với khách lưu trú là người nước ngoài theo
đúng thời gian quy định. Đồng thời, phải trang bị máy vi tính có kết nối
Internet để thực hiện thông báo lưu trú trực tuyến, sử dụng hóa đơn điện tử hoặc
hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế… Kết luận Nâng cao hiệu lực, hiệu
quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú sẽ góp phần
nâng cao tính tự giác trong việc tuân thủ pháp luật cũng như quyền tự chủ, tính
trách nhiệm của các cơ sở lưu trú du lịch; từ đó, tạo môi trường bình đẳng giữa
các thành phần kinh tế, góp phần phát triển lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch
trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Bên cạnh đó, giúp cho du khách có nhiều
kênh thông tin hơn về cơ sở dữ liệu đăng ký lưu trú tại thành phố, tạo niềm tin
cho du khách khi đến thành phố Cần Thơ./. Tài liệu tham khảo 1. Chính Phủ (2017), Nghị
định 168/2017/Nđ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một
số điều của Luật Du lịch. 2. Chính Phủ (2019), Nghị định 45/2019/NĐ-CP
ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính
trong lĩnh vực du lịch. 3. Quốc hội (2017), Luật
Du lịchnăm 2017 4. Quốc hội (2020), Luật
Cư trú năm 2020 5. Quốc hội (2020), Luật
Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 6. Ủy ban nhân dân
thành phố Cần Thơ (2024), Quyết định số 2148/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm
2024 về việc ban hành Đề án Tăng cường công tác quản lý thuế đối với các cơ sở
lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ. ThS. Nguyễn Thị Kim
Nhung - Giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật [1] Long Vĩnh (2024), Du lịch Cần Thơ thu hút 6,3 triệu du khách trong năm 2024;
https://baophapluat.vn/du-lich-can-tho-thu-hut-63-trieu-du-khach-trong-nam-2024-post537696.html
[2]Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (2024), Quyết định số 2148/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2024 về việc ban hành Đề án Tăng cường công tác quản lý thuế đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ [3]Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (2024), Quyết định số 2148/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2024 về việc ban hành Đề án Tăng cường công tác quản lý thuế đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ [4]Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (2024), Quyết định số 2148/QĐ-UBND ngày 27 tháng 9 năm 2024 về việc ban hành Đề án Tăng cường công tác quản lý thuế đối với các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ |
|