Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại thành phố Cần Thơ - Thực trạng và giải pháp
Tóm tắt: Thành phố Cần Thơ xác
định thực hiện dân chủ cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chính quyền các
cấp, các ban ngành, đoàn thể; gắn việc phát huy dân chủ với nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị
trong sạch, vững mạnh. Bài viết phân tích thực trạng thực hiện chủ ở cơ sở tại
thành phố Cần Thơ và đề xuất một số giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện chủ ở cơ
sở tại Thành phố trong thời gian tới. Từ
khóa:
Dân chủ; Dân chủ ở cơ sở; Thành phố Cần
Thơ. 1. Đặt
vấn đề Thực hiện dân chủ ở cơ sở là
phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công
chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng,
chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và
kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng về dân chủ, nhất là thực hiện dân
chủ ở cơ sở, trong thời gian qua thành phố Cần Thơ đã tập trung lãnh đạo, chỉ
đạo chặt chẽ, hiệu quả công tác thực hành dân chủ ở cơ sở, phát huy cao độ
quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành
phố. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Thành phố vẫn còn những
hạn chế nhất định, vì vậy cần đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm phát huy hơn
nữa quyền làm chủ của người dân trong thời gian tới. 2. Đường
lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện dân
chủ ở cơ sở Sinh thời, Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước ta
là nước dân chủ, địa vị cao nhất là Nhân dân, vì dân là chủ” [2; tr.434]’; “chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là dân làm
chủ” [4; tr.83]. Dân là chủ nhằm xác định vị thế và tư cách của người dân
đối với Nhà nước, dân là chủ thể của quyền lực nhà nước. Nhân dân có địa vị cao
nhất, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Dưới sự
lãnh đạo của Đảng, Nhân dân tổ chức nên các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến
địa phương thông qua chế độ tuyển cử phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín bầu các
đại biểu xứng đáng vào các cơ quan quyền lực nhà nước, đồng thời “có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại
biểu Hội đồng Nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín
nhiệm của Nhân dân” [3; tr.375]. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dân
chủ được Đảng ta vận dụng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ
và vai trò của chủ thể Nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc;
củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội” [1; tr.118].
Trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn xây dựng và thực hiện
quy chế dân chủ cơ sở phù hợp với tình hình hình thực tiễn nhằm phát huy quyền
làm chủ của Nhân dân từ cơ sở. Ngày 18/02/1998 Bộ Chính trị (khóa VIII) ban
hành Chỉ thị số 30-CT/TW “Về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ
sở”. Đến ngày 04/4/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) đã ban hành Kết
luận số 65-KL/TW “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị
(khóa VIII). Ngày 07/01/2016, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Kết luận số
120-KL/TW “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và
thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở”. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Hiến
pháp năm 2013 xác định: “Nhà nước bảo đảm
và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm
quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có
điều kiện phát triển toàn diện” [5;
tr.4]. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở
như Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Pháp
lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã,
phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về
thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị
sự nghiệp công lập... Đặc biệt, ngày 10/11/2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội
khóa XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Luật số 10/2022/QH15) và
có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để thực
hiện quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 3. Thực trạng về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại
thành phố Cần Thơ 3.1. Những kết quả nổi bật đạt được Một là,
công tác lãnh đạo, triển khai thực hiện dân chủ cơ sở trên địa bàn thành phố. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành
phố đã tiếp tục triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/02/2016 của Bộ Chính trị
(khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số
120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất
lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Nghị định
số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt
động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập và triển
khai, thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP
ngày 14/8/2023 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều của Luật Thực
hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước bằng nhiều hình thức đến cán bộ, công chức, viên chức. Kết quả, đã
triển khai được 10.272 cuộc với 150.429.370 lượt cán bộ, đảng viên công chức,
viên chức, người lao động và Nhân dân tham dự [6]. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành
phố đã tổ chức rà soát các quy chế, sửa đổi, bổ sung và ban hành quy chế làm
việc; quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý và sử dụng tài sản công; quy chế xét thi
đua, khen thưởng,… Những nội dung của việc thực hiện quy chế được cụ thể hóa
thực hiện trong hoạt động của cơ quan, đơn vị và địa phương gắn với việc thực hiện
nhiệm vụ chính trị; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí. Hai là,
công tác tuyên truyền thực hiện dân chủ ở cơ sở. Các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban,
ngành, đoàn thể đã tổ chức nhiều hội nghị quán triệt, lồng ghép phổ biến, tuyên
truyền các nội dung cơ bản về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và đẩy mạnh
tuyên truyền trên các hệ thống thông tin các cấp. Từ đó, đã góp phần tạo điều
kiện để cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ,
tích cực, tự giác, chủ động tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc
vận động, giám sát, phản biện, phát huy quyền làm chủ của mình đảm bảo thực
hiện đúng phương châm “Dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhất
là trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Việc tổ chức thực hiện cơ
quan, đơn vị, doanh nghiệp được quan tâm triển khai, các nội dung đã gắn với
việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất - kinh doanh,
công tác cải cách thủ tục hành chính, việc giải quyết những vấn đề nổi cộm mà
dư luận xã hội và Nhân dân quan tâm, nhất là trên lĩnh vực quản lý đất đai, xây
dựng, đền bù giải phóng mặt bằng cũng như thực hiện các chính sách xã hội. Việc
thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử được quan tâm thực hiện,
đã thực hiện số hóa được 441.658 giấy tờ của 617 loại kết quả giải quyết thủ
tục hành chính. Cập nhật, tích hợp 1.714 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch
vụ công quốc gia. Thực hiện đồng bộ 328.691 hồ sơ từ Cổng Dịch vụ công thành
phố lên Cổng Dịch vụ công quốc gia [6]. Ba là, công
tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Công tác tiếp công dân, giải quyết
khiếu nại, tố cáo của công dân được quan tâm tích cực, thực hiện tốt việc đối
thoại, giải thích và hòa giải để giải quyết dứt điểm vụ việc ngay từ cơ sở. Năm
2024, có 1.938 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với 1.910
vụ việc; tiếp nhận 3.042 đơn (có 109 đơn kỳ trước chuyển sang) tăng 172 đơn so
với cùng kỳ. Có 2.619 đơn đủ điều kiện xử lý, đã tham mưu cơ quan có thẩm quyền
giải quyết 928/976 đơn thuộc thẩm quyền [6]. Các cơ quan, đơn vị
đã gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ đóng góp 28 văn
bản có liên quan thiết thực đến quyền, lợi ích và đời sống của Nhân dân; cấp
huyện và cấp xã đã tham gia đóng góp 492 dự thảo văn bản. Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức 01 cuộc hội nghị lấy ý kiến đối với người
giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bốn là,
công tác kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát và tự kiểm
tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ngay từ đầu năm Ban Chỉ
đạo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị và địa phương xây
dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát. Kết quả, đã kiểm tra, giám sát và tự kiểm
tra, giám sát 70 cơ quan, đơn vị; sau khi kiểm tra, đoàn kiểm tra, giám sát và
tự kiểm tra, giám sát thông báo kết luận và chỉ ra những hạn chế để có hướng
khắc phục. Các cơ quan, đơn vị đã tạo điều kiện Ban Thường trực Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức 13 cuộc giám sát, với 6 nội
dung; Mặt trận Tổ quốc các quận, huyện tổ chức giám sát 85 cuộc với hơn 20 nội
dung; Mặt trận Tổ quốc các xã, phường, thị trấn tổ chức giám sát hơn 200 cuộc. Thành phố đã phát huy
tốt vai trò của 80 Ban Thanh tra nhân dân, với tổng số 747 thành viên; hoạt
động của gần 300 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, với hơn 2.000 thành viên do
Ủy ban MTTQ cấp xã ra quyết định thành lập để thực hiện nhiệm vụ giám sát theo
quy định của pháp luật tại cơ sở và các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn. 3.2. Hạn chế Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công
tác thực hiện dân chủ ở cơ sở của Thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế
sau: Thứ
nhất,
trong công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục Nhân dân thực hiện các chủ
trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước chưa được thường xuyên, hiệu quả công
tác tuyên truyền chưa cao. Thứ
hai,
cán bộ phụ trách công tác dân vận và quy chế dân chủ trong cơ quan hành chính
nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đa phần là kiêm nhiệm, tập trung nhiều
vào công tác chuyên môn. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác dân vận và quy chế dân
chủ tại cơ quan, đơn vị. Thứ ba, việc thực hiện chế
độ báo cáo của cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện tốt, tuy nhiên báo cáo
không thể hiện được các số liệu cụ thể, chính vì vậy trong công tác tổng hợp số
liệu báo cáo gặp nhiều khó khăn [6]. 4. Một số giải pháp góp phần nâng cao thực hiện pháp dân
chủ ở cơ sở tại thành phố Cần Thơ Thứ
nhất,
tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Ðảng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cơ
quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu cần nhận thức đầy đủ về vai trò, tầm quan
trọng của thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cần xây dựng, ban hành và tổ chức thực thi
dân chủ và bảo đảm dân chủ cho người dân, khắc phục tính hình thức trong quy
định và tổ chức thực hiện. Thứ
hai,
triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với kỹ năng tuyên truyền vận
động Nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước. Quan tâm công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức,
trách nhiệm để người dân hiểu, thực hiện đúng quyền, trách nhiệm công dân và
tránh lạm dụng quyền dân chủ. Chú trọng tuyên truyền, nhân rộng các gương điển
hình, mô hình tốt về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, làm cho
việc thực hành dân chủ ngày càng thấm sâu vào mọi hoạt động phong phú, đa dạng
của đời sống xã hội. Các ngành, các cấp tổ chức thực hiện nghiêm túc việc lấy ý
kiến Nhân dân về xây dựng các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền và lợi
ích trực tiếp của nhân dân; tích cực thực hành dân chủ, tạo nền nếp và những
chuyển biến mới, tích cực ở cơ sở. Thứ ba,
thường
xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức công vụ, nâng cao nhận thức, ý thức
trách nhiệm phục vụ Nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là
cán bộ, công chức, viên chức tại bộ phận thường xuyên tiếp xúc người dân; thực
hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng theo quy
định pháp luật. Cần phát huy dân chủ ở cơ sở gắn với thủ tục hành chính, cải cách
bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức trên địa bàn thành phố để hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành
chính dân chủ, hiệu lực, hiệu quả phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Thứ tư, Ủy ban nhân dân các
cấp tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội
cùng cấp thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định
số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành Quy chế giám sát và
phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã
hội, Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành
quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và
nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; quan tâm thực hiện
tốt chính sách đối với người nghèo, dân
tộc thiểu số, người
có công với cách mạng; xây dựng nông thôn mới nâng cao,
nông thôn mới kiểu mẫu. Thứ
năm,
tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Luật thực hiện dân
chủ ở cơ sở năm 2022 nhằm đảm bảo các quy định về thực hành dân chủ được thực
hiện một cách hiệu quả, thực chất. Phát huy dân chủ ở cơ sở đi đôi với giữ
nghiêm kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm những sai phạm từ cơ sở. 5. Kết luận Trong thời gian qua, việc thực hiện
quy chế dân chủ ở cơ sở của Thành phố đã được được nhiều kết quả nổi bật. Quyền
làm chủ của người dân được phát huy trên mọi lĩnh vực; đời sống vật chất và
tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; các đối tượng chính sách,
người yếu thế trong xã hội, người nghèo, người có công với cách mạng được quan
tâm; các kiến nghị chính đáng của Nhân dân được xem xét và giải quyết kịp thời.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn Thành phố vẫn còn
một số hạn chế nhất định. Vì vậy, cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải
pháp đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đáp ứng yêu cầu phát triển thành
phố Cần Thơ nhanh và bền vững. Tài liệu tham khảo: 1.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - Tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà
Nội. 2. Hồ Chí Minh
(2011), Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính
trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 3. Hồ Chí Minh
(2011), Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính
trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 4. Hồ Chí Minh
(2011), Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính
trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội. 5. Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà
Nội. 6. Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ (2024), Báo cáo số 374/BC-UBND ngày 12/12/2024
của Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ về kết quả thực hiện dân chủ
cơ sở năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Cần Thơ. |