Thực hiện chính sách phát triển vùng đồng bằng Khmer trong tình hình mới - Thực trạng và giải pháp tại thành phố Cần Thơ
Tóm tắt: Là một trong những địa phương có
đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, những năm qua thành phố Cần Thơ đã triển
khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển
vùng đồng bào Khmer. Tuy nhiên, bên cạnh
những thành tựu đã đạt được, công tác vùng đồng bào Khmer trên địa bàn thành phố
Cần Thơ vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Bài viết phân tích thực trạng
công tác vùng đồng bào Khmer trên địa bàn thành phố Cần Thơ, đồng thời đề
xuất một số giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới. 1. Đặt vấn đề Thành phố Cần Thơ hiện có 6.198 hộ gia đình Khmer đang sinh sống với dân
số là 23.691 người (chiếm 62,3% tổng số dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố
[5]. Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể
của thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng,
Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer
nói riêng. Qua đó, đồng bào luôn tin tưởng, đồng thuận và tích cực cùng với
chính quyền tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, đời sống vật
chất và tinh thần của đồng bào ngày càng được nâng lên. Kết quả cụ thể như sau: 2. Nội dung 2.1.
Kết quả đạt được 2.1.1. Về
kinh tế - xã hội Trên cơ sở
các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, các ban, bộ, ngành về tăng cường
công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Thành phố Cần Thơ
đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer về đất
ở, nhà ở, nước sạch; hỗ trợ vốn vay chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm. Từ
năm 2018 đến nay, thành phố Cần Thơ đã hỗ trợ 34 nền nhà cho các đối tượng
thụ hưởng đất ở, cất 34 căn nhà cho hộ đồng bào dân tộc Khmer; vận động tài trợ
xây dựng 21 căn nhà cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo tại huyện Cờ Đỏ; hỗ trợ
cho 105 hộ thụ hưởng nước sinh hoạt, đạt 100% so với kế hoạch (tỷ lệ hộ đồng
bào dân tộc Khmer sử dụng nước hợp vệ sinh là 99%); hỗ trợ vay vốn tạo việc
làm, chuyển đổi nghề cho 82 hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer; hỗ trợ thông
qua các chương trình cho vay tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 2.883
hộ [5]. Bên cạnh đó,
thành phố đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ chuyển dịch
cơ cấu sản xuất; lồng ghép các chính sách, chương trình, dự án và huy động nhiều
nguồn lực để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn có đông đồng
bào dân tộc Khmer; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, từng bước thay đổi
tập quán lạc hậu trong lao động sản xuất, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật
trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, mở
rộng các hình thức hợp tác sản xuất, liên kết các doanh nghiệp để cung ứng giống
vật tư, phân bón và bao tiêu sản phẩm góp phần nâng cao mức sống, thu nhập
người dân, từng bước giảm dần tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc
Khmer [5]. Công tác đào
tạo nghề, giải quyết việc làm cho người Khmer cũng luôn được quan tâm. Tỷ lệ
lao động người Khmer trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều
kiện đạt 55% [5]. 2.1.2. Về văn
hóa, giáo dục, y tế Chính sách bảo
tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer được thành phố quan
tâm đầu tư; tạo điều kiện hỗ trợ khôi phục và duy trì các loại hình văn hóa,
nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer; giải quyết kịp thời các yêu cầu chính
đáng của người dân phù hợp với quy định của pháp luật. Từ năm 2018 đến nay Bảo
tàng thành phố Cần Thơ đã sưu tầm, lưu trữ khoảng 89 hiện vật của dân tộc Khmer
vào kho hiện vật của Bảo tàng để trưng bày, phục vụ khách tham quan. Để phát triển
giáo dục vùng đồng bào Khmer, thành phố đã thực hiện nhiều chính sách như hỗ trợ
học sinh nghèo, cử tuyển giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống
giáo dục quốc dân, chính sách dự bị đại học, góp phần to lớn trong việc đào tạo
nguồn nhân lực cho vùng dân tộc Khmer. Chính sách đã giúp đồng bào dân tộc
Khmer được trang bị kiến thức, nâng cao trình độ văn hóa và có nhiều đóng góp
cho sự phát triển của địa phương. Việc tổ chức dạy và học tiếng dân tộc thiểu số
được thành phố triển khai thực hiện theo quy định của Chính phủ. Tiếng Khmer được
triển khai dạy học từ lớp 4 đến lớp 9 theo các chương trình và sách giáo khoa
hiện hành [3]. Công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh,
vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho đồng bào Khmer được các
ngành, các cấp quan tâm. Chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào ngày càng được
nâng cao cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật; đội ngũ cán bộ y tế từng bước
được chuẩn hóa, hầu hết các trạm y tế nơi có đông đồng bào Khmer đều có bác sĩ
phục vụ khám chữa bệnh; 100% xã, phường có cán bộ y học cổ truyền. 2.1.3. Về tôn
giáo, tín ngưỡng Trên địa bàn
thành phố hiện có 12 chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Hiện nay có 08 chức sắc Phật
giáo Nam tông Khmer tham gia vào Ban Trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp,
trong đó cấp Trung ương có 02 người, đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố có 01
người, đại biểu Hội đồng nhân dân quận có 01 người. Ngoài ra, còn có 03 người
tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, 01 người tham gia Ủy ban Hội
Liên hiệp thanh niên thành phố, 02 người tham gia Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt
Nam – Campuchia [5]. Đội ngũ chức
sắc luôn phối hợp, tham gia tích cực cùng địa phương tuyên truyền vận động đồng
bào dân tộc Khmer chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của
Nhà nước và tham gia các phong trào tại địa phương. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước
thành phố luôn quan tâm, phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Việt Nam thành phố thực
hiện tốt chức năng quản lý, điều hành các hoạt động của Phật giáo Nam tông
Khmer, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, thực hiện công tác từ thiện
xã hội góp phần cùng địa phương chăm lo đối với đồng bào dân tộc Khmer. Ban Dân tộc
thành phố Cần Thơ thường xuyên tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện
công tác tuyên truyền, tổ chức hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật cho người
có uy tín trong đồng bào DTTS (đã tổ chức 04 hội nghị, có 343 người có uy tín
tham gia). Ngoài ra, còn phát hành Bản tin công tác dân tộc, tài liệu song ngữ
(Việt - Khmer), tạp chí, Báo Cần Thơ Khmer ngữ cho người có uy tín nắm các chủ
trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sâu rộng trong đồng
bào dân tộc Khmer. Ban Tôn giáo (thuộc Sở Nội vụ) tham mưu Ủy ban nhân dân
thành phố thực hiện tổ chức Hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật cho chức sắc,
chức việc, nhà tu hành các tôn giáo và mời sư sãi đại diện lãnh đạo Học viện Phật
giáo Nam tông Khmer, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thành phố, Trụ trì các chùa
Khmer tham dự chung. 2.1.4. Xây dựng
đội ngũ cán bộ người Khmer Thành phố đã
triển khai thực hiện tốt Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 17/11/2017 của Ủy ban
nhân dân thành phố về thực hiện Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức,
viên chức (CBCCVC) người dân tộc thiểu số (DTTS) trong thời kỳ mới. Các cơ
quan, đơn vị đã thực hiện tốt việc phối hợp tổ chức thực hiện công tác đào tạo,
bồi dưỡng đội ngũ CBCCVC, góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC người DTTS có bản
lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực tổ chức,
kỹ năng điều hành thực thi nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 2023, thành phố có
417/25.228 cán bộ, công chức là người dân tộc Khmer (cấp thành phố: 112, cấp quận,
huyện: 291; cấp xã:14) chiếm tỷ lệ 1,65% trên tổng số cán bộ, công chức thành
phố. Hội đồng nhân dân các cấp là người Khmer nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 29 đại biểu,
trong đó cấp thành phố 01 đại biểu, cấp huyện 05 đại biểu, cấp xã 23 đại biểu
[5]. 2.1.5. Về an
ninh - chính trị Các cơ quan,
ban ngành của thành phố đã phối hợp tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong đồng
bào dân tộc Khmer về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc bằng nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với
điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương nơi có đông đồng bào dân tộc
Khmer sinh sống như: Qua hình thức tuyên truyền loa phát thanh, đối thoại trực
tiếp, qua diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân” và qua các hình thức
trang thông tin điện tử, Zalo, Facebook, Fanpage của các mô hình “Dân vận khéo”
của lực lượng Công an ở cơ sở. Tình hình an
ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn có đông đồng bào dân tộc
Khmer sinh sống tiếp tục được giữ vững; tình hình tư tưởng, tâm trạng, đời sống
vật chất, tinh thần của đồng bào ổn định, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn nêu cao ý thức cảnh giác, đấu
tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. 2.2.
Hạn chế Đồng bào dân
tộc Khmer cư trú đan xen trong cộng đồng, đây là điểm thuận lợi trong thực hiện
các dự án, kế hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội chung. Tuy nhiên hiện
nay các chính sách đối với đồng bào DTTS chỉ tập trung ưu tiên thực hiện ở vùng
DTTS; Cán bộ công chức lãnh đạo, quản lý là người dân tộc Khmer công tác ở địa
bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer còn ít. Trên địa bàn
thành phố có rất đông sư sãi, sinh viên người dân tộc Khmer từ các tỉnh khác đến
tu học, đặc biệt là sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng
trên địa bàn và do các trường quản lý. Do đó, công tác quản lý của cơ quan chức
năng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc theo dõi sinh viên sử dụng trang mạng xã
hội để lập nhóm, liên hệ, trao đổi thông tin liên quan an ninh quốc gia với bên
ngoài. Cán bộ phụ
trách công tác dân tộc ở một số địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer nhưng
không thông thạo tiếng Khmer, dấn đến hạn chế trong công tác tuyên truyền, vận
động đồng bào; Một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn mang tâm lý trông chờ
vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước nên chưa nêu cao ý chí phấn đấu
vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình. 2.3.
Giải pháp tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trên địa bàn thành phố Cần
Thơ trong thời gian tới Một là, tập
trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bảo dân
tộc Khmer Các cấp ủy đảng,
chính quyền thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt
các chương trình, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc
thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Trong đó, trọng tâm là
tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021 - 2030. Tập trung thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về khuyến
khích đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; nâng cao mức sống,
thu nhập cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Tăng cường hoạt động nghiên cứu,
ứng dụng khoa học và công nghệ để khai thác có hiệu quả các lợi thế và điều kiện
đặc thù của từng vùng, nhất là khu vực nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer
sinh sống. Hai là, thực
hiện tốt các chính sách trong lĩnh vực văn hóa, xã hội Các cấp ủy đảng,
chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của thành phố cần quan tâm nâng cao mức hưởng
thụ văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Khuyến khích đẩy mạnh hoạt động xã hội
hóa và đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa vùng đồng bảo dân tộc Khmer;
tu bổ, bảo tồn và phát huy các công trình di tích lịch sử, văn hóa, các giá trị
văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào gắn với phát triển du lịch. Tôn trọng
và phát huy phong tục, tập quán tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bảo,
phòng, chống các tệ nạn xã hội, ấn phẩm độc hại, mê tín dị đoan và các hủ tục lạc
hậu trong vùng đồng bào dân tộc; khuyến khích việc sưu tầm, sáng tác những tác
phẩm văn học, nghệ thuật ca ngợi truyền thống đoàn kết, phản ánh cuộc sống của
đồng bào trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Củng cố, phát
triển hệ thống trường dân tộc nội trú, tiếp tục đầu tư, duy trì và nâng cao chất
lượng việc dạy và học chữ Khmer, chữ Pali trong các trường phổ thông; củng cố,
kiện toàn đội ngũ làm công tác giảng dạy, giải quyết các vướng mắc về chế độ,
chính sách cho giáo viên. Thực hiện tốt chế độ cử tuyển và phân công hợp lý cho
sinh viên cử tuyển tốt nghiệp ra trường; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ sinh
viên dân tộc có hoàn cảnh khó khăn theo học các trường đại học. Chú trọng đào tạo
đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên người dân tộc Khmer để đáp ứng yêu
cầu trước mắt và lâu dài. Nâng cao chất
lượng khám, chữa bệnh và các dịch vụ y tế; phát triển y học dân tộc kết hợp với
y học hiện đại; đẩy mạnh phát triển y tế dự phòng, thực hiện tốt chính sách bảo
hiểm y tế; tập trung đầu tư, nâng cấp các bệnh viện, trạm y tế tại vùng đồng bảo
dân tộc Khmer; phấn đấu để mỗi người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản,
nâng dần tỷ lệ người dân có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất
lượng cao. Kiện toàn đội ngũ cán bộ y tế về số lượng, chất lượng, có chính sách
hỗ trợ đối với cán bộ y tế phục vụ ở vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; các
bệnh viện cần duy trì bố trí phòng bệnh dành riêng cho các vị sư sãi Khmer;
nâng cao tinh thần y đức nghề nghiệp và thái độ phục vụ của cán bộ, nhân viên y
tế, nhất là y, bác sĩ trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Quan tâm đào tạo, phát
triển nguồn nhân lực y tế, có cơ chế đào tạo bác sĩ chuyên khoa là người dân tộc
Khmer. Ba là, các cấp
ủy đảng cần lãnh đạo thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, chính
sách dân tộc, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Lãnh đạo triển
khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương của Đảng về đại
đoàn kết dân tộc. Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo công tác dân tộc phù hợp
với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nâng cao chất
lượng hoạt động của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước các cấp, thực hiện vai trò phối
hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội vận động sư
sãi, đồng bào chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước. Phát huy tốt vai trò chùa vừa là cơ sở thờ tự, vừa là nơi tổ chức
hoạt động văn hóa, lễ hội theo phong tục, tập quán, là nơi tuyên truyền, phổ biến
các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến
các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, các mô hình điển hình trong sản xuất, kinh
doanh… Bốn là, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống
chính trị ở cơ sở Xây dựng hệ
thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bảo dân tộc Khmer vững mạnh, với phương châm
“Gần dân, hiểu dân, trọng dân và hết mực phục vụ dân" nâng cao nhận thức của
các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, nhiệm vụ công tác dân tộc trong
tình hình mới. Xem việc quán triệt và thực hiện tốt chính sách dân tộc của Đảng
là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền,
Mặt trận, đoàn thể các cấp. Thực hiện tốt
Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số
trong thời kỳ mới; có giải pháp cụ thể, hiệu quả bảo đảm tỷ lệ cán bộ dân tộc
Khmer trong cấp ủy và cơ quan dân cư các cấp; chú trọng phát hiện, quy hoạch,
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là người dân tộc Khmer, nhất là cản bộ trẻ,
cán bộ nữ có đủ năng lực, đủ đức, đủ tài, đặc biệt phải đọc, viết thông thạo Ngữ
văn Khmer và am hiểu về phong tục, tập quán của dân tộc, bảo đảm kế thừa cho cấp
ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp của mỗi nhiệm kỳ về số lượng, chất lượng;
quan tâm đào tạo sau đại học đối với các đồng chí cán bộ dân tộc Khmer được
đánh giá có triển vọng tốt. 3. Kết luận Trong
những năm qua, thành phố Cần Thơ đã kịp thời triển khai, thực hiện đồng bộ các
chủ trương, chính sách phát triển kinh tế; thực hiện tốt các chính sách xã hội,
an sinh xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội trong cộng đồng dân tộc
Khmer. Mặc dù trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ vẫn còn một số hạn chế,
nhưng những kết quả đạt được có tác động rất lớn trong việc thực hiện Chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nam Bộ nói
chung. Xuất phát từ thực tế đó, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Cần Thơ
cần tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác
vùng đồng bào Khmer trong thời gian tới. Tài liệu tham khảo 1. Ban Chấp
hành Trung ương (2018),Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về
tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. 2. Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ (2018), Công văn số
934-CV/TU ngày 06/02/2018 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở
vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. 3. Chính phủ
(2010), Nghị định số
82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ quy định việc dạy và học tiếng nói,
chữ viết của dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm
giáo dục thường xuyên. 4. Ủy ban
nhân dân thành phố Cần Thơ (2017), Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 21/6/2017 về
thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội nơi có đông đồng
bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017- 2020. 5. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (2023), Báo cáo số 213/BC-UBND ngày
18/7/2023 về sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường
công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. |