Nghiên cứu khoa học - thực tế
Phát triển mô hình kinh tế ban đêm: Nghiên cứu trường hợp thí điểm tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ


Tóm tắt: Bài viết khái quát về mô hình kinh tế ban đêm, trong đó đề cập đến khái niệm về kinh tế ban đêm, các đối tượng tham gia hoạt động kinh tế ban đêm và một số chính sách phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam. Qua nghiên cứu việc triển khai Đề án phát triển kinh tế ban đêm thí điểm tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ cho thấy bước đầu việc triển khai mô hình kinh tế ban đêm đạt được kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn tồn tại khó khăn, hạn chế. Từ đó, tác giả đề xuất một số kiến nghị góp phần phát triển mô hình kinh tế ban đêm tại thành phố Cần Thơ trong thời gian tới.

Từ khóa: Mô hình kinh tế ban đêm, chính sách phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, kinh tế ban đêm Ninh Kiều - Cần Thơ.

1. Đặt vấn đề

Thành phố Cần Thơ hội tụ đầy đủ các tiền đề để phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ). Cần Thơ có các tài nguyên sẳn có như hạ tầng thương mại dịch vụ, hạ tầng du lịch, các hoạt động kinh tế về đêm sẳn có, điều kiện tự nhiên sông nước “trên bến dưới thuyền”, cảnh quan tự nhiên, các di sản văn hoá phi vật thể,... rất thuận lợi để phát triển KTBĐ, thu hút khách du lịch. Phát triển KTBĐ trên địa bàn thành phố Cần Thơ là cơ hội tốt để tạo ra nhiều ngành nghề kinh doanh mới, nhiều việc làm cho xã hội, tạo nguồn thu ngân sách và góp phần tăng trưởng GRDP của thành phố. Việc nghiên cứu phát triển mô hình KTBĐ thí điểm tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ là việc làm cần thiết, từ đó đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả trong thời gian sắp tới.

2. Nội dung

2.1. Khái quát về mô hình kinh tế ban đêm và một số chủ trương, chính sách phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Cần Thơ

2.1.1. Kinh tế ban đêm và đối tượng tham gia hoạt động kinh tế ban đêm

Một là, khái niệm nền kinh tế ban đêm (Night-time economy) hay ý tưởng về thành phố hoạt động 24 giờ đã được hình thành từ cuối những năm 1970, đặc biệt tại khu vực châu Âu. Chuỗi sự kiện văn hoá buổi tối mùa hè tại Thủ đô Roma (Italia) vào năm 1977 là một trong những sáng kiến đầu tiên về thành phố 24 giờ [1]. Thực tế có rất nhiều khái niệm về kinh tế ban đêm (KTBĐ), nhưng phổ biến nhất là chỉ tất cả những hoạt động kinh tế, dịch vụ diễn ra sau 6h tối hôm trước cho đến 6h sáng hôm sau, bao gồm: mua sắm tại các chợ đêm, cửa hàng tiện lợi 24/24, ẩm thực, nghệ thuật, âm nhạc, các chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện, các điểm du lịch chỉ mở cửa vào ban đêm...

Hai là, các đối tượng tham gia hoạt động KTBĐ bao gồm: khách du lịch, các nhà cung ứng dịch vụ, cộng đồng dân cư địa phương, các cơ quan quản lý KTBĐ địa phương (Ủy ban nhân dân các cấp).

2.1.2. Chủ trương, chính sách của thành phố Cần Thơ trong phát triển kinh tế ban đêm

Thực hiện Đề án phát triển KTBĐ ở Việt Nam đã được Thủ tướng chính phủ Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27-7-2020, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 1401/QĐ-UBND ngày 28-4-2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều). Đề án xác định mục tiêu chung phát triển KTBĐ trên địa bàn thành phố Cần Thơ tuân thủ quy hoạch, sản phẩm dịch vụ đa dạng, hấp dẫn phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí vào ban đêm cho cư dân của thành phố, khu vực ĐBSCL và khách quốc tế; góp phần giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, phát triển thành phố trở thành trung tâm du lịch của vùng ĐBSCL. Đồng thời, Đề án xác định mục tiêu cụ thể: Một là, khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, văn hóa; cơ sở hạ tầng và dịch vụ sẵn có để phát triển các mô hình KTBĐ trên địa bàn thành phố Cần Thơ; Hai là, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp để phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm phục vụ KTBĐ; Ba là, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển KTBĐ; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và quản lý nhà nước trong phát triển KTBĐ; Bốn là, tạo công ăn việc làm, gia tăng thu nhập và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của thành phố; Năm là, tạo cơ sở để các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện theo lộ trình dự kiến như sau: (1) Từ năm 2022 đến 2024: Triển khai mô hình thí điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều (thực hiện trong 2 năm kể từ khi chọn lựa được nhà đầu tư). Kế hoạch triển khai mô hình thí điểm do Ủy ban nhân dân quận Ninh Kiều thực hiện với các nội dung thí điểm như tiếp tục duy trì và nâng chất hoạt động; đồng thời cho phép mở rộng khung thời gian hoạt động từ 6 giờ tối ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau đối với các hoạt động hiện có như phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh - Phan Bội Châu; Chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần - Nguyễn Thái Học (kinh doanh hàng may mặc, mỹ nghệ...); Chợ đêm ẩm thực Cần Thơ trên đường sông Hậu; tuyến đường chuyên kinh doanh thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Mậu Thân và ẩm thực Đề Thám; hoạt động karaoke,..; mời gọi đầu tư đối với các địa điểm có tiềm năng phát triển KTBĐ tập trung, như (i) khu vực từ Cầu đi bộ đến đường Trần Phú; (ii) khu vực đường Lê Lợi; (iii) khu vực kè rạch Khai Luông từ Cầu đi bộ đến Nhà lồng 3 của Trung tâm thương mại Cái Khế thuộc phường Cái Khế; (iv) khu vực Lê Bình thuộc phường Hưng Lợi; (v) một phần diện tích của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ,… (2) Năm 2024: Đánh giá, đúc kết kinh nghiệm thí điểm và chuẩn bị các nguồn lực phát triển KTBĐ trên toàn địa bàn thành phố, (từ 3 đến 6 tháng, sau khi kết thúc hoạt động thí điểm tại quận Ninh Kiều). (3) Năm 2025: Vận hành, nhân rộng và phát triển các mô hình KTBĐ tại các quận, huyện còn lại của thành phố Cần Thơ [5].

Bên cạnh đó, việc xây dựng Đề án nhằm đáp ứng, các yêu cầu như: (1) góp phần thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; (2) là cơ sở để xác định phương pháp tiếp cận, nguyên tắc, mục tiêu, định hướng và các tiêu chí cụ thể thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 06 giờ sáng hôm sau trên địa bàn thành phố Cần Thơ; là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện các quy hoạch các phân khu chức năng, cơ chế quản lý, quy chế hoạt động, mời gọi đầu tư hạ tầng, mô hình hoá các hoạt động dịch vụ ban đêm và các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ,... trên địa bàn thí điểm quận Ninh Kiều để đúc kết bài học kinh nghiệm, nhân rộng mô hình ở các quận huyện khác của thành phố Cần Thơ; là tiền đề để triển khai các Đề án xây dựng, hình ảnh điểm đến cho thành phố Cần Thơ, Đề án phát triển du lịch và các quy hoạch khác của thành phố và là cơ sở khoa học quan trọng cho việc xây dựng và phát triển đô thị sinh thái của thành phố Cần Thơ tầm nhìn đến 2030 theo hướng phát triển bền vững; cung cấp thông tin tham mưu cho công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Đề án đã xác định thí điểm phát triển KTBD trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ sẽ dựa trên các nhóm sản phẩm dịch vụ KTBĐ của thành phố Cần Thơ; đối với mỗi sản phẩm cụ thể, căn cứ vào điều kiện thực tế trên địa bàn để xác định  quy mô, loại hình, khung giờ hoạt động, tổ chức quản lý, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với từng hoạt động, giải quyết các phát sinh về công tác quản lý nhà nước trong thẩm quyền hoặc tham mưu, kiến nghị với các sở, ban, ngành chức năng hoặc UBND thành phố xem xét, hỗ trợ thực hiện… theo dõi, đánh giá khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

2.2. Thực trạng phát triển mô hình kinh tế ban đêm thí điểm tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ

Sau gần 02 năm triển khai thực hiện Quyết định số 1401/QĐ-UBND ngày 28-4-2022 của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều), việc phát triển mô hình KTBĐ thí điểm tại quận Ninh Kiều đạt được một số kết quả bước đầu như sau:

Một là, công tác quy hoạch các khu vực phát triển KTBĐ. Trong quá trình lập quy hoạch chung của thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ninh Kiều là 01 trong 03 quận (Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy) được rà soát đưa vào quy hoạch các khu phát triển KTBĐ của thành phố Cần Thơ gắn với quy hoạch tổng thể chung. Trong quá trình lập quy hoạch đã rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện mô hình KTBĐ thí điểm và đề xuất của địa phương về nhu cầu, thị hiếu của người dân, khách du lịch, cộng đồng dân cư trong khu vực, điều kiện tổ chức, quản lý của địa phương,... để phát triển KTBĐ.

Hai là, về thu hút đầu tư và cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm. Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 13-01-2022 của UBND thành phố Cần Thơ về việc thực hiện một số giải pháp chủ yếu phát triển mạng lưới bán buôn, bán lẻ và hạ tầng thương mại giai đoạn 2022 - 2025. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hướng dẫn nhà đầu tư (Công ty TNHH Đầu tư ZIUKA) gửi hồ sơ đề xuất dự án thực hiện triển khai các hoạt động theo Đề án phát triển KTBĐ trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều). Ngày 03-6-2023, Du thuyền nhà hàng “CanTho Princess” chính thức đưa vào vận hành tại bến Ninh Kiều, với sức chứa 350 khách, thúc đẩy sản phẩm du lịch đường sông, dịch vụ kinh tế đêm của thành phố Cần Thơ. Đối với các hoạt động mời gọi đầu tư có liên quan, đặc biệt là dự án gắn với phát triển du lịch, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị các đơn vị có liên quan đề xuất các dự án mời gọi đầu tư để rà soát, tham mưu UBND thành phố ban hành danh mục dự án mời gọi đầu tư.

Ba là, về hoạt động xúc tiến, quảng bá phát triển kinh tế ban đêm. Thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch thành phố Cần Thơ gắn với Đề án phát triển KTBĐ trên Cổng thông tin điện tử du lịch thành phố Cần Thơ; Cổng thông tin du lịch và Ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động - thành phố Cần Thơ và trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Instagram, Zalo, Youtube, Tiktok; Đưa các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu văn hóa, ẩm thực cũng như các hoạt động kinh tế, thương mại về đêm tại các khu phố như Phố đi bộ Ninh Kiều, Phố ẩm thực Hồ Búng Xáng, Phố Thời trang Nguyễn Trãi... vào trong các video clip quảng bá du lịch Cần Thơ; Pano quảng bá du lịch thành phố Cần Thơ; Xuất bản ấn phẩm du lịch, tờ gấp, ấn phẩm điện tử giới thiệu, quảng bá du lịch Cần Thơ; Tổ chức chương trình ca nhạc đường phố định kỳ tối chủ nhật hàng tuần tại khu vực chân cầu đi bộ Bến Ninh Kiều thu hút nhiều khách du lịch tham gia.

Bốn là, về công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế ban đêm. UBND quận Ninh Kiều xây dựng Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 29-8-2022 về việc triển khai thực hiện “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều)” và được UBND thành phố Cần Thơ phê duyệt tại Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày 09-9-2022. Trên cơ sở đó, UBND quận Ninh Kiều đã ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án thí điểm phát triển KTBĐ trên địa bàn quận.

Công an thành phố Cần Thơ đã ban hành các văn bản liên quan đến việc bảo đảm an ninh, trật tự đều có lồng ghép với triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển KTBĐ trên địa bàn thành phố Cần Thơ.

Công tác quản lý nhà nước trên địa bàn trong thời gian qua đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động KTBĐ; Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự phát triển KTBĐ;

Thành phố đã tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân, nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm với công tác bảo đảm an ninh, trật tự góp phần phát triển KTBĐ.

Bên cạnh đó, việc triển khai phát triển mô hình KTBĐ thí điểm tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ còn có những khó khăn, hạn chế sau: Một là, thời gian thực hiện thí điểm mô hình KTBĐ tại tuyến đường sông Hậu đã gần 02 năm nhưng chưa mời gọi được nhà đầu tư. Hai là, cấp quản lý chưa có cơ sở tham mưu cơ chế chính sách mời gọi thu hút, triển khai các dự án đầu tư phát triển KTBĐ. Ba là, nhiều hoạt động KTBĐ có thể mang lại lợi ích về kinh tế cho một nhóm chủ thể (chủ yếu là các cơ sở kinh doanh, các nhà đầu tư) nhưng cũng có thể làm ảnh hưởng đến người dân sinh sống ở khu vực lân cận (do ảnh hưởng tiếng ồn, ánh sáng, an ninh trật tự, môi trường,…); việc đa dạng các loại hình hoạt động về đêm, hoạt động xuyên đêm (thời gian hoạt động từ sau 6 giờ tối cho tới 6 giờ sáng ngày hôm sau) mang lại nhiều rủi ro, phát sinh nhiều vấn đề tiềm ẩn hoặc gia tăng các loại tội phạm xã hội gây khó khăn cho quản lý an ninh trật tự, an ninh quốc phòng. Bốn là, các hoạt động KTBĐ cũng có thể tiềm ẩn các nguy cơ về an toàn lao động, cháy nổ, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm; “Gần đây nhất địa phương ra mắt tuyến phố đêm Lê Bình nhưng do mưa bão nên hoạt động chưa tốt” [2].

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, điển hình như: Một là, thời gian thực hiện thí điểm mô hình KTBĐ tại tuyến đường sông Hậu trong 02 năm, sau khi trúng đấu giá hiệu quả mang lại cho nhà đầu tư chưa cao so với tổng mức đầu tư nên nhà đầu tư ngại đầu tư. Hai là, các quy định chính sách ưu đãi đầu tư riêng để phát triển kinh tế đêm chưa có, chủ yếu là các quy định ưu tiên phát triển các ngành lĩnh vực (vận tải công cộng tại các đô thị, đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại vùng nông thôn, đầu tư các trung tâm thể dục thể thao,…). Ba là, thời gian hoạt động từ sau 6 giờ tối cho tới 6 giờ sáng ngày hôm sau nên ảnh hưởng đến tiếng ồn, ánh sáng, an ninh trật tự, môi trường… Bốn là, địa phương hiện chờ UBND thành phố phê duyệt sẽ tiến hành khai thác, mời gọi đầu tư các địa điểm có tiềm năng phát triển kinh tế đêm như khu vực từ cầu đi bộ đến đường Trần Phú, khu vực đường Lê Lợi... cho tuyến phố Lê Bình.

2.3. Một số kiến nghị góp phần phát triển mô hình kinh tế ban đêm tại thành phố Cần Thơ trong thời gian tới

Một là, các cơ quan bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu, ban hành quy định về chính sách ưu đãi đầu tư riêng để phát triển KTBĐ, làm cơ sở cho địa phương tham mưu cơ chế chính sách mời gọi thu hút, triển khai các dự án đầu tư phát triển KTBĐ.

Hai là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về hoạt động KTBĐ đối với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các cơ sở kinh doanh, các nhà đầu tư, người dân sinh sống ở khu vực phát triển KTBĐ cũng như khu vực lân cận.

Ba là, về vấn đề an ninh trật tự: Cần xây dựng các cơ chế, biện pháp quản lý chặt chẽ; đồng thời mời gọi, vận động sự tham gia của toàn xã hội thông qua các hình thức như cộng đồng tự quản, xây dựng các lực lượng chuyên trách, hợp đồng với các đơn vị chuyên nghiệp,… đối với từng hoạt động KTBĐ cụ thể, từng khung giờ hoạt động cụ thể để ngăn chặn và xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố. Đồng thời Do đó, cần có sự tham gia hỗ trợ của các lực lượng có chuyên môn nghiệp vụ (chẳng hạn như lực lượng công an trật tự, lực lượng vũ trang của quân đội,..) để xây dựng các biện pháp phòng ngừa, quản lý đồng bộ, toàn diện.

Năm là, đối với địa phương thí điểm (quận Ninh Kiều), tiếp tục thực hiện phương án khai thác khu vực công viên Sông Hậu thuộc Đề án phát triển KTBĐ trên địa bàn thành phố Cần Thơ và các mô hình phát triển KTBĐ trên địa bàn quận Ninh Kiều; Tổ chức đấu giá cho thuê quyền khai thác khu vực công viên Sông Hậu (khai thác có hiệu quả kể cả diện tích công viên, vỉa hè, lòng đường, mặt nước). Tổ chức theo dõi, kiểm tra, đánh giá, đúc kết kinh nghiệm, hoàn thiện các mô hình khai thác cụ thể, đề xuất UBND thành phố Cần Thơ hoàn thiện cơ chế, chính sách và nhân rộng, phát triển mô hình KTBĐ của thành phố.

3. Kết vấn đề

Phát triển KTBĐ là một trong những giải pháp góp phần tăng sức hấp dẫn, thu hút du khách, từ đó kéo dài được thời gian lưu trú của du khách, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và tạo sự đột phá cho sự phát triển du lịch. Việc thí điểm phát triển mô hình KTBĐ tại quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã và đang có những kết quả tích cực bước đầu. Cần Thơ có những định hướng, kế hoạch trọng tâm cho các hoạt động KTBĐ gắn với du lịch. Với kết quả bước đầu thí điểm này, kỳ vọng mô hình KTBĐ thí điểm tại quận Ninh Kiều sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các địa phương khác trong toàn thành phố.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bianchini, (1995), Night Cultures, Night Economies. Planning Practice & Research, 10(2), 121-126.

2. Vân Hi (2023), Thiếu sự khác biệt, kinh tế đêm ở Cần Thơ chưa đủ ấn tượng với du khách, [tại trang https://laodong.vn/kinh-doanh/thieu-su-khac-biet-kinh-te-dem-o-can-tho-chua-du-an-tuong-voi-du-khach-1220289.ldo, truy cập ngày 30/10/2023].

3. Thủ tướng Chính phủ (2020): Quyết định số 1129-TTg ngày 27-7-2020, phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

4. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (2022): Quyết định số 1401/QĐ-UBND ngày 28-4-2022 của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ việc phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều).

5. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ và Công ty TNHH Công nghệ NHONHO (2021), Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận N