Nghiên cứu khoa học - thực tế
Phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn quận Bình Thủy - Thực trạng và giải pháp


Tóm tắt: Định hướng tiếp tục phát triển kinh tế tập thể là chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở lý luận chung về phát triển kinh tế tập thể, bài viết tập trung phân tích thực trạng phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn quận Bình Thủy. Qua đó, đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn quận Bình Thủy trong thời gian tới.

1. Đặt vấn đề

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) của Đảng đã khẳng định: ”Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”[1, tr.73]. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
yêu cầu:”Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực”[2, tr.56]. Trong thời gian qua, phát triển kinh tế tập thể luôn là vấn đề được quan tâm nhằm tạo bước đột phá mới về phát triển kinh tế trên địa bàn,
góp phần xây dựng và phát triển khu vực kinh tế tập thể hướng tới mục tiêu đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của quận  Bình Thủy. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã chưa thực sự năng động, hiệu quả, mang tính bền vững, chưa mang lại kết quả đáng kể trong phát triển kinh tế tại địa phương. Vì vậy, để góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quận Bình Thủy cần chú trọng phát huy vai trò của kinh tế tập thể trong các lĩnh vực kinh tế.

2. Nội dung

2.1. Cơ sở lý luận chung về phát triển kinh tế tập thể

 Nhận thức tầm quan trọng của phát triển thành phần kinh tế tập thể (KTTT) trong quá trình phát triển kinh tế, trên tinh thần thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 19/8/2020 về “phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2021” và Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 19/8/2020 về “phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021-2025”; triển khai thực hiện Kế hoạch 140/KH-UBND ngày 19/9/2019, của UBND thành phố về “phát triển kinh tế tập thể năm 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ”; Báo cáo định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2030; Báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác triển khai thi hành Luật hợp tác xã (HTX) 2012; Góp ý Dự thảo Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; Góp ý dự thảo Nghị quyết của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị. Nghị quyết số 20 -NQ/TW Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung Ương Đảng Khóa XIII ‘Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới’ nhằm hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 30/6/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Đề án Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố; Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 25/5/2015 của UBND thành phố về hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Quận Bình Thủy đã ban hành kế hoạch cụ thể theo từng năm để tạo điều kiện phát huy vai trò của kinh tế tập thể ngày càng trở thành chủ lực trong việc liên kết tổ chức sản xuất, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận.

2.2. Thực trạng phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn quận Bình Thủy

Quận Bình Thủy gồm 8 đơn vị hành chính với diện tích tự nhiên 7068,25 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm gần 55% tổng diện tích và tập trung ở 3 phường: Long Tuyền, Long Hòa và Thới An Đông [5].

Năm 2021, trên địa bàn quận Bình Thủy hiện có 35 hợp tác xã, 01 chi nhánh HTX, 02 địa điểm kinh doanh HTX. Tổng số thành viên của HTX hiện nay là 155 thành viên, ổn định so với năm 2020. Số thành viên của tổ hợp tác (THT) là 442 thành viên, giảm 24 thành viên so với năm 2020. Thời gian qua, các cấp, các ngành của quận đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế tập thể và đạt được một số kết quả nổi bật cụ thể sau:

Thứ nhất, đối với công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể: Thường xuyên quan tâm thực hiện việc phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về hợp tác xã, các kế hoạch, chương trình, chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với hợp tác xã. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng và phát triển HTX, THT; thường xuyên rà soát tình hình hoạt động, khó khăn của các HTX, THT trong tình hình dịch bệnh Covid-19 nhằm kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong phạm vi và thẩm quyền, giúp HTX phát triển ổn định, vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Thứ hai, đối với hoạt động hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và công nghệ, cây, con giống: phối hợp với các Viện, Trường thực hiện các Dự án khoa học công nghệ nhằm chuyển giao kỹ thuật trong sản xuất đến các HTX, THT trên địa bàn, đến nay đã thông qua 02 đề xuất dự án KHCN cấp quận. Thường  xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trên lúa, rau màu, cây ăn trái, thủy sản, chăn nuôi; phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố thực hiện đề án chuyên canh, hợp phần nông nghiệp đô thị; triển khai kế hoạch hỗ trợ cây, con giống năm 2021 từ nguồn kinh phí được phân bổ [3,tr.3].

 Thứ ba, về chính sách hỗ trợ về vốn tín dụng: Hội nông dân quận tiếp tục duy trì hỗ trợ cho thành viên các HTX, THT được vay vốn từ các nguồn, cụ thể từ Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác 01 tỷ đồng, từ Quỹ hỗ trợ nông dân thành phố là 900 triệu đồng hỗ trợ cho vay để phát triển kinh tế tại 03 phường: Long Hòa, Long Tuyền, Thới An Đông; Quỹ hỗ trợ nông dân quận là 01 tỷ đồng hỗ trợ cho các thành viên và nông dân các HTX, THT trên địa bàn quận [3, tr.4].

Thứ tư, kết quả trong từng lĩnh vực kinh tế cụ thể: lĩnh vực nông nghiệp: có 06 HTX và 39 THT đang hoạt động, với 527 thành viên, số lượng lao động làm việc thường xuyên là 603 lao động (trong đó số lao động đồng thời là thành viên của HTX và THT là 527 người). Doanh thu bình quân của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 320 triệu đồng/năm (trong đó doanh thu đối với thành viên là 200 triệu đồng và doanh thu đối với thị trường bên ngoài thành viên là 120 triệu đồng); doanh thu bình quân của THT khoảng 300 triệu đồng/năm; lãi bình quân của các Hợp tác xã là 110 triệu đồng/năm và THT là 100 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX, THT nông nghiệp là 35 triệu đồng/lao động/năm. Lĩnh vực xây dựng: hiện nay có 01 HTX đang hoạt động, số lượng thành viên là 09 thành viên, số lượng lao động làm việc thường xuyên là 10 lao động (trong đó số lao động đồng thời là thành viên của HTX là 09 người). Doanh thu bình quân là 500 triệu đồng/năm (trong đó doanh thu đối với thành viên là 450 triệu đồng và doanh thu đối với thị trường bên ngoài thành viên là 50 triệu đồng), lãi bình quân của HTX là 200 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX xây dựng là 60 triệu đồng/lao động/năm. Lĩnh vực vận tải: có 03 HTX đang hoạt độngvới 33 thành viên, số lượng lao động làm việc thường xuyên là 29 lao động (trong đó số lao động đồng thời là thành viên của HTX là 33 người). Doanh thu bình quân 400 triệu đồng/năm (đều là doanh thu của thành viên HTX), lãi bình quân của các Hợp tác xã là 150 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động làm việc hường xuyên trong HTX vận tải là 55 triệu đồng/lao động/năm. Lĩnh vực thương mại: có 04 HTX với 28 thành viên, số lượng lao động thường xuyên là 19 lao động (trong đó số lao động đồng thời là thành viên HTX là 28 người). Doanh thu bình quân của các HTX là 300 triệu đồng/năm (đều là doanh thu của thành viên HTX), lãi bình quân của HTX là 100 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX thương mại là 35 triệu đồng/lao động/năm [4, tr.3].

Những kết quả đạt được trong thời gian qua xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan như:

Một là, Nhà nước đã có nhiều văn bản, chính sách, chủ trương chỉ đạo đối với lĩnh vực kinh tế tập thể như: Luật HTX năm 2012, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, chính sách khuyến khích phát triển hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ…

Hai là, nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ và chính quyền quận; sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo đã kịp thời triển khai các văn bản, các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX; ban hành kế hoạch hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định.

Ba là, phối hợp với Liên minh HTX thành phố, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; công tác tập huấn khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây con, giống, hỗ trợ vốn từ nguồn quỹ của Hội Nông dân được quan tâm thực hiện thường xuyên.

Bốn là, công tác tuyên truyền về kinh tế hợp tác và liên kết trong sản xuất đã được đẩy mạnh, bước đầu làm thay đổi nhận thức của cán bộ, người dân về tầm quan trọng và vai trò của kinh tế hợp tác trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, cần phải kể đến sự hỗ trợ của một số ngân hàng, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ vốn, cung ứng vật tư đầu vào khấu trừ cuối vụ không tính lãi, giá cả hợp lý, chất lượng cho nông dân và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Qua đó đã phát huy được sức mạnh từ sự liên kết chặt chẽ “bốn nhà” trong quá trình triển khai thực hiện các mô hình HTX nông nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực tiễn phát triển KTTT trên địa bàn quận Bình Thủy vẫn còn tồn tại những hạn chế sau:

Một là, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn tồn tại hạn chế trong liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa mang lại hiệu quả cao. Các HTX chưa mạnh dạn chủ động liên kết sản xuất, tiêu thụ, việc tổ chức sản xuất chưa theo kế hoạch, còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún.

Hai là, lĩnh vực xây dựng: trong thời gian thực hiện giãn cách hầu hết các công trình của HTX đều tạm ngưng hoạt động, về hoạt động  kinh doanh vật liệu xây dựng cũng ảnh hưởng, không tiêu thụ được.

Ba là, lĩnh vực vận tải: tình hình hoạt động của các HTX vận tải vẫn thực hiện được, tuy nhiên các hợp đồng vận chuyển giảm nhiều do chỉ vận chuyển các sản phẩm hàng hóa thiết yếu, còn vận chuyển các sản phẩm khác phải tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của ngành; ngoài ra các hoạt động dịch vụ khác của HTX như bảo trì, sửa chữa, kinh doanh phụ tùng…hầu như không thực hiện được.

Bốn là, lĩnh vực thương mại dịch vụ: chịu ảnh hưởng do tình hình giãn cách xã hội, sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều giảm.

 Nguyên nhân hạn chế chủ yếu là do: việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được quan tâm hỗ trợ thực hiện, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa cao; các HTX, THT chưa mạnh dạn chủ động tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ, việc tổ chức sản xuất chưa theo kế hoạch, còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún, đội ngũ quản lý và lực lượng lao động tại các HTX, THT là những người đã lớn tuổi, năng lực, trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu ứng dụng trong chuyển đổi số, đội ngũ trẻ kế thừa còn thiếu. Số HTX làm ăn có hiệu quả chiếm tỷ lệ còn hạn chế, tốc độ tăng trưởng thấp, không có tích lũy, thực hiện chế độ kế toán và thông tin báo cáo tài chính theo quy định chưa kịp thời. Nguồn lực của địa phương hỗ trợ cho kinh tế tập thể, HTX tuy được quan tâm thực hiện, nhưng vẫn còn khó khăn, trong khi nhu cầu hỗ trợ của các HTX tương đối lớn.

2.3. Giải pháp phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn Quận Bình Thủy trong thời gian tới

Thứ nhất,  tiếp tục quán triệt và tuyên truyền sâu rộng theo nội dung Luật Hợp tác xã và các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể. Qua đó, nhằm thống nhất nhận thức trong toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước, nhân dân về bản chất hợp tác xã và các quy định, chương trình, chính sách hỗ trợ có liên quan.

Thứ hai, cần thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế tập thể với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của quận, nhằm thu hút các nguồn lực phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, liên kết.

Thứ ba, tăng cường rà soát, lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng các HTX  hoạt động hiệu quả để phát triển thành các HTX kiểu mới điển hình theo Quyết định 167QĐ-TTg ngày 03 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình Hợp tác xã kiểu mới hiệu quả giai đoạn 2021-2025.

Thứ  tư, tiếp tục phối hợp Liên minh HTX và Chi cục Phát triển nông thôn thành phố tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về kinh tế tập thể cho cán bộ quản lý và thành viên HTX; tổ chức học tập các mô hình hoạt động có hiệu quả trong và ngoài thành phố để tham khảo, vận dụng thực hiện.

Thứ năm, cần tích cực hỗ trợ HTX tham gia hội chợ triển lãm, tìm kiếm thị trường, quảng bá thương hiệu và xây dựng các gian hàng gới thiệu sản phẩm nông sản của địa phương.

Thứ sáu, huy động các nguồn lực xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể. Tăng cường mối liên kết 4 nhà; phối hợp liên kết giải quyết đầu vào, đầu ra cho sản phẩm của hợp tác xã, tổ hợp tác.

3. Kết luận

Như vậy, để xứng tầm với vị trí, vai trò là hợp phần của khu đô thị trung tâm của thành phố Cần Thơ. Quận Bình Thủy cần chú trọng thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho sự phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là chú trọng phát triển kinh tế tập thể để góp phần cho sự phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế. Phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn 2045 phải phù hợp với đường lối, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, khắc phục các "điểm nghẽn" đang kìm hãm sự phát triển trong bối cảnh và điều kiện mới.

 

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Tập 1), NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

3.Ủy ban nhân dân quận Bình Thủy, Báo cáo số 100/BC-UBND
“Tình hình phát triển kinh tập thể, hợp tác xã trên địa bàn quận Bình Thủy 06 tháng đầu năm 2021”, ngày 18 tháng 6 năm 2021.

4. Ủy ban nhân dân quận Bình Thủy, Kế hoạch số 116/KH-UBND “Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể năm 2022”, ngày 23 tháng 8 năm 2021.

5. https://baocantho.com.vn/binh-thuy-tim-huong-dot-pha-phat-trien-kinh-te-a23104.html

 

ThS Lê Ph