Nghiên cứu khoa học - thực tế
Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở thành phố Cần Thơ


Tóm tắt

Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, chiếm vị trí quan trọng cả về kinh tế - xã hội lẫn về quốc phòng, an ninh; là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long về dịch vụ, thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, văn hóa, thể thao, du lịch; đồng thời là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng, liên vùng và liên vận quốc tế. Trong những năm qua, Cần Thơ đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và định hướng phát triển chung của cả nước phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mặc dù cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng khoa học và công nghệ được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với nhu cầu phát triển, đặc biệt là với định hướng trở thành trung tâm vùng về khoa học và công nghệ. Bài viết tập trung nghiên cứu lý luận về phát triển khoa học và công nghệ, trên cơ sở đó, đi sâu phân tích những thành tựu, hạn chế và đưa ra những kiến giải để góp phần phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở thành phố Cần Thơ đạt hiệu quả trong thời gian tới.

1. Đặt vấn đề

Cần Thơ có vị trí địa lý trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long (vùng ĐBSCL), giữ vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh, là động lực phát triển của Vùng. Trong những năm qua, công tác phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH & CN) của Cần Thơ luôn được quan tâm. KH & CN đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) và hội nhập quốc tế (HNQT) của Thành phố. Khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển tương đối đồng bộ, cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương. Hiệu quả hoạt động KH & CN từng bước được nâng lên, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KH & CN. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cho hoạt động KH & CN chưa thật sự tạo điều kiện phát huy cao hiệu quả hoạt động KH & CN. Chưa thực hiện hợp tác toàn diện với các cơ quan KH & CN Trung ương đóng trên địa bàn thành phố để khai thác có hiệu quả các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất cũng như các kết quả nghiên cứu KH & CN [7, tr.12].

 Để hiểu sâu sắc hơn về vấn đề trên thì cần đi sâu nghiên cứu, phân tích từ cơ sở lý luận về phát triển KH & CN đến thực trạng phát triển KH & CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và HNQT ở thành phố Cần Thơ trong thời gian qua. Đồng thời, để góp phần phát triển Thành phố thành hạt nhân và tác động lan tỏa về kinh tế ­- văn hóa - xã hội đối với vùng ĐBSCL theo chủ trương của Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như quán triệt, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì nhiều giải pháp về phát triển KH & CN cần được đề xuất và quan tâm thực hiện đồng bộ.

2. Cở sở lý luận

2.1. Khái niệm và vai trò của khoa học và công nghệ

Bước sang thế kỷ XXI, cùng với giáo dục và đào tạo, KH & CN ngày càng được nhân loại đặc biệt xem trọng. KH & CN được đánh giá là thành tố cơ bản của một nền văn hóa, có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển của một cộng đồng xã hội. Theo Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, khái niệm khoa học là “hệ thống tri thức tích lũy trong quá trình lịch sử và được thực tiễn chứng minh, phản ảnh những quy luật khách quan của thế giới bên ngoài cũng như hoạt động tinh thần của con người, giúp con người có khả năng cải tạo thế giới hiện thực”[4, tr.503] và công nghệ là “tổng thể nói chung các phương pháp gia công, chế tạo, làm thay đổi trạng thái, tính chất, hình dáng, nguyên vật liệu hay bán thành phẩm sử dụng trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh”[4, tr.208]. Theo Điều 3 của Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 thì “khoa học là hệ thống tri thức về bản chất, quy luật tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy”“công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm”.

Trong bối cảnh thực hiện CNH, HĐH và HNQT sâu rộng hiện nay, KH & CN có vai trò chủ yếu như sau [5, tr. 159-161]:

Thứ nhất, KH & CN là lực lượng sản xuất trực tiếp của quá trình sản xuất xã hội. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn biến rất nhanh, tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu; kinh tế tri thức, công nghệ số đang thay đổi mô hình kinh doanh, dịch vụ trên toàn thế giới, KH & CN không còn là yếu tố bên ngoài mà trở thành yếu tố bên trong, thành lực lượng sản xuất trực tiếp của quá trình sản xuất xã hội. KH & CN ngày càng giữ vai trò quyết định năng suất, sản lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia.

Thứ hai, KH & CN là nền tảng, điều kiện, quốc sách hàng đầu, động lực then chốt thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước. KH & CN đã và đang làm thay đổi cơ bản sự phát triển KT – XH. KH & CN làm cho các yếu tố như tài nguyên, vốn, sức lao động ngày càng trở nên thứ yếu, KH & CN với hàm lượng tri thức khoa học, công nghệ cao ngày càng giữ vai trò quyết định, chủ yếu, trở thành nền tảng, điều kiện, quốc sách hàng đầu, động lực then chốt của sự phát triển nhanh và bền vững, nhất là phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thứ ba, KH & CN góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh HNQT sâu rộng, phát huy các giá trị văn hóa là yếu tố quan trọng để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. KH & CN không chỉ có ý nghĩa lớn lao trong lĩnh vực sản xuất vật chất mà còn góp phần làm chuyển đổi tư duy, tâm lý, phong tục, tập quán, lối sống, khác vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, những giá trị văn hóa mới thích ứng với quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, CNH, HĐH, HNQT.

2.2. Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển khoa học và công nghệ

Phát triển KH & CN đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định: “Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế”[2, tr.78].

Ngày 01 tháng 11 năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghị quyết nêu lên 5 quan điểm tương đối toàn diện chỉ đạo phát triển KH & CN của nước ta định hướng đến năm 2030:

            Một là, phát triển và ứng dụng KH & CN là quốc sách hàng đầu, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển KT - XH và bảo vệ Tổ quốc; là một nội dung cần được ưu tiên tập trung đầu tư trước một bước trong hoạt động của các ngành, các cấp. Sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ KH & CN đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển KH & CN.

Hai là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động, công tác xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển KH & CN; phương thức đầu tư, cơ chế tài chính, chính sách cán bộ, cơ chế tự chủ của các tổ chức KH & CN phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Ba là, đầu tư cho nhân lực KH & CN là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc. Đảng và Nhà nước có chính sách phát triển, phát huy và trọng dụng đội ngũ cán bộ KH & CN.

Bốn là, ưu tiên và tập trung mọi nguồn lực quốc gia cho phát triển KH & CN. Nhà nước có trách nhiệm đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng, nâng cao đồng bộ tiềm lực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng và triển khai; coi doanh nghiệp và các đơn vị dịch vụ công là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH & CN. Quan tâm đúng mức đến nghiên cứu cơ bản, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Năm là, chủ động, tích cực HNQT để cập nhật tri thức KH & CN tiên tiến của thế giới, thu hút nguồn lực và chuyên gia, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia các dự án KH & CN của Việt Nam. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh sau khi được đào tạo ở nước ngoài về nước làm việc.

Nhằm triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình. Cụ thể, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chương trình số 30-CTr/TU ngày 18/01/2013 nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ phát triển KH & CN tại địa phương; ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 01/8/2016 “Về phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ” nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng KH & CN trên địa bàn thành phố; ban hành Chương trình số 52-CTr/TU về thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định 3 khâu đột phá, trong đó khâu đột phá thứ 3 là “Tận dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.Đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; lấy doanh nghiệp làm trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ; xây dựng thành phố thông minh, tăng trưởng xanh”.

3. Thực trạng

3.1. Những thành tựu đạt được

Trong những năm qua, thành phố Cần Thơ đã thực hiện khá tốt công tác phát triển KH & CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và HNQT, cụ thể như sau [7, tr.4-9]:

Thứ nhất, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH & CN có sự chuyển dịch cơ cấu nghiên cứu khoa học từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH sản xuất. Tính đến năm 2020, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 30,6% so với tổng giá trị sản phẩm. Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của thành phố giai đoạn 2014 - 2021 đạt 13,02%.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ KH & CN có trình độ cao ngày càng tăng; tổ chức KH & CN phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến năm 2021, thành phố có 68 tổ chức có hoạt động KH & CN với số nhân lực hoạt động KH & CN là 6.405 người; số lượng cán bộ KH & CN nghiên cứu và phát triển vượt mức 11 người trên một vạn dân.

Thứ ba, quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực, khuyến khích cán bộ KH & CN phát huy trí tuệ, sáng tạo, ứng dụng hiệu quả công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, tham mưu, đề xuất thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển KH & CN phù hợp với tình hình KT - XH của Thành phố; khen thưởng, tôn vinh các nhà khoa học, trí thức có những công trình nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, sáng kiến nổi bật, hiệu quả.

Thứ tư, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được triển khai theo hướng nâng cao tính ứng dụng và hiệu quả KT - XH, lấy doanh nghiệp làm trung tâm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; ưu tiên nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ y sinh học, công nghệ chế tạo máy. Giai đoạn 2012 - 2021, thành phố đã triển khai mới 103 nhiệm vụ KH & CN cấp thành phố. Kết quả của các nhiệm vụ KH & CN đóng góp tích cực cho việc hoạch định chính sách quan trọng, góp phần phát triển KT - XH và đảm bảo quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Thứ năm, công tác đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật KH & CN được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ; phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thành phố về lĩnh vực KH & CN, y tế, giáo dục và đào tạo, xây dựng; thúc đẩy liên kết và hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi thủy sản theo hướng tập trung, quy mô lớn, thuận lợi cho ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học - kỹ thuật.

Thứ sáu, thông qua việc tổ chức và tham gia các hoạt động triển lãm, kết nối cung cầu công nghệ tại các tỉnh, thành trong nước, các sản phẩm KH & CN của Thành phố được giới thiệu rộng rãi đến doanh nghiệp, người dân, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được triển khai và mở rộng, tạo lập môi trường để phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố và cả nước, từ đó thúc đẩy thị trường KH & CN phát triển.

Thứ bảy, hoạt động liên kết, hợp tác về KH & CN giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các địa phương trong cả nước; giữa các viện, trường, các tổ chức KH & CN trong và ngoài nước có sự chuyển biến tích cực. Tổ chức thành công nhiều sự kiện KH & CN quốc tế, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học, khai thông các kênh hợp tác, giới thiệu kinh nghiệm và mô hình phát triển KH & CN của các nước, xúc tiến các hoạt động HTQT; qua đó xây dựng các mối quan hệ hợp tác và thu hút các dự án tài trợ.

3.2. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, việc thực hiện công tác phát triển KH & CN của Thành phố vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau:

Một là, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị cho hoạt động KH & CN còn thiếu và chưa đồng bộ; máy móc, trang thiết bị của các đơn vị sự nghiệp KH & CN còn nghèo nàn và lạc hậu, chưa được đầu tư kịp thời. Năng lực chuyên sâu của các đơn vị sự nghiệp KH & CN còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thực hiện vai trò đầu mối trung tâm KH & CN của Vùng.

Hai là, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong đổi mới công nghệ, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa đủ mạnh để thu hút các nguồn vốn của xã hội đầu tư cho KH & CN.

Ba là, chưa phát huy hết tiềm lực KH & CN hiện có, đặc biệt là tập hợp và kết nối đội ngũ trí thức KH & CN, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện xã hội.

Bốn là, hoạt động chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn  còn nhiều bất cập; việc khai thác, áp dụng sáng chế để thương mại hóa còn hạn chế. Liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với viện, trường và cơ quan quản lý nhà nước trong đổi mới, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ còn nhiều hạn chế.

Năm là, mặc dù đội ngũ cán bộ KH & CN có trình độ cao ngày càng phát triển, nhưng vẫn còn thiếu cán bộ tâm huyết và tận tụy. Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ KH & CN chưa tương xứng, nên chưa thu hút và giữ chân được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các tổ chức KH & CN công lập, ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác các trang thiết bị được đầu tư.

4. Một số giải pháp

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, một số giải pháp cần được quan tâm thực hiện như sau:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ngành, các cấp, tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của KH & CN  đối với sự phát triển KT - XH của Thành phố, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân.

Thứ hai, thúc đẩy đổi mới tư duy từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc, gia công, lắp ráp sang chủ động sáng tạo, vươn lên làm chủ công nghệ; chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế số, dựa trên nền tảng tri thức.

Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH & CN và đổi mới sáng tạo đồng bộ với pháp luật khác có liên quan. Tập trung vào các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; các chính sách phát triển thị trường KH & CN, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Thứ tư, quan tâm đầu tư hạ tầng KH & CN, đổi mới trang thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại cho các phòng nghiên cứu, thí nghiệm tại các viện, trường, trung tâm, đơn vị sự nghiệp KH & CN; phát triển hệ thống thông tin, trang thiết bị thông tin hiện đại, mở rộng mạng lưới thông tin phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ươm tạo công nghệ; thúc đẩy chuyển đổi số.

Thứ năm, tăng cường phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học và các viện, trường, doanh nghiệp; vận hành và khai thác cơ sở vật chất, trang biết bị kỹ thuật đã được đầu tư cho các đơn vị. Phát huy trí tuệ của lực lượng cán bộ KH & CN chất lượng cao của các viện, trường.

Thứ sáu, tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KH & CN; tạo điều kiện để cán bộ KH & CN phát triển tài năng và hưởng lợi ích thỏa đáng với giá trị lao động sáng tạo; hỗ trợ cho cán bộ KH & CN tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tham dự các hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế có liên quan đến các vấn đề đặt ra cho Thành phố.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế về KH & CN với các quốc gia có trình độ KH & CN cao; nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ phù hợp để chuyển giao ứng dụng trong các lĩnh vực như: xây dựng đô thị; phát triển nông thôn; chế biến, bảo quản sau thu hoạch nông, thủy sản phục vụ  thị trường nội địa và xuất khẩu; công nghệ cơ khí, tự động hóa, vật liệu mới; công nghệ thông tin; công nghệ sinh học; y tế kỹ thuật cao; ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

5. Kết vấn đề

Cần Thơ giữ vai trò là động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Việc phát triển KH & CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH và HNQT ở thành phố Cần Thơ không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các tỉnh trong Vùng mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của cả nước. Trong những năm qua, công tác phát triển KH & CN của Thành phố đạt được nhiều kết quả đáng được ghi nhận; tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, cần có những giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, như: (1) tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; (2) thúc đẩy đổi mới tư duy; (3) hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH & CN; (4) quan tâm đầu tư hạ tầng KH & CN; (5) tăng cường phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học và các viện, trường, doanh nghiệp; (6) tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ KH & CN; và (7) tăng cường hợp tác quốc tế về KH & CN.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng bộ thành phố Cần Thơ (2020), Văn kiện Đại bội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII – Tập II, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Hoàng Phê (2004), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng và Trung tâm Từ điển học.

5. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2022), Giáo trình Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước