Nghiên cứu khoa học - thực tế
Phát huy vai trò của cán bộ, công chức cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương


Tóm tắt: Trong phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở đòi hỏi phải huy động được các nguồn lực cần thiết và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này. Tuy nhiên, để chuyển tải giá trị của các nguồn lực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở theo chủ trương, đường lối, mục tiêu đã đề ra thì phụ thuộc phần lớn vào năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Do vậy, bài viết xuất phát từ những yêu cầu của thực tiễn đối với chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở thành phố Cần Thơ hiện nay cũng như hiện trạng chất lượng của đội ngũ này để từ đó đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Từ khóa: cán bộ, công chức cấp xã, vai trò

Đặt vấn đề

Thực tiễn phát triển của thành phố Cần Thơ nói chung và ở từng địa phương cấp cơ sở nói riêng, mặc dù, đã đạt nhiều thành tựu và tạo diện mạo mới trong đời sống đô thị cũng như nông thôn nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Trong khi đó nhiều thách thức mới về kinh tế (nhất là sau khi dịch Covid -19 xảy ra), xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu đang dần trở thành những “vòng xoáy” làm suy giảm tốc độ phát triển thì đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở vẫn chưa phát huy hết được vai trò của mình để cùng Nhân dân địa phương vượt qua những thách thức này. Đặc biệt, trong điều kiện toàn hệ thống chính trị đang thúc đẩy mạnh mẽ các giải pháp để hiện thực hóa các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển đã được đề ra tại Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 thì không một cán bộ, công chức nào có thể đứng ngoài cuộc. Do vậy, nâng cao năng lực thực thi công vụ và phát huy vai trò của cán bộ công chức cấp cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương là yêu cầu, là giải pháp cấp thiết cần triển khai quyết liệt.

1. Yêu cầu từ thực tiễn đối với chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã ở thành phố Cần Thơ hiện nay

Chính quyền cấp cơ sở đóng vai trò quan trọng trong tổ chức triển khai và đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước vào thực tiễn đời sống xã hội, là cấp chính quyền gần dân nhất nên hiệu quả hoạt động, năng lực phục vụ của chính quyền cấp cơ sở có tác động sâu sắc đến tình cảm, niềm tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Do vậy, đội ngũ cán bộ, công chức cấp là lực lượng cần được quan tâm phát triển cả về số lượng và chất lượng tương xứng với yêu cầu tình thực tiễn phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Tại thành phố Cần Thơ, những năm qua, chính quyền cấp cơ sở không ngừng được đổi mới trong cung cách, lề lối làm việc và phục vụ Nhân dân. Các nhiệm vụ phát triển cơ sở về mọi mặt từ kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh trật tự đến chăm lo an sinh xã hội đã được chính quyền cấp cơ sở quan tâm thực hiện. Cho đến nay, toàn thành phố đã có 36/36 xã nông thôn mới và phấn đấu đến cuối năm 2024 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 10 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 31/47 phường, thị trấn đăng ký đạt chuẩn văn minh đô thị giai đoạn 2021 – 2025 (trong đó các phường trên địa bàn quận Ninh Kiều, quận Cái Răng, quận Ô Môn đều đã đạt chuẩn văn minh đô thị). Đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,21% (tương đương 764 hộ) [3] do chính quyền cấp cơ sở đã có những biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc để người dân có thể tiếp cận với nguồn tín dụng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất phi nông nghiệp, giới thiệu việc làm cũng như phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương... Điều này đã phản ánh sự nỗ lực, quyết liệt trong hành động của các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền cấp cơ sở đã luôn bám sát thực tiễn đời sống, quan tâm chăm lo và bằng nhiều cách thức khác nhau để huy động nguồn lực để giúp người dân cải thiện cuộc sống.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp sở cả về số lượngchất lượng để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở nhằm phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương không chỉ là yêu cầu mà còn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở đã luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố nên có sự phát triển nhất định:

Về số lượng, đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở của thành phố có 1.697 người, trong đó có 866 cán bộ và 831 công chức, nữ chiếm tỷ lệ 35,68% (tương đương 598 người. Về độ tuổi: dưới 30 tuổi chiếm 5,44%, từ 31 đến 40 tuổi chiếm 47,07%, từ 41 đến 50 tuổi chiếm 32,75% và trên 50 tuổi chiếm 14,74%.

Về chuyên môn: 1.572 người có trình độ đại học và trên đại học (chiếm 88,71%) trong đó số lượng CBCC có trình độ đại học trở lên tăng 466 người (tương đương 29,6%) so với nhiệm kỳ 2016-2021.

Về chính trị: 211 người có trình độ cử nhân và cao cấp lý luận chính trị (chiếm 11,9%), 1.240 người có trình độ trung cấp lý luận chính trị (chiếm 69,97%); số lượng CBCC được đào tạo, bồi dưỡng trình độ từ sơ cấp chính trị trở lên tăng 588 người (tương đương 35,3%) so với nhiệm kỳ 2016-2021. [4]

Qua những số liệu đã được tổng hợp nêu trên cho thấy:

Tỷ lệ cán bộ, công chức nữ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số cán bộ, công chức cấp cơ sở.

Tỷ lệ cán bộ, công chức trẻ dưới 30 tuổi rất khiêm tốn, nếu không có sự bổ sung kịp thời có thể gây ra tình huống hụt hẫng cán bộ, công chức thay thế khi có những biến động nhân sự.

Trình độ cán bộ, công chức cấp cơ sở đã được quan tâm, chú trọng hơn với tỷ lệ 88,71%  có trình độ đại học trở lên. Đây thực sự là điều kiện nhân lực tốt cho quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, vẫn có một thực tế cần nhìn nhận rõ để có những biện pháp khắc phục như:

Việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế của chính quyền cấp cơ sở ở một số nơi chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ kinh tế có tăng nhưng chậm, chưa tạo sự bứt phá, tạo đà cho phát triển, số thu ngân sách còn ít.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp cơ sở ở một số nơi chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, công tác cải cách hành chính một số mặt chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa đảm bảo đầy đủ. [6]

Năng lực chuyên môn, kỹ năng công vụ, thái độ phục vụ Nhân dân ở một số cán bộ, công chức cấp cơ sở còn có những hạn chế nhất định, bằng cấp và năng lực công vụ chưa tương xứng với nhau.

Đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng việc thoát nghèo bền vững còn gặp nhiều thách thức vì chỉ cần xảy ra một biến cố trong cuộc sống thì khả năng tái nghèo rất cao…

Mặt khác, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đang được đẩy mạnh trong toàn hệ thống chính trị, yêu cầu ngày càng cao của người dân về dân chủ cơ sở, về sự thuận tiện, nhanh gọn trong thực hiện các thủ tục, chế độ, chính sách… đòi hỏi phải chất lượng, năng lực công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và của cán bộ, công chức cấp cơ sở nói riêng cũng phải được nâng cao hơn nữa để đáp ứng những yêu cầu này.

Một số những thách thức từ thực tiễn đời sống xã hội cũng đặt ra nhiều vấn đề cần đến năng lực giải quyết, đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở như tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động nông thôn có chiều hướng gia tăng do tỷ lệ đã qua đào tạo thấp, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp còn hạn chế, tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi lao động di cư đến các tỉnh, thành đông Nam bộ để mưu sinh nên việc nuôi dưỡng, giáo dục con cái, chăm sóc gia đình bị hạn chế; những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của người dân ở một số địa phương…

2. Một số giải pháp đề xuất

Trên cơ sở những vấn đề từ thực tiễn phát triển cũng như thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của thành phố thời gian qua, cho thấy, muốn phát huy tốt vai trò của đội ngũ này trong phát triển kinh tế - xã hội ở cấp cơ sở cần thiết thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về tinh thần trách nhiệm đối với công việc và phục vụ Nhân dân, khơi dậy tinh thần cống hiến, phục vụ lợi ích chung của mỗi cán bộ, công chức cấp cơ sở. Trong đó, sự tiên phong, gương mẫu về phong cách làm việc khoa học, dân chủ, về tinh thần phục vụ Nhân dân của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương có ý nghĩa quan trọng để tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương.

Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt các giải pháp, nhiệm vụ đã được chỉ rõ tại Đề án số 03-ĐA/UBND ngày 05/4/2024 của Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2024 – 2030”. Trong đó, cần chú trọng thực hiện thực chất giải pháp “Đổi mới nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tuyển chọn, đề bạt, giới thiệu nhân sự giữ các chức danh chủ chốt, cán bộ đoàn thể cấp xã” và “Đổi mới nâng cao chất lượng công tác phân công, giao việc, theo dõi, đánh giá kết quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã” vì đây là những giải pháp có vai trò quyết định về kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển địa phương. Đồng thời, để đảm bảo sự năng động, sáng tạo, không ngừng học tập, phấn đấu của cán bộ, công chức cấp xã cũng rất cần thực hiện hiệu quả giải pháp “Thí điểm mô hình tổ chức kiểm tra, sát hạch định kỳ về năng lực, hiệu quả thực thi công vụ của cán bộ, công chức cấp xã” theo hướng sát với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ, về năng lực công vụ của mỗi chức vụ, chức danh cán bộ, công chức trên các mặt công tác.

Thứ ba, trên cơ sở nhu cầu và yêu cầu từ thực trạng năng lực công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở ở từng địa phương quận, huyện thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của địa phương và Trường Chính trị để thống nhất nội dung, cách thức triển khai các nhiệm vụ đã được giao cho từng cơ quan, đơn vị tại Đề án số 03/ĐA-UBND và Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 12/6/2024 của Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ về việc triển khai Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban Nhân dân thành phố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2024 – 2030.

Thứ tư, mỗi cán bộ, công chức cấp xã cần phát huy hơn nữa năng lực nắm bắt thực tiễn, năng lực xử lý tình huống, năng lực tổ chức công việc và xử lý công việc chuyên môn để tự tin hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thông qua việc nghiêm túc học tập khi được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Thứ năm, Trường Chính trị thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nói chung và cán bộ, công chức cấp xã nói riêng theo phân cấp của cơ quan có thẩm quyền, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh năng lực nghiên cứu tổng kết thực tiễn để gắn lý luận với thực tiễn trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm giúp cán bộ, công chức có thêm những kiến thức, kỹ năng công vụ cần thiết cho công tác được giao.

Kết luận

Đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở là cầu nối quan trọng giữa Nhân dân và chính quyền cấp cơ sở, là lực lượng nòng cốt để đưa chủ trương, chính sách vào thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, với những yêu cầu bức thiết đặt ra từ thực tiễn đời sống xã hội ở cơ sở đòi hỏi cần nâng cao hơn nữa năng lực công vụ, phẩm chất đạo đức, tinh thần phục vụ tận tụy, trách nhiệm với Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở. Để làm được điều này, cần thực hiện hiệu quả, đồng bộ những giải pháp, nhiệm vụ phù hợp, khoa học và nhất là triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung Đề án số 03/ĐA-UBND của Ủy ban Nhân dân thành phố nhằm phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương cũng như của toàn thành phố trong giai đoạn hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Trương Vương Khánh (2024), Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp xã tại Việt Nam hiện nay, tại https://chinhtrivaphattrien.vn/phat-huy-vai-tro-cua-doi-ngu-can-bo-lanh-dao-cap-xa-tai-viet-nam-hien-nay-a8629.html.

2. Nguyễn Minh Lý (2021), Tạo động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, tại https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/05/11/tao-dong-luc-lam-viec-cho-can-bo-cong-chuc-cap-xa-trong-boi-canh-cach-mang-cong-nghiep-4-0/

3. Anh Phương, Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững, tại https://baocantho.com.vn/vi-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung-a168002.html

4. Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ (2024), Đề án số 03-ĐA/UBND ngày 05/4/2024 về “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2024 – 2030”.

5. Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ (2024), Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 12/6/2024 về việc triển khai Đề án số 03/ĐA-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Ủy ban Nhân dân thành phố nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2024 – 2030.

6. Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ (2022), Báo cáo số 202/BC-UBND ngày 05/7/2022 Tổng kết, đánh giá tổ chức, hoạt động của chính quyền cấp xã trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 – 2021.

 

ThS. Nguyễn Thị Nụ - Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật


Các tin khác: