Nghiên cứu khoa học - thực tế
Những nội dung cơ bản trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam và hoạt động đối ngoại của thành phố Cần Thơ thời gian qua


Tóm tắt: Những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm, chính sách đối ngoại trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin giới thiệu một số nội dung cơ bản về đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước và một số kết quả đạt được cùng những hạn chế, khó khăn của thành phố Cần Thơ trong thực hiện hoạt động đối ngoại thời gian qua; đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.

Từ khóa: đối ngoại, thành phố Cần Thơ.

1. Đặt vấn đề

Hoạt động đối ngoại là một trong những lĩnh vực được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Thực hiện theo đường lối đối ngoại của Đảng, chính sách ngoại giao của Nhà nước; thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã đẩy mạnh thực hiện các hoạt động đối ngoại với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả trên các lĩnh vực đối ngoại kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh…góp phần thực hiện đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế cần có những giải pháp để thực hiện chất lượng hơn trong thời gian tới.

2. Nội dung

2.1. Những nội dung cơ bản trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam

 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối đối ngoại trong thời kỳ mới với những nội dung cốt lõi sau đây:

* Định hướng phát triển lĩnh vực đối ngoại giai đoạn 2021-2030: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”[1, tr.331-332].

*Quan điểm chỉ đạo: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi” [1, tr.324].

“Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”[1, tr.325].

* Về nguyên tắc đối ngoại: Nguyên tắc cơ bản, xuyên suốt, bao trùm trong đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là hòa bình, độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời, phải sáng tạo, năng động, linh hoạt trong xử lý các tình huống, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, với vị trí của Việt Nam cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với đặc điểm của từng đối tác, đối tượng. Trong xử lý tình huống, cần ba tránh: tránh bị cô lập; tránh xung đột; tránh đối đầu [2, tr.366].

Các nguyên tắc cụ thể, bao gồm: Tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình; tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi [2, tr.366-367].

*Nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại: “Giữ vững độc lập, tự chủ, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế;…; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”[1, tr.335-336].

2.2. Hoạt động đối ngoại của thành phố Cần Thơ thời gian qua

2.2.1 Một số kết quả đạt được

Các hoạt động đối ngoại của Thành ủy và ngoại giao của Thành phố được đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công tác đối ngoại trong tình hình mới.

Thành phố đã duy trì và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương trong và ngoài thành phố, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Trong năm 2022, Thành phố đã tiếp nhận và phê duyệt 06 dự án và khoản viện trợ phi dự án do các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ dành cho Việt Nam với tổng vốn viện trợ là 379.524 USD [4, tr.11].

Bên cạnh đó, Thành phố đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa, sau khi nền kinh tế đi dần vào ổn định, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021[4, tr.8]. Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng được quan tâm. Thành phố đã chủ động giới thiệu, quảng bá hình ảnh, vị thế và tiềm năng, các chính sách, dự án mời gọi đầu tư qua các hoạt động tại các chuyến xúc tiến thương mại, đầu tư nước ngoài, các hội nghị xúc tiến đầu tư, các chuyến tiếp và làm việc với đối tác nước ngoài góp phần thu hút nguồn vốn FDI. Nhiều dự án với số vốn đầu tư lớn được thực hiện trên địa bàn. Năm 2022, Thành phố đang có 84 dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài [4, tr.8].

Công tác quản lý các cá nhân, tổ chức trong hoạt động ngoại giao cũng được thực hiện chặt chẽ. Trong năm 2022, Thành phố đã tiếp và làm việc khoảng 300 đoàn với 1.200 lượt khách nước ngoài, tăng 239 đoàn với 1.069 lượt khách so năm 2021; ban hành 40 Quyết định cử, cho phép 300 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài, tăng 39 Quyết định với 297 lượt cán bộ, công chức, viên chức; có 20 hội nghị, hội thảo quốc tế diễn ra trên địa bàn thành phố, tăng 16 hội nghị, hội thảo; có 07 đoàn với 45 lượt phóng viên báo chí nước ngoài đến tác nghiệp tại thành phố, tăng 06 đoàn và 44 lượt phóng viên [3, tr. 22].

Các hoạt động ngoại giao văn hóa đã được Thành phố triển khai một cách đồng bộ, rộng khắp, lồng ghép trong các hoạt động: tổ chức thành công Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022 nhằm quảng bá, giới thiệu nghệ thuật Đờn ca tài tử - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận; tổ chức Lễ Khánh thành Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ, Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX, gửi trên 60 Điện mừng nhân dịp Quốc khánh các nước, Điện mừng Tân Đại sứ, Tổng Lãnh sự đến nhận nhiệm kỳ, chào từ biệt kết thúc nhiệm kỳ, thư cảm ơn, thư chia buồn, thư phúc đáp, điện chúc tết... đến cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài tại Cần Thơ; các tỉnh, thành phố kết nghĩa [3, tr.11-12]. Qua đó, làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác. Thành phố còn tổ chức họp mặt và gửi thiệp chúc mừng năm mới đến người nước ngoài đang học tập, sinh sống, công tác tại Cần Thơ nhằm thể hiện lòng tri ân và sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, đồng thời tuyên truyền ý nghĩa ngày Tết dân tộc và các phong tục, tập quán của Việt Nam với bạn bè quốc tế; giới thiệu về con người, nét đẹp văn hóa, lịch sử của thành phố.

Năm 2022, Thành phố Cần Thơ đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030; kế hoạch triển khai, thực hiện công tác ngoại giao văn hóa năm 2022. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với Lào, Campuchia, Ấn Độ và Hàn Quốc. Ký kết 08 bản ghi nhớ với các đối tác trên các lĩnh vực giáo dục, kinh tế - xã hội. Phối hợp tổ chức Hội nghị khu vực đồng bằng sông Cửu Long về hội nhập quốc tế và phát triển bền vững tại Cần Thơ [3, tr.22].

Một trong các hoạt động tiêu biểu trong hoạt động ngoại giao của thành phố là thực hiện “ngoại giao y tế”, Thành phố đã nhận được sự hỗ trợ về trang thiết bị và phương tiện cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 với tổng giá trị gần 500 triệu đồng từ 02 tỉnh, thành phố nước ngoài có mối quan hệ hợp tác mật thiết với Cần Thơ trong thời gian qua: thành phố Okayama (Nhật Bản) hỗ trợ 50.000 khẩu trang vải không dệt 3 lớp, trị giá 13.692 USD. Tỉnh Jeollanamdo (Hàn Quốc) hỗ trợ 10.000 tấm chắn giọt bắn, trị giá 7.304 USD [4, tr.17-18]. Thành phố cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý, hỗ trợ thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh tại Sân bay quốc tế Cần Thơ đón 2 chuyến bay từ Đài Loan đưa 305 công dân Việt Nam về nước vì lý do đặc biệt cần thiết trong phòng, chống dịch Covid-19 [4, tr.17].

Cơ chế trao đổi thông tin và giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác lãnh sự giữa Sở Ngoại vụ và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao luôn được Thành phố thực hiện nhịp nhàng, nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả. Công tác hướng dẫn, tuyên truyền và triển khai thực hiện pháp luật liên quan đến công tác lãnh sự và bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài luôn được quan tâm, lồng ghép vào các hoạt động của thành phố tổ chức. Thường xuyên phối hợp các cơ quan chức năng liên quan trong công tác chủ động nghiên cứu, trao đổi, nắm vững quy định, chủ trương của Đảng và Nhà nước về bao hộ công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài để triển khai công tác bảo hộ, hỗ trợ công dân hiệu quả khi có vụ việc xảy ra. Thời gian qua, Thành phố đã thực hiện công tác bảo hộ ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng của nước ngoài bắt giữ, xét xử.

2.2.2 Hạn chế, khó khăn

Hoạt động đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố chưa đáp ứng được với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Cơ chế, chính sách và pháp luật có liên quan đến hoạt động đối ngoại chưa được quy định đầy đủ, cụ thể như: Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị “Về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài” quy định  “không bố trí 2 lãnh đạo chủ chốt của một bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài”, tuy nhiên chưa quy định cụ thể thế nào là lãnh đạo chủ chốt của một bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Chưa có hình thức xử lý, chế tài khi cá nhân, tổ chức vi phạm trong việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; vi phạm trong hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và hoạt động tiếp nhận viện trợ của các đối tác Việt Nam; cơ chế giám sát hoạt động giải ngân nguồn tiền viện trợ.

Sự phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cũng như công tác vận động, thu hút, quản lý, sử dụng, phát triển nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, công tác thu hút, tập hợp đội ngũ trí thức người Việt Nam ở nước ngoài chưa thật sự đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả.

2.3. Một số giải pháp để hoạt động đối ngoại của thành phố đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới

Thứ nhất, khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của thành phố để thu hút đầu tư nước ngoài. Tập trung thúc đẩy xúc tiến hợp tác đầu tư, thương mại tại các thị trường đối tác chiến lược và tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Chú trọng thu hút có chọn lọc các dự án có trình độ công nghệ cao, đảm bảo môi trường sinh thái.

Thứ hai, đẩy mạnh thực hiện các hoạt động đối ngoại với nhiều hình thức phù hợp, hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác đối ngoại trong tình hình mới; duy trì và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương trong và ngoài thành phố, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực.

Thứ ba, tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại cho lãnh đạo, công chức, viên chức của thành phố. Triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động đối ngoại; tiếp tục thực hiện kiểm tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ, hiệu quả việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế, phóng viên báo chí nước ngoài, các đoàn vào, các tổ chức phi chính phủ, quản lý cán bộ, công chức, viên chức đi nước ngoài.

Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch hoạt động đối ngoại, kết nối thông tin với các cơ quan ngoại giao trên địa bàn thành phố. Tổ chức các hoạt động hướng tới việc kết nối, vận động kiều bào gốc Cần Thơ ở nước ngoài về xây dựng quê hương, đất nước.

Thứ năm, tăng cường sự phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, cũng như công tác vận động, thu hút, quản lý, sử dụng, phát triển nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ sáu, Thành phố tiếp tục có những đề xuất kiến nghị đến Trung ương trong điều chỉnh những quy định của pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại.

 

3. Kết luận

Trên cơ sở đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam; phát huy những kết quả đã đạt được của hoạt động đối ngoại trong thời gian qua, thành phố Cần Thơ thực hiện những giải pháp đồng bộ, chặt chẽ khắc phục những hạn chế, khó khăn, tăng cường và nâng cao công tác đối ngoại góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho quê hương, đất nước, sớm đưa Cần Thơ trở thành đô thị trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.  

 

Tài liệu tham khảo

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.

2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình trung cấp lý luận chính trị, Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

3. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (03/12/2022), Báo cáo số 343/BC-UBND về Kết quả thực hiện Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân thành phố về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh năm 2022 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2023.

4. Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ (05/12/2022), Báo cáo số 348/BC-UBND về công tác đối ngoại năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

 

Chu Thị Phương Ngọc - GV. Khoa Xây dựng Đảng


Các tin khác: