Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay
Tóm tắt: Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực, được đánh giá là ngày càng
tiến bộ, hiệu quả và đi vào thực chất. Tuy nhiên, hoạt động giám sát và phản
biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện còn những khó khăn và hạn chế
nhất định. Đổi mới, nâng
cao chất lượng công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, đáp ứng yêu
cầu của Đảng, đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Bài
viết tập trung làm rõ thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công
tác giám sát và phản biện xã hội để góp phần
tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Từ khóa: Mặt trận Tổ Quốc; giám sát; phản biện xã
hội. 1. Đặt vấn đề Giám
sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Việt Nam nhằm góp
phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước. Kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, tồn tại bất cập để
kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung các chính sách cho phù hợp. Giám sát,
phản biện xã hội đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam các cấp trong việc phối hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát
huy quyền làm chủ của nhân dân. Quyền giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được chính thức
ghi tại Điều 9 Hiến pháp năm 1992. Quyền phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam được quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 đến nay đã có một
số vấn đề về khó khăn, cần có giải pháp về các điều kiện bảo đảm cho hoạt động
giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 2. Nội dung 2.1 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với
việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội Để nâng cao chất
lượng công tác giám sát và phản biện xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam đã quan tâm đến việc hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện công tác
giám sát, phản biện xã hội trong toàn hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đảm
bảo thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các
cấp đã chủ động, kịp thời giám sát, phản biện từ sớm, lựa chọn đối tượng, nội
dung giám sát có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề liên quan
trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, nhất là những
vấn đề Nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Để nâng cao chất lượng giám
sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tăng cường sự huy động tham gia của các
chuyên gia, nhà khoa học, thành viên các Hội đồng tư vấn, những người có kinh
nghiệm thực tiễn, đặc biệt là phát huy vai trò của Nhân dân đối với công tác
giám sát, phản biện xã hội. Quá trình giám sát của Mặt trận đảm bảo đúng quy
trình, thực hiện nghiêm túc, có kết quả rõ rệt, kiến nghị sau giám sát ngày
càng có tính thuyết phục cao và mang tính xây dựng, kết quả giám sát, phản biện
xã hội được công khai, minh bạch trên các phương tiện thông tin, báo chí. Hàng năm, Ủy ban Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị - xã
hội trên cơ sở theo dõi những vấn đề, lĩnh vực gây bức xúc trong dư luận, cử
tri và Nhân dân kiến nghị để đề xuất một số nội dung giám sát cụ thể. Năm 2022,
công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung vào giám sát một số
vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; giám sát cán bộ, đảng viên và công
tác cán bộ theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2/2/2018 của Ban Bí thư về giám sát
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với
việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt
và cán bộ, đảng viên; Giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động
và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Giám sát việc thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025); Giám sát việc thực hiện
công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về
tham nhũng, kinh tế; giám sát việc bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư
công trình trọng điểm Quốc gia. Bên cạnh việc thực
hiện giám sát theo các chuyên đề, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng thực hiện
những hoạt động giám sát thường xuyên thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm
vụ như: Giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan Nhà nước, chính quyền
các cấp thông qua theo dõi việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh
của công dân, thực hiện tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh
của công dân, nghiên cứu, ban hành văn bản kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền
đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định; đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
các tỉnh, thành phố chủ động nắm bắt tình hình và phối hợp với cơ quan, tổ chức
có thẩm quyền ở địa phương thực hiện giám sát theo quy định, bảo vệ quyền, lợi
ích chính đáng của công dân đối với một số vụ việc cụ thể. Ban Thường trực Ủy
ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng thường xuyên tổng hợp thông tin
trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống tham nhũng, chống suy
thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, công chức, viên chức, đảng
viên, xử lý các thông tin phản ánh, kiến nghị và ban hành các công văn đề nghị
xem xét, giải quyết việc dư luận, báo chí phản ánh; Phối hợp với Viện kiểm sát
nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch phối hợp kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp
luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự năm 2022, tổ chức
đoàn kiểm tra, giám sát trực tiếp về công tác giam giữ tại một số trại giam,
trại tạm giam. Phối hợp thực hiện chương trình phối hợp giám sát đo lường sự
hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà
nước; tham gia Hội đồng tư vấn đặc xá, tham gia thẩm định hồ sơ đặc xá theo
trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định của Luật đặc xá... Ban Thường trực Ủy ban
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng chủ động, tích cực tham gia phối hợp
với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện giám sát các chuyên đề về
"Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật
Quy hoạch có hiệu lực thi hành; "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về
thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021"; "Việc
thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn
vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021"; "Việc
thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày
1/7/2016 đến ngày 1/7/2021. Thông qua việc tổng hợp, đánh giá của Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam các cấp đối với những lĩnh vực, chuyên đề thực hiện giám sát, đại
diện Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là thành viên
của Đoàn giám sát tham gia trực tiếp nhiều đoàn kiểm tra, giám sát tại các địa
phương, cơ sở, đã có nhiều kiến nghị cụ thể, xác đáng, góp phần làm sâu sắc hơn
các báo cáo chuyên đề của Quốc hội, đề ra những giải pháp, chính sách phù hợp
hơn trong thời gian tới. 2.2 Những khó khăn và hạn chế trong thực hiện hoạt động giám sát và phản biện
xã hội Thứ nhất, hạn
chế về nhận thức của các chủ thể giám sát và phản biện xã hội và chủ thể được
giám sát và phản biện xã hội; đồng thời trong hệ thống Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam, trong một số cấp ủy Đảng, chính quyền còn chưa nắm vững tính chất, mục
đích, nguyên tắc, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hoạt
động giám sát và phản biện xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc ở cấp địa phương.
Do vậy, trong quá trình tổ chức và hoạt động giám sát và phản biện còn gặp trở
ngại, khó khăn và vướng mắc. Thứ hai, cơ
chế pháp lý về giám sát và phản biện xã hội chưa được ban hành đầy đủ, chưa cụ
thể, nhiều quy định còn mang tính khung. Chưa có đầy đủ quy trình, quy tắc
thống nhất về giám sát và phản biện. Chưa có quy định đầy đủ về trách nhiệm của
các chủ thể được giám sát và phản biện và chế tài xử lý trong việc trả lời kiến
nghị sau giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, nên hoạt động giám
sát và phản biện xã hội được thực hiện chưa đúng bản chất vốn có của nó. Thứ ba, nguồn lực cán bộ chuyên trách
của Mặt trận Tổ quốc chưa đủ mạnh và chuyên nghiệp, nhất là ở cấp tỉnh, biên
chế chỉ có trên dưới 20 người, cấp huyện có 5-7 người và cấp xã chỉ có 2 chuyên
trách là Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Trình độ chuyên môn về pháp luật và các lĩnh vực kinh tế
- xã hội còn hạn chế, chưa đồng đều về chất lượng. Chưa có cơ chế, chính sách
thu hút được các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, lực
lượng báo chí và Nhân dân tham gia vào hoạt động giám sát và phản biện xã hội
của Mặt trận Tổ quốc. Thứ tư, chưa có
cơ chế pháp lý và quy định của Mặt trận Tổ quốc Trung ương về sự phối hợp giữa
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên có liên quan, về phát huy tiềm năng
trí tuệ và chất xám của các Hội đồng tư vấn của Mặt trận Tổ quốc ở mỗi cấp trong
hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Thứ năm, một
số điều kiện bảo đảm để Mặt trận
thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện là thiếu thông tin trước và trong
quá trình giám sát và phản biện xã hội, thiếu các văn bản pháp luật liên quan
đến nội dung giám sát và phản biện xã hội, nhất là những thông tin về nội dung
giám sát và phản biện xã hội, về chủ thể được giám sát và phản biện. Thứ sáu, thiếu cơ
chế tự chủ về tài chính trong tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc. Kinh
phí hoạt động hàng năm của Mặt trận Tổ quốc các cấp theo cơ chế của cơ quan
hành chính Nhà nước. Ở Trung ương do Bộ Tài chính duyệt. Ở địa phương do Hội
đồng nhân dân phân bổ và Ủy ban nhân dân cùng cấp chi cho hoạt động theo quy
định của Bộ Tài chính. Địa phương nào ngân sách nhà nước bao cấp thì rất khó
khăn và hạn hẹp về chi tiêu cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội; trong
khi công tác và hoạt động của Mặt trận được xem là rất phong phú, đa dạng. 2.3 Một số giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát và phản biện xã
hội Một là, về nhận thức và tư tưởng, tiếp tục
nâng cao nhận thức tư tưởng trong hệ thống chính trị, trong xã hội về vai trò
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác
giám sát và phản biện xã hội trong giai đoạn hiện nay với tính chất là thực
hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân
dân, góp phần tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên
truyền, quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong đoàn viên, hội viên
về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, nội dung thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và các quy định của pháp luật
về giám sát, phản biện để thống nhất về nhận thức, nâng cao vai trò, trách
nhiệm trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà
nước, trách nhiệm lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp thực hiện đồng bộ
công tác giám sát và phản biện xã hội từ Trung ương đến cơ sở. Hai là, đối với
cấp ủy các cấp, cần tiếp tục quan tâm, tập trung chỉ đạo, định hướng công tác
giám sát, phản biện xã hội phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; tăng
cường trách nhiệm trong việc cho ý kiến vào kế hoạch giám sát, phản biện hàng năm
và báo cáo kết quả giám sát, phản biện hàng năm của Mặt trận Tổ quốc; tăng
cường chỉ đạo các cấp, các ngành ở địa phương phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện
để Mặt trận Tổ quốc thực hiện có hiệu quả các hình thức giám sát, phản biện xã
hội. Tập trung triển khai
đầy đủ, có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát
huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội
của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Ba là, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội,
chủ động, kịp thời giám sát, phản biện từ sớm, từ cơ sở, lựa chọn đối tượng,
nội dung giám sát, phản biện xã hội có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào
những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên của Đảng, Nhà nước, những
vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân
dân, nhất là những vấn đề Nhân dân bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Chú trọng
giám sát theo chuyên đề, thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cơ sở. Bốn là, về
nguồn nhân lực cán bộ chuyên trách của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp,
kiến nghị Đảng có chủ trương tăng cường số lượng cán bộ chuyên trách công tác
Mặt trận các cấp ở địa phương để bảo đảm có đủ cán bộ chuyên môn làm công tác
giám sát và phản biện xã hội. Ban
Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ chuyên trách để nâng cao kiến thức chuyên môn, khả năng nghiên cứu
phân tích, đánh giá vấn đề; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện và kỹ năng thực
hành công tác giám sát và phản biện xã hội. Hoàn thiện cơ chế và
giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, tổ
tư vấn, các vị Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cá nhân tiêu biểu,
các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; huy động sự tham gia của
Nhân dân, đoàn viên, hội viên và các phóng viên của cơ quan truyền thông và báo
chí trong các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Năm là, về kinh phí và điều kiện bảo đảm cho
hoạt động giám sát và phản biện xã hội, kiến nghị Đảng, Nhà nước về nguồn kinh
phí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp do Quốc hội quyết định trên cơ sở dự
trù hàng năm của Mặt trận Tổ quốc các cấp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam trình Quốc hội, sau đó phân bổ cho Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, trong đó
có nguồn kinh phí cho hoạt động giám sát và phản biện xã hội hàng năm. 3. Kết vấn đề Thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã từng bước
đổi mới nội dung, phương thức hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tập trung
vào những vấn đề Nhân dân quan tâm. Phát huy vai trò là tổ chức liên minh chính
trị, một thiết chế để kiểm soát quyền lực, tăng cường đoàn kết và đồng thuận
trong Nhân dân, là cơ sở chính trị của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam đang ngày càng thực hiện tốt hơn, nâng cao hơn chất lượng giám sát, phản
biện xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Chỉ thị số
18-CT/TW ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về phát huy vai trò, nâng cao chất
lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. 2. Quốc Hội: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia Sự
thật, Hà Nội, 2015. 3. Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban
hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn
thể chính trị - xã hội. ThS Ngô Hồng Phong - GVC khoa Xây dựng Đảng - Trường Chính trị TP Cần Thơ |