Nghiên cứu khoa học - thực tế
Một số đề xuất xây dựng khung đánh giá năng lực, trách nhiệm của giảng viên trường chính trị


Tóm tắt: Năng lực, trách nhiệm của cán bộ là yếu tố quan trọng trong nội dung đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, để đánh giá năng lực, trách nhiệm của cán bộ, ngoài những tiêu chí đánh giá chất lượng theo quy định thì cần phải cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn, định mức riêng đối với mỗi loại công việc cụ thể.Bài viết nêu một số đềxuất xây dựng khung đánh giá năng lực, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của giảng viên trường chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: năng lực, trách nhiệm, giảng viên, trường chính trị

1. Đặt vấn đề

Những năm gần đây, chủ đề về năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chủ chốt, của người đứng đầu được Đảng, Chính phủ đưa ra bàn luận rất nhiều và được nhấn mạnh trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Có thể nói, trong công tác cán bộ, đánh giá cán bộ là một hoạt động rất quan trọng để lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn nhiều nội dung chưa được lượng hóa, khó đánh giá. Cụ thể như trong Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có đưa ra các nội dung để đánh giá, xếp loại gồm: chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc; ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong đó, một số nội dung rất khó để lượng hóa như phẩm chất đạo đức, lối sống; tác phong, lề lối làm việc của cán bộ. Đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến những bất cập, hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ mà Đảng ta chỉ rõ: “Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến” [1].

 Để khắc phục được những bất cập, hạn chế trong đánh giá cán bộ, yêu cầu các cấp có thẩm quyền đánh giá cần tiếp tục bổ sung bộ khung đánh giá cán bộ theo hướng xác định cụ thể công việc; bảo đảm lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao làm thước đo chủ yếu để đánh giá năng lực, trách nhiệm của cán bộ. Trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy; đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; có chức năng cơ bản là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính. Theo Quy chế Giảng viên của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban hành kèm theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), giảng viên trường chính trị là viên chức chuyên môn đảm nhận việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Do đó, năng lực, trách nhiệm của giảng viên trường chính trị chủ yếu thể hiện ở năng lực, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, còn biểu hiện qua kết quả thực hiện các nhiệm vụ khác được Ban Giám hiệu và lãnh đạo khoa giao như chủ nhiệm lớp, chấm bài thi, hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp, v.v…Trong phạm vi bài viết, tác giả đề xuất một số nội dung đánh giá năng lực, trách nhiệm của giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

2. Nội dung

2.1. Đánh giá năng lực chuyên môn của giảng viên trường chính trị

Năng lực là đặc điểm của cá nhân thể hiện mức độ thông thạo - tức là có thể thực hiện một cách thành thục và chắc chắn - một hay một số dạng hoạt động nào đó. Năng lực gắn liền với những phẩm chất về trí nhớ, tính nhạy cảm, trí tuệ, tính cách của cá nhân. Năng lực có thể phát triển trên cơ sở năng khiếu (đặc điểm sinh lí của con người, trước hết là của hệ thần kinh trung ương), song không phải là bẩm sinh, mà là kết quả phát triển của xã hội và của con người (đời sống xã hội, sự giáo dục và rèn luyện, hoạt động của cá nhân). Năng lực cao đạt được những thành tựu hoàn thiện, xuất sắc, mới mẻ, có ý nghĩa xã hội, gọi là tài năng. Tài năng đặc biệt làm nên kì tích trong hoạt động sáng tạo, vượt lên trên mức bình thường được gọi là thiên tài. [3]

Như vậy có thể hiểu năng lực chuyên môn củagiảng viên trường chính trị được xác định là mức độ thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của giảng viên. Năng lực chuyên môn càng cao thì giảng viên sẽ hoàn thành tốt và xuất sắc chức trách, nhiệm vụ được giao theo từng năm. Biểu hiện cụ thể về năng lực chuyên môn như sau:

Về năng lực giảng dạy của giảng viên: được biểu hiện qua khả năng soạn giáo án, chuẩn bị nội dung và tài liệu phục vụ giảng dạy một cách công phu, khoa học; khả năng vận dụng các phương pháp giảng dạy một cách linh hoạt, chủ động và sáng tạo; năng lực quản lý lớp học, làm chủ được các phương pháp dạy học hiện đại, thiết lập được môi trường học tập tích cực trên lớp; tuân thủ đúng các quy tắc và yêu cầu đánh giá người học, biết phát triển năng lực người học thông qua hoạt động kiểm tra đánh giá. Cụ thể như:

- Số lượng giáo án bài giảng đã được Ban Giám hiệu duyệt;

- Số lượng bài giảng sử dựng các phương pháp dạy học hiện đại và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học;

- Kết quả tham gia thao giảng cấp khoa trong 5 năm liền;

- Kết quả tham gia thao giảng cấp trường trong 2 lần liên tiếp.

Để phát huy được năng lực giảng dạy, ngoài việc đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn, điều kiện về kiến thức chuyên môn, trình độ lý luận chính trị theo quy định thì giảng viên phải trải qua một quá trình rèn luyện từ thực tiễn công tác, học tập và tiếp thu kinh nghiệm để có thể thực hiện nhiệm vụ giảng dạy một cách thành thục, chắc chắn.

Về năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên: biểu hiện qua khả năng phát hiện các vấn đề cần nghiên cứu thông qua hoạt động thực tiễn; năng lực thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; năng lực viết bài tham luận hội thảo chuyên đề, bài đăng tạp chí khoa học, v.v…Cụ thể là:

- Số lượng các công trình nghiên cứu khoa học đã được công bố và kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn hoạt động đào tạo, bồi dưỡng;

- Tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học trong và ngoài Trường

- Nhận các giải thưởng về nghiên cứu khoa học

Để hoạt động nghiên cứu khoa học thực sự có chất lượng cao, giảng viên phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản như: có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực nghiên cứu; có kiến thức về phương pháp nghiên cứu khoa học; có kỹ năng xây dựng, thiết kế đề tài nghiên cứu, kỹ năng thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu và sử dụng công cụ phân tích, phê phán, lập luận và viết bài báo.

Ngoài ra, để phát huy tốt năng lực nghiên cứu khoa học, giảng viên phải có sự sáng tạo, đề xuất ý tưởng mới hay phương pháp mới; mở rộng kiến thức, phạm vi và đối tượng nghiên cứu; lựa chọn đề tài mà xã hội quan tâm và có tác động đến thực tiễn địa phương, đơn vị. Năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên càng cao thì năng suất nghiên cứu càng tăng, đồng thời kiến thức, kỹ năng, khả năng đánh giá, phân tích tài liệu của giảng viên cũng theo đó mà tăng lên.

2.2. Đánh giá trách nhiệm của giảng viên trường chính trị

Trách nhiệm là khái niệm của ý thức đạo đức và ý thức pháp quyền nói lên một đặc trưng của nhân cách trong việc thực hiện nghĩa vụ do xã hội đề ra. Nếu nghĩa vụ đặt ra cho con người vấn đề nhận thức và thực hiện những yêu cầu của xã hội, thì vấn đề trách nhiệm là ở chỗ con người hoàn thành và hoàn thành đến mức nào hoặc không hoàn thành những yêu cầu ấy. Trách nhiệm là sự tương xứng giữa hoạt động với nghĩa vụ, là hệ quả của tự do ý chí của con người, là đặc trưng cho hoạt động có ý thức của con người. Con người ngày càng nhận thức được quy luật khách quan của tự nhiên, xã hội. Khi năng lực chi phối tự nhiên, xã hội của con người lớn lên thì trách nhiệm của con người đối với hành vi của mình cũng lớn lên. Về mặt pháp lí, việc xem xét trách nhiệm cá nhân phải xuất phát từ sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ: quyền càng rộng thì trách nhiệm càng lớn. [4]

Trách nhiệm của giảng viên là ý thức của giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và các nhiệm vụ khác do Ban Giám hiệu, lãnh đạo khoa phân công. Trách nhiệm của giảng viên gắn liền với quyền và nghĩa vụ trong thực hiện các nhiệm vụ, đồng thời trách nhiệm còn phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của giảng viên để hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ đó.

Về trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy: Trách nhiệm của giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ giảng dạy không chỉ thể hiện qua việc hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy theo định mức quy định mà còn thể hiện ở việc thường xuyên có sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy; cập nhật, bổ sung những quan điểm, đường lối mới của Đảng, Nhà nước vào bài giảng; tích cực nghiên cứu các vấn đề thực tế của địa phương, đơn vị và các ngành, lĩnh vực có liên quan đến nội dung giảng dạy; thường xuyên trao đổi, học tập kinh nghiêm giảng dạy từ đồng nghiệp, đặc biệt là các giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm và đạt thành tích cao trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu.

Về trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học: Trách nhiệm của giảng viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học trước hết thể hiện ở nhận thức, thái độ, động cơ của giảng viên nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học; mức độ hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong một năm; sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu khoa học; khả năng vận dụng kết quả nghiên cứu của giảng viên trong hoạt động của đơn vị, địa phương.

Qua phân tích các yếu tố về năng lực, trách nhiệm chuyên môn của giảng viên có thể khẳng định hai yếu tố này có mối quan hệ biện chứng với nhau. Năng lực chuyên môn biểu hiện qua việc thực thi nhiệm vụ, tác động đến ý thức trách nhiệm của giảng viên, quyết định đến kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngược lại, ý thức trách nhiệm của giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi giảng viên phải đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ.

3. Kết luận

Đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên là hoạt động vô cùng quan trọng của trường chính trị tỉnh, thành phố nhằm thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức của Nhà trường. Một trong những đòi hỏi đối với giảng viên trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì chất lượng, hiệu quả công việc, có như vậy năng lực của giảng viên mới ngày càng được phát triển, trách nhiệm ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới./.

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ

2. Chính phủ, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

3. Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư Việt Nam (2022), Năng lực, ngày 22/11/2022, từ <Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (vass.gov.vn)>

4. Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam - Viện Từ điển học và Bách khoa toàn thư Việt Nam (2022), Trách nhiệm, ngày 22/11/2022, từ <Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (vass.gov.vn)>

 

CN. Phạm Thị Hải Yến - Khoa Xây dựng Đảng


Các tin khác:
Phong trào “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Cần Thơ - Thực trạng và giải pháp   (26/06/2025)