Kinh nghiệm trong thực hiện chính sách an sinh xã hội tại thành phố Cần Thơ từ thực tiễn huyện Vĩnh Thạnh
Tóm tắt: Chính sách an
sinh xã hội là một hệ thống các biện pháp của Nhà nước nhằm bảo vệ và hỗ trợ
các thành viên trong xã hội. Công tác an sinh xã hội tại địa bàn thành phố Cần
Thơ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, trong đó có sự đóng góp tích cực của
các quận, huyện nói chung và huyện Vĩnh Thạnh nói riêng. Bên cạnh những mặt đã
đạt được, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội ở huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn một
số hạn chế nhất định. Bài viết tập trung phân tích thực trạng thực hiện chính
sách an sinh xã hội ở huyện Vĩnh Thạnh, đồng thời rút ra một số kinh nghiệm đối
với thành phố Cần Thơ. Từ khóa: an
sinh xã hội, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ Mở đầu Bảo đảm an sinh xã hội hướng tới tiến bộ và công bằng xã hội là
một trong những mục tiêu trọng tâm của Đảng và Nhà nước. Quán triệt chủ trương,
quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về an sinh xã hội cùng
với sự chỉ đạo từ Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, huyện Vĩnh Thạnh
đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của huyện Vĩnh Thạnh vẫn
còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, cần đề xuất các giải pháp cơ bản nhằm thực
hiện tốt an sinh xã hội trong thời gian tới, từ đó rút ra một số kinh nghiệm
trong thực hiện chính sách an sinh xã hội ở thành phố Cần Thơ. 1. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về
thực hiện chính sách an sinh xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đã chính thức
sử dụng cụm từ an sinh xã hội trong văn kiện Đại hội Đảng. Đến năm 2012, Ban Chấp
hành Trung ương khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 “Một
số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020” đã khẳng định chủ trương
về an sinh xã hội là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống
chính trị. Tiếp đó, quyền được hưởng an sinh xã hội đã được Hiến pháp năm 2013
ghi nhận với tư cách là một quyền cơ bản của công dân tại Điều 34: “Công dân có
quyền được bảo đảm an sinh xã hội”[1]. Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
chỉ ra những định hướng lớn, lãnh đạo cụ thể từng mặt của công tác an sinh xã hội
dựa trên cơ sở lý luận về chức năng, cấu trúc, mô hình, các trụ cột, sự phân tầng
của chính sách an sinh xã hội, chủ trương lãnh đạo giải quyết vấn đề việc làm,
thu nhập cho người lao động và đổi mới chính sách giảm nghèo đa chiều bền vững[2]. Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặc biệt chú trọng
tăng cường quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã
hội, tính bền vững trong chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an ninh xã
hội, an ninh con người. Đại hội đề ra định hướng: “Quản lý phát triển xã hội có
hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến
bộ và công bằng xã hội”[3].
Ngày 24/11/2023,
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về
tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, Nghị quyết nêu quan điểm
về đổi mới, nâng cao chất lượng chính
sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững. Thực hiện
quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, ngày 09/5/2024, Chính phủ ban
hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết
số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp
tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Kế thừa
các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về chính sách an sinh xã hội,
Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chương trình số 75-CTr/TU ngày 08/5/2024 thực hiện
Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XIII. Sau đó, Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Kế
hoạch về triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/CP của của Chính phủ và
Chương trình số 75-Ctr/TU của Thành ủy Cần Thơ với mục tiêu phấn đấu đến năm
2045 Cần Thơ là thành phố có hệ thống chính sách xã hội phát triển toàn diện, bền
vững, tiến bộ và công bằng. 2. Thực trạng thực hiện
công tác an sinh xã hội ở huyện Vĩnh Thạnh 2.1. Một số kết quả nổi bật Một là, thực hiện
chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Trong thời gian qua,
cấp ủy, chính quyền của huyện Vĩnh Thạnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển
khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện. Năm 2024,
huyện Vĩnh Thạnh đã đạt tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc 4.098/4.335 người, đạt tỷ lệ 94.53%;
bảo
hiểm thất nghiệp 3.301/3.844 người, đạt tỷ lệ 93.68%; bảo hiểm xã hội tự nguyện 2.130/2.121 người, đạt tỷ lệ 100.42%. Từ đầu năm đến
nay đã cấp mới 1.245 thẻ bảo hiểm y tế, tổng cộng có 8.893 trẻ dưới 6 tuổi được
cấp thẻ bảo hiểm y tế, đạt 100%[4]. Từ những kết quả trên cho thấy tính
hiệu quả trong công tác chỉ đạo đối với việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã
hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế. Đồng thời thấy được sự chuyển biến
trong nhận thức của Nhân dân với với việc mua bảo hiểm y tế để chăm sóc và bảo
vệ sức khỏe. Người dân ngày càng tin tưởng vào cơ chế quản lý của Nhà nước và
chủ động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngày càng nhiều hơn. Hai là, chính sách giảm nghèo hiệu quả. Phòng Lao động thương binh và xã hội
huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với các ban, ngành đoàn
thể huyện duy trì 19 mô hình giảm nghèo, trong đó có một số mô hình đạt hiệu quả
cao, có thể nhân rộng đến các quận, huyện khác trong thành phố như: mô hình
“cánh đồng lớn” tạo ra chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ bền vững, giảm thiểu
rủi ro về giá cả và thị trường, từ đó tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.
Mô hình “nuôi lươn không bùn”, góp phần đa dạng hóa sản xuất chăn nuôi của người
dân. Mô hình “nuôi dê” ở xã Thạnh Tiến, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có xung
quanh các ruộng lúa để nuôi dê, giảm thiểu chi phí chăn nuôi, góp phần tăng thu
nhập cho nông dân và một số mô hình giảm nghèo khác góp phần giảm nghèo bền vững,
nhất là khu vực sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để hỗ trợ cho
công tác giảm nghèo ở huyện năm 2024 là 1.727.000.000 đồng; hỗ trợ vốn vay từ
ngân hàng chính sách xã hội cho 80 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với
số tiền 522.977.000 đồng. Với các biện pháp hỗ trợ thoát nghèo, thoát
cận nghèo của huyện, đến nay huyện còn 68 hộ, 205 khẩu, tỷ lệ 0,24%, trong năm đã thoát nghèo 63/51 hộ, đạt 123,52% chỉ tiêu, tỷ lệ giảm
0,23% (vượt chỉ tiêu 12 hộ, tỷ lệ 0,04%). Hộ cận nghèo còn: 1.149 hộ với 4.516 khẩu, tỷ lệ 4,12%,
thoát cận nghèo là 91 hộ, tỷ lệ giảm 0,33%[5].
Ba là, công tác bảo trợ xã hội và đào tạo nghề, việc làm Phòng
Lao động thương binh và xã hội huyện tham mưu Ủy ban nhân dân huyện ban hành quyết
định cấp phát trợ cấp theo
Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định
chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội cho 53.690 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, với
tổng số tiền 35.962.450.000 đồng; hỗ trợ chi phí mai táng cho 390 đối tượng, với số tiền 3.410.000.000 đồng. Năm 2024 đã cấp phát 3.969 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng bảo trợ xã hội, số tiền khoảng 4.382.000.000 đồng và đã mở tài khoản cho 965 đối tượng bảo trợ xã hội,
đạt tỷ lệ 20%/60%, chuyển tiền qua tài khoản là 747 đối tượng, đạt tỷ
lệ 15,4%[6]. Phòng
Lao động thương binh và xã hội huyện phối
hợp cùng Trung tâm dịch vụ việc làm thành phố tổ chức hướng nghiệp, tư vấn, học
nghề cho 145 quân nhân xuất ngũ năm 2024. Để tạo nguồn lực lao động khi khu công nghiệp Vsip đi vào hoạt động,
huyện Vĩnh Thạnh đã chủ động xây dựng đề án đào tạo nghề cho người dân ở địa
phương, qua đó phối hợp rà soát nhu cầu đào tạo nghề dưới 03 tháng đến năm
2030, tổng cộng có 27 lớp với 945 học viên[7].
Ngoài ra, huyện Vĩnh Thạnh còn chú trọng đến xuất khẩu lao động, tạo điều kiện
cho người dân có thể tham gia lao động tại các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản… Nhằm
giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng nguồn thu nhập cho người dân tại địa
phương, huyện Vĩnh Thạnh quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo nghề nghiệp
theo định hướng chuyển dịch cơ cấu từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. 2.2. Hạn chế Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác an
sinh xã hội trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh vẫn còn một số hạn chế như sau: Công tác vận động, xã hội hóa chăm lo
cho hộ nghèo, hộ chính sách còn gặp khó khăn, nhất là vận động kinh phí sửa
chữa nhà tình nghĩa cho gia đình có công với cách mạng. Thực hiện chi trả không dùng tiền mặt của đối tượng bảo trợ xã hội và người có công còn khó khăn (đến nay mở
thẻ ATM cho đối tượng bảo trợ xã hội chỉ đạt 20%/60%,
người có công đạt 35,61%/62,5% chỉ tiêu)[8]. Công tác giảm nghèo chưa đạt kết quả cao, do thiếu một số
mô hình giảm nghèo hiệu quả, tỷ lệ tái
nghèo, tái cận nghèo vẫn còn. 3. Một số giải pháp trong thực hiện
chính sách an sinh xã hội ở huyện Vĩnh Thạnh và kinh nghiệm đối với thành phố
Cần Thơ 3.1. Một số giải pháp Một là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng,
chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân về vai trò, ý nghĩa
của an sinh xã hội trong việc đảm bảo cuộc sống ổn định và phát triển bền vững.
Trong quá trình triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, các cấp ủy
đảng, chính quyền địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực
hiện chính sách trên địa bàn, bảo đảm chính sách phải tới tay người thụ hưởng,
không để lãng phí, tiêu cực xảy ra. Hai là, thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối
với các đối tượng bảo trợ xã hội. Huy động các nguồn lực xã hội, phát triển các
hình thức trợ giúp dựa vào cộng đồng để tạo điều kiện, cơ hội cho các đối tượng
yếu thế vượt qua hoàn cảnh, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ba là, huyện cần chú trọng phát triển các ngành nghề
có tiềm năng, phù hợp với điều kiện địa phương như: nuôi trồng thủy sản, du
lịch sinh thái, chế biến nông sản... quan tâm đến việc hỗ trợ người nghèo tiếp
cận các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch... Ngoài ra, huyện
chú trọng đến công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo, giúp
họ có thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững. 3.2. Một số kinh
nghiệm đối với thành phố Cần Thơ trong thực hiện chính sách an sinh xã hội Từ thực tiễn
trong công tác an sinh xã hội ở huyện Vĩnh Thạnh đã rút ra một số kinh nghiệm đối
với thành phố Cần Thơ trong lĩnh vực này như sau: Một là, tăng cường vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở là
rất quan trọng trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách an sinh xã hội nói chung
trong thực hiện chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở địa phương. Phát
huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội như: Hội Nông
dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, … trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Ngoài
ra, khen thưởng kịp thời đối với các điển hình tiên tiến, cá nhân có thành tích
trong thực hiện chính sách an sinh xã hội. Hai là, thực hiện lồng ghép tốt các chương trình, dự án, nguồn vốn trên địa
bàn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bằng một cơ chế chỉ đạo tập trung thống
nhất từ huyện đến cơ sở. Đẩy mạnh công tác xây dựng nhân rộng mô hình
giảm nghèo với phương châm mỗi địa phương có một mô hình hiệu quả, những địa
phương có đặc thù giống nhau có thể áp dụng cùng một mô hình, tuy nhiên cần chú
ý đến tính tổng thể để tránh sự dôi dư nguồn cung sản phẩm từ các mô hình giảm
nghèo so với nhu cầu thực tế của toàn thành phố, làm giảm hiệu quả từ các mô
hình giảm nghèo. Các địa phương chú trọng đồng thời hai công tác, vừa đào tạo
nghề đáp ứng nhu cầu thị trường việc làm vừa hướng dẫn người dân áp dụng và triển
khai có hiệu quả các mô hình kinh doanh hoặc mô hình làm kinh tế đạt hiệu quả. Ba là, thực hiện tốt công tác phối hợp của Mặt trận và các
tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp trong tổ chức
thực hiện chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Tổ
chức tốt công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương;
gắn kết công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Thực hiện tốt chủ trương
đào tạo nghề và giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng lao động của
từng doanh nghiệp; với đặc điểm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng
địa phương. Kết luận Từ những chủ trương của Đảng và Nhà nước
và sự chỉ đạo của Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ, công tác thực
hiện chính sách an sinh xã hội tại huyện Vĩnh Thạnh đã đạt
được một số kết quả đáng khích lệ trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội,
một số mô hình giảm nghèo hiệu quả và công tác giải quyết việc làm ở địa
phương. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về triển khai thực
hiện chính sách an sinh xã hội ở địa phương. Qua đó góp phần vào sự phát triển
thành phố Cần Thơ bền vững. TÀI LIỆU
THAM KHẢO 1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), Giáo
trình Trung cấp Lý luận chính trị: Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt
Nam, Nxb.Lý luận chính trị, Hà Nội. 3. Phòng Lao động Thương binh & Xã hội (2024), Báo
cáo số 570/BC- LĐTBXH
ngày 12/12/2024 của Phòng Lao động Thương Binh & Xã hội về Công tác lao động
– Người có công và Xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. 4. Quốc hội (2013), Hiến
pháp 2013 ThS.
Trần Văn Phụng - Giảng viên khoa Lý Luận cơ sở [1] Quốc hội
(2013), Hiến pháp 2013 [2] Trần Thủy Linh (2017), Đại hội XII của Đảng và những quan điểm về an sinh xã hội, 10/3/2017, từ <https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/chinh-tri-xay-dung-dang/-/2018/43880/dai-hoi-xii-cua-dang-va-nhung-quan-diem-ve-an-sinh-xa-hoi.aspx> [3] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn
kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, trang 150, Nxb. Chính
trị quốc gia, Hà Nội. [4] Phòng Lao động thương binh và xã hội (2024), Báo cáo số 570/BC- LĐTBXH ngày 12/12/2024 về Công tác lao
động – Người có công và Xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 [5] [6] Phòng Lao động thương binh và xã hội (2024), Báo cáo số 570/BC- LĐTBXH ngày 12/12/2024 về Công tác lao động – Người có công và Xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 [7] 8 Phòng Lao động thương binh và xã hội (2024), Báo cáo số 570/BC- LĐTBXH ngày 12/12/2024 về Công tác lao động – Người có công và Xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 |
|