Nghiên cứu khoa học - thực tế
Không thể phủ nhận chủ trương chăm lo và phát huy vai trò giai cấp nông dân của Đảng, Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay qua thực tiễn tại thành phố Cần Thơ


Tóm tắt: Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, dù ở bất kỳ giai đoạn nào, Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của giai cấp nông dân đối với sự phát triển của đất nước, cũng như luôn quan tâm đến việc nâng cao đời sống của người nông dân trong các chủ trương, chính sách đề ra. Bài viết tập trung làm rõ cơ sở lý luận cũng như thực tiễn ở Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng để góp phần đập tan những quan điểm xuyên tạc, sai sự thật về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với giai cấp nông dân.

Từ khóa: nông dân, chăm lo đời sống, vai trò, đấu tranh phản bác, Cần Thơ

            Đặt vấn đề

Trong thời kỳ đổi mới đất nước, một trong các vấn đề trung tâm của chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đó là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Những dấu ấn nổi bật trong phát triển mọi mặt đời sống của nông dân ở nước ta trong thời gian qua tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của giai cấp nông dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn xuất hiện một số ý kiến cho rằng những thay đổi tích cực nếu có là do “tự thân” người nông dân nỗ lực đạt được; đồng thời, lợi dụng những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa bàn nông thôn và tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đến đời sống người dân ở khu vực nông thôn để phủ nhận, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhìn nhận dưới góc độ lý luận và thực tiễn, những luận điệu đó thể hiện sự thiếu vắng niềm tin, xuất phát từ việc thiếu cơ sở lý luận cũng như sự am tường về tình hình của đất nước và thực tiễn ở địa phương hiện nay.

            1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của giai cấp nông dân trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

            Trên cơ sở kế thừa và phát triển quan niệm của C. Mác về giai cấp nông dân từ thực tiễn cách mạng tư sản Pháp thời kỳ 1848-1850, trong tác phẩm Vấn đề nông dân ở Pháp và ở Đức, Ph.Ăngghen đã luận giải rõ hơn khái niệm giai cấp nông dân. Nghiên cứu của tác giả Dương Thị Minh (2010), đã thể hiện quan niệm của Ph.Ăngghen về giai cấp nông dân, đó là: “giai cấp nông dân là bộ phận dân cư sống ở nông thôn với những mảnh ruộng nhỏ, đa số là người có ruộng đất và một bộ phận đi thuê ruộng đất với cơ cấu không thuần nhất” [8, tr.392]. Do đó, theo Ph.Ăngghen, với tư cách là người sở hữu những mảnh ruộng nhỏ, người nông dân coi đó là cơ sở để sản xuất, sinh sống và cố níu kéo nó. Với cách tiếp cận như vậy, có thể rút ra một số luận điểm quan trọng trong tư tưởng Ph.Ăngghen về giai cấp nông dân như sau:

            Một là, ở bất cứ đâu, dù là quốc gia đã phát triển cao hay đang phát triển, tiểu nông, thì “người nông dân là một trong những nhân tố rất cơ bản của dân cư, của nền sản xuất và của lực lượng chính trị” [5, tr.715]. Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “Sự phát triển của hình thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã giáng một đòn chí tử vào nền tiểu sản xuất nông nghiệp. Nền sản xuất này đang suy tàn và không tránh khỏi tiêu vong” [5, tr.716]. Do đó, Đảng của giai cấp công nhân trong khi liên minh với nông dân chống lại giai cấp tư sản cần phải tính tới xu thế phát triển tất yếu của thời đại công nghiệp, phải chỉ ra cho người nông dân hiểu rõ rằng chỉ có lật đổ chế độ tư bản đồng thời phải tổ chức nền sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn của đại công nghiệp mới cứu họ khỏi con đường phá sản, bần cùng hóa.

            Hai là, về con đường đưa nông dân quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Ph.Ăngghen chỉ rõ: phải hướng nông dân, tạo điều kiện để họ vào con đường hợp tác hóa, xây dựng những hợp tác xã (HTX) nông nghiệp của họ. Đây chính là con đường đúng đắn, hành động phù hợp với sự phát triển kinh tế tất yếu và do đó, là bước trung gian, quá độ cần thiết để đưa nông dân lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, Ph.Ăngghen cũng lưu ý rằng, việc đưa nông dân vào HTX phải tuân thủ các nguyên tắc: “... không phải bằng bạo lực mà bằng những tấm gương và bằng sự giúp đỡ của xã hội” [5, tr.736], do đó, “... điều chủ yếu là phải làm cho nông dân hiểu rằng chúng ta chỉ có thể cứu vãn và bảo tồn được tài sản của họ bằng cách biến tài sản đó thành tài sản HTX và thành những doanh nghiệp HTX” [5, tr.737-738].

            Ba là, Ph.Ăngghen đã chỉ ra lập trường của những người cộng sản đối với tiểu nông. Ông khẳng định: “... nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội là phải đem tư liệu sản xuất giao cho những người sản xuất, coi đó là sở hữu chung” [5, tr.727]. Vì thế, với ý nghĩa là bước quá độ, trung gian để đưa nông dân lên chủ nghĩa xã hội, các HTX phải có sự giúp đỡ của nhà nước và xã hội, đó là một lối sử dụng vốn rất tốt.

Trên cơ sở quan điểm của Ph.Ăngghen, từ thực tiễn của nước Nga Xô viết V.I.Lênin tiếp tục khẳng định: “nếu không liên minh với nông dân thì không thể có được chính quyền của giai cấp vô sản, không thể nghĩ được đến việc duy trì chính quyền đó... Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính là duy trì khối liên minh giữa giai cấp vô sản và nông dân để giai cấp vô sản có thể giữ vững được vai trò lãnh đạo và chính quyền nhà nước” [4, tr.57].

Đối với lịch sử dân tộc Việt Nam, giai cấp nông dân có vai trò rất quan trọng, với tư cách là những chủ nhân đầu tiên khai phá đất đai, mở hoang bờ cõi, lập nên non sông đất nước Việt Nam. Nông dân luôn giữ vai trò là lực lượng sản xuất chính tạo ra của cải vật chất, góp phần quan trọng trong sáng tạo những giá trị vật chất, tinh thần, truyền thống văn hóa của dân tộc. Vì vậy, trong Thư gửi Hội nghị nông vận và dân vận toàn quốc ngày 05/02/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Nông dân lao động là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân. Muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở” [7, tr.42]. Đồng thời, Người luôn nhất quán tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Người khẳng định: “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh. Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã” [6, tr.246].

            2. Thực tiễn phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở Việt Nam hiện nay

Quán triệt truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thực hiện chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và đề ra nhiều chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, tổ chức đảng, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất to lớn. Trước yêu cầu mới của sự phát triển đất nước, trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đảng ta tiếp tục khẳng định “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” [1].

Thể chế hóa chủ trương của Đảng, các bộ, ngành, đã tích cực, chủ động tham mưu nhiều chủ trương, chính sách lớn với Đảng và Nhà nước; sự nỗ lực triển khai thực hiện của tất cả địa phương trong cả nước đã biến những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành những mô hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vào thực tiễn, góp phần ổn định, phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân ở khu vực nông thôn. Đến nay, giai cấp nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo trong xã hội với khoảng hơn 63 triệu người, chiếm 65,6% dân số cả nước [3]. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, vai trò chủ thể của người dân nông thôn được phát huy. Năm 2022, thu nhập bình quân của dân cư nông thôn đạt khoảng 46,32 triệu đồng/người/năm, tăng 1,44 lần so với năm 2017 và hơn 5 lần so với năm 2008 [2].

Đối với nông dân ở thành phố Cần Thơ, trước những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới đất nước, luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành các chủ trương, kế hoạch (như Chương trình số 28-CTr/TU ngày 31/12/2021 của Thành ủy về hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2022 - 2030; Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 07/7/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về thực hiện Chương trình số 28-CTr/TU ngày 31/12/2021 của Thành ủy) để hỗ trợ cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; đảm bảo chính sách an sinh xã hội; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần gắn với quá trình tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Nhờ đó, năm 2019, thu nhập bình quân nhân khẩu khu vực nông thôn đạt 45,5 triệu đồng/năm (tăng 3 lần so với năm 2011); đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt trên 68 triệu/người/năm; ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt trên 74,8 triệu/người/năm [11]. Giai đoạn 2010 - 2020, thành phố đào tạo nghề cho 33.808 lao động nông thôn với 72 nghề (25 nghề nông nghiệp), trong đó, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo là 74% [10]. Toàn thành phố Cần Thơ trong thời gian này có 45 mô hình dạy gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả; tỷ lệ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề đạt 82%; khoảng 30% lao động nông thôn sau học nghề tham gia vào các hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác liên kết sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và áp dụng quy trình sản xuất VietGAP [10]...

Nông dân Cần Thơ từng bước làm chủ các phong trào ở nông thôn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; vai trò của nông dân ngày càng được phát huy trong việc tham gia bàn thảo, đóng góp ý kiến, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn không ngừng được cải thiện, giảm tình trạng đói nghèo, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và đô thị. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều quốc gia) ở khu vực nông thôn giảm dưới 2,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95% [9].

Bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được trong quá trình thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đời sống của giai cấp nông dân còn thấp so với trung bình cả nước; khoảng cách mức sống giữa nông thôn và thành thị ngày càng rộng, do đó xu hướng rời bỏ nghề nông tăng lên, một bộ phận khá lớn nông dân tìm cách di cư ra các đô thị, khu công nghiệp để mưu sinh, lập nghiệp. Ngoài ra, trước ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của khoa học và công nghệ, đòi hỏi Người nông dân cần có những thay đổi trong tư duy và hành động để có thể làm chủ được công nghệ, làm chủ được nền nông nghiệp hiện đại. Như vậy, thực tiễn trên đã đặt ra yêu cầu mới cho việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta nói chung, các địa phương nói riêng trong thời gian tới để có thể đủ sức cạnh tranh toàn cầu và phát triển bền vững, phát huy mạnh mẽ vai trò, vị thế của giai cấp nông dân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới.

3. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của giai cấp nông dân từ thực tiễn Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng

Một là, đẩy mạnh các hoạt động thông tin truyền thông một cách thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân về vai trò chủ thể của mình trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu.

Hai là, có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi đối với Người nông dân có kinh nghiệm sản xuất, có khả năng quản lý, thường là những nông dân sản xuất giỏi hiện nay, trong việc tích tụ đất đai, tích tụ vốn; phát triển kinh tế trang trại hoặc nông hộ lớn với quy mô ngày càng tăng tùy theo trình độ khoa học công nghệ và cơ giới hóa miễn là năng lực của hộ nông dân đủ sức đảm bảo quản lý và trực tiếp thực hiện các khâu sản xuất trong nông trại. Theo đó, các giải pháp chính sách cốt lõi sẽ là tập trung và cho thuê đất đai, hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ tiếp thu khoa học công nghệ, bảo vệ sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất.

            Ba là, tổ chức các hình thức hợp tác sản xuất và liên kết giữa sản xuất và chế biến kinh doanh, tạo điều kiện để nông dân tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kết nối với thị trường, tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ sản xuất, liên tục thay đổi cơ cấu sản xuất theo nhu cầu của thị trường và từng bước đổi mới công nghệ. Bổ sung cụ thể chính sách hỗ trợ HTX trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào quá trình sản xuất của HTX; các chính sách hỗ trợ hoạt động tuyên truyền. Đồng thời, chính sách hỗ trợ, ưu đãi HTX cần xây dựng dựa trên cơ sở những tiêu chí, điều kiện, loại hình cụ thể, để chính sách đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả và công bằng. Nguồn lực hỗ trợ cần được xác định rõ từ nguồn nào, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện. Song song đó, thành phố cần sớm thành lập Quỹ hỗ trợ Phát triển HTX trên địa bàn.

            Bốn là, chính sách trong tương lai đối với bộ phận Người nông dân tiếp tục ở lại sống trên địa bàn nông thôn nhưng từng bước chuyển sang hoạt động phi nông nghiệp đó là: quy hoạch lại địa bàn nông thôn, hình thành các khu sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nông thôn tập trung. Việc tạo điều kiện về đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng, cung cấp tín dụng và vốn, sẽ đảm bảo cho nhóm cư dân này được tiếp cận với giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc có giá cạnh tranh so với đô thị, giúp họ thuận tiện đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang các ngành nghề phi nông nghiệp.

            Kết vấn đề

Quán triệt truyền thống tốt đẹp của dân tộc và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những năm qua, quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã giúp giai cấp nông dân Việt Nam nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng không ngừng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo hướng nhanh và bền vững, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và môi trường sinh thái của đất nước. Do vậy, trước những quan điểm trái chiều, ý kiến băn khoăn, hoài nghi về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với giai cấp nông dân, chúng ta cần bình tĩnh trong nhận thức và hành động, kiên định với niềm tin son sắt rằng phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (2022), Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dẫn theo https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-so-19-nq-tw-ve-nong-nghiep-nong-dan-nong-thon-119220626164012907.htm, truy cập ngày 15/9/2024.

2.   Nguyễn Xuân Cường (2018): Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Dẫn theo https://nhandan.vn/phat-trien-nen-nong-nghiep-hien-dai-ben-vung-gan-voi-xay-dung-nong-thon-moi-post343141.html.

3.   Bùi Thị Ngọc Lan (2023), Xu thế phát triển của giai cấp nông dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dẫn theo http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/component/k2/item/5128-xu-the-phat-trien-cua-giai-cap-nong-dan-viet-nam-den-nam-2030-tam-nhin-den-nam-2045.html.

4.   V.I. Lênin (2006), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, t.44.

5.   C. Mác và Ph. Ăngghen (2004), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.

6.   Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t.4.

7.   Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, t.8.

8.   Dương Thị Minh (2010), Tư tưởng của Ph.Ăngghen về giai cấp nông dân - Ý nghĩa vấn đề này ở Việt Nam hiện nay, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 190 năm ngày sinh Ph.Ăngghen, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị - Hành chính, Hà Nội.

9.   Đinh Tấn Phong (2024), Xây dựng nông thôn mới ở thành phố Cần Thơ (2010-2023) - Kết quả và một số kinh nghiệm. Dẫn theo https://tapchilichsudang.vn/xay-dung-nong-thon-moi-o-thanh-pho-can-tho-2010-2023-ket-qua-va-mot-so-kinh-nghiem.html.

10.  Anh Phương (2023), Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Dẫn theo https://baocantho.com.vn/-ao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-a167297.html.

11.  Mỹ Thanh (2024), Tăng thu nhập, giảm nghèo tại các xã xây dựng nông thôn mới. Dẫn theo https://baocantho.com.vn/tang-thu-nhap-giam-ngheo-tai-cac-xa-xay-dung-nong-thon-moi-a172314.html.

 

ThS Mai Trần Hải Đăng - Trưởng khoa Lý luận cơ sở