Học tập phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác của đội ngũ đảng viên Trường Chính trị thành phố Cần Thơ
Tóm tắt: Phong
cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất độc đáo, đặc sắc, mang tầm thời đại,
chứa đựng nhiều giá trị văn hoá vô cùng quý báu được đúc kết từ những tinh hoa
của dân tộc và nhân loại. Phong cách của Ngườithể hiện tầm vóc, trí tuệ lớn lao
của một vị lãnh tụ, nhưng cũng cho chúng ta thấy chân dung một công bộc của Nhân
dân, vừa có uy lực lại vừa có sức cuốn hút lạ kỳ. Bài viết nghiên cứu những giá
trị to lớn ấy và học tậ,p vận dụng vào thực tiễn xây dựng phong cách ứng xử của
đội ngũ đảng viên Trường Chính trị thành phố Cần Thơ. Từ khóa: ứng xử, phong cách, học
tập 1. Đặt vấn đề Tư tưởng, đạo
đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi soi đường cho dân tộc, là nền tảng
tư tưởng, là kim chỉ nam dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến
thắng lợi khác. Lịch sử dân tộc đã trải qua bao thăng trầm, mãi cho đến hôm
nay, phong cách ứng xử của chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là chuẩn mực để thế hệ nối
tiếp thế hệ học tập và làm theo. Hoạt động giao tiếp của Người làm nên phong
cách ứng xử, định hướng con người có những cách ứng xử phù hợp, tinh tế, đạt
đến chuẩn mực chân – thiện – mỹ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã
nói về Người: "Chủ tịch Hồ Chí Minh
cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà
không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu" [1,
tr.17]. Ứng xử là
hoạt động diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống và trong đơn vị. Do vậy,
ứng xử tốt hay chưa tốt, phù hợp hay chưa phù hợp, đều có tác động tích cực
hoặc tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của tập thể. Nếu mỗi đảng viên có cách ứng
xử tốt sẽ góp phần tạo nên sự thống nhất, cố kết tập thể, tạo nên sức mạnh nội
lực góp phần đạt được nhiều thành công, thắng lợi mới. Do đó đối với đảng viên
Trường Chính trị thành phố Cần Thơ, việc học tập phong cách ứng xử của Chủ tịch
Hồ Chí Minh và vận dụng vào quá trình công tác là vô cùng quan trọng và cần
thiết. 2. Nội dung 2.1. Phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh Chủ tịch Hồ
Chí Minh không chỉ là vị lãnh tụ thiên tài, mà còn là người thầy vĩ đại của bao
thế hệ con người Việt Nam. Người ra đi để lại cho chúng ta một di sản tinh thần
to lớn với những giá trị nhân văn cao cả, trong đó có phong cách ứng xử. Theo
nhiều chuyên gia nghiên cứu trong nước và trên thế giới, phong cách ứng xử của
Người xứng tầm nghệ thuật, gần như hoàn thiện, được biểu hiện qua ngôn ngữ, cử
chỉ, phong thái của một vĩ nhân có nhân cách tốt và hoài bảo lớn. Phong cách
ứng xử của Người gồm các nội dung sau: Một là, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp, giản dị.
Người một đời làm cách mạng, từng bôn ba nhiều nước trên thế giới, từng tiếp
xúc với tất cả mọi tầng lớp trong xã hội; từ quan chức lãnh đạo cấp cao đến
những người nông dân bần cùng, đói khổ nhất. Người luôn khiêm tốn, nhã nhặn
lịch thiệp, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, luôn quan tâm chu đáo
đến những người xung quanh “Ở Miền Nam,
tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ” [5, tr.675]. Khi tiếp
xúc với quần chúng thì gần gũi, chân tình như người bác, người cha, người ông,
không hề có sự phân cách giữa lãnh tụ và Nhân dân. E.Côbêlép đã từng viết: “Ai cũng ngạc nhiên thấy dáng đi của Người
lúc nào cũng nhẹ nhàng, cử chỉ, động tác lúc nào cũng gọn gàng dứt khoát và
giọng nói, tiếng cười lúc nào cũng nhiệt tình, tươi trẻ. Sự quan tâm chân thành
của Người đối với những ai được tiếp chuyện, thái độ ân cần, niềm mở đặc biệt
của Người đã tạo ra bầu không khí thoải mái, thân ái ngay từ những phút đầu gặp
gỡ”[2, tr.371]. Hai là, gần gũi, chân tình, nồng hậu, tự nhiên.
Sự chân thành, ân cần, nồng hậu của Người đã xóa bỏ mọi nghi thức, mọi khoảng
cách, kể cả đó là khoảng cách quốc gia, dân tộc, tôn giáo. Sự chân tình của Người
làm cho bất kỳ ai khi tiếp xúc cũng cảm nhận được bằng trái tim bằng tình cảm
chân thực, tự nhiên. Đó là nét nổi bật trong cách ứng xử của những nhà văn hóa
lớn ở mọi thời đại. Khi gặp gỡ mọi người, với lời chào chân tình, nụ cười niềm
nở, cử chỉ thân thiện; Bác đã xóa bỏ mọi sự cách biệt về chức vụ, địa vị, giữa
cấp trên cấp dưới, giữa lãnh tụ với Nhân dân, làm cho mọi người cảm nhận được
sự bình đẳng hoàn toàn giữa những con người tự do và dân chủ. Theo Người
trong ứng xử với cấp dưới cần kịp thời biểu dương những sáng kiến, động viên,
khoan dung, thân ái, giúp đỡ; tránh mắng mỏ, xúc phạm nhân cách của họ, không
hẹp hòi, xoi mói, cố chấp và biết lắng nghe “Không nên tự tôn, tự đại mà phải nghe, phải hỏi ý kiến của cấp dưới”
[3, tr.321]. Đối với cấp trên cần có thái độ kính trọng, tiếp thu ý kiến; không
a dua, xu nịnh, luồn cúi; báo cáo trung thực, khách quan. Đối với đồng cấp thì
yêu thương, chia sẽ, không vội vàng, chủ quan, biết phối hợp đoàn kết và giúp
đỡ. Đối với Nhân dân thì đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần
chúng” [3, tr.288]. Ba là, linh hoạt, chủ động, biến hóa. Cách
ứng xử của Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý
trí sáng suốt, linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm chước cái
nhỏ. Năm 1946, trước khi lên đường thăm nước
Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm tay và dặn lại cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhà cách
mạng lão thành, quyền Chủ tịch nước lúc bấy giờ: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó
khăn nhờ ở cụ cùng với anh em giải quyết. Mong cụ “dĩ bất biến, ứng vạn biến” [6, tr.197]. Trong rất nhiều tình
huống, kể cả khi đối mặt giữa sự sống và cái chết trong gang tấc, Người vẫn
điềm nhiên bình tĩnh trước bửa cơm và cảm hóa người đang định ám sát mình – Tạ
Đình Đề, người cận vệ huyền thoại của Bác “Xin
mời anh Tạ Đình Đề vào ăn cơm trưa với tôi” [7]. Từ những cá nhân có suy
nghĩ, hành động không đúng đắn đã được Bác cảm hóa và trở thành những người
phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc sau này. Bốn là, yêu thương, tôn trọng mọi người. Sinh
thời, trong mọi ứng xử của Bác đều xuất phát từ lòng yêu thương con người mà
ra. Đối với Bác, việc giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp đều phải
đi đến giải phóng con người thì mới có ý nghĩa thiết thực. Tình yêu thương, sự
tôn trọng mọi người của Bác không giới hạn bất kỳ một tầng lớp, thành phần nào
trong xã hội. Từ các cụ già, các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng, phụ nữ, các
chiến sĩ ngoài mặt trận, các đoàn dân công…kể cả những người cùng khổ, những
người bị áp bức bốc lột trên toàn thế giới. Nhà
Sử học người Mỹ Josephine Stenson viết: “Hồ
Chí Minh là người bình thường; sống hòa đồng trong cuộc sống của xã hội. Người
thương yêu tất cả, chỉ quên mình. Hồ Chí Minh mãi mãi là tấm gương sáng về nhân
cách một con người thời đại cho mọi thế hệ tiếp sau” [8]. Tấm gương của
Chủ tịch Hồ Chí Minh về ứng xử đã dạy cho tất cả chúng ta nâng cao ý thức rèn
luyện bản thân, tinh thần trách nhiệm với công việc, nhất là cẩn trọng hơn
trong mọi hoạt động giao tiếp, ứng xử tại đơn vị. Người từng dạy: “Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết
mình trước tiên” [4, tr.16]. Từ đó, mới có được sự tin tưởng của lãnh đạo,
tập thể, đồng chí và uy tín với học viên cũng như việc xây dựng, bảo vệ danh dự
uy tín của Trường với các cơ quan, đơn vị bên ngoài. 2.2. Học tập phong cách ứng xử của chủ tịch Hồ Chí Minh vào quá
trình công tác của đảng viên tại Trường Chính trị thành phố Cần Thơ Những năm
qua, trên cơ sở quán triệt các chỉ thị của Bộ Chính trị, nhất là Chỉ thị
05-CT/TW về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh. Đảng ủy, Ban Giám Hiệu thường xuyên giám sát, đánh giá tác phong ứng xử
của đội ngũ đảng viên trong Trường, xem đó là một trong những căn cứ để nhận
xét, đánh giá, kiểm điểm Đảng viên cuối năm hoặc gắn với hoạt động thi đua khen
thưởng. Định hướng cho đảng viên nghiêm túc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày
18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày
15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư
tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Đội ngũ đảng
viên Trường luôn có ý thức xây dựng, đổi mới cách thức ứng xử trong công tác.
Việc ứng xử trong và ngoài đơn vị đã tạo nên nét văn hóa tốt đẹp, ngày càng
nâng tầm uy tín, thương hiệu của Trường Chính trị thành phố Cần Thơ. Đối với
công việc, đảng viên ứng xử với nhau rất chân tình, lịch sự; đảm bảo các nguyên
tắc như: tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, công khai, hài hòa lợi ích. Giữa các
Khoa, Phòng linh hoạt, chủ động trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được
giao. Phần lớn các đảng viên làm việc rất tâm huyết và
yêu nghề. Đối với đồng chí, luôn tôn trọng, quan tâm, chia sẻ những khó
khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đối với học viên, ứng xử chuẩn mực, tạo
điều kiện để học viên hoàn thành tốt các khóa học, luôn nêu cao tấm gương về
giao tiếp, ứng xử. Tuy nhiên, để
phát huy tốt hơn nữa những kết quả đã đạt được, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong
tình hình mới; việc học tập phong cách ứng xử của chủ tịch Hồ Chí Minh và vận
dụng hiệu quả vào quá trình công tác của đảng viên cần quan tâm đến các mối
quan hệ sau: Một là, ứng xử đối với cấp trên. Kính trọng,
trung thành, phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Nghiêm túc, trách nhiệm trong thực
hiện nhiệm vụ được giao. Trong ứng xửcần tập trung lắng nghe cẩn thận nội dung
ý kiến của cấp trên, sau khi cấp trên nói xong nên phát biểu một vài ý kiến của
mình để thể hiện nhận thức của bản thân đối với các vấn đề cấp trên đã nói. Tôn
trọng cấp trên, đồng thời chủ động nhận trách nhiệm đối với nội dung và ý kiến
mình đưa ra, không lẩn tránh trách nhiệm. Điều đó biểu hiện sự can đảm, tự tin,
tự trọng và khẳng định giá trị, vị thế của mỗi người. Chủ động báo cáo tiến độ
công việc, những thuận lợi khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ để cấp trên nắm
tình tình (nhưng không vượt cấp). Hai là, ứng xử đối với cấp dưới. Cần phổ
biến, hướng dẫn công việc cụ thể; nên trả lời ý kiến của cấp dưới trực tiếp;
khuyến khích sự tham gia của cấp dưới đối với các hoạt động; động viên, tạo
động lực làm việc. Chỉ đạo mệnh lệnh phải cụ thể, rõ ràng, đặt trên sự tin cậy.
Đánh giá cấp dưới khách quan, trung thực, cụ thể, tránh thái độ bề trên, hách
dịch hoặc nồng nhiệt giả tạo. Tôn trọng, không coi thường cấp dưới, không xúc
phạm cấp dưới; không so sánh với người khác; công khai, minh bạch, công bằng;
quan tâm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Khen ngợi cấp dưới chân
thành, kịp thời, khen đúng người, đúng việc đáng khen, phải khen. Phê bình cấp
dưới phải cụ thể, rõ ràng; tránh thái độ miệt thị hay phê bình gay gắt trước
mặt người khác. Ba là, ứng xử đối với đồng chí. Cần tôn
trọng lẫn nhau, chú ý thái độ và ngôn từ hợp lý; luôn trân quý, nuôi dưỡng
những tình cảm tốt đẹp, ghi nhớ những ưu điểm của đồng chí để phấn đấu, học
tập, rèn luyện, phát triển. Đồng thời bao dung, chia sẽ những lúc khó khăn cả
trong công tác, trong đời sống và học tập để cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm
vụ được giao. Đề án Văn hóa công vụ đã quy định: Đối với đồng nghiệp, cán bộ,
công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm
vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức. Bốn là, úng xử đối với các cơ
quan, tổ chức bên ngoài và học viên. Nắm bắt đúng vấn đề, công việc
và giải quyết, phản hồi thấu đáo các nhu cầu, cung cấp thông tin trong phạm vi
nhiệm vụ, quyền hạn được giao với tinh thần phục vụ và đúng theo quy định. Lắng
nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan
đến giải quyết công việc; không quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu,
gây khó khăn, phiền hà trong khi giải quyết các công việc. Bảo đảm đúng trình
tự, thủ tục và thời gian; không được từ chối thực hiện những công việc thuộc
phạm vi trách nhiệm của mình, trong trường hợp từ chối thì phải nêu rõ lý do và
hướng dẫn cụ thể. Tôn trọng và giữ đúng lịch hẹn; nhanh chóng phúc đáp các
khiếu nại, góp ý. Tác phong làm việc chân tình gần gũi; thái độ, hành vi, trang
phục và ngôn ngữ phải nghiêm túc, văn minh, lịch sự, nhã nhặn. 3. Kết luận Học tập phong cách ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vận dụng hiệu quả
vào quá trình công tác hiện nay rất quan trọng và cần thiết. Bởi kết quả của
hành vi ứng xử chính là thước đo văn hóa đối với mỗi cá nhân, là bộ mặt của đơn
vị. Ứng xử đẹp còn là chất keo dính kết các thành viên trong tổ chức lại với
nhau, giúp cho mọi người Biết - Hiểu - Hành động và Cộng tác; từ đó phối hợp
thực hiện hiệu quả công việc. Đồng thời giúp duy trì và phát huy các giá trị
cốt lõi, truyền thống tốt đẹp của đơn vị; thực hiện có hiệu quả lời nói đi đôi
với làm, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống để có nhiều đóng góp
hơn nữa cho sự phát triển của đơn vị. Tài
liệu tham khảo: 1.
Phạm Văn Đồng (1990), Hồ Chí
Minh- một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb Sự Thật. 2.
E.Côbêlép (1985), Đồng chí Hồ
Chí Minh, Nxb. Tiến bộ, Thanh niên, Hà Nội.
6.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2016), Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội. 7.
baotanglichsu.vn/vi/Articles/3098/12478/ta-djinh-dje-nguoi-can-ve-huyen-thoai-cua-bac-ho.html ThS. Nguyễn Bé Lê - Phó Trưởng
phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học |
|