Nghiên cứu khoa học - thực tế
Góp phần xây dựng và phát huy văn hóa chính trị trong các trường chính trị đồng bằng sông Cửu Long hiện nay


Tóm tắt:

Xây dựng văn hóa chính trị có ý nghĩa quan trọng để tạo sức mạnh nội tại, năng lực nội sinh để hướng đến những giá trị cao đẹp, tiến bộ, văn minh của một hệ thống chính trị và những giá trị cốt lõi của văn hóa chính trị phải được thể hiện ở mọi hoạt động, mọi thành viên của từng tổ chức trong hệ thống. Xây dựng văn hóa chính trị trong đảng bộ các trường chính trị nói chung và ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng lại càng có ý nghĩa thiết thực vì qua đó sẽ góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương nhất là về nhận thức lý luận chính trị, cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo, giáo dục về tư tưởng chính trị cho giảng viên, viên chức của đảng bộ và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong điều kiện hiện nay. Do vậy, cần có những giải pháp phù hợp để xây dựng thành công văn hóa chính trị trong các đảng bộ trường chính trị nhằm hoàn thành chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của trường một cách tốt nhất.

Từ khóa: văn hóa chính trị, đảng bộ trường chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

1. Đặt vấn đề

Trong giai đoạn hiện nay nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả có ý nghĩa to lớn và quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Muốn vậy cần phải Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” [3; tr.53]. Trong đó việc xây dựng văn hóa trong từng tổ chức Đảng phải được xem là nội dung then chốt để Đảng ta là đạo đức, là văn minh như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.

Xây dựng văn hóa trong các tổ chức Đảng chính là một trong những nội dung cốt lõi của văn hóa chính trị và trong mỗi tổ chức tổ chức Đảng cần có những nét văn hóa chính trị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của tổ chức đó. Đối với hệ thống các trường chính trị thì nhiệm vụ xây dựng văn hóa chính trị trong tổ chức và hoạt động có một ý nghĩa quan trọng bởi vì đây chính là một trong những lực lượng nòng cốt để nâng cao nhận thức chính trị, xây dựng niềm tin vững chắc vào nền tảng tư tưởng, vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước cho đội ngũ cán bộ, công chức. Qua đó, trong thực hiện nhiệm vụ công vụ được giao, mỗi cán bộ, công chức sẽ ý thức đầy đủ hơn về vai trò, về trách nhiệm của mình đối với sự phát triển của địa phương, với vận mệnh của đất nước. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin bàn thêm về khái niệm văn hóa chính trị, qua đó làm rõ sự cần thiết phải xây dựng văn hóa chính trị trong đảng bộ các trường chính trị nói chung và ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của các trường và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình hiện nay.

2. Nội dung

2.1. Một số quan niệm chung về văn hóa chính trị

Cũng như sự đa dạng trong quan niệm về văn hóa, văn hóa chính trị cũng được tiếp cận ở nhiều phương diện và quan niệm khác nhau. Tuy nhiên, nhận thức chung về văn hóa chính trị có thể thấy đây chính “là một phương diện của văn hóa”, là “sự kết tinh toàn bộ giá trị, phẩm chất, trình độ, năng lực chính trị được hình thành trên một nền tảng chính trị nhất định nhằm thực hiện lợi ích giai cấp, dân tộc, cộng đồng phù hợp với xu hướng phát triển – tiến bộ của xã hội loài người”. Đó chính là “bản chất và linh hồn của nền chính trị của một giai cấp, một dân tộc, một quốc gia”  [7]

Ở một khía cạnh khác, Giáo sư Song Thành cũng đưa ra định nghĩa: Văn hoá chính trị là một bộ phận cấu thành của văn hoá, kết tinh trong đó cả tri thức, lý tưởng, đạo đức và năng lực hoạt động chính trị, có ảnh hưởng đến thái độ, hành vi chính trị của một cá nhân hay một cộng đồng xã hội nhất định. Văn hoá chính trị được hình thành từ kinh nghiệm lịch sử của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá chính trị hiện đại, dưới sự chi phối của hệ tư tưởng chính trị của giai cấp hay đảng cầm quyền [6; tr.86].

Một nhà chính trị học người Anh tên là L.Pye thì quan niệm: “Văn hoá chính trị là hệ thống thái độ, niềm tin và tình cảm, nó đem lại ý nghĩa và trật tự cho quá trình chính trị; nó đưa ra tiền đề cơ bản và quy tắc, chế ước hành vi của hệ thống chính trị; nó bao gồm lý tưởng chính trị và quy phạm vận hành của một chính thể” [5].

Qua một số quan niệm nêu trên, có thể thấy văn hóa chính trị là những giá trị cốt lõi và được thể hiện qua thái độ, niềm tin, hành vi chính trị của các chủ thể chính trị. Ở phương diện tổ chức, văn hóa chính trị của mỗi tổ chức trong hệ thống chính trị được thể hiện qua thái độ, cách ứng xử và niềm tin của từng thành viên trong thực thi nhiệm vụ chính trị theo chức năng, thẩm quyền để xây dựng và phát triển tổ chức, qua đó góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.

2.2. Xây dựng văn hóa chính trị trong trường chính trị địa phương

Với tư cách là một đơn vị sự nghiệp của tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc trung ương, trường chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của địa phương. Do vậy, xây dựng văn hóa chính trị trong các trường chính trị sẽ giúp cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chính trị đạt hiệu quả, gắn lý luận với thực tiễn trong công tác giảng dạy nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và qua đó cũng khẳng định sứ mệnh của các trường chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng.

Nội dung xây dựng văn hóa chính trị trong các trường chính trị dựa trên chức năng, nhiệm vụ và sứ mệnh của trường. Những giá trị cốt lõi của văn hóa chính trị phải được thể hiện qua thái độ, hành vi của mỗi viên chức trong trường ở tất cả các hoạt động để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Trước những yêu cầu của thực tiễn và để phát huy vai trò của hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, ngày 26/10/2017 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG Ban hành Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG) đã xác định những giá trị cốt lõi cần xây dựng: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; cống hiến trong thực thi công vụ; cầu thị, sáng tạo, chất lượng trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; kỷ cương nơi công sở; văn minh trong ứng xử.

Đây là một quyết định có ý nghĩa thiết thực trong điều kiện yêu cầu đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức ở từng địa phương ngày càng cao. Do vậy cũng đòi hỏi phải đảm bảo tối đa những chuẩn mực cần thiết trong tổ chức và hoạt động của các trường chính trị, hình thành kiểu mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị để tạo ra giá trị giáo dục trực quan cho cán bộ, công chức tham gia học tập tại trường.

Với những quy định về chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử với cấp trên, cấp dưới, với đồng nghiệp, với học viên của các viên chức ứng với từng vị trí, chức vụ công tác, chuyên môn nhất là trách nhiệm, thái độ trong thực hiện nhiệm vụ được giao sẽ hình thành thói quen trong tư duy và hành động tích cực của mỗi giảng viên, viên chức của trường chính trị. Việc triển khai hiệu quả các quy tắc ứng xử văn hóa để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao cũng là điều kiện giúp cho hệ thống các trường chính trị trong cả nước và ở đồng bằng sông Cửu Long đạt các tiêu chuẩn trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII).

Điều này cũng đòi hỏi mỗi giảng viên, viên chức khi tham gia vào các sinh hoạt chính trị - xã hội phải tự giác tuân theo các chuẩn mực hướng đến lợi ích chung, thể hiện quan điểm ủng hộ và bảo vệ những người tốt, việc tốt và đấu tranh, phê phán các hiện tượng, sự việc sai trái, đi ngược lại với lợi ích của đất nước, dân tộc. Đồng thời, qua công tác chuyên môn của mình sẽ có những phản bác sắc bén, thuyết phục trước những luận điệu xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận giá trị của học thuyết Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, giúp cho bản thân và học viên của trường luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, nắm bắt thông tin và cách thức để bảo vệ nền tảng tư tưởng của chế độ xã hội mà chúng ta đang xây dựng.

2.3. Một số đề xuất

Trước hết, cấp ủy của các trường chính trị nói chung và ở đồng bằng sông Cửu Long nói riêng quan tâm hơn nữa trong lãnh đạo, kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa của đội ngũ giảng viên, viên chức của trường. Trước hết cần giáo dục ý thức trách nhiệm trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp để mỗi giảng viên, viên chức của trường có thái độ, động cơ, hành động đúng đắn trong hoạt động chuyên môn được giao.

Đồng thời, mỗi giảng viên cần phải không ngừng rèn luyện, tự tạo cho mình sự vững vàng về lập trường, bản lĩnh chính trị trên cơ sở nhận thức đúng đắn, đầy đủ về những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó biến nhận thức, hiểu biết của mình thành những kiến thức lý luận sắc bén, súc tích để truyền đạt cho học viên và nêu gương trong thực hiện những giá trị đó.

Ngoài ra, mỗi giảng viên, viên chức của trường chính trị còn phải có thái độ đúng đắn trước những điều sai trái, đi ngược lại với lợi ích chung của dân tộc, đất nước để từ đó có quan điểm đấu tranh, phản bác cụ thể, rõ ràng và cảnh báo những nguy cơ sa ngã trong đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, kiên quyết không theo đuôi, phụ họa những quan điểm sai trái, lệch lạc.

Bên cạnh đó, mỗi giảng viên, viên chức của trường cần giữ gìn và phát huy những chuẩn mực trong các mối quan hệ nội bộ của tổ chức và trong mối quan hệ với học viên theo quy tắc ứng xử văn hóa đã được ban hành theo Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG.

Thứ hai, tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cụ thể hóa nội dung học tập gắn với từng vị trí việc làm cụ thể bởi đây chính là giải pháp cốt lõi để thực hiện nhiệm vụ “trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân.” đã được khẳng định trong Nghị quyết số 33-NQ/TW – Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Mặt khác, đảng ủy cần cụ thể hóa các nội dung hoạt động để phân công nhiệm vụ cho các chi bộ trực thuộc nghiên cứu, chuẩn bị các bài viết đấu tranh phản bác những thông tin xấu, độc, bóp méo học thuyết Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh để vừa góp phần nâng cao nhận thức lý luận chính trị trong đảng bộ, vừa là tư liệu để giảng viên lồng ghép nội dung đấu tranh trong các bài giảng trên lớp giúp cho học viên nhìn nhận rõ bản chất của các thông tin này.

Thứ ba, đảm bảo tính dân chủ trong mọi hoạt động, đồng thời ngăn chặn hiệu quả các biểu hiện dân chủ hình thức để đảm bảo lợi ích cũng như điều kiện cho sự phát triển chung của đảng bộ và của từng thành viên trong đảng bộ.

Thứ tư, kịp thời phê bình những biểu hiện chưa văn hóa đối với nhiệm vụ, công việc được giao hoặc trong quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường và có biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đạo đức làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức.

3. Kết luận

Xây dựng văn hóa chính trị trong giai đoạn hiện nay là một trong những nội dung quan trọng để phát huy vai trò, năng lực lãnh đạo của mỗi tổ chức đảng. Để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, sứ mệnh của mình đảng bộ trường chính trị cũng cần xây dựng thành công văn hóa chính trị qua đó đóng góp tích cực vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và sự phát triển chung của địa phương, của đất nước. Điều này đòi hỏi cần có sự quyết tâm của cấp ủy và của từng đảng viên, viên chức trong đảng bộ trường để thực hiện các chuẩn mực, giá trị văn hóa chính trị ở mỗi hoạt động được phân công./.

 

Tài liệu tham khảo:

1.   Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2014), Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

2.   Hoàng Chí Bảo (2017), Xây dựng văn hóa trong chính trị và văn hóa trong kinh tế, Tạp chí Lý luận chính trị, số 6 -2017, tr.9

3.   Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2014, tr.53.

4.   Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2017), Quyết định số 5029/QĐ-HVCTQG Ban hành Quy định về ứng xử văn hóa của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

5.   Pye L. (1968), “Political Culture”, in: International Encyclopedia of the Social Siences, 12, London, Macmillan.

6.   Song Thành (2010), Hồ Chí Minh nhà văn hoá kiệt xuất, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.86.

7.   http://philosophy.vass.gov.vn/nghien-cuu-theo-chuyen-de/Triet-hoc-Van-hoa/Van-hoa-va-van-hoa-chinh-tri-tu-cach-nhin-tiep-can-cua-triet-hoc-chinh-tri-macxit-183.html

 

ThS. Nguyễn Thị  Nụ - Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật


Các tin khác: