Nghiên cứu khoa học - thực tế
Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 - Đòn quyết định trực tiếp đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương


Tóm tắt: Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những thắng lợi to lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam.Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Bài viết giới thiệu về thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đến Hiệp định Giơnevơ và những ý nghĩa to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Từ khóa: Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ.

1.   Đặt vấn đề

Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến thắng vĩ đại nhất của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đã tạo ra cục diện thuận lợi trên bàn đàm phán, buộc Pháp ký Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thắng lợi này đã để lại những ý nghĩa sâu sắc cho thế hệ hôm nay phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2.   Nội dung

      2.1. Từ Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đến Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương

Sau những thất bại liên tiếp trên các chiến trường, Chính phủ Pháp cử Hăngri Nava sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy, đề ra kế hoạch chiến lược cả về chính trị và quân sự nhằm tìm lối thoát cho cuộc chiến tranh, về quân sự, Nava chủ trương: trong hai năm 1953-1954, thực hiện phòng ngự chiến lược ở miền Bắc, tiến công và bình định miền Nam, đặc biệt là tấn công vùng tự do Liên khu V. Sau khi có được ưu thế về lực lượng cơ động, từ mùa Thu năm 1954 sẽ tập trung tiến công trên chiến trường Bắc Bộ, tạo nên một cục diện có lợi cho Pháp để đàm phán kết thúc chiến tranh.

Đầu tháng 10-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954 và đối phó với Kế hoạch Nava.

Theo kế hoạch, một bộ phận chủ lực hành quân lên Tây Bắc nhằm tiến công giải phóng thị xã Lai Châu, địa bàn duy nhất ở Tây Bắc mà quân Pháp còn đang đóng giữ. Phát hiện được động thái này của ta, ngày 20, 21 và 22-11-1953, Nava lập tức điều động 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống chiếm đóng Điện Biên Phủ nhằm ngăn chặn quân ta tiến đánh Lai Châu và tiến sang Thượng Lào rồi xuống Trung Lào... Bộ chỉ huy Pháp quyết định rút bỏ Lai Châu vào đầu tháng 12-1953, đưa lực lượng về tăng cường cho Điện Biên Phủ. Âm mưu của Pháp và can thiệp Mỹ là xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh để ngăn chặn quân ta đánh sang Lào, thu hút và tiêu diệt chủ lực của ta.

Trước âm mưu và hành động của thực dân Pháp, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp mở rộng, quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Với tinh thần cả nước cho Điện Biên Phủ chiến thắng, từ vùng tự do đến vùng địch đang chiếm đóng, quân và dân ta đã dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Đồng thời, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh chủ trương mở nhiều cuộc tiến công trên các hướng chiến trường nhằm phân tán khối cơ động chiến lược của quân Pháp đang tập trung ở đồng bằng Bắc Bộ, làm thất bại kế hoạch Nava.

Sau khi thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch từ “đánh nhanh, giải quyểt nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” để có thêm thời gian chuẩn bị lực lượng, cách đánh, đảm bảo hậu cần, chiều 13-3-1954, bộ đội ta tấn công cụm cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch. Sau 56 ngày đêm tiến công, chiến đấu quyết liệt, chiều 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, hình thức phòng ngự cao nhất và cuối cùng của thực dân Pháp đã bị tiêu diệt.

Phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, các chiến trường trên toàn Đông Dương như Thượng Lào, Trung Lào, Tây Nguyên, Khu V, Nam Bộ... đồng loạt tiến công làm cho địch bị phân tán, không ứng cứu được cho nhau. Điện Biên Phủ thất thủ, kế hoạch Nava thất bại.Chiến thắng trong Đông Xuân 1953-1954 đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của kẻ thù, làm thay đổi cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám 1945. Đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại, đây là chiến thắng chung của nhân dân Đông Dương, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Ngày 25-01-1954, Hội nghị Tứ cường khai mạc tại Beclin (Đức), quyết định sẽ triệu tập một Hội nghị quốc tế ở Giơnevơ để giải quyết chiến tranh Triều Tiên và vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ngày 26-4-1954, Hội nghị Giơnevơ chính thức khai mạc, trùng với thời khắc Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi chiến dịch tiến công đợt 02 ở Điện Biên Phủ.

Tin tưởng chắc chắn vào chiến thắng sẽ đến ở Điện Biên Phủ, từ ngày 13-3-1954 (cùng ngày Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn), Hội đồng Chính phủ Việt Nam nhóm họp, bày tỏ quan điểm tán thành Hội nghị Giơnevơ, thảo luận về lập trường, phương châm đấu tranh ngoại giao và cử Đoàn đại biểu tham gia Hội nghị. Phía ta chủ trương vừa đánh, vừa đàm, đánh cho đến khi có ưu thế hơn đối phương và đợi đến lúc ở Giơnevơ đạt được được thỏa thuận chính trị phù hợp rồi mới đình chiến, thậm chí chỉ đồng ý đình chiến về nguyên tắc, còn nội dung đình chiến cụ thể phụ thuộc vào sự phát triển của tình hình.

Ngày 04-5-1954, Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới Giơnevơ. Ngày 08-5-1954, phiên họp đầu tiên chính thức bắt đầu.Theo quy luật của ngoại giao, việc đàm phán bao giờ cũng phải dựa trên thực lực của các bên.Vì vậy, đoàn đại biểuViệt Nam Dân chủ cộng hòa đến dự Hội nghị với tư thế là người chiến thắng; trong khi đó, đoàn đại biểucủa Pháp đến dự Hội nghị với trang phục lễ tang, đau buồn. Điều đầu tiên ngoại trưởng Pháp phát biểu tại Hội nghịlà báo tin Điện Biên Phủ thất thủ.Ngược lại, việc đầu tiên đoàn Việt Nam phát biểu là tuyên bố cho phép phía Pháp đến Điện Biên Phủ nhận thương binh.Tiếp đó, đồng chí Phạm Văn Đồng - Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao đưa ra đề nghị giải pháp hòa bình 8 điểm giải quyết toàn diện các vấn đề về quân sự chính trị của cả ba nước Việt Nam - Lào - Camphuchia. Đây là một đề nghị hoàn chỉnh, thỏa đáng được dư luận hoan nghênh.Trái lại, phía Pháp chỉ đưa ra được một đề nghị về vấn đề quân sự[2, tr.677].

Thực dân Pháp thất bại tại chiến trường Điện Biên Phủ làm cho hy vọng thương lượng trên thế mạnh bị tan vỡ, song nước Pháp vẫn luôn tỏ ra cứng rắn. Những nước còn lại tham dự Hội nghị đều có những động cơ riêng đặt trong bối cảnh cùng tồn tại hòa bình đang trở thành một xu thế lớn chi phối quan hệ quốc tế.Các nước lớn (kể cả Liên Xô, Trung Quốc) đều muốn chấm dứt các cuộc xung đột khu vực.Sự mâu thuẫn lập trường và lợi ích của các bên tham gia làm cuộc đấu tranh tại Hội nghị trở nên căng thẳng, gay go, quyết liệt trong suốt 08 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp (từ ngày 08-5 đến ngày 21-7-1954).

Sau nhiều tranh cãi, thảo luận, thỏa thuận, ngày 21-7-1954, các bên tham gia Hội nghị Giơnevơ đạt được những nhất trí mang tính then chốt, thể hiện sự hòa hoãn và tư tưởng “chung sống hòa bình” giữa các nước lớn trong thương lượng. Các bên tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc ỉập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Lào, Việt Nam, Campuchia.Lấy vĩ tuyến 17 (dọc sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với một khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến. Việt Nam tiến tới thống nhất bằng cuộc Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, dự kiến tổ chức vào tháng 7-1956.

Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình ở Đông Dương đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của cách mạng Việt Nam, góp phần thúc đẩy cách mạng Lào và Campuchia, cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc, đẩy nhanh quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi thế giới.Hiệp định Giơnevơ là cơ sở pháp lý quốc tế đầu tiên khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Hiệp định Giơnevơ là điều kiện tiên quyết để Việt Nam xây dựng miền Bắc vững mạnh, trở thành hậu phương chiến lược, chi viện cho chiến trường lớn miền Nam đánh Mỹ. Hiệp định Giơnevơ đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.

Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nhân Hội nghị Giơnevơ thành công.Người nêu rõ thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Người khẳng định công lao to lớn của đồng bào miền Nam anh hùng đi trước về sau trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc và kêu gọi nhân dân cả nước đoàn kết phấn đấu vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Trung tuần tháng 8-1954, Hội đồng Chính phủ đã họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng báo cáo về Hội nghị Giơnevơ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo về việc quân và dân Việt Nam đã thi hành đúng đắn mệnh lệnh ngừng bắn như Hiệp định Giơnevơ quy định. Hội đồng Chính phủ đã thông qua đề án tổ chức Ban tiếp đón bộ đội, cán bộ và đồng bào miền Nam tập kết.

2.2. Ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay

Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, nhưng nhân tố giữ vai trò quan trọng nhất là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ của Đảng, trực tiếp là quyết định mở chiến dịch (6-12-1953). Quyết định lịch sử ấy để lại cho cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý báu: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững và tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng; kịp thời nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ, chỉ đạo chiến lược nhạy bén, sắc sảo nhằm tập trung sức mạnh cao độ cả nước để giành thắng lợi. Những bài học kinh nghiệm ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong các chặng đường cách mạng tiếp theo, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh đường lối lãnh đạo của Đảng ta là đúng đắn, sáng tao để đi đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ cho đến những thành tựu to lớn sau hơn 35 năm đổi mới hiện nay.

Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa quan trọng đối với công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; đặc biệt là thế hệ trẻ. Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay cần nêu cao lòng yêu nước, tinh thần độc lập tự chủ, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức, phát huy trí thông minh sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Cùng với đó là ý chí, niềm tin, khát vọng vươn lên, xây dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh theo tinh thần Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Biến quyết tâm thành hành động, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng cơ đồ, nâng tầm vị thế, uy tín, tiềm lực của Việt Nam trên trường quốc tế.

Để làm được điều đó, thế hệ trẻ phải rèn đức luyện tài, sống có lý tưởng, có trách nhiệm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách bằng ý chí và nghị lực từ sự noi gương thế hệ cha anh đi trước, cống hiến hết sức mình cho công cuộc xây dựng kinh tế, xã hội, làm cho quê hương thêm giàu đẹp, phồn vinh, hạnh phúc. Đặc biệt, trong bối cảnh quốc tế, tình hình khu vực và trong nước còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các nguy cơ đe dọa đến đất nước vẫn tồn tại và có mặt còn gay gắt hơn; trong đó, các thế lực thù địch vẫn không ngừng thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình đối với nước ta. Để giữ gìn và phát huy những thành quả cách mạng Việt Nam mà cha ông ta đã chiến đấu, hy sinh để giành được; mỗi ngườichúng ta cần cố gắng, nỗ lực không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững lập trường tư tưởng, nhận thức rõ, đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, xuyên tạc sự thật lịch sử đất nước nói chung và sự thật về Chiến thắng Điện Biên Phủ nói riêng của các thế lực thù địch. Tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thế hệ hôm nay sẽ kế tục xứng đáng truyền thống của cha anh, nêu cao tinh thần cách mạng, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo để có những thành công rực rỡ góp phần xây dựng và bảo vệ thành công Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

3.     Kết luận

Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng. Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024) và 70 năm ngày ký Hiệp định Giơnevơvề chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương (21/7/1954-21/7/2024). Thế hệ hôm nay càng trân trọng, biết ơn sự hy sinh của các bậc cha, ông đi trước và phát huy hơn nữa ý nghĩa, giá trị sâu sắc của chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơvào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay.

 

Tài liệu tham khảo

1.   Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021), giáo trình  Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chương trình trung cấp lý luận chính trị, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội.

2.   Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (1981), tập 1, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

 

Chu Thị Phương Ngọc - GV. Khoa Xâ dựng Đ